Vấn nạn tạp chí khoa học nguỵ tạo

Cuối tháng ba vừa qua, một công bố trên Nature của một nhóm các nhà nghiên cứu Ba Lan, với tựa đề “Các tạp chí ngụy tạo tuyển dụng biên tập viên giả mạo”, cho thấy có tới vài chục tạp chí khoa học mời chào một nhà khoa học hư cấu với hồ sơ giả mạo vào hội đồng biên tập của họ.


Những tạp chí ngụy tạo không đảm bảo được tính chính xác hoặc minh bạch về mặt khoa học.

Trên thế giới có hàng ngàn tạp chí khoa học tồn tại chủ yếu nhằm bòn rút tiền từ các tác giả. Những tạp chí “lừa đảo” này có kế hoạch marketing đáng ngờ, thực hiện những quy trình bình duyệt với những chuyên gia dễ dãi hoặc thậm chí không hề tồn tại; không hề đảm bảo tính chính xác hoặc minh bạch về mặt khoa học.

Phong trào truy cập mở, vốn xuất phát từ tinh thần cao đẹp của giới khoa học, nhưng “bất đắc dĩ” trở thành nơi chứa chấp những nhà xuất bản “kí sinh” này. Chúng tạo ra những tạp chí ngụy tạo, lừa thu phí những nhà nghiên cứu nóng lòng muốn xuất bản mà không kiểm tra kỹ càng uy tín của tạp chí.

Điều quan trọng đối với chất lượng của một tờ tạp chí là các biên tập viên của tạp chí đó. Các biên tập viên quyết định việc liệu một bài có được đưa vào quy trình bình duyệt hay không, bình duyệt bởi ai; liệu bài có bị từ chối, chỉnh sửa hay được chấp nhận. Chức năng xem xét này thường được giao cho những chuyên gia có uy tín trong ngành khoa học của tờ tạp chí, và thường được coi là một công việc đáng được nể trọng.

Nhiều tạp chí ngụy tạo với mong muốn kiếm chác thường tuyển dụng một cách nhanh chóng và tùy tiện các nhà khoa học để tạo dựng hội đồng biên tập nom có vẻ nghiêm túc.  

Một số nhà khoa học từng tạo ra những học giả có tên tuổi hư cấu, dàn dựng để họ lọt vào danh sách hội đồng biên tập của các tạp chí ngụy tạo, qua đó lật tẩy những tạp chí này. Tuy nhiên, phải tới gần đây họ mới thành công trong việc vận dụng cách làm này để khảo sát một cách có hệ thống mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Gài bẫy

Các nhà khoa học trong bài viết làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu hành vi của con người. Năm 2015, họ tạo dựng hồ sơ một nhà khoa học hư cấu có tên là Anna O. Szust và ứng tuyển dưới danh nghĩa của cô đến ban biên tập của 360 tạp chí. (Oszust, tiếng Ba Lan có nghĩa là “gian lận”). Hồ sơ khoa học hư cấu của Anna được dàn dựng bằng những chương sách ngụy tạo. Mối quan tâm học thuật của cô được liệt kê bao gồm lí thuyết khoa học và thể thao, khoa học nhận thức và cơ sở phương pháp luận của khoa học xã hội. Các tài khoản của Szust cũng được tạo ra trên Academia.edu, Google+ và Twitter, và một website của khoa tại Viện Triết học, Đại học Adam Mickiewicz ở Poznan. Trang này chỉ có thể được truy cập thông qua một đường dẫn cung cấp trong hồ sơ việc làm của cô.

Một hồ sơ quá sơ sài như vậy rõ ràng không thể đủ đáp ứng vai trò biên tập viên. Công việc của Szust chưa bao giờ được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Web of Science hay Scopus, và cô cũng chưa từng được trích dẫn trong bất kì cơ sở dữ liệu nào. Hồ sơ việc làm của cô không liệt kê các bài báo trong các tạp chí chuyên ngành hoặc bất kì kinh nghiệm nào với tư cách là người bình duyệt. Các cuốn sách và các chương trên hồ sơ việc làm của cô không tồn tại và không thể tìm thấy qua bất kì công cụ tìm kiếm nào. Ngay cả nhà xuất bản cũng là giả mạo.

Đơn ứng tuyển của Szust được gửi tới 360 tạp chí, trong đó 120 tạp chí là từ mỗi thư mục trong ba thư mục nổi tiếng: JCR (các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng như đã được lập chỉ mục trên các Báo cáo Trích dẫn Tạp chí – Journal Citation Reports), DOAJ (các tạp chí có trong Thư mục Các tạp chí Truy cập mở) và một danh sách các tạp chí mà bài viết gọi là “danh sách của Beall” (gồm các nhà xuất bản và tạp chí truy cập mở có khả năng, có thể hoặc chắc hẳn ngụy tạo được Jeffrey Beall, Đại học Colorado, tập hợp).

Để được JCR hoặc DOAJ lập chỉ mục, các tạp chí phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng, bao gồm các quy trình xuất bản theo quy định. Các tạp chí được liệt kê trên DOAJ phải được truy cập mở hoàn toàn. Còn các tạp chí trong “danh sách của Beall” được Beall coi là chỉ thuần túy lợi dụng các nhà nghiên cứu và không hề đạt được các tiêu chuẩn cơ bản về công bố học thuật.

Nhóm khảo sát đã nhờ hai nhà nghiên cứu, những người không hề biết mục đích nghiên cứu (để đảm bảo tính ngẫu nhiên của khảo sát), chọn ra các tạp chí tiếng Anh phù hợp với chuyên môn của Szust. Sau đó, nhóm gửi e-mail ứng tuyển của Szust cho vị trí biên tập viên – một hồ sơ việc làm và thư xin việc – tới 360 tạp chí và theo dõi phản hồi trong sáu tháng. Các hồ sơ ứng tuyển đều giống nhau, ngoại trừ một số hồ sơ chứa một đoạn văn thể hiện sự nhiệt tình của Szust dành cho các tạp chí truy cập mở mới.

Mục đích của nghiên cứu này là để tìm hiểu các tạp chí giả mạo hoạt động khác biệt ra sao so với các tạp chí nghiêm túc, chứ không có chủ đích bằng mọi cách lừa các tạp chí chấp nhận hồ sơ của Szust, bởi vậy đơn của Szust chỉ gửi một lần tới mỗi tạp chí. Nếu các tạp chí không trả lời đơn ứng tuyển của Szust, họ sẽ không tiếp tục nhận được e-mail từ cô, và sẽ được nhóm khảo sát xếp vào diện “Không phản hồi”. Các tạp chí trả lời ban đầu nhưng không trả lời trong thư tiếp theo, được xếp vào diện “Từ chối”. Bất kì nỗ lực nào của tạp chí để xác minh những chứng chỉ của Szust (chẳng hạn qua việc xem xét thử bản thảo hoặc thông qua một cuộc phỏng vấn) cũng được nhóm khảo sát coi là sự từ chối. Chúng tôi xếp những tạp chí vào diện “chấp nhận” chỉ khi họ trả lời email của chúng tôi một cách rõ ràng là đã chấp nhận Szust làm biên tập viên (trong một số trường hợp còn tùy thuộc vào việc đáp ứng đòi hỏi đóng góp tài chính) hoặc nếu tên của Szust xuất hiện như một thành viên ban biên tập trên website của tạp chí.

Tất cả đều quá dễ dàng

Trong nhiều trường hợp, nhóm khảo sát nhận được phản hồi tích cực trong vòng vài ngày kể từ ngày nộp đơn ứng tuyển, thậm chí thường xuyên được đồng ý trong vòng vài giờ. Bốn tạp chí ngay lập tức bổ nhiệm Szust làm tổng biên tập. Kết quả là, 40 tạp chí ngụy tạo và tám tạp chí DOAJ đã chỉ định cô làm biên tập viên. Không có tạp chí JCR nào chấp nhận Szust.

Szust hầu như không bao giờ bị hỏi về kinh nghiệm làm việc. Không có ai cố gắng liên lạc với trường đại học hoặc viện nghiên cứu của cô. Một tạp chí nhận ra sự mâu thuẫn trong nội dung thư của Szust gửi đến họ, khi cô viết rằng trở thành một biên tập viên sẽ cho phép cô đạt được bằng cấp mà lẽ ra cô đã sẵn có, căn cứ theo hồ sơ. Tuy nhiên chính tạp chí đó đã chỉ định Szust làm biên tập viên.

Mười lăm tạp chí trong danh sách của Beall, 45 tạp chí DOAJ và 48 tạp chí JCR đã trả lời thư ứng tuyển của Szust nhưng không đưa ra lời đề nghị. Các tạp chí này đã gửi ba loại phản hồi: một tin nhắn ngắn xác nhận đã nhận được thư ứng tuyển; một sự từ chối thẳng thừng; hoặc một lời giải thích dài hơn, nhẹ nhàng hơn về cách một người thực sự trở thành biên tập viên (đầu tiên bạn phải công bố các nghiên cứu, sau đó bạn mới trở thành người đánh giá, v.v …).

Ít nhất một tá tạp chí đã chỉ định Szust là biên tập viên với điều kiện, hoặc với đề nghị cô chấp nhận trả cho tạp chí một khoản tiền hoặc một hình thức chia sẻ lợi nhuận. Trong một số trường hợp, đây là khoản chi trả trực tiếp, chẳng hạn như một khoản phí đọc báo theo yêu cầu của một tạp chí là 750 USD (sau đó giảm thành “CHỈ CÒN 650 USD”) hoặc khoản tặng 50 USD (mặc dù Szust đã được chấp nhận mà không phải trả tiền).

Những tạp chí khác đề nghị Szust tổ chức một cuộc hội thảo sau đó các nghiên cứu của những người trình bày sẽ được xuất bản (có thu phí) trong một “số báo đặc biệt”. Một nhà xuất bản gợi ý rằng lợi nhuận sẽ được chia ra (“chúng tôi 60% bạn 40%”). Hai lần, Szust được trao cơ hội để bắt đầu ở một tạp chí mới với vị trí biên tập viên chính, kèm theo đề xuất chia cho cô 30% doanh thu mà cô mang về. Còn nếu nhận lời làm biên tập viên của một tờ tạp chí đã có sẵn thì cô được chia 20% con số này.

Một số tạp chí đã đồng ý với đơn ứng tuyển của Szust nếu cô đưa ra các nghiên cứu của chính mình để được xuất bản có trả phí. Trong một số trường hợp, những bài được trả phí này có thể được gửi bởi “Bạn bè/Đồng nghiệp/Cộng sự và Nghiên cứu sinh của Szust”. Nhiều tạp chí quan tâm đến khả năng của Szust trong việc thu hút các bài nộp có trả phí hơn là tới năng lực thẩm định khoa học của cô. Hai tạp chí đã đề nghị miễn lệ phí cho việc công bố bài báo của Szust trên tạp chí của họ. Một tạp chí khác nêu rõ rằng “nếu bạn, bạn bè và đồng nghiệp của bạn đã nộp các nghiên cứu thành công, chỉ cần liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ chú ý đến họ”.

Trong số 120 tạp chí DOAJ, có ít nhất 39 tạp chí đã bị xóa khỏi Thư mục DOAJ (trong cuộc rà soát năm trước, vài trăm tạp chí bị huỷ bỏ vì bị nghi ngờ sai trái về mặt biên tập, không tuân thủ các phương pháp hay đơn giản là không tái đăng ký vào Thư mục). Trong số tám tạp chí DOAJ đã chấp nhận Szust làm biên tập viên, thì có sáu tạp chí vẫn còn trong thư mục vào tháng 3/2017; không có tạp chí nào trong số này nằm trong danh sách của Beall tại thời điểm lấy mẫu.

Kẻ săn mồi và con mồi

Năm 2013, nhà báo John Bohannon đã tiết lộ những lỗ hổng trong hệ thống bình duyệt của chuyên gia khi bài báo nghiên cứu hư cấu, thiếu sót có chủ đích của ông đã được chấp nhận xuất bản có điều kiện, tùy thuộc vào việc trả phí của tác giả, bởi 157 trong số 304 tạp chí truy cập mở. Dự án của ông không tính đến các tạp chí không truy cập mở và cũng không so sánh rõ ràng những tạp chí có hoặc không có nhân tố tác động. Bohannon đã bị chỉ trích vì nhắm mục tiêu vào những tạp chí cụ thể và liên lạc liên tục với ban biên tập.

Tuy nhiên, trong khảo sát lần này, nhóm khảo sát đã thiết kế nghiên cứu của mình để có cơ sở so sánh giữa những tạp chí trong danh sách đen với các tạp chí khác, đồng thời sự liên lạc với các tạp chí là có hạn chế.
Kết quả khảo sát cho thấy, các tạp chí trong danh sách đen là đối tượng dễ có khả năng nhất trong việc chấp nhận ứng viên không đủ tiêu chuẩn và cố gắng kiếm lợi từ Szust, mặc dù vẫn có một số tạp chí bị liệt kê là ngụy tạo nhưng lại hành xử một cách nghiêm túc (ví dụ như một số gửi các bài báo cho Szust đánh giá).

Số lượng các tạp chí ngụy tạo đang hoạt động đã tăng lên ở mức báo động. Đến năm 2015, hơn 500 nghìn nghiên cứu đã được xuất bản trên các tạp chí ngụy tạo, và vào cuối năm 2016, số tạp chí này trong danh sách của Beall (khoảng 10.000) gần với con số được DOAJ và JCR lập chỉ mục. Hầu hết đều được nhà xuất bản chấp thuận (bao gồm một số gã khổng lồ trong ngành). Xuất bản ngụy tạo đang trở thành một ngành công nghiệp có tổ chức.

Sự gia tăng của các tạp chí ngụy tạo này đe dọa chất lượng học thuật. Không có ban biên tập đáng tin cậy, các tạp chí này công bố tràn lan các bài báo khoa học sai sót, và vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây tai tiếng cho phong trào truy cập mở.

Áp lực phải công bố nghiên cứu đè nặng lên các nhà khoa học là một phần nguyên nhân của tình trạng này. Số lượng công bố thường là cơ sở để tài trợ nghiên cứu và thăng tiến trong nghề nghiệp. Ở nhiều nước, ít nhất một bài báo xuất bản được chuyên gia bình duyệt (bất kể chất lượng) là điều kiện tiên quyết để có được bằng tiến sĩ.

Đánh giá chất lượng của một tạp chí không phải là điều đơn giản, nhưng có những nguồn thông tin sẵn có mà chúng ta có thể dựa vào. Trong trường hợp không có danh sách đen của Beall, người ta vẫn có thể dựa vào các danh sách của JCR và DOAJ. Các nhà nghiên cứu cũng có thể kiểm tra xem một tạp chí được lập chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu trích dẫn có uy tín như Scopus hay Web of Science. Các tiêu chí để đánh giá chất lượng các nhà xuất bản và tạp chí truy cập mở cũng bao gồm những tiêu chí do Beall tập hợp hoặc thông qua sự hợp tác của một số tổ chức cộng đồng, bao gồm Ủy ban về Đạo đức xuất bản, DOAJ, Hiệp hội Nhà xuất bản Học thuật Truy cập Mở và Hiệp hội Các biên tập viên Y khoa Thế giới.

Một vấn đề lớn hơn

Giải pháp cốt lõi cho vấn đề về các tạp chí ngụy tạo là triệt tiêu lợi ích của nhà khoa học khi công bố các nghiên cứu trên những tạp chí này. Những người xét duyệt lợi ích cho các nhà khoa học căn cứ vào các công bố nghiên cứu trên những tạp chí khoa học phải thực sự dành thời gian thẩm định các công bố và chỉ chấp nhận những công bố tốt nhất.

Tháng 2/2017, nhóm khảo sát gửi email cho 49 tạp chí ban đầu được phân loại là chấp nhận Szust làm biên tập viên để thông báo cho họ về cuộc khảo sát và cho họ cơ hội phản hồi. Chín tạp chí có hồi đáp. Một tạp chí chỉ đơn giản là xác nhận đã nhận được thư, một tờ khác tuyên bố đã cải tiến quá trình kiểm tra chặt chẽ. Sáu tạp chí đã phủ nhận việc chấp nhận (hoặc chấp nhận nhầm lẫn) Szust làm biên tập viên; một trong số này tuyên bố đã từ chối Szust sau khi thực hiện kiểm tra lai lịch của cô. Nhóm cũng nhận được email thứ 10 – một lời đe dọa từ một hãng luật (không có tên miền chuyên nghiệp) kèm theo một vụ kiện 1 tỉ USD.

Trong khi đó, sự nghiệp biên tập của Anna O. Szust dường như vẫn chưa chấm dứt mặc dù nhóm khảo sát đã ngừng công việc của họ và thông báo về bản chất hư cấu của Szust cũng như đề nghị “sẵn lòng rút đơn đăng ký của cô ấy” tham gia ban biên tập các tạp chí này. Tên cô vẫn xuất hiện trên danh sách thành viên của các ban biên tập ở ít nhất 11 tạp chí. Cô thậm chí còn được ghi vào danh sách là một biên tập viên của ít nhất một tạp chí mà nhóm khảo sát không hề gửi thư ứng tuyển. Cô cũng được ghi là nhân viên quản lí, một thành viên của các ủy ban tổ chức hội thảo, và mỉa mai thay, là một thành viên của Ban Cố vấn của Cơ quan Lập chỉ mục Truy cập Mở của các tạp chí với sứ mệnh là “tăng khả năng hiển thị và dễ sử dụng các tạp chí khoa học và học thuật truy cập mở”.

Vũ Nhàn lược dịch
http://www.nature.com/news/predatory-journals-recruit-fake-editor-1.21662?WT.mc_id=FBK_NatureNews#predator

Tác giả

(Visited 63 times, 1 visits today)