Vật lý Việt Nam đang ở đâu?
Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 vừa kết thúc, đoàn Việt Nam đạt kết quả 4 HCV, 1 HCĐ – tốt nhất trong lịch sử - chỉ chịu thua 2 đoàn Trung Quốc và Đài Loan (5 HCV), ngang hang với Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ (cùng 4 HCV, 1 HCB) và thậm chí còn vượt cả Nga hay Pháp, 2 nước vẫn còn ảnh hưởng rất sâu sắc tới giáo dục của nước ta. Và chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng, ở trình độ phổ thông, phong trào học vật lý của nước ta cũng không hề thua kém bất kỳ một nước phát triển nào trên thế giới. Thế còn vị trí của nền Vật Lý Việt Nam trên bản đồ chung của thế giới là ở đâu? – vẫn luôn là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý và khoa học nước nhà…
Thật may mắn, đã qua rồi cái thời chúng ta ngây thơ tự hỏi rằng “Người Việt Nam đã có Huy chương Olympic quốc tế, liệu bao giờ sẽ có giải Nobel?”. Bởi ai cũng hiểu, từ một học sinh đoạt giải Olympic, đến khi trở thành một nhà khoa học giỏi, là cả một quãng đường dài và vô cùng gian khổ. Và từ việc có một nhà khoa học giỏi đến có một cộng đồng khoa học phát triển còn dài và gian khổ hơn rất nhiều lần.
Cho đến nay, ai cũng phải công nhận vai trò vô cùng quan trọng của Vật lý nói riêng cũng như khoa học nói chung cho sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Một điều nữa, cũng rất rõ ràng là ở Việt Nam, sự phát triển của nền Vật lý và khoa học vẫn chưa song hành cùng với sự phát triển về kinh tế, và vẫn đang tụt hậu rất xa so với thế giới. Nhưng tụt hậu bao nhiêu lâu? Tụt hậu như thế nào? Làm sao để tránh khỏi tụt hậu? thì vẫn chưa ai trả lời được.
Tôi thử lên mạng tìm trang web của Hội Vật Lý Việt Nam, kết quả hoàn toàn thất vọng, Hội Vật Lý Việt Nam không hề có trang web riêng. Thông tin duy nhất tìm thấy được về Hội lại là trên trang web của wikipedia (chắc do một thành viên nào đó nhiệt tình post lên). Gọi điện cho một thành viên của hội, tôi nhận được một con số “áng trừng” khoảng trên 1000 thành viên – cứ cho 1000 là con số đúng thì ngần ấy có lẽ là quá nhỏ nếu đem so sánh với những người có “liên quan” đến vật lý trong cả nước.
Quay sang trang web của Đại học khoa học tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHKHTN, ĐHQGHN) là một trong các đại học khoa học lớn nhất cả nước, tôi tìm thấy số liệu về số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên tại Khoa Vật Lý là 44 (37 TS, 7 TSKH), trên tổng số khoảng 800 sinh viên trong toàn Khoa. Với tỷ lệ 20 sinh viên/ giảng viên (so với tỷ lệ 7 đến 10/1 của một giáo sư tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới), chúng ta có thể hình dung ra khối lượng giờ giảng khổng lồ mà họ phải cáng đáng hằng năm; và với việc phải dạy quá nhiều, thì các giảng viên Vật lý còn thời gian đâu để làm khoa học, qua đó nâng cao trình độ?
Trên đây mới chỉ một vài phác thảo sơ bộ về “số lượng” những người làm Vật lý. Còn một tiêu chí khác, quan trọng hơn rất nhiều, đó là “chất lượng” – một vấn đề mà lâu nay cũng gần như bị bỏ ngỏ. Bảng thống kê dưới đây có thể cho chúng ta biết được phần nào diện mạo của nền vật lý nước Việt Nam.
Trong vòng 11 năm, tính đến 2007 các nhà Vật lý Việt Nam đã công bố được 709 bài báo quốc tế, ngang hàng với 2 nước láng giềng là Malaysia (833) và Thailan (681), bằng 1/10 các đồng nghiệp đến từ Singapore, 1/100 các đồng nghiệp Trung Quốc và 1/300 các đồng nghiệp Mỹ. 1000 người, trong vòng 11 năm đăng được 709 bài báo quốc tế, làm một vài phép tính đơn giản, ta có thể suy ra được để ra được 1 bài báo, 1 nhà vật lý Việt Nam phải mất đến gần 16 năm. Một năng suất làm việc vô cùng “tệ hại” nhưng cũng vô cùng dễ hiểu nếu so với cộng đồng Vật lý vừa “mỏng”, lại vừa “lỏng” như vừa phân tích ở trên.
Người học Vật lý đi đâu?
Mỗi năm Khoa Lý của ĐHQG HN và ĐHQG TPHCM tuyển sinh trên dưới 200 sinh viên; nếu tính thêm số sinh viên khoa Lý của các ĐH khác như ĐH Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên…; trong cả nước có lẽ cũng phải có đến vài nghìn sinh viên Vật Lý. Điều đó cũng tương đương với khoảng vài nghìn cử nhân Vật lý mới ra trường. Một câu hỏi được đặt ra: “Những cử nhân Vật lý đó, sau khi ra trường đi đâu, làm gì?”. Câu trả lời, thật đơn giản: vì miếng cơm, vì cuộc sống, phần lớn các cử nhân Vật lý tốt nghiệp tại Việt Nam sau khi ra trường, sau một thời gian, đều phải tìm cách chuyển ngành. Chỉ rất ít trong số họ trụ lại để trở thành nhà nghiên cứu. Một tiến sĩ Vật lý đang công tác tại ĐHKHTN, ĐHQGHN cho biết cho đến thời điểm này, tức là sau 34, 35 năm kể từ khi tốt nghiệp Khoa Lý, ĐH Tổng hợp cũ; đến giờ, khóa của ông chỉ còn sót lại 5-6 người hiện vẫn đang làm Vật lý theo đúng nghĩa của nó. Tình hình này cũng không có vẻ gì sáng sủa hơn đối với các khóa sau, 1 cựu sinh viên K44, Khoa Lý, ĐHKHTN, ĐHQGHN cho biết, khóa của anh, “5 năm sau khi ra trường, giờ cũng chỉ còn khoảng 15% còn đang theo đuổi vật lý”. Ngay cả đối với sinh viên các lớp Cử nhân tài năng, Chất lượng cao – những người được đặt hy vọng trở thành các nhà khoa học hàng đầu trong tương lai, tình trạng cũng không có vẻ khả quan hơn. Một cựu sinh viên K5 Cử nhân tài năng Lý, ĐHKHTN, ĐHQGHN cho biết “Chúng tôi nhập học năm 2001, có 12 sinh viên, ra trường năm 2005, đến giờ này đã có 4 người bỏ hẳn Vật Lý, 8 người đang làm nghiên cứu sinh nhưng ngay cả những người này cũng không còn nhiều đam mê và nhiệt huyết lắm.” Nhiều người sau khi bỏ nghề có câu “Học Vật Lý cốt để lấy tư duy, rồi sau muốn làm nghề gì cũng được.” Đúng là có rất nhiều người sau khi bỏ vật lý, đã rất thành công ở những lĩnh vực khác. Xét trên phương diện cá nhân, câu nói trên hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng trên phương diện quản lý khoa học – giáo dục, đó là điều không thể chấp nhận được bởi như thế là một sự lãng phí và tổn hại cả về tiền bạc, thời gian và tinh thần. Việc tỷ lệ sinh viên Vật Lý ra trường bỏ nghề lên đến 60-70% phản ánh được phần nào bộ mặt ảm đạm của nền Vật lý nước ta.
Giải pháp nào cho Vật lý…
Nhiều người tin vào việc kêu gọi và thu hút các nhà khoa học nước ngoài, Việt Kiều và các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang công tác tại nước ngoài về nước làm việc như một cứu cánh cho sự thay đổi diện mạo khoa học nước nhà. Tôi cho đó là một điều khó khả thi. Bởi khoa học thì không có biên giới. Người làm khoa học, ngoài trách nhiệm với Tổ quốc thì còn có trách nhiệm với chính ngành nghiên cứu của anh ta – do đó, một nhà khoa học đang ở độ tuổi sung sức không đời nào chịu rời một nơi có chế độ làm việc thuận lợi để về một nơi có điều kiện làm việc yếu kém hơn chỉ để “cống hiến” (và kèm theo đó là độ rủi ro rất cao trong việc chôn vùi sự nghiệp khoa học của chính anh ta). Ngay tại các nước châu Âu, từ nhiều năm nay, người ta cũng luôn đau đầu bởi chuyện chảy máu chất xám khoa học sang Mỹ. Bản thân Hàn Quốc, nơi có nền khoa học phát triển hơn ta rất nhiều lần, trước kia cũng đã từng thất bại trong việc thu hút các nhà khoa học nước ngoài (trong vòng 10 năm, với chính sách đãi ngộ đặc biệt, các trường Đại học Hàn Quốc cũng chỉ thu hút được vài chục giáo sư Âu – Mỹ đến làm việc). Mới đây, họ cũng vừa thay đổi chính sách khi quyết định sáp nhập một số ĐH tại Seoul để trở thành KAIST với quyết tâm trở thành siêu cường về khoa học công nghệ.
Vậy làm thế nào để kéo nền Vật lý cũng như nền khoa học Việt Nam ra khỏi thực trạng đáng buồn như hiện nay. Không ai khác, chính chúng ta, những nhà quản lý và những người làm vật lý đang sinh sống và làm việc trong nước phải vận động đầu tiên. Và cũng không còn cách nào khác, khoa học là phải gắn liền với cuộc sống, nhu cầu xã hội – đó chắc chắn phải là mục đích bất di bất dịch mà các nhà quản lý và khoa học cần phải hướng tới.
Năm 2005, Nghị định 115 ra đời, được coi là “khoán 10” cho khoa học công nghệ, với hy vọng sẽ cải thiện được chất lượng cũng như mức thu nhập của những người làm khoa học. Nhưng cho đến nay có vẻ như vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Tính đến cuối năm 2007, mới chỉ có 25% tổ chức KH-CN trong cả nước chính thức được phê duyệt đề án thực hiện theo Nghị đơn 115. Nhiều tổ chức, nhà khoa học còn ngần ngại hoặc biết rất ít thông tin về nghị định này. Thậm chí, một nhà vật lý ứng dụng, sau khi chế tạo thành công bột phát quang chất lượng cao với giá rẻ, không biết làm thế nào để đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Khi được hỏi, ông cũng tỏ vẻ ngạc nhiên và hoàn toàn không biết một chút gì về Nghị định 115, mặc dù khi đó đã là đầu năm 2008. Cho đến nay, công nghệ chế tạo bột phát quang của ông vẫn cứ nằm trong ngăn kéo bàn làm việc.
Như vậy, rõ ràng, sau bao nhiêu năm dựa vào bầu sữa mẹ “ngân sách”, các nhà khoa học của chúng ta vẫn chưa sẵn sàng bước chân ra khỏi “tháp ngà” kinh viện; còn các nhà quản lý dù đã cố gắng, vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chính sách.
Để kết thúc bài viết, tôi xin kể một câu chuyện mới đây về trường Đại học California, tại Los Angeles (UCLA) của Mỹ (một trường đại học công lập đẳng cấp quốc tế có 30% ngân quỹ hoạt động hằng năm là từ nguồn tài trợ của Chính phủ Bang). Mới đây, UCLA vừa từ chối tăng cường viện trợ của Chính phủ Bang. Bởi kéo theo khoản viện trợ đó, UCLA sẽ phải đầu tư một số hướng nghiên cứu theo đặt hàng của Chính phủ Bang không có trong kế hoạch lâu dài của họ. Từ câu chuyện trên, có thể thấy các nhà khoa học người Mỹ không chỉ giỏi nghiên cứu mà còn rất giỏi kiếm tiền (đến mức chê tiền của Nhà nước).
Tôi tự hỏi, liệu đến ngày nào, mới có một trường đại học của Việt Nam chê tiền Nhà nước như UCLA?
GS.Phạm Xuân Yêm
Nguyên giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS)
Thực trạng ngành vật lý nước ta phản ánh trung thực chất lượng đại học và nghiên cứu khoa học, nói chung hơn nữa nó phản ảnh tình trạng phát triển về văn hoá, kinh tế, chính trị của nước nhà.
Cũng không có gì lạ vì thực ra nước ta mới dần dần hội nhập với tiêu chuẩn của thế giới tiến bộ chưa đến 20 năm, sau gần non thế kỷ quá khác người. Tuy nhiên theo nhận định chủ quan của tôi, hai ngành toán và vật lý có lẽ cao hơn trung bình một chút so với nhiều ngành khoa học khác. Những cố gắng gần đây của Viện Vật liệu và Viện Vật lý & Điện tử thuộc Viện KH&CN Việt Nam, do sáng kiến và nghị lực của một số anh chị em hoạt động nghiêm túc mặc dầu nhiều điều kiện khó khăn, là điều tôi trân trọng và cảm phục.
Ngành vật lý cũng như các ngành khoa học tự nhiên cơ bản khác để phát triển bình thường cần có một số điều kiện chuẩn mà theo tôi ta không thể tránh né mãi: Không gian và tư duy độc lập, tự do là cái nôi nuôi dưỡng cho sự nghiệp phát triển. Ý thức hệ và chính trị phải đứng ngoài sự tổ chức, thông tin và quản lý của một nền đại học nghiên cứu chất lượng. Số lượng của các nhà giáo đại học nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao quốc tế còn quá ít, vài con én không làm nổi mùa xuân. Xây dựng nên đội ngũ này là cả một tiến trình lâu dài hàng chục năm, không thể một sớm một chiều. Sau hết là cơ sở vật chất, sách giáo khoa quốc tế, tạp chí chuyên ngành, tài liệu, thư viện, máy tính.
Còn phát triển lãnh vực nào là để cho những nhà vật lý tự phát động, quản lý và can thiệp quá nhiều vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học là một nghịch lý cản trở cho sự sáng tạo.
GS.NGUYỄN VĂN TUẤN Viện Nghiên cứu Garvan (Úc)
* Bất cứ nước nào, kể cả các nước nghèo nhất, vẫn có thể đào tạo ra những thiểu số chuyên đi thi quốc tế để chiếm giải thưởng, nhưng không phải nước nào cũng có thể tạo ra một thực lực khoa học ở tầm vóc quốc gia. Nói cách khác, chúng ta cần đầu tư có hệ thống vào việc nâng cao trình độ khoa học của một quần thể để tạo ra được một thực lực khoa học đủ cạnh tranh trên trường quốc tế, chứ không nên tốn nhiều tiền để rèn luyện một thiểu số rất nhỏ chỉ để đi chiếm giải thưởng quốc tế cấp thấp. * Hoạt động nghiên cứu vật lí của nước ta đa dạng hơn các nước khác trong vùng, nhưng cũng cho thấy một khuynh hướng đáng lo ngại. Khoảng 1/3 công trình nghiên cứu vật lí ở nước ta liên quan đến vật lí chất rắn, trong khi đó ngành này chỉ chiếm 14 đến 22% ở các nước khác trong vùng. Một điểm đáng chú ý là chỉ có 13% tổng số công trình nghiên cứu vật lí nước ta liên quan đến vật lí ứng dụng, trong khi đó ở các nước có nền kinh tế phát triển hơn nước ta như Thái Lan và Singapore thì tỉ lệ bài báo vật lí ứng dụng chiếm gần 50% tổng số bài báo vật lí. Vì vậy chúng ta nên tập trung vào nghiên cứu vật lí ứng dụng để thiết thực đóng góp vào sự phát triển KT-XH của nước nhà. Một trong những ngành khoa học phát triển nhanh nhất hiện nay và được xem là ngành khoa học mũi nhọn của thế kỉ 21 là công nghệ y sinh học. Từ nhiều năm nay, các nước phát triển đã hướng nghiên cứu vật lí vào phát triển các phương pháp chẩn đoán y khoa, công nghệ gene, công nghệ sinh học… Còn ở nước ta, y tế và công nghệ sinh học chưa được phát triển tốt, một phần do thiếu ứng dụng vật lí.