Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong quản lý rác thải nhựa

Các dòng sông châu Á, trong đó có sông Cửu Long, đã góp phần vận chuyển nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhiều hơn các dòng sông châu Âu. Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu Hà Lan qua công bố “Abundance of plastic debris across European and Asian rivers” (Sự phong phú của rác thải nhựa trên khắp các con sông châu Âu và châu Á) mới xuất bản trên tạp chí Environmental Research Letter.

Là nghiên cứu đầu tiên về rác thải nhựa trên sông, công trình này đề cập đến hiện trạng đang tồn tại: một lượng lớn rác thải nhựa trôi nổi tại 24 địa điểm ven sông ở bảy quốc gia châu Âu và châu Á. Đề cập đến ý tưởng này với phys.org, Caroline van Calcar – tác giả thứ nhất, làm việc ở trường đại học Công nghệ Delft  cho biết: “Rác thải nhựa trên đất liền được đổ ra sông qua các đại dương, bị nghi ngờ là nguồn đóng góp chính của rác thải nhựa đại dương. Do đó, cần có sự thúc đẩy giải quyết rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu”.

Tuy nhiên, không dễ để tìm ra bằng chứng về khả năng phát thải rác thải nhựa từ sông, sau đó “so sánh một cách trực tiếp số lượng rác thải nhựa trên sông thuộc các khu vực khác nhau của thế giới”.

Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn sông Rhine (phần chảy qua Hà Lan), sông Thames (Anh), sông Seine, Rhône (Pháp), sông Tiber (Italy), sông Cửu Long (Việt Nam), sông Chao Phraya (Thái Lan), sông Pahang (Malaysia), sông Klang, sông Kuantan (Malaysia), sông Ciliwung, Pesanggrahan và Kanal Banjir Timur (Indonesia).

Ở Việt Nam, lý do Caroline van Calcar và Tim van Emmerik chọn sông Cửu Long là vì các phân lưu của sông Mê kông chảy trên khu vực ĐBSCL và TPHCM được dự báo thuộc nhóm các con sông phát thải nhiều nhất châu Á và đoạn sông chảy qua TPHCM – một trong những thành phố lớn của Đông Nam Á và là nơi nước thải từ các khu công nghiệp và vùng đô thị dày đặc ít được xử lý triệt để. Các địa điểm ven sông được họ chọn là khu vực cầu Thủ Thiêm, cầu Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Tân Thuận (TPHCM), cầu Quang Trung, bến Ninh Kiều (Cần Thơ), nơi từng được Tim van Emmerik, Kiều Lê Thủy Chung và đồng nghiệp chọn làm địa điểm nghiên cứu của “Macroplastic and microplastic contamination assessment of a tropical river transversed by a developing megacity” (Đánh giá ô nhiễm rác thải nhựa của một dòng sông nhiệt đới do tác động của một siêu đô thị đang phát triển) trên Environmental Pollution, “Seasonality of riverine macroplastic transport” (Tính mùa vụ của vận chuyển rác thải nhựa trên sông) trên Scientific Reports.

Sau khi so sánh kết quả thu được ở các con sông lớn ở châu Âu, nơi được quản lý và kiểm soát khá chặt chẽ với các con sông lớn ở châu Á, nơi chưa có những giải pháp hiệu quả để quản lý rác thải nhựa, các nhà nghiên cứu phát hiện ra lượng rác thải nhựa ở châu Á nhiều gấp 30 lần so với châu Âu. Nếu tính theo trung bình mỗi giờ thì lưu lượng rác thải nhựa trên nhiều dòng chảy ở Indonesia và Việt Nam gấp bốn lần so với các dòng chảy ở Italy, Pháp và Hà Lan.

Các nguyên nhân ảnh hưởng đến lượng vận chuyển nhựa sự quản lý chất thải, vị trí của các thành phố, đập, thời tiết (mùa mưa, lũ lụt). Các loại rác thải nhựa trên sông chủ yếu là các loại nhựa nhiệt dẻo PET (polyethylene terephthalate), polystyrene (PS), nhựa polystyrene giãn nở (EPS), nhựa polyolefin cứng (POhard), polyolefin mềm (POsoft)…

Trong công bố, họ nhận xét “điều này cho thấy sự phức tạp về nguồn gốc và thành phần của các loại rác thải nhựa”.

TS. Tim van Emmerik, trường đại học Wageningen, nói trên phys.org: “Theo những ước tính dựa trên mô hình hiện nay, 10 dòng sông bị ô nhiễm nhất trong số 20 dòng sông được liệt kê phần lớn đều ở châu Á  và chiếm từ 67 đến 95% quy mô rác thải nhựa toàn cầu. Tuy nhiên lần đầu tiên, kết quả của chúng tôi cho thấy bằng chứng, các dòng sông Đông Nam Á vận chuyển một lượng đáng kể nhựa ra đại dương”.

Do đó theo các tác giả, việc triển khai những giải pháp kiểm soát hoặc hạn chế rác thải nhựa trên sông của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hết sức khó khăn. Caroline van Calcar lưu ý một vấn đề quan trọng khi thực thi các giải pháp là cần xác định được thành phần và nguồn phát thải vì rác thải nhựa có nhiều điểm khác biệt về số lượng, thành phần ở một số vị trí trên sông và “ngay cả việc ở trên các con sông khác nhau trên cùng một quốc gia cũng khác nhau”.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)