Vì sao đàn ông vẫn còn tồn tại cho tới nay?

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy, thiên nhiên cho phép tồn tại giống đực chỉ vì một mục đích: tình trạng các con đực tranh giành con cái sẽ giúp cải thiện nòi giống.

Trong nhiều thế kỷ qua, loài người không ngừng tranh cãi về ý nghĩa của giống đực và giống cái. Tuy đa số đàn ông cho rằng họ đóng vai trò quan trọng đối với sự tiến bộ của nhân loại nhưng ở nhiều loài động vật, sự tồn tại của giống đực không có ý nghĩa lớn. Ngày nay, các nhà khoa học đã phát hiện thấy, thiên nhiên cho phép tồn tại giống đực chỉ vì một mục đích: tình trạng các con đực tranh giành con cái sẽ giúp cải thiện nòi giống.

Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Nature số mới đây.

Trong thiên nhiên. giống đực nhiều loài vật hoàn toàn không nuôi con mà chỉ cung cấp tinh dịch cần thiết cho sự thụ tinh của tế bào trứng. Theo thuyết Tiến hóa, sự chọn lọc tự nhiên có thể đào thải mọi thứ hiệu suất kém, như vậy cuối cùng thiên nhiên sẽ chỉ còn sinh sản vô tính (asexual reproduction), bởi lẽ như thế có thể sinh ra nhiều thế hệ sau. Rất nhiều loại ốc sên, côn trùng, loài bò sát và cá mập đều có thể thực hiện sinh sản vô tính, trứng không thụ tinh cũng có thể phát triển thành phôi thai.

Hiện nay, các nhà khoa học đã biết vì sao sinh sản vô tính chỉ là hiện tượng hiếm hoi trong thế giới động vật: sự chọn lọc giới tính (sexual selection, còn gọi là sự đào thải giới tính, đào thải cái-đực) làm cho những con đực thích hợp nhất giành được con cái và truyền gene của chúng cho thế hệ sau. Điều đó có lợi cho sự sinh sôi nảy nở của toàn bộ giống nòi chúng.

Giáo sư Matt Gage của trường sinh học thuộc đại học East Anglia (Anh), lãnh đạo nhóm nghiên cứu dự án nói trên, cho biết: “Hầu hết các loài sinh vật đa bào (multicellular species) trên trái đất này đều sinh sản lưỡng tính (sexual reproduction), nhưng không dễ giải thích hiện tượng đó, bởi lẽ giới tính (sex) đem lại gánh nặng rất lớn cho các loài sinh vật; điều rõ ràng nhất là chỉ có một nửa thế hệ sau (con gái) mới có thể sinh nuôi con. Thế thì vì cớ gì mà phải phung phí công sức vào việc nuôi lũ con trai? Một cộng đồng toàn bộ là phụ nữ sinh sản vô tính sẽ có thể là con đường hiệu quả hơn nhiều để sinh sản được nhiều thế hệ sau. Qua nghiên cứu thí nghiệm, chúng tôi phát hiện: trong quá trình sinh sản, sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các con đực quả thật sẽ đem lại lợi ích quan trọng, bởi lẽ điều đó có thể nâng cao sức khỏe di truyền (genetic health) của cả cộng đồng. Sự cạnh tranh đó gọi là chọn lọc giới tính, nó có tác dụng như một bộ lọc, có thể khử các đột biến gene có hại, qua đó làm cho nòi giống sinh sôi nảy nở mà không bị diệt vong”.

Charles Darwin đầu tiên đưa ra ý tưởng về chọn lọc giới tính, trong đó con đực cạnh tranh để được sinh sản và con cái được lựa chọn con đực. Đây là lý do vì sao trong thế giới động vật, con đực bao giờ cũng có màu sắc sặc sỡ hơn con cái và chúng tranh nhau ve vãn con cái.  

Để tìm hiểu tính chất quan trọng của vấn đề chọn lọc giới đối với sinh sản lưỡng tính, các nhà khoa học đã bỏ ra 10 năm thí nghiệm sự sinh sản của một đàn bọ cánh cứng bột Tribolium (Tribolium flour beetles) trong phòng thí nghiệm và quan sát sự tiến hóa của chúng. Họ chia đàn bọ ra làm rất nhiều nhóm. Có những nhóm họ bố trí 90 con đực tranh nhau 10 con cái, như vậy các con cái sẽ có rất nhiều lựa chọn. Có những nhóm một con đực có một con cái, như thế con cái sẽ không có sự lựa chọn nào. Duy trì không đổi điều kiện phối giống như vậy sau bảy năm, khi chúng sinh sản được khoảng 50 thế hệ bọ cánh cứng, các nhà khoa học tiến hành kiểm tra chất lượng gene của từng nhóm.

Kết quả là họ phát hiện thấy ở nhóm mà những con đực phải cạnh tranh để giành con cái thì con đực thế hệ sau đều khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt với bệnh tật và sự nội phối (inbreeding, sự giao phối giữa các cá thể có quan hệ huyết thống gần nhau). Ngược lại ở các nhóm “một vợ một chồng”, con cái không có sự chọn lọc giới thì do nguyên nhân nội phối, sau 10 thế hệ, các con bọ trở nên suy yếu tới mức bị diệt vong.

Trong thiên nhiên, sự chọn lọc giới làm cho rất nhiều động vật giống đực phải cạnh tranh gay gắt với nhau, như hươu đực chọi nhau chí chết để tranh hươu cái; chim Thiên đường đực phải cố nhảy múa những điệu vũ phức tạp đẹp mắt nhằm ve vãn chim cái. Để thắng trong sự chọn lọc giới, các loài giống đực không những phải giữ cho mình khỏe mạnh mà phải có thân hình cao to. Muốn đạt yêu cầu ấy, chúng phải nhờ tới sự giúp đỡ của gene.

Qua sự chọn lọc giới, các gene truyền lại cho đời sau có thể bảo đảm nòi giống được khỏe mạnh và tồn tại lâu dài. GS Gage nói: “Không có sex thì các gene không khỏe mạnh sẽ tiếp tục được truyền lại cho thế hệ sau. Mỗi lần những gene xấu xảy ra đột biến sẽ làm cho giống nòi tiến gần tới diệt vong. Chọn lọc giới sẽ giúp cho việc lọc bỏ những đột biến đó, trừ khử mối họa ấy. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi trực tiếp ủng hộ lý thuyết này. Vì chọn lọc giới có ý nghĩa quan trọng như vậy đối với các loài vật nên sinh sản lưỡng tính tự nhiên trở thành mô hình sinh sản chủ yếu trong thiên nhiên.”  

NG.H theo các nguồn:

http://www.telegraph.co.uk/news/science/science-news/11613499/Why-do-men-still-exist-Scientists-finally-find-the-answer.html         

http://www.washingtonpost.com/news/speaking-of-science/wp/2015/05/18/scientists-examine-why-men-even-exist/                                       

 

 

Tác giả

(Visited 93 times, 1 visits today)