Viện Ứng dụng Công nghệ hướng tới
hoàn toàn tự chủ
Kể từ khi Nghị định 115/2005/NĐ – CP ra đời đến nay, việc khởi động tiến trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cơ quan nghiên cứu triển khai đã đem lại những chuyển biến tích cực tới nhiều mặt hoạt động của các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ KH&CN, trong số đó có Viện Ứng dụng Công nghệ. Từ kết quả Viện đã đạt được và qua những gì còn đang tiếp tục xây dựng để tiến tới hoàn toàn tự chủ mọi hoạt động, bước đầu chúng ta đã có thể rút ra một số kinh nghiệm giúp bổ sung, hoàn thiện cho một chủ trương đổi mới có tính cách mạng trong quản lý về KH&CN.
Viện Ứng dụng Công nghệ trước Nghị định 115…
Trước khi Nghị định 115 ra đời và được đưa vào triển khai, nhiều vướng mắc trong quản lý gây hạn chế tính hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đối với Viện Ứng dụng Công nghệ, hạn chế đầu tiên là ở khâu xác lập định hướng hoạt động sao cho phù hợp với tiềm năng và nhu cầu kinh tế, xã hội trong thực tiễn. Do lệ thuộc nhiều vào nhiệm vụ và kinh phí giao từ Nhà nước nên tính chủ động trong đầu tư và triển khai nghiên cứu không cao. Đa số các dự án sản xuất đều có quy mô nhỏ và ở mức thử nghiệm. Không ít cơ hội đầu tư và khai thác thị trường bị bỏ lỡ. Một ví dụ điển hình như trong năm 2003, Viện Ứng dụng Công nghệ đã từng chủ động nhận biết thời cơ thuận lợi cho việc đầu tư vào nghiên cứu một số công đoạn chế tạo đầu thu phát quang. Nhưng do chi phí đòi hỏi cho phòng thí nghiệm trọng điểm quá lớn, Viện đã không thể chủ động linh hoạt trong đầu tư và đành để cơ hội đó qua đi. Hạn chế lớn thứ hai là thiếu một cơ chế hợp lý giúp tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Quan hệ giữa các trung tâm trong Viện lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Trách nhiệm và quyền lợi các cá nhân và các tập thể trực thuộc Viện trong quá trình làm việc không được ràng buộc chặt chẽ theo điều khoản rõ ràng. Về tổ chức nhân sự thì người chịu trách nhiệm chính ở cơ quan không được toàn quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người làm việc cho mình. Thu nhập cho các cá nhân lệ thuộc vào ngạch, bậc công chức chứ không tỉ lệ tương xứng với đóng góp thực tế. Vì vậy, bộ máy nhân sự có lúc đã trở nên quá cồng kềnh, theo Viện trưởng Trần Xuân Hồng thì có thời điểm 46% số nhân viên là thuộc loại gián tiếp, tức là không trực tiếp làm ra sản phẩm.
Hai vướng mắc lớn trong công việc của Viện là ở mục tiêu và cơ chế hoạt động. Mục tiêu bị ràng buộc chặt từ bên trên thay vì xuất phát từ điều kiện và nhu cầu thực tế. Cơ chế hoạt động không tạo ra động cơ để các cá nhân phát huy tối đa chuyên môn và khả năng sáng tạo. Trong tình trạng đó, không chỉ nhân lực mà các tài nguyên khác của Viện cũng không thể sử dụng có hiệu quả. |
Như vậy, hai vướng mắc lớn trong công việc của Viện là ở mục tiêu và cơ chế hoạt động. Mục tiêu bị ràng buộc chặt từ bên trên thay vì xuất phát từ điều kiện và nhu cầu thực tế. Cơ chế hoạt động không tạo ra động cơ để các cá nhân phát huy tối đa chuyên môn và khả năng sáng tạo. Trong tình trạng đó, không chỉ nhân lực mà các tài nguyên khác của Viện cũng không thể sử dụng có hiệu quả.
… và sau Nghị định 115
Việc khởi động triển khai thực hiện Nghị định 115 đã bước đầu tạo ra những tác động tích cực tới hoạt động của Viện Ứng dụng Công nghệ. Với hai mục tiêu có tính bắt buộc là một mặt hướng tới tồn tại tự chủ thành công, mặt kia là vẫn phải duy trì chức năng và nhiệm vụ của một viện nghiên cứu Nhà nước, đây là cơ hội để Viện tự tổ chức lại cho hợp lý hơn, từ định hướng nghiên cứu/sản xuất trọng điểm tới cơ cấu tổ chức và quản lý nhân sự. Cụ thể Viện đã triển khai thực hiện một số bước đi như sau:
Máy cắt Lazer do Viện UDCN chế tạo | Sản xuất bóng mạch điều khiển |
Về định hướng nghiên cứu/sản xuất trọng điểm, Viện đã xác định tập trung cho lĩnh vực thế mạnh hiện nay là quang điện tử, với các sản phẩm phục vụ cho viễn thông, an ninh quốc phòng, y tế cộng đồng. Về cơ cấu tổ chức thì Viện đã lên được kế hoạch kết nối các công đoạn trong công việc. Trong đó có sự liên kết hợp lý giữa các công tác, từ đề tài dự án, tạo sản phẩm mẫu, sản xuất thử nghiệm, tới ươm tạo doanh nghiệp và ứng dụng ra thị trường. Giữa các đơn vị thành viên trong Viện có sự phối hợp mạch lạc và gắn kết hơn. Viện trở thành chủ đầu tư của các dự án. Các trung tâm thuộc Viện vừa nhận các nhiệm vụ từ Viện, vừa chủ động tìm kiếm các đề tài, dự án, nguồn kinh phí bên ngoài. Về cơ bản, các trung tâm được tổ chức như các phòng thí nghiệm trọng điểm, được Viện xác định phải đầu tư chiều sâu đủ ngưỡng để tiến hành nghiên cứu các công nghệ nền phục vụ cho thị trường, cùng các định hướng phát triển ưu tiên của Viện và giải quyết các vấn đề do Nhà nước/Bộ đặt hàng. Cuối cùng, Viện đã lên kế hoạch ươm tạo một số doanh nghiệp KHCN với chức năng chuyên nghiệp hóa việc đưa các ứng dụng nghiên cứu ra thị trường. Như vậy, thông qua kết hoạch này các nguồn lực của Viện đã có sự kết dính để phát huy tính hiệu quả trong một tổng thể thống nhất.
Năm 2007, Viện được NN cấp kinh phí 20,08 tỷ thì đã đạt doanh thu 23,4 tỉ đồng, nộp ngân sách 854 triệu. Năm 2008, Viện được cấp kinh phí 20,64 tỷ thì đạt doanh thu 31,4 tỉ đồng, nộp ngân sách 1,05 tỉ. Kết quả đó cho thấy hiệu quả hoạt động của Viện trên lộ trình từng bước tiến tới hoàn toàn tự chủ. |
Hiện nay, Viện đang lên kế hoạch có tính chi tiết cụ thể hơn nữa, cho các vấn đề quy chế quản lý tài chính, đào tạo nhân sự, quy hoạch đầu tư cơ sở vật chất (các phòng thí nghiệm về lĩnh vực hệ thống điện tử, kỹ thuật y sinh, xưởng cơ khí quang học, …).
Tuy nhiên, không chỉ lên kế hoạch trên lý thuyết mà bước đầu Viện đã có một số trải nghiệm thực tiễn thành công ở mức độ nhất định. Điều này được minh chứng qua khối lượng công việc mà Viện thực hiện. Năm 2007, Viện được NN cấp kinh phí 20,08 tỷ thì đã đạt doanh thu 23,4 tỉ đồng, nộp ngân sách 854 triệu. Năm 2008, Viện được cấp kinh phí 20,64 tỷ thì đạt doanh thu 31,4 tỉ đồng, nộp ngân sách 1,05 tỉ. Kết quả đó cho thấy hiệu quả hoạt động của Viện trên lộ trình từng bước tiến tới hoàn toàn tự chủ.
Cũng như đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học khác của NN, việc thực thi tự chủ hóa ở Viện Ứng dụng Công nghệ cần được NN đưa ra các quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo các cơ quan này một mặt hoạt động độc lập hiệu quả, mặt khác không bị sức ép từ thị trường buộc trở thành những tổ chức hoàn toàn chạy theo lợi nhuận.
Để hai yêu cầu này có thể thực hiện được, trước hết NN cần cho các quy định có tính thống nhất và hết sức cụ thể trong việc xác lập mục tiêu hoạt động, phân phối đầu tư, và hạch toán thu nhập của các đơn vị nghiên cứu triển khai, làm cơ sở cho việc giải quyết hai vướng mắc nổi bật hơn cả.
Thứ nhất, việc Nhà nước qui định các đơn vị khi ra tự chủ thì không được trả lương công chức thấp hơn mức lương quy định theo ngạch, bậc của Nhà nước. Đây là một quy định bất cập, vì để bất kỳ một tổ chức nào có thể hoạt động tốt thì thu nhập của người lao động phải tương xứng với thành quả công việc của họ. Với yêu cầu này sẽ có tình trạng buộc các đơn vị phải trả lương cao cho các công chức làm việc lâu năm (nếu không muốn sa thải những người này) kể cả khi họ không có đóng góp gì đáng kể, trong khi các đơn vị Nhà nước thì vẫn thiếu kinh phí để thu hút và động viên các nhân viên trẻ tuổi có năng lực, từ đó nảy sinh không ít vướng mắc về tổ chức và tư tưởng.
Thứ hai là yêu cầu tự chủ hóa của Nhà nước vô hình trung chỉ mới giúp các đơn vị đầu tư vào những nghiên cứu thế mạnh và có khả năng thu hồi vốn nhanh chóng, trong khi các lĩnh vực nghiên cứu khác vẫn quá lệ thuộc vào nhiệm vụ từ trên giao xuống. Song kinh nghiệm thực tế cho thấy việc hình thành các nhiệm vụ chiến lược phải đến từ cả hai kênh thông tin. Người trên chỉ đạo xuống song hành với người dưới đề xuất lên. Nhưng với cơ chế quản lý hành chính nhiều cửa hiện nay thì hai kênh thông tin trên rất khó tương tác hiệu quả với nhau. Bên cạnh đó, việc xin kinh phí cho khoa học hiện phải đi qua nhiều khâu, nhiều cửa, khiến cho người quyết định kinh phí cho dự án khoa học chưa chắc đã am hiểu tình hình phát triển khoa học.
Vì vậy nên Nhà nước cần phải hình thành những cơ quan có chức trách thẩm định và cung ứng kinh phí một cách chuyên nghiệp cho các nghiên cứu ứng dụng công nghệ có tính công ích, hoặc có tính chất đòi hỏi đầu tư dài hơi.
Việc khởi động tiến tới triển khai Nghị định 115 đã đem đến một số tác động tích cực ở Viện Ứng dụng Công nghệ. Việc yêu cầu tồn tại một cách tự chủ tạo động lực Viện tái tổ chức, tái cơ cấu, tự tìm cách phát huy thế mạnh và tự lên kế hoạch đầu tư cho lâu dài. Tuy nhiên, Nghị định cần làm rõ hơn nữa các quy định để đảm bảo tính thống nhất và khả thi, không dẫn đến tình trạng các tổ chức nghiên cứu bị đẩy ra kiếm sống ngoài thị trường trong khi vẫn đang bị các trói buộc bất cập làm giảm tính hiệu quả trong hoạt động. Mặt khác, cần tạo ra cơ chế nhằm đảm bảo các cơ quan nghiên cứu NN hoạt động tự chủ nhưng không bị cuốn theo các đòi hỏi công nghệ mang tính nhất thời của thị trường. Cần nhanh chóng bổ sung những kênh kinh phí hiệu quả giúp phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ mang tính chất công ích, hoặc có giá trị kinh tế, xã hội về lâu dài.
TS. Trần Xuân Hồng – Viện trưởng Viện UDCN