Verena Mohaupt: Người tuần tra vùng cực

Trong một nhiệm vụ chưa từng thấy ở Bắc Cực, người phụ trách hậu cần này đã đảm bảo an toàn cho các nhà khoa học trước những con gấu, sự lạnh giá khắc nghiệt và chính bản thân họ.

Không còn đường nào rút lui khi họ phát hiện ra con gấu Bắc Cực. Verena Mohaupt và một số đồng nghiệp của cô bị mắc kẹt trên một tảng băng trôi trong khi con gấu nhìn chằm chằm về phía họ và đánh hơi. Đó là một dấu hiệu nguy hiểm.

“Khi đó phải vận dụng mọi thứ”, Mohaupt cho biết, “và phải tập trung vào những gì quan trọng”. Trong khi người đồng nghiệp bắn pháo sáng lên trời như một phát súng cảnh báo, Mohaupt đã truyền tin qua sóng vô tuyến cho tàu nghiên cứu của họ cách đó vài km. May mắn thay, máy bay trực thăng từ con tàu đã nhanh chóng đến và Mohaupt không phải sử dụng đến khẩu súng trường trên vai.

Canh chừng gấu là một nhiệm vụ thường xuyên của Mohaupt, điều phối viên hậu cần trong nhiệm vụ kéo dài 1 năm có tên Đài quan sát nổi đa ngành nghiên cứu khí hậu Bắc Cực (MOSAiC) – cuộc thám hiểm nghiên cứu Bắc Cực lớn nhất trong lịch sử. Dự án bắt đầu vào cuối năm 2019, khi một tàu phá băng từ Viện Wegener Alfred (AWI) ở Bremerhaven, Đức di chuyển đến một tảng băng nổi ở Siberia, Bắc Cực và cố định tại chỗ. Trong năm tiếp theo, con tàu và đội ngũ luân phiên khoảng 300 nhà khoa học đã “trôi” cùng tảng băng và thu thập những dữ liệu chưa từng có về biến đổi khí hậu. Với sự dẫn đầu của nhà khoa học khí quyển Markus Rex ở AWI, đoàn thám hiểm đã thu thập những dữ liệu có thể giúp các nhà lập mô hình dự báo tốt hơn về việc hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ biến đổi khu vực này, cũng như phần còn lại của thế giới như thế nào trong những thập kỷ tới.
Trong nhiều tháng, đoàn thám hiểm đã hoạt động liên tục trong bóng tối trong khi gấu Bắc Cực lang thang gần đó, các cơn bão làm rung chuyển con tàu, tảng băng di chuyển và nứt vỡ. Sau đó, khi Mặt trời quay lại, tảng băng bắt đầu tan chảy, tạo ra mối nguy hiểm và cơn ác mộng với các nhà nghiên cứu, khi phải bảo vệ các thiết bị để tránh bị chìm.
Với trách nhiệm đảm bảo an ninh cho cả đoàn, Mohaupt đã thiết kế một khóa đào tạo mở rộng cho các thành viên để học cách phòng tránh các hiểm họa ở Bắc Cực. Họ đã nhảy vào một vịnh hẹp ở Na Uy trong bộ quần áo sinh tồn và trèo ra khỏi vùng nước lạnh giá chỉ bằng cuốc phá băng. họ đã học cách thoát khỏi một chiếc trực thăng bị rơi. Và họ đã bàn luận về những ảnh hưởng tâm lý khi xa nhà. Mohaupt mang theo dụng cụ đan lát, một chiếc đàn accordion và thảm tập yoga để giữ tinh thần ổn định – mặc dù cô thấy mình đã chuẩn bị tốt cho việc bị cô lập, trước đây Mohaupt đã thực hiện hai nhiệm vụ kéo dài 18 tháng với tư cách quản lý trạm cho một cơ sở nghiên cứu Pháp – Đức ở Svalbard ở Na Uy.

Mohaupt không có kế hoạch theo đuổi công việc hậu cần vùng cực, nhưng cô cho biết Bắc Cực luôn thu hút cô – ngay cả khi đang theo học ngành lý sinh học ở trường đại học. Nền tảng khoa học này đã giúp cô làm việc chặt chẽ với từng nhóm nghiên cứu để đảm bảo rằng họ có đủ trang thiết bị cần thiết cho những cuộc điều tra của mình. Đội hậu cần của Mohaupt cũng có các thành viên làm nhiệm vụ canh phòng gấu Bắc Cực trong lúc các nhà nghiên cứu ở ngoài mặt băng.
“Với nhiều người, khi một con gấu xuất hiện, suy nghĩ đầu tiên là ‘sợ quá – có một con gấu ngay chỗ kia’,” Matthew Shupe, một nhà khoa học khí quyển ở ĐH Colorado Boulder và Cục Quản lý Khí quyển và đại dương quốc gia (Hoa Kỳ), một trong những người dẫn đầu đoàn thám hiểu nhận xét. “Nhưng đội hậu cần đã can thiệp và xử lý tình huống đó trôi chảy đến mức tôi nghĩ rằng điều này đã góp phần tạo ra cảm giác an toàn cho toàn bộ nơi đó”.

Mối quan tâm lớn nhất của Mohaupt trong suốt nhiệm vụ là cái lạnh, và nhóm của cô đã phối hợp chặt chẽ với các nhà nghiên cứu để giữ họ khỏi nguy hiểm. Ngoài các khóa đào tạo ban đầu mà họ đem lại cho các nhà khoa học, Mohaupt và các đồng nghiệp luôn có thêm một phích trà hoặc chocolate nóng cho bất kỳ ai phải ra ngoài làm việc. Với tất cả các biện pháp phòng ngừa này, chỉ có một trường hợp bị bỏng lạnh trong nhiệm vụ kéo dài cả năm. “Họ ở đó để đảm bảo rằng chúng tôi luôn được bảo vệ”, Allison Fong, nhà sinh vật học ở AWI và một trong những người dẫn dắt nhóm nghiên cứu về hệ sinh thái trong nhiệm vụ MOSAiC cho biết: “Verena chắc chắn là nhà vô địch trong lĩnh vực này”.

 Thanh An tổng hợp

Nguồn: https://www.nature.com/immersive/d41586-020-03435-6/index.html

https://mosaic-expedition.org/profile/verena-mohaupt/

 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)