Vai trò các bên và lời khuyên cho người tiêu dùng
Tiếp theo kỳ trước về quá nhiều thông tin không chính xác về dinh dưỡng, kỳ này tác giả khuyến nghị về vai trò của các bên liên quan trong việc nâng cao sức ảnh hưởng của những nguồn thông tin dinh dưỡng đã được xác định và thẩm định, đồng thời đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng và nhà sản xuất
Người tiêu dùng chính là đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lựa chọn thông tin dinh dưỡng. Trên các diễn đàn chúng ta thấy không ít ông bố bà mẹ hoảng loạn tìm lời khuyên sau khi cho con ăn uống sai lầm và gặp vấn đề về dinh dưỡng. Những điều đó phần lớn đều có thể phòng tránh nếu chúng ta có ý thức trang bị cho mình một số hiểu biết căn bản về dinh dưỡng qua nhiều kênh khác nhau: các thành phần căn bản của thực phẩm, cách đọc nhãn dinh dưỡng, nhu cầu của từng độ tuổi, cách chế biến để giữ nguyên thành phần dinh dưỡng…
Chúng ta cũng nên suy nghĩ kĩ càng hơn khi tiếp nhận thông tin mới về dinh dưỡng để tránh đưa ra kết luận vội vã có thể gây hại cho sức khoẻ của cả gia đình. Nhất là hãy cẩn trọng khi áp dụng những chia sẻ kinh nghiệm của người xung quanh vào bản thân. Những kinh nghiệm đó phần nhiều là chưa được kiểm chứng khoa học hoặc có thể không hiệu quả trong trường hợp của chính bạn.
Thông tin dinh dưỡng nên ngắn gọn nhưng phải giữ được những yếu tố: có kết luận đầy đủ không cắt xén; nêu kèm theo bối cảnh của thông tin để người tiếp nhận có điều kiện cân nhắc về việc áp dụng; thông tin được thẩm định về độ xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc người có chuyên môn về dinh dưỡng; thông tin nên đi cùng đề xuất giải pháp nếu có thể. |
Về phía nhà sản xuất, họ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin dinh dưỡng, nguồn gốc các thành phần giúp sản phẩm được sử dụng hiệu quả hơn. Thêm vào đó việc nhà sản xuất nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm để giữ uy tín, sự tin cậy của khách hàng cũng có vai trò hết sức quan trọng, bởi thương hiệu của doanh nghiệp cũng là một thông tin không thể thiếu trong quá trình người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn các sản phẩm về thực phẩm và dinh dưỡng.
Vai trò của chuyên gia dinh dưỡng
Để đóng góp cho quá trình đưa thông tin dinh dưỡng chính xác hơn đến người tiêu dùng, các chuyên gia dinh dưỡng nên tham gia làm rõ sự thật về những luồng thông tin trái chiều, lên án những nguồn tin sai lệch hay vụ lợi. Tuy nhiên họ cũng cần tránh “hội chứng nghề nghiệp” là lên án tất cả những nguồn thông tin mới không do chính bản thân hoặc nơi mình làm việc đưa ra. Họ cần đảm bảo một thái độ thận trọng, tránh đưa ra ý kiến quá vội vã về một vấn đề ngoài tầm hiểu biết/cập nhật của mình, và không ngại nêu ra những điểm còn hạn chế/nghi ngờ của cuộc nghiên cứu để giúp công chúng và người tiêu dùng có cái nhìn nhiều chiều trước khi đưa ra quyết định của mình.
Các chuyên gia cũng cần giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn bản chất của những nguyên tắc dinh dưỡng khó hiểu bằng ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu, và tự áp dụng vào đời sống hằng ngày. Sự tham gia của các chuyên gia có thể qua nhiều hình thức: qua các diễn đàn về dinh dưỡng hay viết bài, xuất bản sách cho người tiêu dùng. Họ nên tham gia vào những hội đồng thẩm định sản phẩm để tránh nguồn độc hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên điều này cũng yêu cầu bản lĩnh chuyên môn và tâm lý vững vàng để có thể tránh xung đột giữa uy tín chuyên môn và lợi ích kinh tế.
Chính quyền và truyền thông
Chính quyền đóng vai trò quyết định trong việc điều phối, ban hành và thẩm định các thông tin dinh dưỡng, phát động các chương trình giáo dục diện rộng về dinh dưỡng, thu hút được nhiều nguồn đầu tư và sự tham gia của các tổ chức, người có khả năng. Các cơ quan sức khoẻ cộng đồng qua việc ban hành những thông tin rõ ràng, chính xác về dinh dưỡng (ví dụ như Khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt, tháp Dinh dưỡng…) sẽ trở thành một bộ lọc để người tiêu dùng có thể dựa vào đó loại bỏ những thông tin sai lệch.
Mặt khác, việc ban hành những quy định rõ ràng đầy đủ về sản phẩm thực phẩm kèm chế tài xử phạt rõ ràng nghiêm minh cũng khiến các nhà sản xuất phải tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin đến người tiêu dùng (ghi rõ thông tin dinh dưỡng trên nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…)
Về phía các cơ quan, tổ chức truyền thông, họ chính là cầu nối trực tiếp của khoa học và người tiêu dùng. Người làm báo có ưu điểm là biết cách làm cho những thông tin quá hàn lâm trở nên hấp dẫn, súc tích và dễ hiểu, dễ ứng dụng hơn. Họ cũng là người có mối quan hệ rộng rãi với nhiều chuyên gia dinh dưỡng, cơ quan có thẩm quyền nên sở hữu nguồn thông tin đồ sộ, cập nhật mỗi ngày. Họ còn có thể tư vấn cho những chuyên gia – những người quen với ngôn ngữ khoa học – cách đưa thông tin sao cho dễ tiếp nhận hơn. Tuy nhiên có không ít người trong ngành truyền thông hiện nay thường đưa thông tin giả, thông tin lệch lạc dưới lốt tuyên bố khoa học để câu khách.
Vì vậy, những người làm truyền thông không chỉ cần có ý thức trau dồi thường xuyên hiểu biết chuyên môn về dinh dưỡng để hiểu đúng trước khi truyền đạt, mà còn cần có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp để tìm ra được sự cân bằng giữa việc đưa thông tin đúng, đủ mà vẫn hấp dẫn, thu hút xã hội và đạt được những mục tiêu nghề nghiệp.
Lời khuyên cho người tiêu dùng thông thái
Trong thời đại thông tin ngày nay, điều khó khăn là hằng ngày chúng ta đang chìm ngập trong một biển thông tin về dinh dưỡng từ các đài phát thanh, truyền hình, các buổi nói chuyện hoặc tin tức, tạp chí, Internet hay một loạt các cuốn sách hướng dẫn dinh dưỡng. Vậy làm thế nào để biết những thông tin dinh dưỡng có đúng hay không? Một vài câu hỏi sau đây có thể giúp bạn phần nào tự đưa ra được nhận định của mình.
Cách xác định thông tin khoa học chuẩn
Người cung cấp thông tin về dinh dưỡng có đáng tin cậy không?
Với những kênh chủ yếu nghe nhìn như ti vi, đài radio, cần lưu ý rằng những phóng viên thường bị áp lực bởi thời gian cho một đoạn tin, thêm vào đó họ lại phải tìm cách đưa tin thu hút nhiều người nhất. Ngoài ra, do một số phóng viên không hoàn toàn có kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng và nội dung thông tin họ cung cấp thường không được kiểm tra lại bởi các chuyên gia dinh dưỡng nên nhiều khi dẫn tới tình trạng thông tin được truyền thông bị đơn giản hoá quá mức, bị cắt xén bớt kết quả nghiên cứu hoặc đưa thêm một số yếu tố giật gân không tồn tại trong nguyên bản. Điều này có thể khiến chúng ta nhận thức vấn đề sai hoàn toàn.
Để hạn chế điều ấy, hãy kiểm chứng xem những nguồn thông tin có được thẩm định hay kiểm tra bởi các cơ quan có thẩm quyền về dinh dưỡng, thực phẩm, cơ quan chính phủ (.gov) hoặc truyền thông hay không. Ở Việt Nam chúng ta có thể tham khảo một số trang thông tin của:
Viện Dinh Dưỡng quốc gia: viendinhduong.vn;
Bệnh viện K trung ương: benhvienk.vn;
Báo Sức khỏe và đời sống: suckhoedoisong.vn;
Tạp chí Y dược : tapchiyduoc.com;
Tạp chí Thực phẩm chức năng : healthplus.vn
Nghiên cứu khoa học đã được thực hiện một cách toàn diện chưa?
Đôi khi chúng ta vẫn nhận được thông tin từ các nhà nghiên cứu đáng tin cậy, có uy tín khẳng định rằng việc bạn đang thường xuyên thực hiện lại có hại cho sức khỏe của bạn. Như việc uống cà phê làm tăng nhịp tim, hoặc các loại thực phẩm nhiều chất béo tăng nguy cơ bệnh ung thư. Phản ứng khá phổ biến là bạn sẽ bỏ qua ngay lập tức những loại thực phẩm, đồ uống này hoặc sắp xếp lại lịch sinh hoạt hằng ngày để phòng tránh những loại thực phẩm, nước uống, phụ gia “không được dùng tiếp” hay “từ nay trở nên nguy hiểm”.
Tuy nhiên, việc ngay lập tức tin tưởng vào kết luận nghiên cứu của chuyên gia như vậy cũng không phải khi nào cũng là điều đúng đắn. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn xem liệu những nghiên cứu được công bố đó đã được kiểm chứng trên người, hay chỉ mới được thực hiện trên động vật (bởi các loài khác nhau có phản ứng khác nhau với các hóa chất và bệnh tật khác nhau) và nếu nghiên cứu đã được thực hiện trên người thì liệu mẫu nghiên cứu có đảm bảo về số lượng (thông thường nghiên cứu lâm sàng cần được thực hiện trên hàng nghìn đối tượng) và tính đa dạng của các cá thể.
Những kết quả nghiên cứu trong đó có nhiều cụm từ “có thể”, “đôi khi”, “có khả năng” thường thiếu những bằng chứng xác đáng. Các nghiên cứu phải đặt trong mối liên hệ với các nghiên cứu khác cùng một vấn đề. Chúng ta chỉ có thể khẳng định chắc chắn khi đã có đầy đủ các nghiên cứu thuần tập theo thời gian, nghiên cứu lâm sàng bệnh chứng ngẫu nhiên, nghiên cứu phân tích tổng hợp dữ liệu và cả nghiên cứu về cơ chế tác động.
Các yếu tố ảnh hưởng Ung thư gan với phân tích dựa trên các bằng chứng khoa học
Ví dụ:
– Uống rượu có thể coi là một nguyên nhân thuyết phục gây ra ung thư gan với rất nhiều kết quả nghiên cứu: nghiên cứu thuần tập-21, nghiên cứu bệnh chứng-9, nghiên cứu phân tích tổng hợp dữ liệu liều lượng-kết quả về tỷ lệ bệnh-8, nghiên cứu riêng ở nam–8, ở nữ-4 và 11 nghiên cứu phân tích thống kê trên người châu Á, cùng các bằng chứng hợp lý về cơ chế hoạt động);
– Uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ ung thư gan (nghiên cứu thuần tập-7, nghiên cứu bệnh chứng-4, nghiên cứu phân tích dữ liệu liều lượng-kết quả ở nam-3, ở nữ-3, chưa có bằng chứng xác thực về cơ chế hoạt động hay loại chất nào trong cà phê có tác dụng chống ung thư);
– Bằng chứng ăn cá làm giảm khả năng ung thư gan còn hạn chế (mới có 6 nghiên cứu thuần tập, 4 nghiên cứu phân tích dữ liệu nhưng không đồng nhất, và chưa có nghiên cứu về cơ chế);
– Không có kết luận về ảnh hưởng của trà xanh với ung thư gan (8 nghiên cứu thuần tập nhưng kết quả không đồng nhất về tác dụng, nghiên cứu phân tích dữ liệu liều lượng-tác dụng không thấy mối liên hệ trên 2 nghiên cứu ở Trung Quốc và 1 nghiên cứu ở Nhật).