Viếng mộ Faraday

Một cuộc phiêu lưu nho nhỏ của TS. Nguyễn Trọng Hiền


Mộ của Karl Marx tại nghĩa trang Highgate.

Westminster Abbey* là nhà thờ hơn một ngàn năm tuổi, nơi đăng quang của Nữ Hoàng Anh và tổ chức lễ cưới của hoàng tộc Anh suốt nhiều thế kỉ qua. Đây cũng là nơi yên nghỉ của những danh nhân trong lịch sử của quốc gia này. Abbey nằm ngay bên tòa quốc hội Anh với tháp chuông đồng hồ Big Ben nổi tiếng, khiến cho khu vực này trở thành nơi thu hút khách du lịch đông đảo nhất ở London và có lẽ là toàn nước Anh. Vào quãng năm 1998 – 1999, tôi làm việc với một nhóm vật lý ở Đại học Queen Marry tại London, nhưng ba lần đến thăm Abbey đều hụt, toàn đúng lúc sát giờ đóng cửa.    

Sau đó nhiều năm, khoảng 2006, tôi đến làm việc tại phòng thí nghiệm Rutherford Appleton tại Anh để thử nghiệm hệ thống cảm biến do nhóm nghiên cứu của mình ở phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL Jet Propulsion Laboratory) tại NASA chế tạo mà sau này được dùng cho Đài thiên văn không gian Herschel. Rutherford Appleton nằm gần Đại học Oxford, cách London hai tiếng đi tàu hỏa. Lần đó tôi mới có cơ hội vào trong Abbey, thực sự đứng trước mộ của Newton và Darwin.

Trên đường ra khỏi Abbey, tôi ngây thơ hỏi cô lễ tân về hướng đi đến ngôi mộ của Marx, khiến cô ấy phá lên cười: “Marx làm gì có ở đây. Ông ấy vô thần mà”. Và cô ấy khuyên tôi đến một nghĩa trang khác tên là Highgate với lời hứa hẹn rằng đó cũng là một nơi lý thú. Highgate, một nghĩa trang dành cho dân thường của Anh, hoạt động từ năm 1839, nằm ở ngoại ô London được biết đến nhờ kiến trúc độc đáo của các ngôi mộ và cũng là nơi yên nghỉ của một số nhân vật nổi tiếng. Karl Marx được chôn ở đây.

Tôi ngay lập tức bắt tàu điện ngầm để đến đây. Trời mưa, khác với vẻ uy nghi lộng lẫy của Abbey, Highgate hẻo lánh và tĩnh lặng, hôm đấy, kể cả tôi, chỉ có năm người ở đó.

Những tưởng việc đến thăm Marx và khám phá ra Highgate là một chuyến đi khá trọn vẹn. Nhưng tôi đã nhầm to. Sau đó, trao đổi với một người bạn, tôi mới phát hiện ra một thiếu sót lớn của mình trong dịp đó. Mộ của Micheal Faraday, một trong số những nhà thực nghiệm vĩ đại nhất trong lịch sử cũng nằm ở Highgate mà tôi đã chẳng hề đoái hoài đến.

Tôi đã quay trở lại và xin lỗi Faraday. Và đó là một chuyến phiêu lưu khác.

Nghĩa trang Highgate có hai phần, Đông và Tây. Phía Tây cổ kính hơn, khách phải có tour guide đi kèm. Và giờ giấc thì bó buộc hơn. Phía Đông, luôn mở cửa, nằm bên này đường của phía Tây, tương đối mới và đây cũng là nơi chôn cất Marx. Mộ của Faraday không nằm ở đó.

TS. Nguyễn Trọng Hiền trước mộ của Micheal Faraday.

Nhưng đó không phải là lý do tại sao tôi đã không viếng mộ Faraday trong lần đi trước. Tôi đã không hề biết ông ấy nằm ở đây, cho tới khi nghe lời kể của người bạn. Thậm chí tôi còn không hề biết chuyện Đông với Tây ở Highgate. Khi nhận ra đã lỡ một cơ hội thì tôi cảm thấy vô cùng đau khổ. Tôi cũng nghi nghi là mộ của Faraday chắc không ở đằng Đông nhưng không tài nào tìm được thông tin trên mạng, vậy mà hoá ra lại là điều hay. (Nếu biết là mộ ông năm đằng phía Tây, chắc tôi sẽ bỏ cuộc bởi vì tôi biết bên ấy đóng cửa suốt)  Thế rồi, tôi đón chuyến tàu trễ đi London, sau đó chuyển sang tàu điện ngầm rồi đi bộ về nghĩa trang.

Tôi bắt gặp một bà lão hiền lành ở bên Phía Đông, bên này lúc nào cửa cũng mở.  Tôi hỏi, “Cô có biết chỗ nào mua hoa không?”  “Trong làng ấy. Cứ leo lên đồi mà hỏi người ta.”  Đáng ra là tôi nên hỏi bà ấy về mộ của Faraday, nhưng tôi đã không hỏi, vậy mà hóa ra lại cũng là điều tốt.

Ngày hôm đó là Mồng một Tết (Đinh Hợi). Nên lẽ dĩ nhiên, tôi mua hoa cúc. Tôi cầm trên tay 12 bông hoa cúc tuyệt đẹp, màu vàng, sáng rực rỡ  và quay trở lại nghĩa trang bên phía Đông, và trao đổi vài câu với cô gái trẻ vừa mới đến thay ca.  “Faraday? “Ôi, ông ấy không chôn ở đây.  Ông ấy bên Phía Tây kia ạ. Nhưng em không biết họ có cho ông vào viếng mộ ông ấy hôm nay hay không, bởi vì nó nằm trên một chỗ heo hút mà phải cần một tour guide đặc biệt mới đến được.”

Tôi hơi nhụt chí nhưng nhìn những đoá hoa cúc vàng sáng rực rỡ trên tay, tôi chần chừ không đành lòng và quyết định bước về phía Tây, cổng vào đang đóng và một đám người tụ họp chờ ờ đấy. Một tấm biển báo đề “Tour tham quan vào lúc 3 giờ chiều.”  Bấy giờ là 2h40 chiều.  Cũng không đến nỗi. Tôi đợi. Ấy là tour cuối cùng trong ngày.  Đúng 3 giờ, tôi được bước vào bên trong. Chào đón khách là người điều hành nghĩa trang,  một phụ nữ trông đầy lịch lãm. Bà gật gật đầu nhìn mình tỏ vẻ ưng ý, “Ồ, anh có mang cả hoa kia à?”  “Tôi đến đây để viếng mộ Faraday.”  “Ôi, mộ Faraday không có trong lịch trình hôm nay.”  Chần chừ một lát, bà hỏi, “Anh có phải là nhà vật lý không?”  “Dạ thưa phải.”  “Vậy trường hợp này, tôi sẽ sắp xếp cho anh một hướng dẫn riêng vào cuối điểm tour.”

“Anh có phải là nhà Vật lý không?”  Đời tôi chưa lần nào mà cảm thấy cái nghề của mình được trân trọng đến như thế.

“Dạ thưa phải.”

Cô hướng dẫn viên trẻ đưa tôi đến mộ Faraday tỏ ra phấn khích khi cô ấy nghe ước vọng của tôi.  Cô ấy nói, “Tôi vô cùng vui sướng khi thấy có người viếng mộ Faraday, bởi ông ấy thật sự là một thiên tài!” “Anh là người đầu tiên tôi biết đã mang hoa đến viếng Faraday!”

Mà cũng phải thôi, được đi thăm mộ của một trong những nhà vật lý thực nghiệm vĩ đại vào ngày Mồng Một Tết âm lịch (năm Đinh Hợi 2007). Đây là cái ngày trong năm mà hết thảy người Việt đến thăm mộ tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Những người họ hàng của tôi, cứ hỏi về dự định của tôi ngày Tết suốt. Họ đâu có ngờ…

Thật kì lạ, năm mất của Faraday (1791) cũng là năm Hợi. Người ta đã từng ngỏ ý phong Faraday làm hiệp sĩ nhưng ông ấy từ chối. Newton cũng được phong tước hiệp sĩ, James Maxwell cũng vậy. Abbey Westminister dường như chỉ dành để chôn cất những người được phong tước hiệu này, để rồi họ được hậu thế viếng thăm và cuộc đời họ được ngưỡng vọng hằng ngày. Nhưng Faraday thì không. Có lẽ lúc sinh thời, ông đã làm giới có chức có quyền phật ý, nên ông không chỉ bị quăng qua Highgate, mà còn ở khu vực dành cho những kẻ bất đồng chính kiến.

Có lẽ như vậy cũng tốt. Bạn tôi nói: “Dân du lịch xô bồ thì cứ việc đến Westminster. Ở Highgate ta biết ai mới là những người bạn thật sự của mình.”
 
Hảo Linh
Viết lại theo lời kể của TS. Nguyễn Trọng Hiền, nhà vật lý thực nghiệm tại NASA.

* Sửa lại so với bản ghi là Westminister Abbey

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)