Về vấn đề tài trợ nghiên cứu cơ bản

Về vấn đề tài trợ NCCB (nghiên cứu cơ bản), vì đã có một số hiêu lầm nên tôi xin nói rõ vài ý kiến đã phát biểu trong buổi tọa đàm ở Bộ KH & CN:

1.  Chủ trương coi trọng các công bố quốc tế làm cơ sở xét duyệt và tài trợ cho các đề tài NCCB là một bước tiến lớn về quản lý nghiên cứu khoa học. Tuy vậy tôi vẫn mong rằng dần dần sẽ tiến đến như ở các nước phát triển, tiền lương trả cho người làm khoa học đủ sống đàng hoàng phù hợp với năng lực thực tế của họ, để họ không phải kiếm thêm thu nhập khác, còn kinh phí nghiên cứu khoa học chỉ được dùng để chi cho công việc nghiên cứu (đi dự hội nghị, hội thảo, trả tiền đăng công trình khoa học trên một số tạp chí (1), mời đồng nghiệp đến hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu sinh, v.v.), chứ không dùng để tăng thu nhập cá nhân. Theo tôi biết, ở châu Âu, Úc và Nhật đều như vậy(2); ở Mỹ nói chung cũng tương tự, nhưng do GS, PGS chỉ được trả lương 9 tháng trong một năm nên trong 3 tháng không lương họ có thể được trả công bằng một phần kinh phí  nghiên cứu (nhưng khoản này phải được dự trù trong bản đăng ký xin tài trợ, chứ không được tùy tiện).  Trong buổi tọa đàm ở Bộ KH & CN, GS Ngô Việt Trung khi so sánh giữa châu Âu và Mỹ là với ý đó, chứ không phải để khẳng định việc dùng kinh phí bù lương là phổ biến trên thế giới, như đã tường thuật  trên TS, số 12, 20/6/2008.
2. Trong hiện tình của ta, ai cũng thấy việc dùng một phần kinh phí đề tài để tăng thêm thu nhập cá nhân là hợp lý. Để cho việc xét duyệt đề tài nghiêm túc, dự thảo của Bộ KH & CN có đưa ra một số tiêu chuẩn, như chủ nhiệm  đề tài phải có công trình đăng trên các tạp chí ISI trong 5 năm gần đây nhất,  thành viên các hội đồng xét duyệt, chuyên gia thẩm định, cũng phải có thành tích nghiên cứu xuất sắc 5 năm gần đây nhất, v.v. Tôi đánh giá cao ý tưởng nhưng thật tình tôi không dám tin tưởng lắm ở tính khả thi của nó: lấy đâu ra đủ chuyên gia trong nước đạt các tiêu chuẩn ấy, cho nên để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi (ứng viên lại ngồi trong hội đồng), ắt phải nhờ thêm chuyên gia nước ngoài, điều này theo kinh nghiệm tìm referee quốc tế cho các tạp chí trong nước sẽ công phu và mất thì giờ, không chắc các cơ quan quản lý của ta đủ năng lực để làm tốt. Trong hoàn cảnh tiêu cực tràn lan như hiện nay, dù quy trình lựa chọn chặt chẽ đến đâu cũng chưa ai dám tin là có thể thực hiện thật sự dân chủ, minh bạch, suôn sẻ. Vả lại, như tôi đã nhiều lần phát biểu, khâu chính là xét duyệt trước khi cấp kinh phí, còn nghiệm thu ngay khi làm xong không mấy ý nghĩa lại dễ sinh ra hình thức (làm sao đảm bảo chỉ trong hai năm vừa làm xong vừa đăng được một công trình trên tạp chí quốc tế nghiêm chỉnh?). Trong khi đó, mục tiêu của ta trong vài năm tới là làm sao tăng được số công bố quốc tế tương xứng với đầu tư cho NCCB. Vì vậy tôi kiến nghị: nên chăng dành một quỹ riêng để thưởng cho các công bố quốc tế hằng năm, cứ mỗi bài đã đăng trên tạp chí quốc tế trong năm thì được thưởng một số tiền đích đáng (ví dụ từ 5 đến 10 nghìn USD, tùy loại, tùy ngành), bất kể tác giả có tham gia đề tài nào hay không. Muốn đủ tiền cho quỹ thưởng, cần tạm giữ các khoản tài trợ đề tài, ở mức hiện nay, để những bất cập và khiếm khuyết khác về xét duyệt (mà ta đành phải chấp nhận) sẽ không gây bất công đáng kể. Như thế sẽ đỡ được nhiều chuyện phức tạp về quản lý, mà giải pháp thưởng đơn giản, dễ làm, khách quan, sẽ là yếu tố chính bảo đảm đầu tư công bằng, hợp lý, hiệu quả. (Tất nhiên còn tồn tại vấn đề: giá trị thật của một công trình không thể chỉ tùy thuộc tạp chí đã đăng nó, điều nay sẽ tìm cách bổ khuyết bằng đánh giá định kỳ từng 3 năm một). Sau 5-3 năm làm như vậy thu nhập thực tế của người làm khoa học phù hợp hơn với  năng lực chuyên môn mỗi người, khi đó có thể tiến đến sắp xếp lại lương cho phù hợp thu nhập thực tế, và dần dần chuyển qua cách quản lý theo thông lệ ở các nước, như đã nói rõ ở phần 1.
————-
(1) Một số tạp chí quốc tế lớn yêu cầu  (nhưng không bắt buộc) tác giả các bài được nhận đăng (hoặc cơ quan nơi tác giả làm việc) trả một số tiền để đóng góp vào các chi phí ấn loát và xuất bản (chẳng hạn, đối với  tạp chí SIAMOPT hiện nay là 78 USD một trang in)
(2) Xem bài “Quản lý đề tài nghiên cứu ở Nhật” , TS số 13, 05/7/2008.

Hoàng Tụy

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)