Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới
Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng cửa sổ vàng này sẽ đóng lại ngay khi chúng ta bước qua mốc “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như dự định đặt ra trong thập niên tới. Thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho quá trình tăng trưởng của Việt Nam. Đây là những thông tin mới trong báo cáo “Việt Nam thích ứng với xã hội già hóa” của Worldbank gần đây.
Nguồn: Adam Jones, Wikimedia Commons.
Cụ thể, chúng ta chỉ còn cơ cấu dân số trẻ với nguồn lực lao động dồi dào trong chưa đầy 15 năm nữa, vì đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già, quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và ở mức độ trầm trọng. Thực ra, những dấu hiệu già hóa đã có từ trước đó: Từ năm 1980 đến năm 2015, dân số cao tuổi của Việt Nam tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các nhóm nhân khẩu học khác. Tốc độ già hóa nhanh của Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng tốc trong thời gian tới, sẽ biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới (Pháp cần 115 năm để chuyển đổi sang cơ cấu dân số già, Hoa Kỳ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm, còn Việt Nam sẽ chỉ cần 20 năm).
Trước chiều hướng này, Báo cáo ước tính dự kiến đến năm 2049, cứ 5 người Việt Nam sẽ có 1 người thuộc nhóm người cao tuổi. Nếu trong giai đoạn cơ cấu dân số trẻ, tính đến năm 2014, số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) đạt 6,31 triệu người (6,7% dân số) thì theo kịch bản mức sinh trung bình dự đoán đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng mạnh lên 19,6 triệu người, cao hơn gấp ba lần so với năm 2014 và sẽ chiếm khoảng 18,1% dân số.
Già hóa đồng nghĩa với việc lực lượng lao động của Việt Nam dự kiến sẽ giảm gần một phần trăm mỗi năm trong 3 thập kỷ tới, tạo ra những cơn gió ngược bất lợi đối với nỗ lực nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cho đến nay Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ. Từ năm 1990 đến năm 2018, có gần 25 triệu người Việt Nam đến độ tuổi lao động, tương ứng với mức tăng trưởng lực lượng lao động trung bình hằng năm khoảng 2,5 phần trăm và khiến cho lực lượng lao động của Việt Nam tăng gần gấp đôi.
Vì thế, khi Việt Nam chuyển sang cơ cấu dân số già, nhóm tác giả báo cáo dự đoán, tốc độ tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn 2020–2050 có thể bị chậm lại 0,9 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa cũng được dự báo sẽ tiêu tốn thêm từ 1,4% đến 4,6% GDP. Ví dụ, trong ba mươi năm tới, chi tiêu hằng năm cho chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi được dự kiến sẽ tăng gấp bốn đến năm lần tính theo tỉ lệ trên nền kinh tế.
Với tốc độ già hóa nhanh và mức thu nhập tương đối thấp như vậy, Việt Nam sẽ cần sự thay đổi lớn trong chính sách hưu trí nhằm mở rộng hệ thống hưu trí để có thể bao phủ phần lớn dân số, trong đó có những người ở khu vực phi chính thức hầu như không được hệ thống an sinh hiện nay bao phủ. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng cần phải được định hướng lại một cách căn bản, theo hướng chú trọng hơn vào chăm sóc ban đầu và giảm phụ thuộc vào chăm sóc tại bệnh viện, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ sở y tế và tăng cường các biện nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Đồng thời, Việt Nam sẽ cần phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc người cao tuổi, do già hóa nhanh chóng cùng với mô hình chăm sóc dựa vào gia đình truyền thống có tính chất không chính thức ngày càng trở nên căng thẳng do quá trình đô thị hóa.
Còn ngay bây giờ, Việt Nam sẽ tận dụng khoảng thời gian vàng ít ỏi còn lại trước khi chuyển sang giai đoạn già như thế nào? Không còn con đường nào khác là phải đầu tư vào nguồn vốn con người bằng giáo dục và đào tạo, đào tạo lại kỹ năng cho người lao động.