Vài nét về mẫu hình công ty spin-off trên thế giới
Mô hình công ty spin-off là một trong những giải pháp tốt nhất để thương mại hoá sản phẩm công nghệ. Các công ty spin-off tạo ra cơ hội cho những nghề nghiệp trình độ cao, thành quả của nó là động lực của nền kinh tế tri thức.
Năm 2003, 44 công ty spin-off của ĐH Alberta thu hút hơn 150 triệu USD đầu tư cá nhân, so với khoảng 15 triệu USD từ khu vực công cộng.
Ở đây, các nhóm chuyển giao công nghệ và phát triển công ty spin-off giúp các nhà phát minh triển khai việc thành lập công ty và đăng ký bản quyền công nghệ của trường ĐH để làm nền tảng công nghệ cho công ty đó. Sau khi xác định được tính khả thi, những bước đầu tiên là phải xây dựng được các hợp đồng và thống nhất điều khoản giữa các bên. Những bước tiếp theo có thể là cung cấp sự tư vấn về kế hoạch thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng đội ngũ điều hành và nhận định sự liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng cũng như các nguồn tài chính khác.
Lộ trình hoạt động
Giai đoạn đầu: Trong giai đoạn đầu, công ty được sáp nhập và nằm trong một quan hệ thống nhất với trường ĐH, nó sẽ phát triển dần lên để có thể sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn chuyển giao này, các công ty có thể theo đuổi sự cộng tác với các hiệp hội, hoạt động tài chính, phát triển công nghệ, xây dựng một đội ngũ điều hành và những chuyên môn thích hợp.
Giai đoạn công ty đi vào hoạt động: một công ty “hoạt động” nghĩa là giành được một không gian tư nhân/cho thuê thích hợp để phục vụ cho sự vận hành của nó. Đồng thời, ít nhất một trong hai điều kiện sau phải thỏa mãn, thứ nhất, phải có một đội ngũ điều hành, thứ hai, đảm bảo được khả năng thu nhập tài chính liên tục. Một công ty hoạt động phải có khả năng giữ được cân bằng và ổn định cho sự phát triển trong tương lai, sau khi đã hoàn tất các giai đoạn đầu tiên của sự thành lập.
Công ty spin-off Onware
Một trong những công ty spin-off mới nhất của ĐH Alberta là tập đoàn phần mềm Onware. Onware đã mở rộng cánh cửa thương mại của nó từ tháng 9 năm 2002. Công ty được thành lập sau khi các sinh viên tốt nghiệp khoa học máy tính của ĐH Alberta là Fraser Gallop và Ian Moon phát triển một đề án chuyển giao công nghệ cùng với John Shillington, giám đốc của một chương trình gọi là Nghiên cứu và Cách tân trong việc Sáng lập Công ty Mới (LINC – Learning and Innovation in New Company Creation).
Mặc dù sự phát triển dường như là rất nhanh, nhưng trên thực tế, sản phẩm phần mềm đã phải dựa trên công sức bảy năm nghiên cứu của các giáo sư ĐH Alberta, đó là Paul Sorenson, Jim Hoover và Eleni Stroulia, những nghiên cứu viên nòng cốt của chương trình LINC, làm việc ở Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Phần mềm (SERL – Software Engineering Research Lab).
Xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu mà những giáo sư này cùng các cộng sự đã đạt được ở SERL, Gallop, Moon và Shillington đã thúc đẩy sự áp dụng việc điều hành giao tiếp cho các công ty xây dựng có hệ thống trực tuyến. Sau đó, ba người này quyết định đưa sản phẩm của họ ra thị trường, và Onware ra đời. Shillington là chủ tịch công ty, Gallop là phó chủ tịch, còn Moon hoạt động với vai trò kiến trúc sư nòng cốt về phần mềm.
Mặc dù mới bắt đầu và còn tương đối ít kinh nghiệm kinh doanh, nhóm này cũng đã tranh thủ được những lợi ích từ các mối liên kết, sự tư vấn sản xuất kinh doanh và xây dựng được sự nhạy bén cần thiết để đạt tới thành công. Onware đã xây dựng được một cơ sở khách hàng với khoảng 20 nhà doanh nghiệp đang sử dụng sản phẩm của họ.
“Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng, việc phân tích dữ liệu cho các đề án kiến trúc và kỹ thuật đang thách thức việc sử dụng các phương pháp truyền thống, và thông thường, nó đòi hỏi tới 10% ngân sách đề án”, Gallop nói. “Sản phẩm phần mềm của chúng tôi, là một giải pháp trực tuyến, giúp làm giảm những chi phí này bằng việc xử lý dữ liệu và hệ thống giao tiếp của đề án, đồng thời lưu giữ lại tất cả thông tin để tham khảo trong tương lai”.
Tổ chức Onware được hình thành một cách đặc biệt dành cho những đề án tự động trong công nghiệp xây dựng, từ công đoạn thiết kế kiến trúc, qua thiết kế kỹ thuật, đến công đoạn xây dựng.
“Lò ấp” các công ty spin-off của Đại học Alberta
Việc sáng lập công ty spin-off trong các trường ĐH Canada bị thách thức bởi sự khả năng giới hạn về không gian dành cho quá trình thai nghén những công ty mới. Sự thành lập Trung tâm Chuyển giao Nghiên cứu (RTF – Research Transition Facility) hồi năm 2000 đã giúp ĐH Alberta vượt qua thách thức này và từ đó làm tăng số lượng cũng như chất lượng tri thức và công nghệ của những công ty khơi nguồn từ hoạt động nghiên cứu ở trường ĐH.
RTF cho phép các công ty start-up mới tiếp tục cải cách công nghệ và thống nhất được với lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục. RTF sẽ nuôi dưỡng và nâng đỡ giai đoạn ban đầu của các kế hoạch kinh doanh, cùng phối hợp xây dựng thị trường cho các sản phẩm cũng như đảm bảo lợi ích rõ ràng cho những thành viên và các nhà đầu tư. RTF có thể đảm bảo không gian sinh sống cho 15 đến 20 công ty ở bất kỳ thời điểm nào, phụ thuộc vào nhu cầu về không gian đối với mỗi cơ sở, với hy vọng rằng, “thời gian cư trú” đối với bất cứ một công ty nào cũng nằm trong giới hạn từ sáu tháng đến bốn năm. RTF giúp các công ty thực hiện sự chuyển giao thành công từ một môi trường nghiên cứu hàn lâm sang một khu vực hoạt động thương mại.
“Điển hình” Lenovo
Thông tin nhanh về các công ty spin-off của Đại học Alberta, tính đến 31/3/2005
+ 84 công ty spin-off được thành lập kể từ năm 1963.
+ 69 công ty spin-off hiện đang hoạt động.
+ 1 công ty mới được thành lập trong giai đoạn 2004-2005.
+ 60 công ty được sáng lập trong vòng một thập kỷ gần đây, kể thời điểm hình thành Đơn vị Chuyển giao Công nghệ Đại học Alberta.
+ Các công ty spin-off trực tiếp sử dụng hơn 1000 lao động tri thức trình độ cao. + 7 công ty spin-off của Đại học Alberta là các công ty thương mại công cộng. + Đại học Alberta nắm cổ phiếu của 36 công ty spin-off, với giá trị ước tính khoảng 38 triệu USD + 90% các công ty spin-off có trụ sở ở Alberta, 80% trong số đó nằm ở Edmonton. |
Năm 1984, với số vốn ban đầu 200.000 NDT (25.000 USD – chưa bằng giá một chiếc ô tô ở Việt Nam) do Viện Khoa học Trung Quốc cấp, nhà khoa học Lưu Truyền Chí (Liu Chuanzhi) cùng mười đồng nghiệp trong Viện thành lập Công ty Phát triển công nghệ mới. Họ thuê một gian nhà nhỏ làm trụ sở công ty. Sản phẩm đầu tiên của công ty là máy tính dành cho gia đình, loại máy lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Sau đó công ty mở rộng hệ thống bán lẻ trên cả nước, tạo nên thói quen dùng máy tính cho hàng triệu người Trung Quốc. Phần mềm từ điển Anh – Hán “Thiệp Truyền kỳ Trung Quốc” (Legend Chinese Character Card) được giải nhất Giải thưởng Tiến bộ khoa học – kỹ thuật Trung Quốc.
Năm 1989, công ty “thoát thai” khỏi Viện Khoa học Trung Quốc, trở thành Công ty tập đoàn Liên Tưởng Bắc Kinh, tên giao dịch tiếng Anh là Beijing Legend Computer Group Co, kinh doanh các mặt hàng máy tính, phần mềm, bo mạch chủ… Sau đó một năm, Công ty lên sàn giao dịch, và đến năm 1994, Legend đã có tên trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Sau một loạt thành công của thương hiệu máy tính Lenovo (1 triệu máy năm 1994, 10 triệu máy năm 1998), công ty đổi tên giao dịch từ Legend (Truyền Kỳ) thành Lenovo. Lenovo là từ ghép của “Le” – thừa kế phần đầu chữ “Legend” và “novo” – tiếng Latin là “mới”. Mục tiêu của Lenovo là chiếm lĩnh thị trường 3C (computer, communications, consumer electronics – máy tính, truyền thông và điện tử dân dụng). Tháng 5/2005, Lenovo gây chấn động khi mua bộ phận máy tính cá nhân của hãng IBM và trở thành một “đại gia” sản xuất máy tính cá nhân trên thế giới, có tổng doanh thu 13 tỷ USD/năm.
Lenovo rất chú trọng khâu nghiên cứu và phát triển, hiện bộ phận R&D của công ty đang nghiên cứu hơn 200 hạng mục, trong đó nhiều hạng mục là công nghệ hàng đầu. Lenovo cũng vừa thành lập Trung tâm Cách tân (Innovation Center) ở Research Triangle Park, Bắc California.