Vi nhựa có thể ngăn máu chảy trong não chuột

Hình ảnh theo thời gian thực chứng tỏ cách các tế bào bị vi nhựa bịt kín hình thành các khối có thể ảnh hưởng đến chuyển động của chuột.

Những mảnh nhựa nhỏ được tìm thấy mắc kẹt trong các mạch máu ở não chuột. Ảnh: Sinclair Stammers/Science Photo Library

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã dò theo được vi nhựa chuyển động khắp cơ thể chuột theo thời gian thực. Các hạt nhựa bé nhỏ này đã xuất hiện trong các tế bào miễn dịch, di chuyển khắp mạch máu và cuối cùng dừng lại trong các thành mạch máu ở bộ não. Không rõ là liệu những cấu trúc cản này có xuất hiện ở người không, theo các nhà nghiên cứu nhưng họ đã thấy ảnh hưởng của nó lên chuyển động ở chuột.

Các hạt vi nhựa được hình thành từ sự phong hóa của nhựa, nhỏ hơn 5 milimét, có thể xuất hiện ở muôn nơi, từ đáy đại dương đến băng Bắc cực. Chúng cũng có trong không khí mà chúng ta thở, nước chúng ta uống và món đồ chúng ta ăn. Chúng thậm chí có thể xâm nhập vào mạch máu của chúng ta một cách trực tiếp thông qua các thiết bị y tế.

Các nghiên cứu chứng tỏ là vi nhựa và các hạt nano nhựa nhỏ hơn đều có cách xâm nhập vào bộ não, thận và gan người, tuy nhiên các nhà nghiên cứu mới chỉ đang bắt đầu hiểu điều gì sẽ xảy ra với các kẻ xâm nhập đó và hệ quả của chúng lên sức khỏe con người. Một nghiên cứu vào năm ngoái đã phát hiện người có vi nhựa và nano nhựa tích tụ trong mỡ động mạch chủ nhiều khả năng lên một cơn đau tim, đột quỵ hoặc chậm chí là cái chết.

‘Tai nạn ô tô’

Trong nghiên cứu mới nhất, được xuất bản trên tạp chí Science Advances, Haipeng Huang, một nhà y sinh ở ĐH Bắc Kinh và cộng sự muốn hiểu sâu hơn về cách vi nhựa ảnh hưởng lên não bộ. Họ sử dụng một kỹ thuật hình ảnh huỳnh quang gọi là kính hiển vi hai photon thu nhỏ (miniature two-photon microscopy) để quan sát điều gì diễn ra trong bộ não chuột thông qua một cửa sổ trong suốt gắn vào hộp sọ chuột.

Kỹ thuật hình ảnh này có thể truy dấu vi nhựa khi chúng di chuyển qua mạch máu, theo Eliane El Hayek, một nhà nghiên cứu sức khỏe môi trường ở ĐH New Mexico ở Albuquerque. “Nó thật thú vị và cũng thật hữu dụng”.

Các nhà nghiên cứu đã cho các con chuột uống nước có những quả cầu polystyrene huỳnh quang, một sản phẩm phổ biến dùng trong nhiều thiết bị điện, đóng gói và trò chơi. Sau khoảng ba giờ, các tế bào nhuộm huỳnh quang xuất hiện và cho thấy các tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính và thực bào đã ‘ăn’ các quả cầu nhựa sáng đó. Một số tế bào này có thể đã bị mắc lại trong các mặt cong của thành mạch máu trong một khu vực của bộ não gọi là vỏ não. Những tế bào ‘đóng gói’ nhiều nhựa thi thoảng có thể xếp chồng lên nhau “như một tai nạn ô tô trong mạch máu vậy”, Huang so sánh. Một số vật cản cuối cùng cũng được dọn dẹp sạch sẽ nhưng một số vẫn còn kẹt lại sau bốn tuần quan sát.

Khi các nhà nghiên cứu tiêm các quả cầu nhựa vào tĩnh mạch chuột, họ thấy các tế bào sáng lên trong vài phút. Các mảnh nhỏ hơn dẫn đến hình thành ít vật cản hơn.

Quá trình phong hóa

Các vật cản dường như hành xử một cách tương tự như những huyết khối, các nhà nghiên cứu nói. Họ phát hiện ra là chuột có vi nhựa đã giảm lưu lượng máu trong não và khả năng vận chuyển suy giảm. Các hệ quả này diễn ra sau đó vài ngày.

Huang nói ông và cộng sự đã thấy những vật cản tương tự hình thành trong tim và thận chuột nhưng kết quả từ những nghiên cứu đó vẫn còn chưa được xuất bản.
Một số phát hiện này cũng phù hợp với kết quả một số nghiên cứu khác. Trong một bài báo dạng tiền ấn phẩm ở Research Square năm ngoái, El Hayek và cộng sự của cô đã báo cáo phát heienj thấy nồng độ rất cao những mảnh nhựa phong hóa trong mô não, cụ thể là trong thành mạch máu và tế bào miễn dịch ở người đã qua đời và đồng ý ký thác cơ thể của họ cho nghiên cứu.

Nghiên cứu của El Hayek cho thấy, polyethylene, một loại nhựa phổ biến khác trong bao bì đóng gói, có trong những mô đó. Hy vọng là kỹ thuật hình ảnh có thể hữu dụng để nghiên cứu cách các hạt này hành xử trong cơ thể, cô nói.

Bội Linh dịch từ Nature

Nguồn: doi: https://doi.org/10.1038/d41586-025-00178-0

Tác giả

(Visited 98 times, 3 visits today)