Vụ nổ trong quá khứ?
Khoảng 13.000 năm trước, Bắc Mỹ là một miền đất nhộn nhịp. Những lớp băng nhiều nghìn năm tuổi đã tan chảy, và loài người đã đi từ Siberia đến Alaska, rồi tràn xuống sinh sống trên một vùng rộng lớn, từ những khu rừng Canada đến vùng bờ biển Carolina trù phú. Nền văn hóa Clovis đã hình thành nên từ đó. Nhưng chỉ sau hai thế kỷ săn voi mamút, bò rừng bizon và ngựa, nền văn hóa này đã đột nhiên biến mất một cách khó hiểu.
Ngày 24/5/2007, trong hội nghị của cộng đồng vật lý địa cầu châu Mỹ ở Acapulco (Mexico), một nhóm hơn hai chục nhà khoa học đã trình bày những nghiên cứu nhằm khẳng định rằng, đã từng có vụ nổ của sao chổi hoặc tiểu hành tinh xảy ra gần 13.000 năm về trước ở mũ băng phía bắc của châu Mỹ. Những mảnh vụn của vụ nổ đã lan tỏa và trút xuống khắp lục địa, đẩy nhiệt độ tụt xuống trong suốt một thiên niên kỷ tiếp theo.
Các quả cầu nhỏ xíu được tìm thấy ở Bắc Mỹ, chúng có thể là tàn dư của vụ va chạm |
Trong lịch sử của địa chất học, cũng thỉnh thoảng có một số vấn đề được giải thích theo những lý thuyết về các vụ tấn công của thiên thạch vào Trái Đất như vậy, thậm chí đã có một ý tưởng cho rằng, chính một vụ va chạm thiên thạch đã làm sụp đổ các nền văn minh thời đại đồ đồng. Tuy nhiên, những lý thuyết như vậy chưa bao giờ được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng khoa học.
Lần này thì tình hình có vẻ khác, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, lý thuyết của họ giải thích được hàng loạt những bằng chứng quan sát: không chỉ về sự lạnh đi của khí hậu và sự biến mất của những thợ săn Clovis mà còn cả về sự tuyệt chủng gần như đồng thời của những loài thú lớn trên lục địa.
“Khám phá này rất quan trọng,” thành viên nhóm nghiên cứu, James Kennett nói. “Nó giải thích được cả ba bí ẩn lớn nhất mà người ta vẫn thường xuyên tranh cãi trong những thập kỷ gần đây.”
Nhưng lý thuyết này cũng gặp phải một đối thủ cạnh tranh nặng ký. Có một giả thuyết cũng giải thích được một cách logic cả ba bí ẩn này. Đó là sự thay đổi lớn của dòng hải lưu đã làm khí hậu lạnh đi trong suốt một nghìn năm (tình trạng này còn gọi là Younger Dryas). Sự lạnh đi này xóa sổ những thợ săn Clovis. Và nếu không bị săn bắt đến tuyệt diệt thì những con quái vật lớn thời tiền sử cũng không thể tồn tại được trong khí hậu khắc nghiệt.
Phép phân tích địa hóa học đối với các lớp trầm tích tại 25 khu vực khảo cổ ở Bắc Mỹ đã đem lại một bằng chứng mới. Nhóm nghiên cứu báo cáo rằng, các lớp trầm tích chứa những mảnh vụn được tạo ra bởi sự va chạm thiên thạch. Chúng bao gồm những quả cầu nhỏ bằng thủy tinh và carbon, và đặc biệt, hàm lượng nguyên tố iridi cao đến mức chúng không hầu như không thể có nguồn gốc từ Trái Đất. Thêm vào đó, các mẫu đá chứa những lớp màu đen của vật liệu bị carbon hóa, cái đó có thể chứng tỏ rằng, cả lục địa đã bị bốc cháy sau vụ va chạm.
Các chuyên gia khác vẫn đang thận trọng và chờ đợi những phân tích kỹ hơn. Vance Haynes (Đại học Arizona), một nhà khảo cổ đã nghiên cứu về người Clovis được hơn 40 năm nói rằng: “Lý thuyết mới này có thể tin được, nếu các kết quả phân tích địa chất của họ được lặp lại bởi một nhóm nghiên cứu khác.”
“Lý thuyết va chạm của họ không nên bị thờ ơ, nó xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn,” Jeff Severinghaus, một nhà khí hậu học ở California nói. Nhưng ông cũng nghĩ rằng, “sẽ là cực kỳ không bình thường nếu một sự kiện như vậy dẫn đến sự thay đổi sâu rộng về khí hậu.” Sự nghi ngờ đó dựa trên phân tích về các lõi băng ở Greenland, chúng chỉ ra rằng, một số hiện tượng lạnh đi đã bắt đầu từ trước vụ va chạm.
Sự tràn nước
Những người Clovis săn bò rừng bizon. |
Nhóm nghiên cứu biết rằng, lý thuyết họ vẫn còn những nghi vấn cần phải vượt qua. Đa số họ đều rất hứng thú và tin tưởng. Đối với họ, lý thuyết này vẫn rất hấp dẫn, ngay cả khi nó chưa đủ thuyết phục.
Những lý thuyết trước đây về nguyên nhân gây ra Younger Dryas dựa trên quan điểm cho rằng, đã có một sự đảo ngược xu hướng ấm lên toàn cầu. Vào giai đoạn đó, khí hậu Bắc Mỹ đang ấm lên, các lớp băng tan chảy làm lộ đất đai và giải phóng một lượng nước lớn. Vùng hồ Agassiz với một lượng nước khổng lồ từ băng tan đã phá vỡ một con đập tự nhiên và tràn ra Bắc Đại Tây Dương. Hiện tượng này đã làm chậm lại hệ thống luân chuyển của đại dương, tức là làm chậm lại sự truyền nhiệt lượng từ vùng xích đạo lên phía bắc. Vì nguyên nhân đó, khí hậu đã bị làm lạnh trở lại trong khoảng một thiên niên kỷ.
Lửa và băng
Thay vì sự tràn nước của hồ Agassiz, lý thuyết mới đoán rằng, đã có một vật thể đường kính 5 km đâm vào mũ băng phía bắc, làm tan chảy và gây ngập lụt. Nhưng không có dấu tích rõ ràng nào của vụ va chạm, một cái hố lớn chẳng hạn. Có lẽ là tiểu hành tinh đã nổ ngay trong không trung, hoặc lớp băng đủ dày để che chắn cho mặt đất.
Lý thuyết này có lẽ đã manh nha được vài năm và phát triển với một số những bước ngoặt. Vào cuối thập niên 1990, nhà khảo cổWilliam Topping, lúc ấy đang làm việc ở một khu vực khai quật Clovis (có tên là Gainey) đã đề ra một lý thuyết rằng, Younger Dryas bị gây ra bởi một sao siêu mới (supernova), tức là một ngôi sao đang bùng nổ. Năm 2001, ông và Richard Firestone, một vật lý hạt nhân ở Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley đã công bố một bài báo về hiệu ứng này, với các số liệu lấy từ các lớp trầm tích ở Gainey.
Các nhà phân tích lập tức xúm phê phán giả thuyết kỳ lạ liên quan đến sao siêu mới. Sau khi phân tích kỹ càng hơn, Firestone đã rút lại công bố này. Nhưng Topping thì vẫn tiếp tục mê mẩn với ý tưởng sao siêu mới và không đồng ý với Firestone. Thế là hai người chia tay nhau, mỗi người đi một ngả.
Firestone cuối cùng đã tham gia “phe” của Kennett, cả hai bọn họ đều nhường công lao chính cho cho người đồng nghiệp Allen West, một nhà địa vật lý tự học ở Arizona, người đã thu thập được nhiều mẫu vật mới. “West là nhà vô địch,” Kennett nói.
Bây giờ, Kennett vẫn còn lầm bầm khó chịu về bài báo năm 2001, nhưng ông cũng nói rằng, ông vẫn tận tâm tận lực vì chất lượng của những nghiên cứu mới. “Tôi sẽ không vội vã kết luận nếu không có đủ dữ liệu.”
Một số dữ liệu được lấy từ một khu vực khai quật Clovis có tên là Murray Springs, nằm ở miền nam Arizona và đã được nghiên cứu từ lâu bởi Haynes. Trầm tích ở đó bao gồm cả các lớp carbon có từ ngay trước thời kỳ Younger Dryas. Bên dưới các lớp đó, West đã tìm thấy các quả cầu carbon nhỏ xíu, có đường kính từ 0,15-2,5 mm, một số chúng là rỗng bên trong. Firestone và West đã dẫn chứng rằng, những quả cầu tương tự cũng đã được tìm thấy tại một cái hố lớn ở Đức, chúng có thể là tàn dư của một vụ va chạm.
Nhóm nghiên cứu cũng thu được các mẫu carbon trông như thủy tinh, có bề mặt được cho là đã bị nóng chảy trong một vụ va chạm, và cả các lớp giàu iridium, một nguyên tố vốn không có nhiều trong vỏ Trái Đất. Một thành viên khác của nhóm, Luann Becker, (người trước đây đã từng tham gia vào những công bố gây tranh cãi về một tiểu hành tinh đã gây ra sự tuyệt chủng ở kỷ Permi-Trias khoảng 250 triệu năm trước) nói rằng bà đã tìm ra các quả cầu carbon cấu trúc fullerene ở khu vực Clovis, có thể làm bằng chứng cho một vụ va chạm.
Kennett cũng đã nhìn thấy những quả cầu nhỏ trong các lớp trầm tích 12.900 năm tuổi trên đảo Santa Rosa, đây cũng là nơi mà những mẫu xương người cổ nhất Bắc Mỹ từng được tìm thấy. Ở phía đông, nhóm nghiên cứu đã phân tích tỉ mỉ những chỗ đất lún hình tròn chạy từ Georgia đến Delaware. Firestone nghĩ rằng, những vịnh ở Carolina có thể là các hố va chạm, gây ra bởi các mảnh vỡ từ vụ nổ trong thời đại Clovis. Mặc dù nhiều người khác vẫn còn chưa tin lắm.
Sự suy giảm dân số
Gần các vịnh, nhóm cũng tìm kiếm bằng chứng ở khu vực khảo cổ Topper, ở đây có rất nhiều dấu tích Clovis. Nhưng Albert Goodyear, một nhà khảo cổ ở Đại học Nam Carolina đã báo cáo ở Acapulco rằng có một sự giảm nhanh dấu tích Clovis ở Topper trong giai đoạn Younger Dryas. Nhóm lập luận rằng, đây là bằng chứng cho thấy sự giảm dân số đột ngột. Nhưng các nhà khảo cổ khác lại nói rằng, họ không tìm thấy bằng chứng nào về sự suy giảm như giống như vậy trong dân số người Anh-điêng cổ (Palaeoindian). Thậm chí khi nền văn hóa Clovis đang biến mất, thì các nền văn hóa khác vẫn tồn tại, vì những lý do vô cùng khó hiểu.
Hội nghị Acapulco có thể khiến các nhà khoa học phải khảo sát lại bằng chứng của họ về những gì đã xảy ra ở Bắc Mỹ vào cuối thời đại băng hà gần đây nhất.
ảnh trên cùng: Lớp trầm tích màu đen ở Murray Springs có thể là bằng chứng về các vụ cháy gây ra bởi va chạm thiên thạch