Vệ tinh sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ đi vào quỹ đạo

Ngày 24/9, tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ có tên Mangalyaan sau khi bay hết chặng đường marathon dài hơn 670 triệu km trong 300 ngày, cuối cùng đã tới quỹ đạo sao Hỏa và trở thành vệ tinh của hành tinh màu đỏ này.

Đây là một thắng lợi rực rỡ của khoa học và công nghệ vũ trụ Ấn Độ. Từ nay nước này được xếp ngang hàng với các đại gia vũ trụ như Nga, Mỹ, EU.

Năm 2008 Ấn Độ đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên lên Mặt Trăng (tàu Chandrayaan-1), lần đầu lấy được chứng cớ trên đó có tồn tại nước. Lên sao Hỏa khó hơn lên Mặt Trăng rất nhiều; sứ mệnh thăm dò sao Hỏa của tàu Mangalyaan là bước nhảy vọt lớn khiến toàn dân Ấn Độ cũng như toàn thế giới phấn khởi hết lời ca ngợi.

Với thành công của Mangalyaan, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ ISRO đã lập mấy kỷ lục trong lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người:

– Thành công ngay trong lần đầu tiên phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa – chưa quốc gia nào làm được điều này [1];

– Thực hiện dự án thăm dò sao Hỏa với chi phí thấp nhất: chỉ có 74 triệu USD [2]; xét theo tiêu chuẩn của phương Tây là “rẻ đến mức làm mọi người sửng sốt”.

– Là nước châu Á đầu tiên đưa được tàu vũ trụ tới hành tinh Đỏ.

Trước ngày phóng tàu Mangalyaan, loài người đã thám hiểm sao Hỏa 51 lần nhưng chỉ 21 lần thành công (15 lần của Mỹ); các lần thám hiểm trong 20 năm gần đây của Nga, Nhật, Anh, Trung Quốc đều thất bại, chỉ có Mỹ và EU thành công. Cả Nga và Mỹ đều thất bại trong các lần phóng tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên. Tàu thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc có tên Yinghuo-1 ghép vào tàu thăm dò sao Hỏa Phobos-Grunt của Nga được phóng vào tháng 11/2011 từ sân bay vũ trụ Baikonur nhưng do trục trặc nên cả hai tàu đều rơi xuống bầu khí quyển và cháy thành tro. Tàu thăm dò sao Hỏa có tên Nozomi của Nhật phóng năm 1998 cũng thất bại vì giữa đường bị hết nhiên liệu.

Mangalyaan nặng 1.350 kg, to tương đương chiếc ô tô con, mang theo bộ truyền cảm để phát hiện khí methane trong khí quyển, máy ảnh màu, phổ kế để đo vẽ bề mặt sao Hỏa và thăm dò khoáng sản, máy phân tích khí quyển. Mangalyaan sẽ nghiên cứu và vẽ bản đồ bề mặt sao Hỏa, đặc trưng khoáng sản. Thời hạn hoạt động của nó là sáu tháng. Việc tìm kiếm dấu vết khí methane nhằm tìm chứng cớ trên sao Hỏa đã hoặc đang tồn tại sự sống dưới dạng các vi sinh vật ở dưới lớp đất bề mặt. Đây là một trong những đề tài nghiên cứu cấp thiết nhất về sao Hỏa.

Mangalyaan được ISRO phóng lên ngày 5/11/2013 từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota nằm trên bờ biển vịnh Bengal, với dự kiến sẽ tới đích ngày 24/9/2014. Do tên lửa đẩy yếu, chưa đạt vận tốc vũ trụ cấp hai (11,2 km/s), tức không thoát khỏi sức hút của Trái Đất, nên Mangalyaan phải tạm bay 20~25 ngày trên quỹ đạo e-lip gần trái đất để tăng tốc dần qua sáu lần thao tác nâng cao quỹ đạo (orbit-raising maneuvers), cuối cùng lên tới quỹ đạo bay đi sao Hỏa. Mỗi lần tăng tốc đều phải khởi động động cơ đốt bằng nhiên liệu mang theo tàu.

Sáng 24/9, từ trung tâm điều khiển tại thành phố Bangalore ở miền Nam, ISRO phát lệnh điểm hỏa động cơ hãm trên tàu Mangalyaan. Động cơ hãm đã chạy trong 24 phút, hoàn tất việc giảm tốc độ con tàu xuống tới mức vừa đủ để nó được trọng lực của sao Hỏa hút vào quỹ đạo của thiên thể này, sau đó Mangalyaan sẽ bay vòng quanh hành tinh Đỏ như một vệ tinh nhân tạo, với điểm thấp nhất là 366 km và tiến hành các hoạt động thăm dò. Thao tác điều chỉnh tốc độ này rất khó. Nếu tốc độ không giảm thì con tàu có thể vượt qua sao Hỏa rồi bay mất hút vào không gian sâu thẳm; nhưng nếu tốc độ giảm quá nhiều thì con tàu sẽ đâm xuống bề mặt sao Hỏa.

Giờ đây ISRO có thể tự hào là chuyến bay của Mangalyaan tiến hành tương đối suôn sẻ, mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu.

Dự án Mangalyaan là kết quả lao động của hơn 500 nhà khoa học và kỹ sư Ấn Độ, họ đã hoàn thành con tàu này trong thời gian ngắn chưa từng thấy – 15 tháng, với chi phí còn rẻ hơn chi phí Hollywood từng dùng làm bộ phim Gravity. Toàn bộ thiết bị khoa học mang trên Mangalyaan chỉ nặng khoảng 15 kg. Tất cả những điều đó cho thấy sự nỗ lực cao độ của các nhà khoa học, kỹ sư và công nhân Ấn Độ cũng như trình độ xuất sắc về công nghệ và tổ chức của họ.

Có mặt tại trung tâm điều khiển trong giờ phút Mangalyaan tới sao Hỏa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xúc động nói: nước ông đã “làm được điều gần như không thể… Chúng ta đã thắng lợi ”.

Một số nhà bình luận cho rằng Mangalyaan còn gửi một thông điệp địa chính trị mạnh mẽ đến đối thủ của Ấn Độ trong khu vực là Trung Quốc – quốc gia đang tiến hành một kế hoạch ba bước thăm dò Mặt trăng với quy mô lớn. Một số nhà khoa học Trung Quốc từng phê phán việc nước họ chưa tích cực nghiên cứu thăm dò sao Hỏa. Tuy Trung Quốc có lực lượng nghiên cứu vũ trụ rất mạnh và kinh phí nghiên cứu lớn hơn Ấn Độ nhưng rõ ràng dù có cố gắng thế nào thì trong việc thăm dò sao Hỏa họ đã đi sau Ấn Độ ít nhất vài năm, – bởi lẽ phải chờ hơn hai năm mới có một dịp lên sao Hỏa (cứ 25,7 tháng mới xuất hiện một lần sao Hỏa ở gần Trái Đất nhất), mà năm 2011 tàu Yinghuo-1 đã thất bại, năm 2013 đã qua, sớm nhất là năm 2015 Trung Quốc mới có thể hy vọng phóng tàu thăm dò sao Hỏa.

Tổng thống Obama sau khi nhậm chức đã chuyển hướng nghiên cứu vũ trụ của NASA, tập trung sức vào việc thăm dò sao Hỏa. Theo tìm hiểu, có lẽ vì sao Hỏa là thiên thể gần nhất có thể có môi trường thích hợp để con người sinh sống được. Obama từng nói phát hiện sự sống trên sao Hỏa có thể là một trong những phát hiện quan trọng nhất của loài người.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp theo các tài liệu nước ngoài

[1] Tàu Mariner 4 – tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Mỹ (phóng 28/11/1964) không tới được quỹ đạo sao Hỏa mà chỉ lướt qua nó ở cự ly 6000 dặm, chụp được 22 bức ảnh rồi mất tích. Hai tàu Mariner 6 và 7 cũng vậy. Mãi đến Mariner 9 (phóng 30/5/1971) mới tới được quỹ đạo sao Hỏa.

 [2] Chia cho mỗi đầu người Ấn Độ là 0,07 USD. So sánh: dự án tàu Maven của Mỹ trị giá 671 triệu USD (nhưng Maven nặng 2450 kg, thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hơn Mangalyaan).

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)