Vịnh Rạch Giá: Những đổi thay sau bốn thập niên

Bài viết giới thiệu những đổi thay ở Vịnh Rạch Giá trong 42 năm qua. Rõ rệt nhất là mở rộng đất liền bằng lấn biển. Dấu ấn rõ không kém là các cống sông Kiên, Kênh nhánh của sông Kiên và Kênh Cụt sau khi lần lượt đi vào hoạt động từ năm 2016 đã điều tiết sự trao đổi nước và trầm tích giữa Vịnh và vùng Tứ giác Long Xuyên và đồng thời giao thông thủy giữa Kiên Giang và Bán Đảo Cà Mau. Sau cùng là một số trao đổi và khuyến nghị.

Vịnh Rạch Giá, trao đổi với đất liền

Vịnh Rạch Giá là một phần của Biển Tây tiếp giáp với Đồng bằng sông Cửu Long từ nơi huyện Hòn Đất dôi ra biển xa nhất tại tọa độ (10o25’09.59” N, 104o53’34.46” E) đi qua Thành phố Rạch Giá đến điểm cực Nam của thị trấn Rạch Sỏi (09o53’11.91” N, 105o06’22.54” E). Đường tiếp giáp này cũng là nơi đồng lũ mở Tứ Giác Long Xuyên trổ ra Biển Tây thông qua hai đường nước chính là Kênh Long Xuyên – Rạch Giá và Kênh Cái Sắn – Kênh Cụt.

Vịnh Rạch Giá trao đổi nước với đất liền ĐBSCL thông qua hai kênh này và hai sông Cái Bé, Cái Lớn. Trước năm 2016 sự trao đổi nước không có sự chi phối của công trình tại cửa Vịnh. Các Hình 1a2a là ảnh vệ tinh Landsat ngày 25/01/1979 trong đó có hai vùng màu nước đục ở cửa sông Kiên và cửa Kênh Cụt vào thời điểm gần giữa mùa khô 1979-1980. 

Cùng với nước, dòng chảy mang theo trầm tích từ sông Hậu trổ ra Biển Tây, đặc biệt quan trọng vào mùa nước nổi hàng năm, và sinh vật của vùng Tứ giác Long Xuyên. Số liệu tập hợp được chưa cho phép tác giả đề cập sâu hơn các trao đổi này.

Ngày 14/12/2016 cống Sông Kiên, ngày 08/09/2017 cống Kênh Cụt, ngày 05/12/2020, cống Kênh Nhánh, và từ tháng 1/2022 hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, lần lượt đi vào hoạt động. Các cống sông Kiên, Kênh Nhánh, Kênh Cụt ở không xa cửa biển. Cống Cái Lớn, Cái Bé ở cách cửa biển khoảng 11,5 km. Sự trao đổi nước hiện tại là có điều tiết bằng công trình được xây dựng theo Quyết định số 1397/TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2012-2020, định hướng đến 2050.

Địa hình đáy Vịnh Rạch Giá

Địa hình đáy Vịnh Rạch Giá khá nông, như được thể hiện trong Hình 1b với số liệu đo đạc trong các năm 2011 – 2013 ở tỷ lệ xích 1/5000. Vùng đáy biển nông mà độ sâu < -2 mét đi ra khá xa cách bờ theo hướng nhìn ra Hòn Tre. Hình 1b. 

Hai đường đẳng độ sâu -2 mét tạo thành một luồng sâu dần đến -4 mét, rồi -7 mét, giống như một dạng phễu rót vào sông Cái Lớn, Hình 1b, 1c. Nói một cách khác, trong chiều ngược lại, nước sông Cái Lớn để trổ ra Biển Tây phải vượt qua một dốc khá đứng để ra tới cửa sông. 

Chính địa hình tương đối nông với số liệu đo đạc chính thức đã mở đường cho việc lấn biển sôi động dọc bờ Vịnh Rạch Giá kể từ năm 2016 đến nay.

Lấn biển trong Vịnh Rạch Giá

Các Hình 2 a, b, c, d chỉ ra quá trình lấn biển trong Vịnh Rạch Giá từ năm 1979 đến cuối năm 2021 qua ảnh vệ tinh Landsat và Google Earth.


Hình 3 chỉ rõ các khu lấn biển trên ảnh vệ tinh GE 31/07/2021. Diện tích và quá trình hoàn tất các khu lấn biển được trình bày trang Bảng dưới đây.


Nguồn số liệu: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang

Số thứ tự các khu lấn biển được xếp theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Có thể nhận thấy hai giai đoạn lấn biển: giai đoạn 1, trước 2016 (màu xanh lam) và giai đoạn 2 từ 2016 về sau (màu hồng phấn).  

Giai đoạn 2 được triển khai rất cấp tập từ 5 năm nay. Hình 4 cho thấy những gì đã được thực hiện trong 19 tháng tại khu lấn biển Hoàng Gia và tại khu lấn biển Phú Quý với vật chất được nạo hút từ đáy Vịnh và thổi vào để tôn nền khu lấn biển (Hình 4d cho KLB Hoàng Gia). 

Một hệ lụy là địa hình đáy Vịnh Rạch Giá kể từ khi được đo đạc (2011 – 2013) đã biến dạng với mức độ sâu ở từng nơi tùy thuộc vào khối lượng vật chất đã nạo hút.

Vịnh Rạch Giá – nơi Kênh Cụt, sông Cái Bé, Cái Lớn trổ ra

Hình 5 được trích ra từ ảnh vệ tinh Google Earth ngày 31/07/2021. Thay đổi rõ nét nhất là sự phát triển định cư dọc theo các sông, kênh của thị trấn Rạch Sỏi, của huyện Châu Thành, là việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, phát triển chế biến nông thủy hải sản và dịch vụ. Thay đổi nhiều về môi trường là tại các địa bàn A, B, C, D, và E.

+ A là địa bàn ở hữu ngạn cửa Kênh Cụt đã lấn hết vùng biển nông < 1 mét. Về cơ bản đã hoàn thành năm 2016. (Ảnh vệ tinh ngày 18/03/2016 và Hình 1c). 

+ B là địa bàn cửa Cống Kênh Cụt. Chiều rộng thông nước của cống hẹp so với chiều rộng của Kênh Cụt trước cống. Bên ngoài cống trổ ra Vịnh hai bờ Kênh tiếp giáp với hai khu lấn biển AC. Cống Kênh Cụt đi vào hoạt động từ ngày 08/09/2017. 

+ C là địa bàn lấn biển ở tả ngạn cửa Kênh Cụt. Ngoại trừ công trình đầu cầu-cống, khu lấn biển, C chỉ bắt đầu được triển khai sau tháng 01/2020 nhưng được tiến hành khá nhanh, lấn hầu hết nơi mà độ sâu nông, < 1 mét (Hình 1c) từ cửa Kênh Cụt đến cửa ra của sông Cái Bé (Hình 5) nhờ nạo hút vật liệu tôn lấp từ “mỏ sét” tại chỗ. 

+ D là địa bàn của ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú, ở đầu doi đất giữa hai sông Cái Bé và Cái Lớn. Hình 5b. Người dân định cư phía bên bờ sông Cái Bé nhiều hơn phía bên bờ sông Cái Lớn. Màu nước bao quanh ấp Vĩnh Quới vào ngày 31/07/2021 cho thấy là nước bạc từ Kênh Cụt, chảy xuống đến Chợ Tà Niên, trổ ra sông Cái Bé rồi theo đường nước cắt ngang doi đổ ra sông Cái Lớn. 

+ E ở bờ trái của sông Cái Lớn trên địa bàn huyện An Biên. Đối chiếu với ảnh vệ tinh Google Earth năm 1985, ấp Vĩnh Quới được bồi ở đầu cồn và phía bờ phải sông Cái Lớn. Bờ trái sông Cái Lớn trên địa bàn E thuộc huyện An Biên thẳng tắp, màu nước sậm sát bờ nhạt dần khi ra tới cửa biến. 

Điều này gợi ý cho nhận xét là vách bờ trái sông Cái Lớn dốc đứng và thoải dần sang bờ phải, và đáy sông cạn dần khi chảy dọc ra cửa Biển Tây.  

Tác giả chưa sưu tầm được thêm các mặt cắt ngang và dọc ở địa bàn D và E để kiểm chứng ngoài mặt cắt ngang sông Cái Lớn tại trạm thủy văn Xẻo Rô2, song những nhận xét trên đây phù hợp với địa hình đáy vịnh, vách mặt cắt sông dốc đứng, và đáy sông leo dốc từ -10,11 mét đến -7 mét, rồi -4 mét, – … như thể hiện trong Hình 1c

Thảo luận và khuyến nghị

(1) Lấn biển là sự thay đổi rõ rệt nhất. Cập nhật địa hình đáy và mô phỏng dòng triều trong Vịnh là cần thiết. 

Tổng diện tích lấn biển trong Bảng thống kê đến cuối năm 2021 là 1035,63 ha.

Theo tài liệu tham khảo được, các khu Hoàng Gia, Phú Quý sẽ lấn biển ra khá xa, và sau khu lấn biển Tây Bắc Rạch Giá sẽ có một khu lấn biển tương tự tiếp theo về phía Hòn Đất. Tổng số khối lượng cát nạo hút và thổi để tôn nền sẽ càng quan trọng. 

Địa hình đáy Vịnh lồi lõm và sâu hơn, dòng chảy trong vịnh khi triều lên và khi triều rút thay đổi là điều chắc chắn. Vì sự ổn định của chính các khu lấn biển cần đo đạc cập nhật địa hình đáy Vịnh hiện có, và mô phỏng dòng triều trong Vịnh trước mỗi khi cần phê duyệt từng dự án hay tổng thể các dự án lấn biển trong tương lai.

(2) Từng bước tiến đến tự động hóa quy trình vận hành các công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên ban hành kèm theo Quyết định số 3829/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/9/2021.
Việc tự động hóa sẽ không đơn giản vì ngoài các yếu tố tất định còn có các yếu tố ngẫu nhiên. Tiến hành từng bước những gì có thể trước để hoàn thiện quy trình và giảm thiểu các sai sót từ con người. Đây cũng là một cách hậu kiểm quy trình. Việc vận hành các cống sông Kiên, Kênh Nhánh và Kênh Cụt nằm ở cuối hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng sẽ được hưởng lợi từ việc tự động hóa.    

(3) Mở rộng quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng TGLX ra vùng đồng lũ nửa mở TGLX.

Sau khi các cống sông Kiên, cống Kênh Nhánh đi vào vận hành một phần lượng nước trong vùng trước đây đổ ra Vịnh Rạch Giá thì nay chảy dồn về phía Kênh Cái Sắn – Kênh Cụt. Sau khi cống Kênh Cụt đi vào vận hành, lượng nước dồn tăng thêm chảy về phía Nam Kênh Cái Sắn – Kênh Cụt và một phần sẽ theo tuyến qua Chợ Tà Niên để ra sông Cái Bé tại Phà Cây Dương và tại UBND xã Vĩnh Hòa Phú. Điều này giải thích màu nước bao quanh ấp Vĩnh Quới trong Hình 5b

Do vậy xây dựng quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi cho vùng Tứ giác Long Xuyên là một việc làm đúng nhưng để đủ cần mở rộng ra cả vùng đồng lũ mở Tứ giác Long Xuyên, Vùng II trong Hình 6 3

Bước tiếp theo sau đó sẽ là kết nối với quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Vùng III, đồng lũ nửa kín Tây sông Hậu (nếu có).

(4) Quy hoạch thủy lợi TGLX cần kết hợp với quy hoạch giao thông thủy. 

Hệ thống sông kênh chính của vùng TGLX cũng là hệ thống giao thông thủy nối liền Tứ giác với Bán đảo Cà Mau. Một số thủy lộ trổ ra Vịnh Rạch Giá qua Kênh Cụt để vào sông Cái Lớn xuống Cà Mau. Cống Kênh Cụt quan trọng là vì vậy.

Chiều rộng thông nước của cống Kênh Cụt là 66m, chia làm 3 khoang, mỗi khoang rộng 22m. Chiều cao cống là 4,5 mét. Mớn nước của các phương tiện giao thông qua cống không quá 2 mét.

Về kỹ thuật đóng mở cống đã có nhiều cải tiến tích cực. Nhưng chiều ngang 22 mét là hẹp so với chiều rộng của Kênh Cụt trước cống tạo nên dòng chảy siết qua cống trong suốt thời gian mở cống. 

Giai đoạn đầu của thời gian mở cống dành cho chiều từ biển vào, giai đoạn sau trong chiều ngược lại trước khi đóng cống. Thời gian ngắn, phương tiện qua lại nhiều, ai cũng tranh thủ qua cho kịp để không phải chờ ngày hôm sau, dòng chảy lại siết nên trong thực tế bốn năm vận hành đã xảy ra không ít va chạm, lật và chìm. (Hình 7).

Có ý thức của người lái phương tiện giao thông thủy, có yếu tố khách quan triều, nhưng cũng có các thông số kỹ thuật của cống và công tác quản lý, điều hành. Do vậy các thông số của cống cần được tính toán trên cơ sở số liệu không chỉ về thủy văn mà còn về số lượng, kích thước, tải trọng, mớn nước của các phương tiện qua lại hai chiều. 

Điều này khẳng định quy hoạch thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long cần kết hợp với quy hoạch giao thông thủy

(5) Cần khắc phục tình trạng thiếu số liệu cơ bản. 

Có được số liệu địa hình đáy biển tỉnh Kiên Giang là một động viên đối với người làm công tác nghiên cứu cơ bản ĐBSCL. Lấn biển ở Vịnh Rạch Giá rất mạnh như bài viết đã cho thấy. Vật chất đã nạo hút để tôn nền là bao nhiêu có thể ước tính được, nhưng đến từ đâu, hàm lượng trầm tích trong một mét khối nước trao đổi với Vịnh Rạch Giá là bao nhiêu, và có đo định kỳ hay không thì không sưu tìm được. Tình hình thiếu số liệu về hàm lượng trầm tích hình như không chỉ riêng ở Kiên Giang mặc dù đây là một số liệu cơ bản quan trọng hàng đầu đối với đồng bằng sông Cửu Long.   

(6) Vịnh Rạch Giá và các đới nâng, đứt gãy có liên quan

Dựa trên tài liệu từ hàng không (aeromagnetic) đo năm 1967, có nhận định rằng dọc theo bờ Biển Tây, có một đới nâng theo hướng Bắc – Nam, đới nâng Hòn Khoai, và một đứt gãy Tây Bắc-Đông Nam, đứt gãy Veal Renh – Bạc Liêu – Côn Sơn4, hai yếu tố làm cho bồn Cà Mau rộng mở ra Biển Đông. Các nhận định này phù hợp và khớp với các kết quả nghiên cứu địa kiến tạo trên phần lãnh thổ Campuchia 5

Ảnh vệ tịnh Soyouz 17/06/1983 (trích, Hình 8 trái) và bản đồ đáy biển Kiên Giang (trích, Hình 8 phải) thể hiện đới nâng Hòn Khoai theo hướng Bắc – Nam dọc theo bờ Biển Tây, nguyên nhân chủ yếu của độ nông của Vịnh Rạch Giá. Đứt gãy Tây Bắc – Đông Nam Veal Renh – Bạc Liêu – Côn Sơn giải thích đáy sông Cái Lớn sâu dần từ cửa dọc theo sông vào bên trong đồng lũ nửa kín Tây Nam sông Hậu. 

Các thông tin về Vịnh Rạch Giá trong bài viết này cung cấp bối cảnh khi khảo sát sự biến động của các mực nước đặc trưng từ mực nước giờ tại hai trạm thủy văn Xẻo Rô và Rach Giá, sẽ được trình bày trong một bài viết tiếp theo.

Chú thích:

[1] Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra co bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu Khai thác Bán đảo Cà Mau (1989-1992). 

[2] Mặt cắt ngang sông Cái Lớn tại trạm thủy văn Xẻo Rô ở cách cửa biển 8000 mét ngày 05/12/2020 cho thấy cách bờ trái 100 mét, độ sâu sông Cái Lớn là -9,89 mét và đáy sâu nhất ở đây là -10,11 mét.  

[3] Trần Kim Thạch, 1990, Môi trường vật lý đồng bằng sông Cửu Long, trong Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển, Báo cáo tổng hợp của Chương trình khoa học cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long”, Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Hà Nội, tháng 3.1991. Đồng bằng sông Cửu Long: Tài nguyên – môi trường – phát triển (vnulib.edu.vn)

[4] Hồ Mạnh Trung, 1969, Esquisse structurale du delta du Mekong. Discussion du problème pétrolier – Archive Géologique du Vietnam, Saigon, no.12, pp. 195-211)

[5] Carbonnel J.P. 1973, Le Quartenaire cambodgien, Structure et stratigraphie, Cahiers ORSTOM No 60, 1972.

Tác giả

(Visited 93 times, 1 visits today)