Ước tính số người bị viêm gan C giảm một nửa do thay đổi cách tầm soát
Báo cáo Toàn cầu về Bệnh viêm gan của WHO ước tính, năm 2015, số người bị nhiễm virus viêm gan C chỉ là 71 triệu, chứ không phải 130-150 triệu như ước tính trước đó.
Virus viêm gan C.
Báo cáo giải thích, con số giảm ngoạn mục này chủ yếu là kết quả của việc thay đổi phương pháp tầm soát virus viêm gan C (HCV). Các xét nghiệm tầm soát trước đây dựa trên việc phát hiện kháng thể do cơ thể tạo ra để phản ứng lại với một vài thành phần cấu tạo của HCV không thật sự chính xác đã được thay bằng các xét nghiệm đo lường RNA – vật liệu di truyền của HCV – ở người.
Graham Cooke, chuyên gia về bệnh viêm gan tại Đại học Hoàng gia London, cho biết, việc tầm soát dựa vào kháng thể để xác định số người mắc HCV đang gây nhầm lẫn theo hai cách. Gần đây, Cooke đã tiến hành một phân tích tổng hợp đối với các nghiên cứu ở châu Phi hạ Sahara và phát hiện thấy chỉ có 51% số người có kết quả dương tính trong các xét nghiệm kháng thể có RNA của HCV. Nguyên nhân của khoảng 1/3 số trường hợp thiếu nhất quán trong kết quả xét nghiệm là do một số người tự loại trừ được virus, mặc dù các kháng thể vẫn tồn tại. Một nguyên nhân khác là bản thân các xét nghiệm kháng thể thường không chính xác, theo chuyên gia Cooke.
Đồng thời với việc đặt trọng tâm tầm soát vào virus thay vì kháng thể, các nhà khoa học trên toàn cầu cũng tích cực nghiên cứu thế hệ thuốc mới. Cho đến năm 2011, các loại thuốc tiêu chuẩn điều trị HCV không trực tiếp tấn công vào virus và đều rất độc, đòi hỏi 48 tuần điều trị với tỷ lệ thất bại lên đến 40%. Nhưng một loạt thuốc làm tê liệt virus HCV chỉ đòi hỏi 12 tuần điều trị đã chữa thành công cho hầu như tất cả các trường hợp kể từ khi có mặt trên thị trường, chưa kể còn ít có tác dụng phụ. Những loại thuốc này nổi tiếng là đắt ở các nước phát triển – khoảng 45.000 USD để chữa khỏi bệnh – nhưng các công ty dược cho phép các nước nghèo hơn sử dụng thuốc gốc [thuốc generic] chỉ tốn khoảng 200USD cho toàn bộ quá trình điều trị.
Cách chẩn đoán dựa trên kiểm tra kháng thể đơn giản hơn nhưng cũng kém chính xác hơn so với phương pháp đo lường RNA của HCV, hiện vẫn được sử dụng rải rác ở nhiều nước nghèo. Báo cáo của WHO ước tính chỉ có 14 triệu người biết họ bị nhiễm HCV, bởi vậy vấn đề thật sự hiện nay là chẩn đoán chứ không phải điều trị.
Báo cáo nói trên cũng ước tính có 257 triệu người nhiễm virus viêm gan B (HBV), một con số rất gần với các ước tính trước đó. Mặc dù HBV và HCV không liên quan đến nhau nhưng đây là hai căn bệnh tồn tại thầm lặng, thường người nhiễm virus không biết về tình trạng của mình, và đều có thể gây ra xơ gan hoặc ung thư gan. Năm 2015, hai loại virus này đã cướp đi sinh mạng của 1,34 triệu người mà báo cáo nhấn mạnh là tương đương với con số tử vong do bệnh lao và cao hơn so với con số tử vong do HIV/AIDS.
Trong khi HCV được điều trị dễ dàng hơn thì HBV dễ ngăn ngừa hơn. Hiện chưa có vắc-xin HCV, nhưng năm 2015, có đến 84% trẻ em trên thế giới đã được tiêm vắc-xin HBV. “HBV ở trẻ em sẽ sớm trở thành dĩ vãng,” Yvan Hutin, chuyên gia về gan của WHO tại Geneva, tác giả chính của báo cáo, nói.
Nhàn Vũ dịch