Về nước không phải là giải pháp duy nhất
Nguyễn Trọng Cảnh - một trong hai học sinh đưa Việt Nam lên bục vinh quang trong kỳ thi Olympic Toán Quốc Tế năm 2003 tại Nhật Bản (huy chương Vàng tuyệt đối 42/42). Cuối năm đó, anh là một trong 10 thanh niên được vinh danh “Gương mặt trẻ tiêu biểu của thanh niên cả nước”. Hiện anh đang theo học năm cuối trường Đại học Bách Khoa Paris-Pháp (Ecole Polytecnique de Paris). Cuộc trao đổi hết sức cởi mở với Cảnh qua chương trình Skype- điện thoại Internet trong vòng 2 giờ, khiến tôi thực sự được sống trong thế giới khoa học của Cảnh, một thế giới có vẻ trầm lặng nhưng ẩn chứa bên trong rất nhiều năng lượng và sự bùng nổ.
Xin lỗi, nhưng xin phép đừng nói chuyện quá khứ nữa. Hãy coi tôi như là một sinh viên khoa học bình thường.
Vậy trong 4 năm qua, bạn đã làm được những gì?
Hai năm đầu, tôi theo học khoa toán Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, sau đó tôi sang Pháp nhập học tại trường Bách Khoa Paris tháng 10/2005. Hiện tôi đang học năm cuối ở đây. Nói chung, tôi vẫn đang ở quá trình tích luỹ kiến thức cơ bản.
Tích lũy kiến thức cơ bản? Nhưng bạn đã là sinh viên năm cuối ?
Vâng, năm sau học Master (Thạc sĩ) bọn tôi mới phải phân ngành, chương trình bên này là thế.
Vậy bạn sẽ chọn ngành gì?
Tôi dự đinh học Master về Vật Lý lý thuyết tại trường Đại học Sư Phạm Paris
Bạn đã đeo đuổi Toán khá lâu, định theo ngành Vật lý Lý thuyết, liệu sự thay đổi này có quá đường đột không?
Việc chuyển ngành này thực chất chỉ là danh nghĩa. Bởi trong 4 năm qua, tôi cũng đã được học rất nhiều về Vật Lý. Hơn nữa, niềm yêu thích của tôi là giải thích thế giới xung quanh dựa trên cơ sở lôgích. Cụ thể là những điều cơ bản chi phối thế giới. Do đó, học Toán hay Lý không quan trọng mà là nên học cái gì vào thời điểm nào để phục vụ cho mục đích của mình. Cho nên tôi cũng sẽ không bất ngờ nếu trong tương lai mình sẽ nghiên cứu thêm cả về Hoá nữa. Vả lại khoa học thì vốn không hề có biên giới.
Như vậy ngay từ lúc học cấp 3, bạn đã có ý định theo học Vật lý?
Không, hồi đó tôi chẳng để ý gì cả, cũng chưa có suy nghĩ sâu sắc xem Vật lý là gì, Toán học là gì. Thầy cô cũng không yêu cầu học sinh phải có những suy nghĩ sâu sắc qúa. Lúc ấy học Toán cũng chỉ vì niềm đam mê, thích thì học. Và vì sao thì cũng khó nói vì đó hoàn toàn là chuyện tình cảm: thích hay không thích. Mãi khi lên tới đại học tôi mới xác định cụ thể hơn.
Thời gian biểu của bạn rất đều đặn, gần như không nghỉ ngơi, liệu có nhàm chán?
Nhàm chán là cách nhìn nhận của người ngoài. Tôi không hề thấy nhàm chán. Sống để làm điều mình thích thì chẳng bao giờ chán. Đôi lúc có cảm thấy thế thật thì cũng phải chịu thôi, nếu không sẽ phải từ bỏ giấc mơ khoa học. Muốn học tốt thì buộc phải có thời gian biểu cố định và cả sức khỏe nữa. (Ít ra là trong ngành khoa học của tôi).
Ước mơ của bạn là gì ? bạn có muốn thành công?
Thế nào là thành công, điều này khó nói lắm nên tốt nhất là mình đừng nghĩ đến nó. Theo tôi thì thành công hay không – không quan trọng mà định hướng cuộc đời mới là quan trọng: sống tốt, làm việc mình yêu và vừa sức. Hơn nữa thành công không nhất thiết phải mang tính cá nhân. Tôi nhớ trước kia, đã có rất nhiều người phải bỏ mạng khi cố gắng bay vượt biển Manche (Anh-Pháp), chỉ đến khi có người đầu tiên thành công mới được tôn vinh. Tôi nghĩ sự tôn vinh này không chỉ dành riêng cho người thành công, mà còn cả cho những người đã bỏ xác trên biển. Cũng chính nhờ những người đó mà mới có nền hàng không phát triển rực rỡ như ngày hôm nay. Do vậy tôi quan niệm tốt nhất là khi làm mình đừng nghĩ đến chuyện thành công, có thế thì khi thất bại mình mới đủ can đảm để vượt qua nó.
Có cơ hội theo học ở những trường hàng đầu của cả Việt Nam và Pháp, bạn có nhận xét gì về sự khác biệt ?
Tôi không muốn dùng từ so sánh, bởi so sánh dễ làm người ta liên tưởng đến chuyện hơn kém. Chả cần nói ai cũng biết điều kiện học và làm khoa học ở Pháp tốt hơn ở Việt Nam. Nhưng tôi không bao giờ thất vọng về điều kiện học của mình trước đây ở Việt Nam. Bởi chính những điều đó đã góp phần tạo nên con người tôi bây giờ.
Còn điều kiện học ở đây đúng là rất tốt: thư viện phong phú, phòng thí nghiệm hiện đại…. Bọn tôi có điều kiện giao lưu với nhiều nền văn hoá, trang thiết bị giải trí, thể thao luôn có sẵn trong trường. Ăn uống thì có căng tin, kể cả bữa sáng. Đặc biệt nhất là các giáo sư liên tục cập nhật các kiến thức mới vào bài giảng.
Tôi hy vọng các bạn trong nước cũng sẽ có điều kiện đọc những tài liệu của nước ngoài. Một hệ thống thư viện tốt là vô cùng quan trọng. Các trường đại học có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực này để giảm chi phí.
Bạn sẽ trở về Việt Nam làm việc sau khi học xong?
Đây là một câu hỏi rất phổ biến. Nó cũng không khác nào hỏi một sinh viên từ các tỉnh lên Hà Nội học là họ có về quê làm việc hay không. Nó sẽ đẩy người trả lời vào một thế rất khó. Tất nhiên là ai cũng muốn được sống và làm việc tại quê hương, gần gia đình nhưng không ai nói trước được điều gì. Với cả về thì sẽ làm gì? Về tốt cho công việc của bản thân và cho cộng đồng thì hẵng về.
Nhưng bạn cũng biết là Việt Nam đang rất thiếu chất xám, nhất là trong các ngành khoa học cơ bản.
Điều này rất đúng. Nước ta cần rất nhiều chất xám, cần sự đóng góp trực tiếp của các nhà khoa trẻ có trình độ. Trở về – đó là một giải pháp, nhưng không phải là duy nhất, cũng không phải là điều kiện cần và đủ để phát triển nền khoa học công nghệ ở Việt Nam. Cẩn thận không lại cứ cắm đầu vào đếm xem có bao nhiêu phần trăm trở về mà lại quên đi cái cốt lõi đằng sau nó. Mà đóng góp thì tôi nghĩ không thiếu gì cách. Ví dụ tôi thấy việc xây dựng được một mạng lưới xuyên suốt giữa các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước là điều rất cần thiết. Ngoài ra, một nền khoa học phát triển thì luôn đi liền với kinh tế. Không phải ngẫu nhiên là những nước Mỹ Nhật hay Đức lại là những nước có nền khoa học phát triển nhất. Do vậy việc có một kế hoạch đồng bộ để phát triển tất cả các ngành là rất quan trọng. Còn cụ thể hơn thì phải hỏi những nhà quản lí. Dù sao tôi vẫn chỉ là một sinh viên.