Việt Nam đối mặt với biến đổi khí hậu: Những thách thức
Trên mạng xã hội, trong giới chính trị và hầu khắp các phương tiện truyền thông là các cuộc tranh luận với tư duy hẹp hòi và tầm nhìn ngắn hạn. Người thì cực đoan cho rằng thảm họa đang đến cận kề, kẻ thì khuyến khích thái độ thờ ơ vô trách nhiệm. Những tranh luận kiểu đó không giúp ích được gì cho thúc đẩy tiến bộ, mà còn đánh lạc hướng chúng ta trong việc đối mặt với những thách thức nóng bỏng.
Trong vài thập kỷ qua, những quan điểm phi lý mang nặng cảm tính đã chi phối các cuộc tranh luận về hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Sự phân cực thành hai phe đối địch sẵn sàng buông lời sỉ nhục nhau đã ngăn cản mọi người trao đổi bằng thứ ngôn ngữ của lý trí. Họ tự gọi mình là những người phủ nhận (deniers) và những người tin tưởng (warmists) [rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra – và con người chính là thủ phạm gây ra tình trạng này]. Như thường lệ, trong những trường hợp như vậy, sự khôn ngoan nằm giữa hai thái cực, nhưng những nỗ lực trung dung của Judith Curry (Hoa Kỳ) hoặc Quỹ Clintel và nhóm những người theo chủ nghĩa hiện thực khí hậu ở châu Âu, đều đã thất bại. Các chính trị gia ở những quốc gia được xem là dân chủ chủ yếu chăm chăm đến việc làm thế nào để tái đắc cử, vậy nên họ chỉ nói theo ngôn ngữ của số đông mà bỏ mặc tính khách quan. Khuôn mặt bé nhỏ dễ thương của cô bé Greta Thunberg “bãi khóa vì khí hậu” và hình ảnh một chú gấu Bắc Cực đáng thương lạc lối giữa biển cả trên một tảng băng nhỏ đang tan chảy đã trở thành những luận điểm mang tính biểu tượng về những thảm họa do biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các mối nguy liên quan đến khí hậu, đặc biệt là các vụ lũ lụt dọc theo khu vực ven biển và vùng đồng bằng với hệ thống sông ngòi rộng lớn có địa hình trũng thấp. Ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước cũng là một mối đe dọa lớn đối nỗ lực tiến bộ của Việt Nam; ngay cả khi không trực tiếp liên quan đến vấn đề khí hậu, chúng vẫn liên quan gián tiếp vào lúc chúng ta thảo luận so sánh giữa nguồn năng lượng hóa thạch với năng lượng tái tạo. Những vấn đề trên đã đặt ra các thách thức nghiêm trọng, buộc chúng ta phải đối mặt một cách có trách nhiệm và đúng đắn nhất có thể.
Việt Nam vốn phải đối mặt với thiên tai hàng thế kỉ qua nhưng trong vài thập kỉ gần đây, các mối đe dọa ngày càng trở nên dữ dội hơn.
Điều này bắt nguồn từ hai lý do chính: một là sự tăng nhiệt độ trên toàn cầu, tác nhân khiến mực nước biển dâng cao đáng kể. Thang đo thời gian cho một biến đổi như vậy được tính bằng nhiều thập kỷ và công tác quản lý đúng đắn phải lường trước rằng tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong ít nhất vài thập kỷ tới. Một lý do khác là tình trạng lún nghiêm trọng, dẫn tới độ cao mặt đất so với mực nước biển gần nhau đến mức nguy hiểm, có thể gây ra các vụ lũ lụt trên diện rộng. Để đối phó với hiện tượng này, các phương án đưa ra cần phải có khả năng thay đổi linh hoạt theo xu hướng biến đổi khí hậu này. Người ta gọi đây là các “biện pháp thích ứng”. Rõ ràng, nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon dioxide không giúp ích được gì trong hoàn cảnh này, đóng góp của Việt Nam trong tổng lượng khí thải toàn cầu không đáng kể; người ta gọi những biện pháp như vậy là biện pháp giảm thiểu.
Với Đồng bằng sông Cửu Long, công tác kiểm soát quá trình khai thác nước ngầm và khai thác cát, cùng với phục hồi rừng ngập mặn, được coi là những biện pháp thích ứng hiệu quả nhất trong các thập kỷ tới.
Đã có rất nhiều nghiên cứu đánh giá các biện pháp thích ứng khả dĩ. Đồng bằng sông Cửu Long là một trường hợp nổi bật. Vùng này có 17 triệu dân và sản xuất hơn một nửa số gạo của Việt Nam. Với độ cao trung bình rất thấp, khoảng 80 cm so với mực nước biển hiện tại, cùng với tốc độ sụt lún cao, cao hơn mức độ dâng trung bình của mực nước biển, nơi đây trở thành khu vực “nguy hiểm” nhất của cả nước.
Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra tại vùng này với mức độ ngày càng gia tăng, khiến nguồn nước ngọt để sản xuất lúa bị hạn chế. Nguy cơ nông dân phải chuyển đổi cây trồng hoặc thậm chí di cư khi năng suất quá thấp là một vấn đề đang hiện hữu. Do đó, công tác kiểm soát quá trình khai thác nước ngầm và khai thác cát, cùng với phục hồi rừng ngập mặn, được coi là những biện pháp thích ứng hiệu quả nhất trong các thập kỷ tới.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các biện pháp đó cực kỳ phức tạp. Nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước trên toàn bộ lưu vực sông Mekong và sự cân đối hợp lý giữa các hoạt động địa phương và chính phủ trong phạm vi từng quốc gia. Các nhà quan sát đã nhận thấy rằng các biện pháp thích ứng và những chiến lược phòng chống thiện tai hiện nay còn đánh giá thấp tính rủi ro và dễ bị tổn thương của vùng, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này có thể bắt nguồn từ tình trạng thiếu các công cụ đánh giá và hỗ trợ ra quyết định phù hợp, cũng như thiếu nguồn tài chính và viện trợ quốc tế.
Không chỉ Đồng bằng Sông Cửu Long, mà toàn bộ bờ biển Việt Nam cần ngay lập tức triển khai các biện pháp thích ứng quan trọng. Đặc biệt, cần ưu tiên tiến hành chương trình đầu tư toàn diện về khả năng chống chịu ven biển cho các trung tâm đô thị lớn và cơ sở hạ tầng kết nối, như báo cáo của Ngân hàng Thế giới1 đã đề cập. Bên cạnh đó, ngay cả những thay đổi nhỏ về khí hậu cũng mang lại tác động quan trọng về mặt kinh tế xã hội. Chúng bao gồm các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như tỷ lệ tử vong gia tăng, một số bệnh truyền nhiễm lan rộng; vấn đề về thu nhập của các hộ gia đình, đặc biệt là sự gia tăng bất bình đẳng đang đặt các hộ gia đình có thu nhập thấp vào thế bất lợi; vấn đề về năng lượng, chẳng hạn như tác động của tình trạng biến đổi lượng mưa đến việc sản xuất thủy điện. Cần phải hiểu rõ những vấn đề này một cách sâu sắc. Thông thường, chúng được đo lường dựa trên tác động đối với nền kinh tế, nhưng việc lựa chọn biện pháp nào cần được tối ưu hóa đề phù hợp cho việc quản trị phải do chính phủ quyết định.
Để tiến hành các biện pháp thích ứng phù hợp, cần phải có một cách tiếp cận chuyên nghiệp và có trình độ. Không được thực hiện một cách nghiệp dư. Việt Nam có những điều kiện đặc thù cần phải lưu ý, vậy nên chúng ta không thể cứ thế sao chép các chính sách hiện hành ở những quốc gia khác. Những người chịu trách nhiệm tư vấn cho Thủ tướng phải được lựa chọn dựa trên các tiêu chí đặc biệt về năng lực, kinh nghiệm và sự chính trực.
Xét thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của những thách thức do biện pháp thích ứng đặt ra, sẽ có người nghĩ rằng nên hạ thấp mức độ ưu tiên đối với các biện pháp giảm thiểu. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm. Có ít nhất ba lý do để nhận định như vậy: quan hệ quốc tế, cạn kiệt các nguồn dự trữ năng lượng hóa thạch và ô nhiễm.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng như lượng lớn CO2 do con người thải ra, đều là những điều có thật. Một thực tế khác đó là sự cân bằng cần thiết nhằm bảo tồn điều kiện thích hợp cho sự sống trên Trái đất đang rất mong manh. Sẽ thật vô trách nhiệm nếu phớt lờ những sự thật này và xem nhẹ những vấn đề như Trái đất ấm lên và biến đổi khí hậu về lâu dài. Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 bình quân đầu người của chúng ta ít hơn bảy lần so với Mỹ: chúng ta là những học sinh giỏi đẳng cấp thế giới, nhất là khi tính đến việc chúng ta còn bị ràng buộc bởi nhu cầu phát triển. Thủ tướng Chính phủ, trong dịp tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 tại Glasgow (UNFCCC hay còn gọi là COP26), đã cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này nghe có vẻ là một cách tiếp cận hợp lý để duy trì quan hệ quốc tế tốt đẹp, đặc biệt là khi tính đến nguy cơ các thị trường nhập khẩu quan trọng sẽ cân nhắc đánh thuế carbon tại biên giới của mình.
Chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là một thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Đây không chỉ là biện pháp giảm thiểu, mà quan trọng hơn là để đối phó với tình trạng cạn kiệt các nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch. Kể từ năm 20182, than đá là nguồn năng lượng chính để sản xuất điện, chiếm khoảng 47% sản lượng điện năm 2021 ở Việt Nam. Lượng tiêu thụ than hằng năm bằng 1/65 trữ lượng than hiện có, chưa kể 23% là được nhập khẩu từ các nước khác. Hoạt động sản xuất dầu và khí tự nhiên đã bắt đầu giảm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Do nhu cầu điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng, trữ lượng nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam sẽ chỉ đủ dùng trong vài thập kỷ nữa.
Tính đến cuối năm 2018, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất, đóng góp khoảng 40% vào tổng công suất điện quốc gia. Điều kiện địa lý và khí hậu khó khăn khiến Việt Nam khó có thể xây dựng thêm các nhà máy thủy điện lớn, nhưng hiện nay nhiều dự án nhỏ hơn đang được lên kế hoạch và dự kiến sẽ giúp gia tăng đáng kể sản lượng chung. Vài năm trước đây, dựa trên tình hình phát triển thực tế, Việt Nam được đánh giá là chưa sẵn sàng để khai thác năng lượng hạt nhân. Như vậy chỉ còn ba lựa chọn chính để phát triển năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiên liệu sinh khối. Đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió đã lên đến hơn 17 GW. Một lần nữa, việc triển khai thành công chính sách năng lượng là một bài toán lớn đối với đất nước, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và năng lực xuất sắc để tận dụng tốt nhất các nguồn lực tài chính và nhân lực hiện có. Có thể nhận thấy mức độ cấp thiết của bài toán này qua sự kiện mới đây Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch Điện 7 giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20503. Tất nhiên, còn một khoảng cách dài giữa cam kết của Thủ tướng tại COP26 về mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 với việc thực hiện các biện pháp để hiện thực hóa mục tiêu đó trong thực tế. Việt Nam cần đối phó với thách thức ngắn hạn về tình trạng thiếu điện4, với câu hỏi khó và nhạy cảm về phương pháp tính giá điện5, nhu cầu tìm nơi để lưu trữ hoặc phân phối năng lượng mặt trời và năng lượng gió – đòi hỏi phải xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng6, và cần đàm phán khéo léo với các nhà đầu tư tư nhân7. Bài viết này không nhằm thảo luận sâu về các vấn đề này, nhưng những ý kiến phê bình xoay quanh vấn đề này cùng với sự trì hoãn kéo dài trong phê duyệt Quy hoạch 8, cho thấy sẽ rất khó để tìm được sự cân bằng giữa khát vọng và hiện thực đồng thời khiến ta nhận ra tầm quan trọng của việc ngăn ngừa sự lãng phí tài nguyên.
Lý do thứ ba khiến chúng ta cần phải tiến hành một cách có trách nhiệm các biện pháp hạn chế, đó là nhu cầu giảm thiểu ô nhiễm. Về nguyên tắc, lượng khí thải CO2 và tình trạng ô nhiễm không liên quan đến nhau, nhưng trên thực tế, cả hai đều là hậu quả chính từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Chất lượng không khí ở Việt Nam ở mức thấp, nồng độ bụi mịn (PM2.5) cao gấp 5,4 lần mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa Việt Nam lên vị trí thứ 30 trong số 131 quốc gia trên toàn thế giới về mức độ ô nhiễm. Một lần nữa, việc thực hiện các biện pháp đúng đắn đòi hỏi năng lực và khả năng phân tích chính xác về đặc thù của Việt Nam. Ví dụ, nỗ lực thúc đẩy sử dụng ô tô điện đang gây gia tăng, thay vì giúp giảm thiểu, lượng khí thải CO2 và mức độ ô nhiễm không khí trên quy mô quốc gia. Lượng điện năng cần thiết cho hoạt động của chúng chủ yếu được sản xuất bởi các nhà máy nhiệt điện. Do đó, nên giới hạn mức độ sử dụng ô tô điện trong các thành phố nơi có chất lượng không khí kém, và tốt nhất là tập trung phát triển giao thông công cộng.
Nên giới hạn mức độ sử dụng ô tô điện trong các thành phố nơi có chất lượng không khí kém, và tốt nhất là tập trung phát triển giao thông công cộng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới trình bày một đánh giá về các nguồn tài chính cần thiết để chi trả cho việc thực hiện kế hoạch mà tổ chức này đề xuất. Tổng số tiền lên đến 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Các nguồn tài chính này được chia đều giữa đóng góp từ tư nhân và từ ngân sách nhà nước, trong đó 40% phần ngân sách nhà nước được lấy từ thuế carbon và mỗi 30% trong phần còn lại đến từ việc vay mượn ở thị trường trong nước và nguồn tài chính bên ngoài. 70% tổng số này được dành cho các biện pháp thích ứng và 30% còn lại dành cho các biện pháp hạn chế. Bài viết này không thảo luận về mức độ thực tế của kế hoạch và tính khả thi của hướng dẫn trong báo cáo của họ. Tuy nhiên, đây là một tài liệu tham khảo hữu ích. Trách nhiệm của chính phủ, ở cấp Thủ tướng, là quyết định mức nguồn lực con người và nguồn lực tài chính trong khả năng chi trả của Việt Nam cho kế hoạch này và đưa ra những đánh giá thực tế và đáng tin cậy về kết quả mà nó có thể đạt được. Chúng ta đã hiểu quá rõ việc lãng phí nguồn lực con người và tài chính có thể xảy ra dễ dàng như thế nào. Tình trạng tham nhũng và thiếu năng lực ở các vị trí chịu trách nhiệm là một trong những nguy cơ chính, cùng với việc mua sắm những trang thiết bị được chứng minh là không thể sử dụng hiệu quả do thiếu nhân viên có năng lực và/hoặc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp và/hoặc không đủ nguồn ngân sách để duy trì và vận hành. Cần phải tránh những sai sót như vậy bằng mọi giá.
Tôi muốn nói vài lời, cũng là để kết luận, về trách nhiệm của các nhà khoa học trong những vấn đề như vậy. Nhìn chung, công chúng nhìn nhận họ như những người am hiểu sâu sắc về vấn đề đang được tranh luận và không mảy may ngờ vực tính chính xác trong những tuyên bố của họ. Tuy nhiên, đôi khi các nhà khoa học bày tỏ những quan điểm trái ngược nhau, công chúng chỉ có thể dựa vào những thứ được xem là nhận thức chung, một khái niệm phi khoa học, thường do các cơ quan chính trị, nhà hoạt động hoặc cơ quan truyền thông, định nghĩa. Một nguyên nhân đằng sau tình trạng này là do nhiều nhà khoa học đã thất bại trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình, họ không dành thời gian và nỗ lực cần thiết để tìm hiểu về các vấn đề đang được tranh luận. Thay vào đó, họ thường chỉ đơn giản dựa trên nguyên tắc phòng ngừa, tức là chỉ chăm chăm cảnh báo về những tình huống nguy cấp báo động mà không hề có những phân tích phản biện về điều đó. Sự bảo thủ như vậy, về nguyên tắc là xuất phát từ ý tốt, nhưng trong thực tế lại cho thấy thái độ vô trách nhiệm và càng duy trì sự phân cực trong tranh luận về biến đổi khí hậu: đường đến địa ngục được lát bằng thiện ý. Thay vào đó, chúng ta, với tư cách là những nhà khoa học có trách nhiệm, phải giải quyết những câu hỏi này một cách thực tế, khách quan và nghiêm ngặt, cân nhắc tất cả các yếu tố góp phần hình thành nên sự phức tạp của một thách thức quan trọng đến nhường vậy.□
Anh Thư dịch
1Một số báo cáo gần đây về COP27:
https://www.afd.fr/en/ressources/mekong-delta-emergency-climate-environmental-adaptation-strategies-2050
https://www.afd.fr/en/ressources/gemmes-vietnam-national-climate-change-impacts-adaptation-final-report
cùng Báo cáo Khí hậu và Phát triển Quốc gia (CCDR) do World Bank công bố vào tháng 7/2022
https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/brief/key-highlights-country-climate-and-development-report-for-vietnam
2 https://en.wikipedia.org/wiki/Energy_in_Vietnam
3 https://nld.com.vn/kinh-te/chinh-phu-phe-duyet-quy-hoach-dien-viii-20230516064249311.htm
https://www.reuters.com/business/energy/vietnams-pm-approves-135-billion-power-plan-2030-2023-05-15/
4https://nld.com.vn/kinh-te/bo-truong-bo-cong-thuong-xu-ly-trach-nhiem-ca-nhan-neu-de-thieu-dien-2023051411322343.htm
5https://e.vnexpress.net/news/economy/dont-make-electricity-too-expensive-pm-says-4566523.html
6https://nld.com.vn/kinh-te/du-thao-quy-hoach-dien-viii-bo-quen-nhieu-bai-hoc-2021030821122423.htm
7 https://vietnamnet.vn/en/multiple-investors-petition-pm-over-power-purchase-prices-603089.html
https://vir.com.vn/foreign-invested-groups-propose-early-implementation-of-pdp8-101368.htmlte/
8 https://vir.com.vn/pdp8-approval-faces-further-delays-101650.html