Vài nét về tình hình phát triển điện hạt nhân ở Trung Quốc
Kể từ năm 1978, khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển điện hạt nhân tới nay, Trung Quốc đã đạt được khá nhiều thành công khi có 17 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành, sản lượng điện hạt nhân năm 2013 chiếm 2,11% sản lượng điện cả nước, các chỉ tiêu vận hành của nhà máy điện hạt nhân đạt mức tiên tiến thế giới, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tốt.
I. Ba giai đoạn phát triển của điện hạt nhân Trung Quốc
Qua gần 40 năm, Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn phát triển điện hạt nhân là: Giai đoạn 1: bắt đầu phát triển, từ năm 1978 đến 2004; Giai đoạn 2: tăng tốc phát triển, 2004-2011; Giai đoạn 3: phát triển với hiệu suất cao, sau năm 2011.
Giai đoạn một
Năm 1985 bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn do Trung Quốc tự thiết kế và xây dựng – lắp đặt một tổ máy điện hạt nhân kiểu lò PWR, công suất 300 MW.
Năm 1987 bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Đại Á Loan, nhập công nghệ và thiết bị của Pháp, gồm 2 tổ máy kiểu lò PWR, công suất mỗi tổ 900 MW.
Ba tổ máy nói trên lần lượt được vận hành vào các năm 1991 và 1994.
Thời gian 1996-2000 bắt đầu xây dựng 4 công trình, đặt 8 tổ máy phát điện hạt nhân: là nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn đợt hai, Trung Quốc tự xây dựng; nhà máy điện hạt nhân Lĩnh Áo, tiếp tục nhập công nghệ Pháp; nhà máy điện hạt nhân Điền Loan, nhập công nghệ Nga.
Các công trình kể trên đã xây dựng xong vào năm 2002 và 2007.
Giai đoạn hai
Năm 2005, Nhà nước ban hành Quy hoạch trung-dài hạn phát triển điện hạt nhân 2005-2020, đề xuất phương châm « Tích cực phát triển điện hạt nhân ». Trung Quốc đi lên con đường phát triển nhanh điện hạt nhân.
Bản Quy hoạch đề xuất tới năm 2020, Trung Quốc sẽ vận hành 40 triệu kW điện hạt nhân, xây dựng 18 triệu kW. Chính quyền các địa phương và các công ty, doanh nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng Quy hoạch, dốc sức xây dựng điện hạt nhân.
Từ 12/2005 đến cuối 2010 đã duyệt xây dựng 10 nhà máy điện hạt nhân với tổng số 34 tổ máy, tổng công suất 37,32 GW. Tới nay đã đặt xong 6 tổ máy, đang đặt 28 tổ, nhìn chung việc xây dựng điện hạt nhân phát triển thuận lợi.
Giai đoạn ba
Tháng 6/2012, Cục An toàn hạt nhân quốc gia ban hành “Yêu cầu kỹ thuật thông dụng cải tiến hành động của các nhà máy điện hạt nhân sau sự cố Fukushima (thực hiện thử)”, đưa ra yêu cầu cải tiến hành động của các nhà máy điện hạt nhân trên 8 mặt nhằm nâng cao tính an toàn, gồm: Yêu cầu kỹ thuật cải tiến năng lực chống lũ của nhà máy điện hạt nhân; Yêu cầu kỹ thuật về bổ sung nước trong trường hợp khẩn cấp và thiết bị liên quan; Yêu cầu kỹ thuật về nguồn điện di động và thiết bị di động; Yêu cầu kỹ thuật giám sát bể chứa nhiên liệu (spent fuel pool); Yêu cầu kỹ thuật cải tiến hệ thống giám sát và khống chế khí hydrogen; Yêu cầu kỹ thuật về khả năng có thể cư trú tại Trung tâm điều khiển đối phó tình trạng khẩn cấp và chức năng; Yêu cầu kỹ thuật cải tiến sự giám sát và ứng phó môi trường bức xạ; Yêu cầu kỹ thuật đối phó khi xảy tai họa từ bên ngoài.
Ngày 24/10/2012, Chính phủ duyệt Quy hoạch an toàn điện hạt nhân và “Quy hoạch phát triển trung dài hạn điện hạt nhân (2011-2020)” sau điều chỉnh.
Tháng 11-12/2012, 4 dự án Phúc Thanh số 4 bắt đầu thực thi, nâng tổng số tổ máy điện hạt nhân của Trung Quốc lên 30.
Nửa đầu năm 2013, tổ máy số 1 nhà máy điện hạt nhân Ninh Đức (Phúc Kiến), tổ máy số 1 nhà máy điện hạt nhân Hồng Duyên Hà (Liêu Ninh) lần lượt đưa vào vận hành thương mại, tổng số tổ máy điện hạt nhân đang vận hành lên tới 17, với tổng công suất 14,70 triệu kW.
Nửa cuối năm 2013, các tổ máy 5 và 6 của nhà máy điện hạt nhân Dương Giang, tổ máy số 4 nhà máy điện hạt nhân Điền Loan lần lượt bắt đầu xây dựng. Tổng số tổ máy điện hạt nhân đang xây dựng lên tới 31, với tổng công suất 33,85 triệu kW.
Các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành
Tính đến 12/2013, Trung Quốc có 17 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành tại 5 cơ sở : Tần Sơn (tỉnh Triết Giang), Đại Á Loan (Quảng Đông), Điền Loan (Giang Tô), Hồng Duyên Hà (Liêu Ninh), Ninh Đức (Phúc Kiến), tổng công suất 14,70 triệu kW, chiếm 1,19% tổng công suất máy phát điện toàn quốc. Sản lượng điện hạt nhân năm 2013 chiếm 2,11% sản lượng điện cả nước.
Từ ngày bắt đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân đều bảo đảm an toàn tốt, chưa xảy ra sự cố bức xạ quá lượng quy định, mức độ bức xạ xung quanh nhà máy đều giữ ở trong phạm vi thiên nhiên.
Hai kỹ thuật viên cùng vận hành và ghi chép tại phòng điều khiển nhà máy điện hạt nhân Hồng Duyên Hà (Liêu Ninh).
Các chỉ tiêu vận hành của nhà máy điện hạt nhân đạt mức tiên tiến thế giới, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đều tốt, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân N được chính quyền và dân chúng địa phương xung quanh thông cảm và ủng hộ.
Các nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng
Cho tới nay đang xây dựng 31 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 33,85 triệu kW, chiếm gần 50% tổng công suất điện hạt nhân đang xây dựng trên toàn cầu.
Trình độ xây dựng, quản lý và công nghệ điện hạt nhân của Trung Quốc đạt mức tiên tiến của thế giới. Việc xây dựng bảo đảm được an toàn, kiểm soát được chất lượng. Trừ các hạng mục phải nhờ bên ngoài làm, về cơ bản công trình điện hạt nhân thực hiện đúng thời hạn dự định.
Phân tích Quy hoạch phát triển điện hạt nhân Trung Quốc
– Quy hoạch 2005-2020: đang vận hành 40 triệu kW, đang xây dựng 18 triệu kW.
– Quy hoạch 2012-2020: đang vận hành 58 triệu kW, đang xây dựng 30 triệu kW.
Đến năm 2020 đã có 48 triệu kW đang vận hành, thiếu 10 triệu kW.
Thời gian 2014-2015 cần xây dựng ít nhất 10 triệu kW (1 triệu kW cần xây dựng khoảng 10 tổ máy). Thời gian 2016-2020, cần xây dựng 30 triệu kW, tức 30 tổ máy, mỗi năm khoảng 6 tổ máy.
Như vậy nghĩa là thời gian 2014-2020 mỗi năm cần xây dựng 5-6 tổ máy, không kể các dự án quốc tế.
Tình hình phát triển điện hạt nhân Trung Quốc hiện nay
Các dự án điện hạt nhân mới xây dựng phải phù hợp tiêu chuẩn an toàn công nghệ điện hạt nhân thế hệ III, có năng lực nhất định trong việc ngăn ngừa và giảm bớt sự cố nghiêm trọng.
Trừ hai dự án đang xây dựng ra, các dự án điện hạt nhân ở sâu trong lục địa như Tam Môn đợt hai, Hải Dương đợt hai, Lục Phong (Quảng Đông), Từ Đại Bảo (Liêu Ninh), Đào Hoa Giang (Hồ Nam) đều dùng công nghệ AP1000, công nghệ này có triển vọng trở thành chủ lực trong phát triển điện hạt nhân Trung Quốc sau này.
Việc xây dựng các dự án AP1000 mới phụ thuộc vào tình hình tiến triển hai dự án Tam Môn, Hải Dương, cũng phụ thuộc vào sự nội địa hóa và tính kinh tế.
Trong một thời kỳ nhất định, công nghệ thế hệ III do Trung Quốc tự làm ra sẽ có không gian phát triển nhất định.
Tương lai của ngành điện hạt nhân Trung Quốc
Việc phát triển điện hạt nhân với quy mô vững chắc đã trở thành điều tất yếu khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Xét về nhiều phương diện, điện hạt nhân có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với các loại năng lượng tái tạo. Có thể nhận thấy rõ điều đó thông qua hai vấn đề sau.
1. Chi phí về năng lượng liên tục tăng, khó bảo đảm an toàn năng lượng.
Trung Quốc đang ở vào giai đoạn phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng. Thời kỳ 2006-2020, GDP hàng năm tăng hơn 6%, cần 9000 tỷ kWh, nếu không phát triển điện hạt nhân mà dựa vào các nguồn năng lượng sạch khác thì không đáp ứng nhu cầu.
Vấn đề an toàn năng lượng: năm 2013, mức độ phụ thuộc dầu mỏ nước ngoài lên tới 60%, vấn đề an toàn trong vận tải xuyên biên giới, trong khi nhiên liệu hạt nhân dễ vận chuyển và tồn trữ. Điện hạt nhân và các nguồn năng lượng sạch khác phải bổ sung lẫn nhau, thiếu cái nào cũng không được.
2. Nguồn năng lượng của Trung Quốc tất phải chuyển sang loại cacbon thấp.
Môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng. Thường xuyên xuất hiện ô nhiễm sương mù, nước, đất trên phạm vi lớn, trở thành vấn đề lớn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội và ổn định của Trung Quốc.
Trung Quốc chịu sức ép ngày càng lớn về biến đổi khí hậu toàn cầu và giảm khí thải. Hiện nay tăng trưởng lượng khí thải cacbon của Trung Quốc chiếm hơn một nửa toàn cầu, mục tiêu là sau khi đạt đỉnh điểm 2015-2025 sẽ phải bắt đầu hạ xuống. Vì các quốc gia phát triển không được “hoàn toàn miễn trừ” về lượng khí thải nên Trung Quốc phải thực hiện cam kết: năm 2020, lượng khí thải CO2 là 9,9 tỷ tấn, tương đương với lượng thải của Mỹ và EU cộng lại, hơn nữa con số này còn đang tăng lên, năm 2030 sẽ đạt đỉnh điểm sau đó từng bước giảm lượng thải cacbon. Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép đòi giảm lượng khí thải cacbon từ các nước phát triển và đang phát triển.
Hải Hoành tổng hợp
Nguồn:http://wenku.baidu.com/link?url=mbn0OnB9YomC8LMh7__j7u7Hc4f1VRVH_8VnKF90FF7SH99OoIFH0AHQ3FaQ-TmFpLyVc0x9K7z4PBs3qOALjjd2HqqF65SzFduXs1tyXq 中国核电发展现状 最终版