Vành đai – con đường: Sự trỗi dậy của quá khứ
Điểm lại lịch sử Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy một điều thú vị và độc đáo là, kể từ đại đế chế Tần trở đi, mỗi thời đại đều tạo dựng một đại công trình mang tầm cỡ thế giới. Đặc điểm xuyên suốt của những đại công trình này là tính kết nối - không chỉ nội tại Trung Quốc mà còn kết nối Trung Quốc với bên ngoài, biến những công trình đơn lẻ này thành một khối thống nhất đồ sộ, tạo ra diện mạo và sức sống mới cho sự phát triển của Trung Quốc.
Những con tem có bức tranh mô tả quá trình mở đường sang Tây Vực của Trương Khiên. Nguồn: chinadiscovery.com
Những vành đai và con đường trong quá khứ
Vạn Lý Trường Thành là trường hợp đại kết nối lớn, tiêu biểu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Dưới thời Tần Thủy Hoàng, ông đưa ra ý tưởng và chỉ huy sự kết nối, bổ sung và hoàn thiện các công trình đã có từ những nước khác nhau, thành đại công trình. Điểm đáng chú ý là, công trình này được thống nhất kết nối toàn thành cùng với quá trình Trung Quốc thống nhất sau thời gian phân rã, trở thành một đế chế tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Sau Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc tiến hành hàng loạt các dự án kết nối giữa các dòng sông trong khoảng gần 1.000 năm, bắt đầu từ con sông đào đầu tiên vào thế kỷ VI TCN ở nước Sở, hoàn thiện vào thời Tùy. Điểm đáng chú ý là, hệ thống Đại Vận Hà được hoàn thiện chủ yếu dưới thời nhà Tuỳ một mặt kết nối và khai thông, đào mới hệ thống sông đào, đồng thời kết nối hệ thống sông đào với hệ thống sông lớn tự nhiên của Trung Quốc như Trường Giang, Hoàng Hà. Điều này có tác dụng đặc biệt quan trọng, giúp Trung Quốc thông thương Tây Đông Bắc Nam, tạo tiền đề cho sự phồn vinh thời Đường. Đại Vận Hà tạo ra một cục diện đại thống nhất Trung Quốc về phương diện đường thủy đầu tiên trong lịch sử. Theo các sử gia Trung Quốc thì: Vận Hà thời Tùy có tác dụng thông thương Bắc Nam trong thời Đường, nhất là loạn An Sử, phiên trấn cát cứ, tài chính nhà nước hoàn toàn trông chờ vào vùng Giang – Hoài. Thời ấy, Thông Tế Cừ (còn gọi là Biện Hà) trở thành mạch máu kinh tế của nhà Đường1.
Nếu hai đại công trình này kết nối đóng và liên thông bên trong Trung Quốc thì con đường tơ lụa (bắt đầu được hình thành từ thế kỷ 2 TCN khi Trương Khiên nhận lệnh Hán Vũ Đế đi sứ Tây Vực) là quá trình vươn ra thế giới đầu tiên của nước này. Xuất phát từ Trường An, theo hướng Tây, xuyên qua hành lang Hà Tây, đầu tiên đến vùng Đôn Hoàng cửa ngõ đất Tây Vực, sau đó con đường tơ lụa chia làm hai ngả Bắc- Nam để vào Tây Vực. Từ Đông sang Tây, con đường dài hơn 7.000 km, chủ yếu đi qua sa mạc của các nước này đã tạo thành một hệ thống buôn bán tơ lụa, trà và các loại hàng hóa khác, tạo ra sự thịnh vượng và giàu có cho thời đại nhà Hán.
Sau con đường tơ lụa, con đường trên biển vào thế kỷ 15 của Trịnh Hòa là kết nối các bến cảng của Trung Quốc với với các cảng biển Champa (Việt Nam ngày nay), Java, Malaca, Sri Lanca, Ấn Độ, châu Phi. Tuy nhiên, nỗ lực này tương đối ngắn ngủi, chỉ diễn ra trong vòng có chưa đầy 30 năm là dừng lại và chuyến đi của Trịnh Hòa mang nhiều ý nghĩa chính trị và xiển dương của nhà Minh, hơn là tác dụng giúp tái tạo diện mạo Trung Hoa.
Cội nguồn: ám ảnh lịch sử chia cắt, cát cứ, phân liệt
Kết nối để thống nhất là một ám ảnh lịch sử, là một phương thức, cách thế tồn tại và phát triển của Trung Quốc, bởi những đại công trình đó đã đóng vai trò then chốt giúp Trung Hoa sinh tồn và phát triển mỗi khi gặp nguy cơ tồn vong trong lịch sử. Vạn Lý Trường Thành, là ý tưởng của Tần Thủy Hoàng, người thực hiện là Mông Điềm, nhưng lại trở thành tài sản và nhận thức chung của giới tinh anh chính trị Trung Quốc trong lịch sử. Sau nhà Tần, triều đại nào cũng quan tâm đầu tư tu bổ cho nó, như là một lá chắn bảo vệ kinh đô và cho cả vương triều. Bởi vì Vạn Lý Trường Thành hình thành trên cơ sở của một giai đoạn cát cứ, phân liệt lâu dài của Trung Quốc và mối đe dọa phân liệt từ Hung Nô. Nói cách khác, Vạn Lý Trường Thành là hình ảnh biểu tượng của sự ám ảnh chia cắt của Trung Quốc. Xây dựng Trường Thành trực tiếp là để ngăn cản sự xâm nhập của Hung Nô vào Trung Nguyên (mặc dù đã xây dựng Trường Thành nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần sự xâm nhập của Hung Nô, họ vẫn thường xuyên đe dọa và làm kinh sợ Trường An). Mặt khác, Vạn Lý Trường Thành cũng chính là sản phẩm được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm của thời đại phân liệt trường kỳ mấy trăm năm – Xuân Thu Chiến Quốc. Trước đó, những thành nhỏ của từng nước đã xuất hiện. Sự hiện diện của Trường Thành đã xóa bỏ hoàn toàn thời đại Trăm hoa đua nở, giai đoạn dân chủ và tự do duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, định hướng cho một nền tập quyền chuyên chế kéo dài cho đến tận ngày nay. Văn hóa đặc sắc riêng có của các nước thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng mất đi, Hung Nô, thế lực ở Tây Vực, vốn tự hào với truyền thống võ công và vinh dự khi chiến đấu hi sinh cũng từng bước bị nhà Hán tiêu diệt.
Cội nguồn hình thành những vành đai, con đường lừng danh trong quá khứ của Trung Quốc xuất phát từ nỗi ám ảnh chia cắt, cát cứ. ở Vành đai và Con đường ngày nay, nỗi sợ này ngày càng hiện hữu, và giải pháp của nó là gia cố chính quyền trung ương, liên kết các vùng trong nội địa, mở rộng thêm vùng ảnh hưởng, gia nhập vào vùng ảnh hưởng hoặc làm chư hầu kiểu mới của đế chế.
Tiếp tục mối lo lắng đó, Vạn Lý Trường Thành là chưa đủ, Hung Nô vẫn thường xuyên thọc thẳng vào Trường An, luôn ăn không ngon ngủ không yên nên Hán Vũ Đế phái Trương Khiên mở đường sang Tây Vực, liên kết với Đại Nguyệt Thị để tiêu diệt cho được Hung Nô. Cội nguồn của việc hình thành con đường tơ lụa lừng danh cũng vẫn là nỗi ám ảnh chia cắt sự thống nhất của Trung Quốc. Mục tiêu chính trị này là khởi nguyên của cái gọi là “con đường tơ lụa lừng danh trong lịch sử”. Lâu dần, nhà Hán cũng đã tìm ra kinh nghiệm cai trị Hung Nô, trong Hậu Hán Thư chép: “Kiểm lại các sự kiện, thấy rằng, rợ mọi phương Bắc có thể dùng vũ lực mà khuất phục được, nhưng biến đổi chúng lại là rất khó”, hay kinh nghiệm của Ban Siêu được phổ biến lại: “Quan lại và binh sĩ ở bên ngoài quan ải vốn không phải là những đứa con hiếu, những đứa cháu ngoan, mà đều là những người phạm tội mới bị đưa đến đó, hoặc bản thân họ từng có lỗi lầm nên mới bị điều động đến Tây Vực. Trong khi đó, dân tộc bản địa lại không có tập quán như chúng ta, nên rất khó quản lý, dễ gây ra việc rối rắm”2. Đến đời Hán Tuyên đế, năm 60 TCN, về cơ bản Hung Nô bị tiêu diệt, nhà Hán thiết lập Tây Vực Đô Hộ phủ. Như vậy, mục tiêu của sáp nhập Hung Nô, là tiêu diệt thế lực trực tiếp uy hiếp nhà Hán và giải quyết nỗi lo sợ Hung Nô, tạo thành một vùng đệm kết nối quan trọng với Trung Nguyên. Nỗi lo phân liệt tạm thời được nhà Hán giải quyết.
Thời nhà Tùy, hệ thống sông đào của Trung Quốc đã hình thành được từ mấy trăm năm trước đó, nhưng kinh đô của nhà Tùy nằm sâu phía trong nội địa. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc khai thông và kết nối hệ thống Đại Vận Hà là do cha con nhà Tùy, Tùy Văn Đế và Tùy Dạng Đế muốn mệnh lệnh của mình phải được truyền đi bốn phía một cách thông suốt. Như vậy, hệ thống Đại Vận Hà vẫn được hình thành trên nỗi lo sợ phân liệt lãnh thổ, và để tiến đến thống nhất lãnh thổ, từ đó quyền lực có thể đến được toàn quốc.
Sự trỗi dậy của quá khứ
Nhìn vào các vành đai và con đường trong lịch sử, có thể thấy rằng, tiền thân của vành đai kinh tế con đường tơ lụa chính là con đường tơ lụa cổ xưa, còn con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI là sự đầu thai của con đường tơ lụa trên biển trong lịch sử. Thực tế hiện nay, Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, diện tích lớn thứ ba thế giới nhưng lại là một quốc gia đang bị chia cắt, chưa thống nhất, tính chất bất ổn đang hiện hữu và có thể bùng phát chia cắt, cát cứ. Các vùng đất, lãnh thổ và đảo luôn tìm cách độc lập. Vì vậy, Vành đai và Con đường có cội nguồn sâu xa của khát vọng kết nối thống nhất trong tâm thức của người Trung Quốc và cá nhân người lãnh đạo Tập Cận Bình. Các học giả hàng đầu của Đại học Thanh Hoa, đứng đầu là Hồ An Cương, với tầm tư duy chiến lược, trong sách Trung Quốc những chiến lược lớn đã tổng kết về nỗi ám ảnh này. Trong mục “Nhận định những thay đổi tài nguyên chiến lược của Trung Quốc”, các tác giả viết: “Trung Quốc là nước có lãnh thổ và lãnh hải lớn thứ ba trên thế giới, tiếp giáp với mười mấy nước, hơn nữa tới nay vẫn còn bị chia cắt, đòi hỏi nhà nước phải chi những khoản chi phí quốc phòng cần thiết, nhưng ngân sách Trung ương quá ít nên chưa giải quyết được các vấn đề trên. Đây là ‘điểm chí tử’ về tài nguyên chiến lược của Trung Quốc”3. Sâu xa hơn, câu chuyện chia cắt vừa là một ám ảnh lịch sử đối với truyền thống thống nhất và chia cắt của Trung Quốc, vì vậy, sẽ là nỗi sỉ nhục4 đối với một đời hoàng đế hoặc một thể chế nào đó được gọi là hùng mạnh của Trung Hoa nhưng đất nước còn chưa thống nhất. Trung Quốc sẽ tự cảm thấy bị sỉ nhục bởi là cường quốc duy nhất trên thế giới bị nghi ngờ về năng lực thống nhất quốc gia. Nhóm học giả Đại học Thanh Hoa viết về điểm yếu quốc sỉ này: “Ý nghĩa của vấn đề Đài Loan tuyệt nhiên không chỉ là ở vị trí chiến lược của Đài Loan hoặc chỉ là vấn đề thể diện “rửa quốc sỉ” mà là vấn đề can hệ tới ý niệm về một nước Trung Quốc có thể tiếp tục tồn tại hay không, do vậy nó là vấn đề lợi ích sống còn của Trung Quốc… Vì thế, Trung Quốc cần làm cho Mỹ nhận thức được rằng, Trung Quốc mà không có Đài Loan thì không còn là Trung Quốc nữa. Đài Loan quan trọng đối với Trung Quốc giống như dân chủ và tự do quan trọng đối với Mỹ vậy”5.
Trưng bày xưởng đóng tàu hoàng gia từ thời Minh ở Nam Kinh trong khuôn khổ ngày hội Hàng hải Trung Quốc vào năm 2012. Xưởng đóng tàu hoàng gia này đã sản xuất con tàu cho Trịnh Hòa vượt biển. Nguồn: http://english.jschina.com.cn.
Ngày nay, ở Vành đai và Con đường, nỗi sợ này ngày càng hiện hữu, và giải pháp của nó là gia cố chính quyền trung ương, liên kết các vùng trong nội địa, mở rộng thêm vùng ảnh hưởng, gia nhập vào vùng ảnh hưởng hoặc làm chư hầu kiểu mới của đế chế. Chính quyền Trung ương, đứng đầu là ông Tập, cần tạo ra chất keo mới cho sự kết dính, kết nối để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, tan rã. Một mặt, các địa phương Trung Quốc tham gia vào Vành đai và Con đường sẽ có động lực mới là có được tiền vay từ các ngân hàng và quỹ Con đường tơ lụa của Chính phủ và các tổ chức thế giới, giải phóng năng lực dư thừa của Trung Quốc, tạo ra động lực mới cho sự kết nối và thống nhất, những doanh nghiệp Trung Quốc được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài và được hỗ trợ vốn khi tham gia dự án này… Mặt khác, chiến lược kết nối thời hiện đại này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, tầm lan tỏa, tăng thêm chư hầu, thêm tài nguyên và đẩy được cả lao động dư thừa ra bên ngoài.
Trong số các nước tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Nam, Việt Nam và Myanmar là hai yết hầu. Việt Nam án ngữ con đường ra biển Thái Bình Dương, Myanma án ngữ con đường ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc, mà như chúng ta đã biết, mục tiêu tối hậu ra biển của Trung Quốc không chỉ là dầu mỏ, không chỉ là vấn đề buôn bán… mà mục tiêu đích thực được chính Mao Trạch Đông đưa ra cho Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956 là: “Đảng ta phải với tay ra biển để kiểm soát cả thế giới”6. Việc hình thành chiến lược chuỗi ngọc trai, con đường tơ lụa trên biển và cả trên bộ, đầu tư xây dựng cảng biển, liên kết Mekong – Lan Thương, hay Lan Thương hóa Mekong,… đều nhằm phục vụ cho khát vọng tối hậu này. Định vị như vậy, để hiểu được vị trí yết hầu của Việt Nam trong khu vực và thế giới và có ứng xử cho phù hợp là điều rất cần thiết. □
——-
Chú thích:
*TS, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.
Bài viết này trích xuất từ nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 506.01-2016.01.
1 Nhiều tác giả (Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi dịch), Lịch sử văn hóa Trung Quốc (Ba trăm đề mục), tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999, tr.491.
2 Cát Kiếm Hùng, Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2004,tr. 479.
3 Hồ An Cương chủ biên (Trần Khang, Bùi Xuân Tuấn dịch), Trung Quốc những chiến lược lớn, Nxb Thông tấn, 2003, tr. 90.
4 Nỗi ám ảnh này lớn đến mực Trung Quốc khắc cốt ghi tâm, Trung Quốc biên soạn cả cuốn từ điển có tên “Quốc sỉ” (bản Trung văn) [nguồn].
5 Hồ An Cương chủ biên, sách đã dẫn, tr. 363.
6 Dẫn lại theo: Chết bởi Trung Quốc, tr. 422. “Tài liệu dẫn theo nghiên cứu của Steven W.Móher gửi cho Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Dana Rohrabacher, chủ tịch Hội đồng bang giao quốc tế tiểu bang giám sát và điều tra. Tài liệu đăng ở đây: http://www.au.af.mil/au/awc/awcgarte/congress/mos021406.pdf.