Việt Nam: Tỉ lệ tiền tiểu đường và tiểu đường chưa được chẩn đoán ở mức cao
Theo một công bố của ba nhà nghiên cứu Khoa Nội tiết (ĐH Y dược TPHCM), Khoa Nội tiết và Khoa Ngoại trú (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), tỉ lệ người mắc triệu chứng tiền tiểu đường và tiểu đường chưa được chẩn đoán ở mức cao đáng kể so với những người mắc chứng rối loạn đường huyết ở Việt Nam.
![](https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2025/02/MicrosoftTeams-image_48.jpg)
Các nhà nghiên cứu cho biết, bệnh tiểu đường loại hai (T2D) là một bệnh mãn tính phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 530 triệu người trên toàn cầu và tỉ lệ mắc cao gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Đây cũng là một gánh nặng cho cả người bệnh lẫn xã hội, nhất là thách thức với hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Tiền tiểu đường, với đặc điểm là pha chuyển tiếp giữa nồng độ đường trong máu ở mức bình thường và tiểu đường, được ước tính tác động đến xấp xỉ 541 triệu người, tương đương 10,6 % dân số toàn cầu năm 2021 và ước tính tăng 11,4 % vào năm 2045.
Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ lưu hành của bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán là 52,8 % trong khi dân số già hóa và tốc độ đô thị hóa cao. Lối sống tĩnh tại và chuyển sang các chế độ ăn nhiều năng lượng ẩn chứa mối liên quan đến sự gia tăng của lượng người mắc tiểu đường và tiền tiểu đường. Giữa năm 2012 và 2020, số lượng người Việt Nam mắc tiểu đường tăng đáng kể, từ 5,4 đến 7,3 %. Bên cạnh đó, tỉ lệ người tiền tiểu đường cũng tăng từ 13,7 đến 17,8 %.
Việc phát hiện sớm lượng người mắc tiểu đường và tiền tiểu đường là một nhân tố quan trọng để cho phép các can thiệp sớm và ngăn ngừa những hệ quả lớn. Do đó, Tổ chức Tiểu đường Mỹ (ADA) đã khuyến nghị cần sàng lọc những người có nguy cơ rủi ro cao tiền tiểu đường và tiểu đường.
Đây là lý do nhóm nghiên cứu tìm hiểu tỉ lệ tiền tiểu đường và tiểu đường chưa được chẩn đoán ở những người có nguy cơ mắc tiểu đường loại hai cũng như những nhân tố rủi ro. Họ đã thực hiện một nghiên cứu mặt cắt (cross-sectional study) – nghiên cứu được thực hiện tại một thời điểm hay trong khoảng một thời gian ngắn, mỗi đối tượng chỉ thu thập thông tin một lần – tại Phòng khám đa khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với 360 bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên và có nguy cơ rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại hai, trong đó 20% từ gia đình có người mắc bệnh tiểu đường, một nửa có bệnh đi kèm là tăng huyết áp, một phần ba rối loạn đường huyết, gần 70 % bị thừa cân hoặc béo phì, khoảng hai phần ba béo phì phần bụng. Thời gian lấy mẫu từ tháng 9 đến tháng 10/2020.
Kết quả phân tích cho thấy, tỉ lệ lưu hành của người có triệu chứng tiền tiểu đường là 60,1 % và tiền tiểu đường chưa được chẩn đoán là 18 %. Trong số những người tiền tiểu đường, có 23,7 % có đầy đủ yếu tố chỉ dấu bệnh, 24,6 % có một nhân tố…; trong số bệnh nhân tiểu đường, 25,7 % có đủ ba yếu tố của bệnh và 48,5 % có bệnh dù chỉ có hai nhân tố.
Các chỉ dấu tuổi tác, béo phì, tăng huyết áp và rối loạn đường huyết đều liên quan đến tần suất tỉ lệ tiểu đường loại hai chưa được chẩn đoán và tiền tiểu đường. Nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường gia tăng 4 % sau mỗi năm, người tăng huyết áp có nguy cơ mắc cao hơn 5,71 lần và người rối loạn đường huyết nguy cơ mắc cao hơn 2,01 lần so với người bình thường. Thêm vào đó, người béo phì nguy cơ cao mắc tiền tiểu đường và tiểu đường xấp xỉ gấp bốn lần.
Năm 2016, một nghiên cứu ở TPHCM cho thấy tỉ lệ tiền tiểu đường là 55,8 % và 15,3 % với tiểu đường chưa được chẩn đoán ở những người có nguy cơ. Xu hướng này ngày một gia tăng do thay đổi lối sống, đặc biệt ở khu vực đô thị.
Phát hiện trong nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc tiền tiểu đường 60,1%, và tiểu đường 18.3 % ở Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, lần lượt 40,9 % và 14,3 %, Hàn Quốc 37,8 %.
Phát hiện này cũng nhấn mạnh vào sự cần thiết cần có những chương trình sàng lọc bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường trong cộng đồng, đặc biệt với nhóm những người có nguy cơ cao, qua đó có thể giảm được gánh nặng bệnh tật và cải thiện được sức khỏe của người Việt Nam nói chung.
Kết quả được nêu chi tiết trong bài báo “High prevalence of prediabetes and type 2 diabetes, and identification of associated factors, in high-risk adults in Vietnam: A cross-sectional study”, xuất bản trên tạp chí Diabetes Epidemiology and Management.
Thanh Hương
Nguồn: https://doi.org/10.1016/j.deman.2024.100239