Việt Nam bỏ quên một thị trường 400 tỉ đến 1.000 tỉ euro!
Có thể nói việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là “đồng minh” tự nhiên nhất của chính sách năng lượng bền vững. Bởi vì nó mang đủ cả ba đặc tính quan trọng như nhau của sự bền vững, đó là: công bằng xã hội (mọi người đều có thể hưởng lợi), thân thiện với môi trường (gần như không sinh ra chất gì độc hại) và... hết sức kinh tế! Nói chung, tiết kiệm tài nguyên vật liệu lúc nào cũng ít tốn kém hơn là mua nhập, tiêu dùng chúng. Điều ấy càng hiển nhiên hơn trong bối cảnh dầu khí, than đá, urani ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, việc sản xuất hoặc nhập khẩu các nguồn năng lượng ấy nuốt đi một số tiền khổng lồ lẽ ra có thể dùng để đầu tư vào các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, thị trường các sản phẩm và công nghệ hiệu quả năng lượng đã hình thành và phát triển mau chóng. Theo Bộ Môi trường Liên bang Đức, thị trường này hiện nay lên tới 400 tỉ euro và sẽ đạt khối lượng 1000 tỉ euro vào năm 2030.
Bất kỳ loại hàng hóa nào sinh lợi đều sẽ tự khẳng định trên thị trường. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có thể vượt qua các trở ngại lớn lao ban đầu (vốn đầu tư cao, thói quen tiêu dùng, phản ứng của ngành sản xuất các loại hàng cổ điển v.v.), cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ thích hợp. Vì thế , nhiều quốc gia, kể cả những nước đang phát triển đã ban hành chính sách và triển khai nhiều chương trình hiệu quả năng lượng kết hợp với các dự án về năng lượng tái tạo. (Sử dụng năng lượng hoàn nguyên cũng đồng thời tiết kiệm các nguồn hóa thạch để dùng vào những việc khác.)
Tại Đức, chỉ trong khoảng một thập kỷ nỗ lực đổi mới kỹ thuật, ngành năng lượng hoàn nguyên đã phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi Luật Năng lượng tái tạo có hiệu lực vào năm 2000 và nhiều biện pháp khuyến khích thúc đẩy được thực hiện, điển hình là Chương trình Ngàn mái nhà sản xuất quang điện. Nhờ đó, hiện nay các nguồn năng lượng gió, sinh khối, thủy lực, mặt trời đã cung cấp khoảng 12 % tổng số điện tiêu dùng ở Đức, đem lại công ăn việc làm cho 214.000 người. Điều cần nhấn mạnh ở đây là Đức đã đạt được các thành quả ấy với kinh phí nghiên cứu – phát triển chỉ bằng một phần nhỏ kinh phí tương ứng dành cho công nghệ hạt nhân và trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều. Nhờ công nghệ tiên tiến của ngành năng lượng tái tạo cũng như những đổi mới trong các ngành truyền thống, an toàn năng lượng của Đức được bảo đảm và chính quyền nước này đã có thể quyết định đóng cửa nhà máy điện nguyên tử cuối cùng vào năm 2011. Đây không phải là việc dễ dàng, vì kỹ thuật hạt nhân của Đức cũng đứng đầu thế giới, hơn nữa, vì ngành điện nguyên tử cung cấp 28% tổng số điện năng đang kịch liệt chống lại sự hủy bỏ “nồi cơm”, hay nói đúng hơn: siêu lợi nhuận của họ. Học hỏi kinh nghiệm của Đức, các nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ đã ban hành và hướng dẫn thi hành luật năng lượng tái tạo (TQ: Renewable Energy Promotion Law, 2003 / 2005; Ấn Độ: Renewable Energy Policy Statement, 2001/2006), cũng như hỗ trợ nhiều dự án trong phạm vi này. Cả những quốc gia có tình hình kinh tế – xã hội hơi giống nước ta như Thái Lan, Philippin cũng quyết tâm theo đuổi đường lối ấy.
Ở châu Á, Nhật Bản nổi tiếng là nước sử dụng năng lượng hiệu quả nhất, một phần cũng vì Nhật tuy có nền công nghiệp lớn nhất nhì thế giới nhưng lại rất thiếu tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, họ áp dụng một phương thức tương đối đơn giản nhưng rất hiệu quả là chương trình Top-Runner (sản phẩm tiết kiệm năng lượng hàng đầu). Chương trình ấy ấn định một thời điểm nào đó để tổng kết thị trường một loại hàng hóa, thí dụ như đồ điện. Mức sử dụng điện của những thiết bị có hiệu suất cao nhất sẽ trở thành tiêu chuẩn cho toàn ngành. Sau thời hạn năm hay bảy năm, nhà sản xuất nào không đạt tiêu chuẩn ấy sẽ bị xử phạt hay thậm chí còn bị cấm bán hàng của mình. Bắt đầu thực hiện chương trình Top-Runner từ cuối những năm 90, đến nay Nhật đã giảm lượng điện tiêu thụ tới 59% cho máy video, 63% cho thiết bị điều hòa không khí và 83% cho vi tính. Chỉ riêng chương trình ấy cũng đủ giúp con cháu Nữ thần Thái dương thực hiện 16% lượng khí thải nhà kính mà họ cam kết giảm trong khuôn khổ Nghị định thư Kiôtô.
Khuynh hướng mới và những lỗ hổng thị trường
Tự bao giờ, phong trào bảo vệ môi trường đã chú trọng tới vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng hoàn nguyên thay cho năng lượng hóa thạch và hạt nhân. Trong thời gian gần đây, khi hiệu ứng nhà kính bắt đầu gây hậu quả nghiêm trọng, phong trào ấy phát triển mạnh, lôi cuốn ngày càng nhiều người hành động mới, kể cả những nhà chính trị và kinh doanh bảo thủ. Một số tập đoàn cung cấp năng lượng hóa thạch và tổng công ty xăng dầu đã đưa năng lượng tái tạo vào kế hoạch sản xuất của mình hay ít ra cũng thực hiện vài dự án điện mặt trời, phong điện… Ngay cả Tổng thống Bush, người cương quyết khước từ mọi cam kết giảm khí nhà kính, mới đây cũng thông báo những biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm nhập khẩu dầu lửa. Ông cho rằng việc mở rộng khả năng cung ứng năng lượng bằng công nghệ mới là lợi ích sống còn của Hoa Kỳ, đồng thời góp phần đương đầu với “thử thách nghiêm trọng” của biến đổi khí hậu. Không biết ông Bush đưa ra chỉ tiêu giảm tiêu dùng 20% xăng cho tới năm 2017 có quá thấp hay không, nhưng một hiện tượng mới xảy ra ở “đất nước có tiềm năng vô tận” có lẽ khiến ông phải suy nghĩ lại: người dân Hoa Kỳ vốn quen lái những chiếc xe “bề thế” uống nhiều xăng nay lại có khuynh hướng chuyển sang các loại xe tiết kiệm hơn. Các hãng xe Ford và General Motors của Mỹ không kịp cung ứng các loại xe ấy nên phải chịu lỗ hàng tỉ USD, đồng thời phải sa thải hàng vạn nhân công. Ngược lại, những nhà quản lý Toyota đã tung ra thị trường nhiều kiểu xe chạy bằng nhiên liệu hỗn hợp như Prius. Kiểu xe ấy được ưa chuộng đến nỗi người Mỹ phải chờ mua tới tám tháng trời!
Nói chung, giá xăng dầu, điện, khí đốt càng tăng lên, người tiêu dùng càng có ý thức tiết kiệm năng lượng hơn. Không những một số sản phẩm có hiệu suất cao như lò sưởi dùng viên mạt cưa, vật liệu cách nhiệt… bán chạy đến nỗi trở nên khan hiếm và đắt đỏ, cả đến các dịch vụ tư vấn về năng lượng cũng không kịp tiếp khách hàng. Các thí dụ trên cho thấy thị trường năng lượng hiệu quả chưa được đánh giá đúng mức, khuynh hướng và nhu cầu tiêu dùng mới chưa được nắm bắt kịp thời.
Cho đến nay, một số đông người vẫn cho rằng sự tiêu xài phung phí là biểu hiện của sự giàu có sang trọng, của “lối sống Âu Mỹ” cần được noi theo. Điều đó có thể đúng. Nhưng ít ai ngờ chúng ta vẫn có thể rất phong lưu với ý thức tiết kiệm và công nghệ hiệu quả tiên tiến. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều đó, chẳng hạn như E. U. von Weizsocker, A. B. Lovins và L. H. Lovins trong cuốn “Factor four: doubling wealth – halving resource use” với 50 thí dụ từ đồ điện gia dụng cho tới thiết bị kỹ nghệ có hiệu suất ít nhất gấp bốn lần bình thường. Cho nên việc sử dụng năng lượng với hiệu quả cao để nâng cao chất lượng cuộc sống có thể xem như một biểu hiện của trí tuệ con người.