Unicef: Trẻ em gặp nhiều rủi ro về sức khỏe do tỷ lệ tiêm vaccine giảm
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) cho rằng chiến tranh, bất bình đẳng và sự chủ quan là những nguyên nhân chính khiến 20 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm phòng.
Một nhân viên y tế cho một em bé uống vaccine phòng bại liệt ở Jakarta, Indonesia. Nguồn: The Guardian
Thống kê của Unicef trong năm 2018 cho thấy, cứ 10 trẻ lại có 1 trẻ không được tiêm phòng những loại vaccine cơ bản về sởi, bạch hầu và uốn ván, nâng tổng số trẻ không được tiêm phòng toàn cầu lên mức khoảng 20 triệu. Kể từ năm 2010, trên toàn cầu, tỷ lệ trẻ em đã được tiêm chủng vaccine phối hợp bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTP3) và vaccine sởi đang ngừng ở mức 86% trong khi để ngăn chặn các dịch bệnh trên bùng phát thì tỉ lệ này phải đạt 95%.
Thông thường, phần lớn trẻ em không được tiêm phòng đều sống ở các quốc gia nghèo nhất thế giới hoặc tại các quốc gia bị chia rẽ do xung đột. Nhưng hiện tại, ngay cả ở các quốc gia phát triển, số trẻ em được tiêm chủng cũng giảm đi do hai nguyên nhân chính: tâm lý chủ quan bởi trẻ em ở đó ít mắc các bệnh trên và sự nghi ngờ về tác dụng phụ của vaccine. Điều này dẫn đến hiện tượng suy giảm độ phủ của miễn dịch và những ca tử vong do bệnh sởi.
Dữ liệu của Unicef cho thấy năm 2018 có gần 350 000 trường hợp mắc sởi, nhiều gấp đôi so với năm 2017. Các quốc gia gặp phải xung đột vũ trang như Congo và Somalia đã bùng phát dịch bệnh. Quốc gia có tỉ lệ mắc sởi cao nhất là Ukraine, tỉ lệ tiêm phòng nơi đây đã giảm còn 54% vào năm 2010 và vẫn ở mức thấp trong vài năm trước khi gia tăng trở lại tỷ lệ tiêm phòng. Thiếu vaccine là một phần nguyên nhân, nhưng phần khác là do người dân ở đây không tin tưởng vào bác sĩ và tin vào luận điệu của những người chống vaccine.
“Sởi là chỉ dấu thực tế cho chúng ta thấy những nơi cần nỗ lực hơn để phòng chống các loại bệnh có thể phòng ngừa được”, Henrietta Fore, Giám đốc điều hành của Unicef cho biết. “Bệnh sởi rất dễ lây lan, nên mỗi đợt bùng phát dịch sẽ chỉ ra cộng đồng nào đang thiếu tiêm phòng, có thể do bất kì nguyên ngân nào như hạn chế về tiếp cận vaccine, chi phí đắt đỏ hoặc chủ quan. Chúng ta cần phải cố gắng hết sức để tiêm phòng cho mọi trẻ em”.
Số lượng trẻ em được tiêm vaccine ở Anh không đạt mức cần thiết để ngăn chặn dịch sởi bùng phát – đây là nước thứ ba trong số các quốc gia phát triển có mặt trong bảng xếp hạng về số trẻ em không được tiêm vaccine, đứng đầu là Pháp và Mỹ. Năm ngoái, hơn 60,000 trẻ em không được tiêm mũi MMR (phòng sởi, quai bị và rubella). Tỉ lệ trẻ được tiêm mũi này đang ở mức 92%.
“Vaccine cứu sống 3 triệu người mỗi năm, tuy nhiên các thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc độc hại đã ‘tiếp tay’ cho sự nghi ngờ của công chúng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang đi lùi trong cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được”, Alastair Harper, người đứng đầu các chiến dịch vận động của Unicef ở Anh cho biết.
“Ở các quốc gia có thu nhập cao như Anh, việc gia tăng các thông tin sai lệch về vaccine trên những nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội là một trong những nhân tố chính liên quan đến việc nghi ngờ vaccine. Các nhóm anti vaccine đang lợi dụng bậc cha mẹ, gây hoang mang và lo sợ, nhằm phá vỡ lịch trình tiêm vaccine thường lệ cho trẻ em”
Hiện nay, phần lớn trẻ em không được tiêm vaccine sống ở các quốc gia nghèo nhất và phân bố không cân đối tại những vùng dễ bị tổn thương hoặc đang bị ảnh hưởng bởi xung đột. Gần một nửa trong số này đến từ 16 quốc gia – Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Sát, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Haiti, Iraq, Mali, Niger, Nigeria, Pakistan, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen.
“Vaccine là một trong những công cụ quan trọng nhất để ngăn chặn sự bùng nổ dịch bệnh và duy trì an toàn cho thế giới”, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết. “Dù phần lớn trẻ em hiện đều được tiêm vaccine nhưng vẫn còn quá nhiều trẻ em chưa được hưởng điều đó. Thật khó chấp nhận khi điều này thường xảy ra với những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất – những trẻ em nghèo, yếu thế nhất, bị các cuộc xung đột hoặc bạo lực ở quốc gia của mình tác động– lại là những đối tượng không được quan tâm.”
Robin Nandy, trưởng ban tiêm chủng và cố vấn chính của Unicef cho biết: “Chúng ta có cơ hội giúp đỡ những trẻ em này bằng một biện pháp can thiệp phổ biến và ít tốn kém. Tiêm phòng là viên đạn bạc cho sức khỏe cộng đồng. Một liều một lần trong đời sẽ bảo vệ họ khỏi một loạt các bệnh tật như sởi chẳng hạn”.
Sự bùng phát dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm với trẻ em, gia đình và mọi người xung quanh, gây tốn kém cho chính phủ. Nandy nhận xét rằng “Tiêm phòng rẻ hơn nhiều so với việc đầu tư vào các phương thức chữa bệnh”. Ước tính, cứ đầu tư 1USD vào tiêm phòng có thể thu được lợi ích khoảng 16-44 USD. “Đó là một trong những vụ mua bán có lãi nhất với sức khỏe cộng đồng”, ông khẳng định.
Thanh An dịch