Vốn xã hội ở Mỹ đang xuống chăng?
Năm 1995, Giáo sư Robert D. Putman viết một bài trên Tạp chí Dân Chủ (The Journal of Democracy) với tựa đề “Chơi Bowling một mình: Vốn xã hội ở Mỹ đang xuống”. Và đến năm 2000, ông Putman in cả cuốn sách 550 trang với tựa đề Bowling Alone, nhưng với tiểu tựa cân bằng hơn, “Sự sụp đổ và hồi phục của cộng đồng ở Mỹ". Giới nghiên cứu khoa học xã hội ở Mỹ phản ứng sôi nổi. “Bowling Alone” (Chơi Bâu linh một mình) trở thành một đề tài tranh luận trên báo chí và các hội nghị. Người ta hỏi nhau: Vốn xã hội ở Mỹ có sút giảm thực như ông Putman thấy hay không?
Bowling là trò thể thao mỗi người ném một quả bóng nặng cho chạy trên một đường thẳng dài, để làm đổ những cục gỗ đứng ở cuối đường; mục đích làm sao chỉ ném ít lần mà làm đổ hết cả mươi cục gỗ. Nước Mỹ có khoảng 80 triệu người chơi trò này vào năm 1993; có khi họ đi chơi một mình, có khi đi với bạn, hoặc gia nhập những “Hội chơi Bowling” đi giải trí với nhau.
Giáo sư Putman, Đại học Havard, nhận xét rằng số người Mỹ chơi Ném bóng Bowling gia tăng thêm 40% trong thời gian từ 1980 đến 1993; nhưng số hội Bowling thì giảm. Bowling chỉ là một biểu tượng. Putman nêu ra những triệu chứng tương tự: Số cử tri Mỹ chịu đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử giảm đi; số người gia nhập các giáo hội giảm mặc dù số người có tín ngưỡng tăng thêm; số cha mẹ ghi tên vào Hội phụ huynh và giáo viên giảm; các hội Hướng đạo, Chữ thập đỏ cũng bớt hội viên. Người ta đóng góp tiền cho các tổ chức tôn giáo, từ thiện nhiều hơn, nhưng họ không tham dự trực tiếp vào các hoạt động chung như trước. Kết luận: Vốn xã hội ở nước Mỹ đang xuống, ông Putman báo động.
Giới nghiên cứu khoa học xã hội ở Mỹ phản ứng sôi nổi. “Bowling Alone” trở thành một đề tài tranh luận trên báo chí và các hội nghị. Người ta hỏi nhau: Vốn xã hội ở Mỹ có sút giảm thực như ông Putman thấy hay không? Tổng thống Bill Clinton mời ông Putman đến nhà nghỉ cuối tuần đàm đạo. Năm 2000, ông Putman in cả cuốn sách 550 trang với tựa đề “Bowling Alone”, nhưng với tiểu tựa cân bằng hơn, “Sự sụp đổ và Hồi phục của Cộng đồng ở Mỹ.” Đề tài này được đưa vào các cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2000. Ông Putman đã thành công trong việc “đánh thức dư luận” về vấn đề vốn xã hội ở nước Mỹ.
Vốn xã hội là một từ ngữ được dùng từ đầu thế kỷ trước, nhưng được khai triển đầy đủ thành một khái niệm quan trọng khi có người nghiên cứu nhiều quốc gia phát triển kinh tế nhanh hoặc chậm, mà một yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ phát triển là phong tục, tập quán, nói chung là đời sống văn hóa. Vốn xã hội bao gồm các liên hệ giữa người với người, họ có thói quen tập hợp với nhau hay không, mọi người trong làng xóm có tin nhau hay không, thường hợp tác và giúp đỡ nhau hay không. Một xã hội muốn tiến bộ cần Vốn vật chất, cần Vốn nhân dụng, đó là điều ai cũng biết. Nhưng còn cần một thứ vốn khác, là Vốn xã hội, phi vật chất và không tùy thuộc cá nhân.
Đặc biệt ở Mỹ thì vấn đề Vốn xã hội liên quan tới sự tham dự của người dân trong đời sống chính trị. Từ năm 1970, Giáo sư Putman đã nghiên cứu một chương trình cải tổ hành chính ở nước Ý để trao quyền quyết định cho các hội đồng vùng do dân chúng bầu lên với mục đích giúp guồng máy chính quyền phục vụ nhu cầu các địa phương thích đáng, nhanh chóng hơn. Sau 20 năm theo dõi kết quả của cuộc cải tổ này, ông thấy có nơi thành công, có nơi chậm tiến. Những nơi thành công thì guồng máy hành chính phục vụ dân nhanh và có trách nhiệm hơn; người dân tham dự vào sinh hoạt chính trị nhiều hơn; tương quan giữa dân chúng và các đại biểu chặt chẽ, hữu hiệu hơn; và kinh tế phát triển nhanh hơn. Mặt khác, ông Putman nhận ra nhiều yếu tố xã hội và văn hóa ở các vùng đó khác nhau, có thể giải thích những kết quả chênh lệch trong cuộc cải tổ. Các yếu tố khác biệt đó có thể gọi chung là Vốn văn hóa, mà Putman đo lường qua sự phát triển của xã hội công dân nhiều hay ít. Người mình có khi dịch Civil Society, Société Civile, là “xã hội dân sự.” Nhưng muốn diễn tả đúng ý nghĩa của từ này thì nên gọi là “xã hội công dân.” Các học giả Trung Quốc cũng dùng chữ “công dân xã hội”; ở Đài Loan có khi dùng chữ đó, có khi dịch là “dân gian xã hội”.
Sau khi cuộc nghiên cứu ở Ý được ấn hành dưới tựa đề “Làm sao cho chế độ dân chủ chạy?” (Making Democracy Work) cuốn sách của Putman được coi là một công trình đáng so sánh với những sách loại “cổ điển” của Alexis de Tocqueville viết về chế độ dân chủ ở Mỹ và về cuộc cách mạng ở Pháp, vì đã nêu ra những trọng tâm nghiên cứu mới. Ông tiếp tục nghiên cứu về xã hội Mỹ, khuấy động giới chính trị và xã hội cả nước với hình ảnh “Chơi ném bóng một mình”!
Từ thế kỷ 19, de Tocqueville đã nhận thấy ở nước Mỹ người ta có thói quen họp lại thành những hội tư, với đủ các mục đích từ tôn giáo đến xã hội, thể thao, âm nhạc, giải trí… Người dân bản tính coi việc tự mình đóng góp vào việc chung là tự nhiên, không phải cái gì cũng trông chờ ở guồng máy nhà nước. Nước Pháp thừa hưởng một chế độ quân chủ tập quyền; sau đó là cuộc cách mạng Pháp, rồi Napoléon lại củng cố thêm quyền hành vào Paris, đặt ra một guồng máy hành chính rất mạnh, khiến cho người dân không có thói quen tham gia các hội tư tự nguyện như vậy. Giáo sư Putman nhận thấy cái Vốn xã hội đó ở Mỹ đã tăng lên trong nửa đầu thế kỷ 20, nhưng sau đó bắt đầu giảm.
Điều được Putman nêu lên đầu tiên là tỷ lệ số người đi bỏ phiếu ngày càng thấp. Ông cho là biến số này liên hệ tới các biến số khác, như số người tham gia các hội tư, số người đọc báo… chứng tỏ dân Mỹ bây giờ thờ ơ với “việc chung”, khác ông cha họ vài trăm năm trước. Ông cũng công nhận trong khi số hội viên của các tổ chức tư giảm đi thì cũng có những hội mới ra đời, để bảo vệ môi trường sống (sinh môi) hoặc các bảo vệ nữ quyền, dân quyền. Đặc biệt, Hội những người nghỉ hưu với hơn 33 triệu hội viên có thể coi là đông đảo nhất. Nhưng các hội viên của những tổ chức này thường chỉ góp tiền cho các mục đích chung chứ không tham dự trực tiếp, ít khi hội họp, không lập các chi hội địa phương, nghĩa là vẫn thiếu Vốn xã hội.
Putman giải thích hiện tượng Vốn xã hội đi xuống này bằng những thay đổi trong đời sống. Phụ nữ thường tham gia các giáo hội, các hội từ thiện và hoạt động lối xóm nhiều; ngày nay phụ nữ đi làm nhiều hơn, họ không có thời giờ. Người ta chậm lập gia đình, bớt lập gia đình, ít con hơn. Người Mỹ thay đổi công việc làm, thay đổi chỗ ở nhiều hơn, không “mọc rễ” ở một nơi như trước. Người ta xem vô tuyến truyền hình, thường ngồi coi một mình, không họp mặt với hàng xóm như cũ, “cá nhân hóa” việc dùng thời giờ rảnh rỗi. Bây giờ lại thêm mạng lưới Internet, càng cá nhân chủ nghĩa hơn. Nói chung, đời sống hiện đại làm Vốn xã hội giảm đi.
Nhiều người không đồng ý với Putman. Có người nêu lên rằng, từ năm 1968, nước Mỹ có 10,299 hội tư nhân, đến năm 1997 con số đó đã tăng lên thành 22,901 hội; không thể nói là hoạt động của các hội tư đã giảm. Nhiều hội lớn trước đây như Hướng đạo, Chữ thập đỏ, Hội Phụ huynh và giáo viên giảm bớt hội viên, nhưng cũng có nhiều hội mới ra đời. Năm 1980, Hội Hòa bình xanh lo bảo vệ sinh môi, chỉ có 250 ngàn hội viên, đến năm 1996 họ có gần 1,7 triệu hội viên. Các phụ huynh học sinh bây giờ tiếp xúc với các thầy cô giáo dưới những hình thức mới, không cần lập hội. Trong khi số Hội Bowling giảm đi thì có thêm biết bao nhiêu Hội Đá bóng, một môn thể thao mới được người Mỹ ưa chuộng. Nói chung, người Mỹ không giảm bớt Vốn xã hội, mà họ thay đổi nội dung của nó mà thôi. Hơn nữa, nếu so sánh với người dân các nước đã phát triển thì dân Mỹ vẫn đứng đầu trong việc tình nguyện tham gia vào những việc có tính chất “công ích”. Tinh thần công dân của người Mỹ vẫn cao. Họ chỉ thua các nước Âu Châu trong hiện tượng ít người đi bỏ phiếu, nhưng cần phải tìm các nguyên do khác gây ra hiện tượng này, chứ không hoàn toàn vì Vốn xã hội đã giảm, chủ nghĩa cá nhân đã tăng.
Nhưng con số hội tư nhân và số người tham dự các hội này, đó không phải là các chỉ số duy nhất để đo lường Vốn xã hội. Khi những hội có mục đích phân biệt mầu da biến mất thì mọi người trong xã hội có thể tin tưởng và hỗ trợ nhau nhiều hơn, Vốn xã hội đã tăng lên. Putman nêu lên con số những cuộc họp mặt bằng hữu hoặc xóm giềng giảm đi, vì người ta ít tổ chức ăn uống, đánh bài, trong đó mọi người có dịp trao đổi ý kiến về các vấn đề chung. Mỗi năm dân Mỹ chơi với nhau khoảng 500 triệu ván bài, nhưng mỗi năm đang giảm 25 triệu ván! Nhưng mặt khác, mọi người lại trao đổi ý kiến với nhau bao nhiêu chuyện trên Internet. Cứ có một biến cố, như chuyện một công ty Ả rập mua quyền khai thác 6 bến cảng ở Mỹ; hay vụ Phó Tổng thống Cheney đi săn bắn lầm vào bạn, là hàng triệu người lên mạng trao đổi ý kiến với nhau. Như vậy thì cái Vốn xã hội vẫn lớn nhưng biểu hiện dưới hình thức khác mà thôi.
Các cuộc thảo luận về Vốn xã hội thường nhìn vào đại thể của từng nước hoặc từng lục địa, người ta biết Vốn xã hội có ảnh hưởng đến công cuộc phát triển kinh tế các quốc gia. Nơi nào con người thích hợp tác với nhau, dễ tin tưởng nhau, và quan tâm đến lĩnh vực chung, thì kinh tế dễ phát triển. Nhưng sau khi có những cuộc thảo luận về Vốn xã hội ở Mỹ, người Mỹ rất thực tế, họ cũng tìm hiểu xem Vốn xã hội góp phần nào vào việc quản lý các xí nghiệp.
Don Cohen và Lawrence Prusak đã xuất bản một cuốn sách về vấn đề này, nhan đề “Good Company”, cái tựa có nghĩa là “Công ty tốt”, nhưng cũng có nghĩa là “Có bạn tốt.” Và tiểu tựa nghe hấp dẫn: “Vốn xã hội giúp công ty chạy như thế nào?” Ông Prusak vốn là Giám đốc Viện nghiên cứu Quản lý Tri thức của công ty IBM. Trong cuốn sách này, hai tác giả đã đưa ra những thí dụ thực tế, rút từ việc quản trị các cơ sở lớn như hãng IBM, UPS và các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay thành phố New York. Tất nhiên, trong một công ty, nếu tạo được bầu không khí tự nguyện hợp tác, tin tưởng, và gây được những mạng lưới kết hợp người với người trong tinh thần tương kính và tín cẩn lẫn nhau, thì công ty hoạt động hiệu quả hơn. Hai tác giả cung cấp các thước đo để một tổ chức có thể đo lường Vốn xã hội bên trong tổ chức.
Những đề tài lớn như Vốn xã hội sẽ còn được các học giả, kể cả các sinh viên cao học và tiến sĩ Mỹ tiếp tục khai thác trong nhiều năm tới.