Vụ phun trào của Krakatau cuối thế kỉ XIX: Quan sát từ Việt Nam
Một thiên tai dữ dội như vậy gần kề với lãnh thổ Việt Nam không thể không làm dấy lên một câu hỏi: các nguồn tư liệu ở Việt Nam thời bấy giờ đã ghi nhận được những hiện tượng gì xung quanh vụ phun trào này?
Một bản in thạch bản miêu tả vụ nổ Krakatau tháng 8/1883. Ảnh từ báo cáo của Hội Hoàng gia London.
Sự kiện núi lửa Krakatau phun trào ở eo biển Sunda năm 1883 đến nay vẫn được xếp hạng là một trong những thảm kịch núi lửa nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Vụ phun trào đã dẫn đến các trận sóng thần giết chết hơn 36,000 người tại các thuộc địa của Hà Lan ở Ấn Độ Dương và sinh ra các cơn sóng xung kích được truyền đi bốn lần vòng quanh thế giới.
“Sắc Mặt trời xanh”
Vụ nổ mang tính cao trào của Krakatau (hay còn gọi là Krakatoa) kéo dài từ chiều 26/8 đến rạng sáng ngày 27/8/1883, chưa đầy một tháng sau khi Nguyễn Phúc Hồng Dật lên ngôi và lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Ngày 20/8, các tàu chiến Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An – một trong các cửa ngõ chính dẫn vào kinh đô Huế, và thất bại của thủy quân nhà Nguyễn buộc triều đình phải ký Hòa ước Quý Mùi vào ngày 25, thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, sáp nhập tỉnh Bình Thuận vào xứ thuộc địa Nam Kỳ. Sau hòa ước này, các quan đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bắt đầu tỏ thái độ chống đối và lên kế hoạch phế bỏ vua Hiệp Hòa, đồng thời bức bách Trần Tiễn Thành, một quan đại thần khác vốn đã giữ chức quản lý Khâm thiên giám từ 1862 (Đại Nam thực lục [ĐNTL], VII, tr. 778). Đây đều là các chi tiết quan trọng liên quan đến ảnh hưởng khí quyển đầu tiên của vụ nổ núi lửa ùa vào vùng trời Đại Nam.
Tháng 9 âm lịch năm Quý Mùi, Đại Nam thực lục có ghi chép như sau:
“Ngày Bính Thìn, sắc Mặt trời xanh (lúc mới sáng thì sắc xanh, rồi dần dần biến ra trắng, người đi đường không có bóng, suốt ngày không lúc nào có ánh sáng). Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết dâng sớ xin vua trách mình, sửa chính sự, sắc cho đình thần xét kỹ có điều gì không hợp lẽ, lập tức tâu lên sửa chữa, ngõ hầu hồi lại ý trời. […] Nhân dụ rằng: Trời với người cảm ứng nhau rất là không sai. Trẫm đức bạc, không cảm cách được lòng trời, cho nên Mặt trời báo cho biết trước.” (ĐNTL, VIII, tr. 596).
Ngày Bính Thìn nêu trên tương đương với ngày 9/9/1883 dương lịch. Do từ “xanh” có thể ám chỉ cả xanh lam và xanh lục, chúng ta không thể dựa ngay vào phần miêu tả này để phác họa lại cảnh bầu trời ngày hôm đó. Ngay cả việc khảo cứu bản gốc bằng chữ Hán cũng không thay đổi được điều gì, vì câu gốc chỉ là “Bính Thìn nhật sắc thanh” (丙辰日色靑), trong đó “thanh” (靑) cũng là một từ chỉ màu sắc mơ hồ như “xanh”. Tuy nhiên, cho dù có là xanh lam hay xanh lục, sắc “xanh” mà Đại Nam thực lục miêu tả vẫn trùng khớp hoàn toàn với các ghi chép khác về bầu trời Trái đất ở thời điểm này.
Theo thống kê từ cuốn sách nghiên cứu về vụ phun trào của Krakatau do Hội Hoàng gia London xuất bản năm 1888, sau khi Krakatau phát nổ ngày 27/8, các hòn đảo ở phía Tây ngọn núi này như Sri Lanka, Seychelles và Mauritius lần lượt ghi nhận Mặt trời có màu xanh lam hoặc xanh lục, và các hiện tượng tương tự tiếp tục được báo cáo từ các vị trí xa hơn về phía Tây, trước khi vòng trở lại tỉnh Iloilo của Philippines vào 6 giờ sáng ngày 9/9 theo giờ địa phương. Phân tích sự khuếch tán của hiện tượng này, nhà khí tượng học Rollo Russell kết luận rằng tác nhân làm thay đổi màu của Mặt trời là đám mây bụi do vụ nổ núi lửa sinh ra, và nguyên nhân khiến Sri Lanka thấy Mặt Trời xanh trước Philippines là do một luồng không khí ở xích đạo đã đẩy đám mây bụi đi vòng quanh xích đạo theo hướng Tây với tốc độ 133 km/h (Russell, 1888, tr. 337). Những giả thuyết như vậy của Russell chính là tiền đề cho các nhà khí tượng học phát hiện ra các dòng tia (jet stream) của Trái đất sau này.
Cũng trong cuốn sách của Hội Hoàng gia London, chúng ta dễ dàng tìm thấy các báo cáo về những hiện tượng khác như Mặt trời có màu bạc, bầu trời có quầng đỏ trước bình minh hoặc hoàng hôn, v.v. Tuy nhiên, lần giở Đại Nam thực lục sau ngày 27/8/1883, không có một ghi chép nào về các hiện tượng tương tự. Điều này có thể được hiểu dựa vào cách phân tích của nhà khoa học E. D. Archibald rằng tất cả đều là do đám mây mù từ vụ nổ của Krakatau, song sự đa dạng về hiện tượng còn phụ thuộc vào độ dày đặc của đám mây ở các vĩ độ nhất định (Archibald, 1888, tr. 302). Chẳng hạn, ở Tokyo, các nhà quan sát thấy bầu trời có quầng đỏ trước bình minh và Mặt trời màu đỏ đồng là bởi đám mây bụi đã phân thành một nhánh dày đặc riêng hướng thẳng tới Nhật Bản. Còn ở Iloilo, Philippines, người ta chỉ thấy Mặt trời có màu xanh là bởi đám mây bụi từ Krakatau tiếp cận Iloilo khi ấy đã khuếch tán đi nhiều rồi. Theo góc nhìn này, có thể lý do Đại Nam thực lục chỉ ghi nhận Mặt trời màu xanh là bởi đây là hiện tượng duy nhất xảy ra khi tầng mây bụi mỏng từ Krakatau cuối cùng cũng tới Huế sau chuyến chu du gần một vòng quanh Trái đất.
Cảnh người Pháp và triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Quý Mùi, chưa đầy 2 ngày trước vụ nổ của Krakatau. Tranh vẽ từ cuốn La guerre du Tonkin của Charles-Lucien Huard.
“Tiếng kêu hình như tiếng súng”
Nếu chỉ khảo cứu tài liệu của triều đình Huế sau ngày 27/8, thật dễ để kết luận rằng sắc xanh của Mặt trời là chi tiết duy nhất được người ở Việt Nam ghi chép lại về các ảnh hưởng tức thì từ vụ nổ của Krakatau. Tuy nhiên, trong cuốn sách của Hội Hoàng gia London, R. Strachey có liệt kê các địa điểm đã nghe thấy tiếng Krakatau phát nổ từ chiều ngày 26 đến sáng ngày 27. Hai địa điểm trong số đó nằm ở xứ thuộc địa Nam Kỳ lúc bấy giờ: Sài Gòn và Vũng Tàu (sách gọi là “Cape St. James”), cùng nghe thấy tiếng nổ vào ngày 27 (Strachey, 1888, tr. 82). Ngoài ra, trong cuốn sách Notes sur l’Annam: Le Khánh-Hòa (An Nam ký sự: tỉnh Khánh Hòa), tác giả Etienne Aymonier cũng viết:
“Trận đánh như sấm rền ở Thuận An, cái hòa ước bảo hộ như sư tử theo sau đó, và trên hết là vụ phun trào ầm ĩ và xa xăm của Krakatoa như thể đang tuyên bố một cuộc bắn phá ghê gớm và đầy bí ẩn… Tất cả kết hợp lại với nhau mà làm dấy lên cơn hoảng sợ đến điên dại ở các viên quan và ở những kẻ cướp – những kẻ tẩu thoát từ Sài Gòn, những kẻ áp bức của Bình Thuận. Đám đông này, hối hả đổi gia sản sang thứ tiền tệ mang đi được, khiến đồng piastre bạc có giá cao ngất ngưởng. Thế rồi vừa thu gom xong chỗ quần áo cũ và giẻ rách, họ kinh hãi chạy hết khỏi Khánh Hòa, như thể một đoàn quân “rợ Tây” đã đuổi đến sát gót”. (Aymonier, 1885, tr. 140)
Chúng ta không thể kiểm chứng được câu chuyện của Aymonier về đám đông chạy loạn từ Khánh Hòa, do không có nguồn nào khác thuật lại một sự việc như thế. Tuy nhiên, vị trí ở vùng Khánh Hòa-Bình Thuận của ghi chép này lại là một điều đáng để tâm, bởi một hiện tượng tương tự cũng đã được ghi nhận trong Đại Nam thực lục:
“Biển tỉnh Bình Thuận có tiếng kêu hình như tiếng súng (tiếng lớn, tiếng nhỏ xen nhau phát ra suốt ngày, tiếng vang suốt đến Bắc Kỳ)”. (ĐNTL, VIII, tr. 538)
Miêu tả trên được trích từ phần tháng 7 năm Nhâm Ngọ theo lịch âm, tương đương với khoảng từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 1882. Ngay lập tức, chúng ta thấy rằng mốc thời gian của miêu tả này lệch gần một năm so với ngày cao trào của Krakatau (27/8/1883). Song cùng lúc đó, không thể không nhận thấy những điểm tương đồng rõ rệt giữa miêu tả này và ghi chép của Aymonier, từ vị trí nghe thấy các tiếng ồn cho đến cách thức ví von chúng. Bằng cách nào mà Đại Nam thực lục lại miêu tả một hiện tượng tương tự như thứ mà Aymonier quy cho vụ nổ của Krakatau, song hiện tượng trong Đại Nam thực lục lại sớm hơn vụ phun trào gần một năm? Trong bối cảnh các trận hải chiến diễn ra thường xuyên trên vùng biển Đại Nam, quả thật những âm thanh như tiếng súng không phải là chuyện hiếm gặp, song mốc thời gian của miêu tả trong Đại Nam thực lục gần như “lạc quẻ” vì nó không trùng khớp với bất kỳ trận hải chiến nào trên Biển Đông vào thời điểm đó. Ngoài ra, với bối cảnh công nghệ của triều Nguyễn ở thập niên 1880, bằng cách nào mà những người ở Quốc sử quán biết được rằng âm thanh ngoài biển Bình Thuận vang đến tận Bắc Kỳ?
Trong khoảng thời gian đó, tiếng nổ của Krakatau là âm thanh duy nhất có khả năng từ Bình Thuận “vang suốt đến Bắc Kỳ”. Theo ghi nhận của Hội Hoàng gia London, tiếng nổ này lớn đến mức nó làm thủng màng nhĩ của thủy thủ một số tàu trên biển Ấn Độ Dương trước khi vang khắp thế giới nhiều lần liên tiếp. Và bởi đỉnh điểm không phải là một vụ nổ trong chốc lát mà kéo dài từ chiều ngày 26 đến sáng sớm ngày 27, những âm thanh từ Krakatau cũng được các cư dân tại Buitenzorg (Bogor, Indonesia ngày nay) ví với pháo bắn ở cự ly gần (Judd, 1888, tr. 19).
“Có sự gì lạ thì phải chép”
Ghi chép về các hiện tượng thời tiết hoặc thiên văn không phải là điều hiếm gặp trong sử liệu của Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung. Ngay trong Đại Nam thực lục, trước khi bắt tay vào chép Đệ tứ kỷ về thời Tự Đức và Hiệp Hòa (1848 – 1883), Quốc sử quán cũng viết trong phần Phàm lệ: “Về Mặt trời, ngôi sao, gió, sấm, mưa, núi, sông, đất đai, có sự gì lạ thì phải chép”. (ĐNTL, VII, tr. 14). Tuy nhiên, để hiểu rõ việc ghi chép diễn ra thế nào, chúng ta phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của Quốc sử quán khi đó và suy đoán xem thông tin về những hiện tượng này đã tới tay các nhà viết sử như thế nào. Những thứ như nguyệt thực, Mặt trời có sắc xanh hay một sao chổi xuất hiện ở bầu trời phía Nam hoàn toàn có thể được những người ở Khâm thiên giám quan sát rồi ghi chép lại ngay cho các nhà viết sử sau này. Song đối với những hiện tượng như các “tiếng kêu hình như tiếng súng” từ Bình Thuận “vang suốt đến Bắc Kỳ”, chúng ta phải tự hỏi người nhà Nguyễn đã làm cách nào, hoặc đã dành bao nhiêu thời gian để thu thập thông tin và tổng hợp được rằng tiếng kêu ở ngoài biển Bình Thuận chính là tiếng kêu được người ở Bắc Kỳ nghe thấy? Không những vậy, sử liệu mà chúng ta đang sử dụng không hề được viết ngay sau khi sự việc xảy ra: dựa theo bài dụ của vua Thành Thái, Đệ tứ kỷ được viết từ khoảng năm 1885-1886 cho đến năm 1894, và được in năm 1899 (ĐNTL, VII, tr. 7-13). Có thể trong quá trình tổng hợp tư liệu, hoặc sau này là quá trình chép sử của Quốc sử quán, đã có một sai sót khiến cho mốc thời gian của sự việc “tiếng kêu hình như tiếng súng” bị lệch một năm so với vụ nổ của Krakatau, ngay cả khi chẳng có cách nào lý giải được một hiện tượng như vậy ngoài vụ nổ nêu trên?
Trong việc nghiên cứu các hiện tượng thời tiết hoặc thiên văn qua sử liệu, nói rằng “ghi chép này chỉ có thể là sự kiện này song thời gian bị chép lệch” thực chất không phải là một cách lập luận quá lạ lẫm. Vào giữa thế kỷ XI, pho sử của nhà Tống và hồi ký của một thi sĩ Nhật Bản đều đồng thuận rằng có một ngôi “sao khách” tỏa sáng rực rỡ ở bầu trời phía Đông vào tháng 7 dương lịch của năm 1054, và dựa vào miêu tả của các sử liệu này, các nhà thiên văn học đã xác định được ngôi “sao khách” này là vụ nổ siêu tân tinh SN 1054 sinh ra Tinh vân Con Cua (Crab Nebula) trong chòm sao Kim Ngưu (Taurus) ngày nay. Song khi khảo sát Khiết Đan quốc ký (契丹國志), một tài liệu thứ cấp của nhà Tống về lịch sử nhà Liêu của người Khiết Đan, các nhà thiên văn học không khỏi bối rối khi thấy Khiết Đan quốc ký cũng ghi nhận một ngôi sao khách ở bầu trời phía Đông, song mốc thời gian lại là ngày 13/11/1053 (Stephenson và Green, 2002). Cuối cùng, các nhà thiên văn học kết luận rằng ngôi sao khách này chính là siêu tân tinh SN 1054, nhưng thời gian đã bị chép lệch sang gần một năm trước. Về lý do dẫn đến sự chép lệch này, đến nay vẫn chưa một tác giả nào đưa ra được lời giải thích.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Đại Nam thực lục, nếu chúng ta thực sự tin rằng miêu tả “tiếng kêu hình như tiếng súng” chính là tiếng nổ của Krakatau bị chép lệch một năm, lời giải thích cho sự chép lệch hiển hiện ngay xung quanh miêu tả đó. Thập niên 1880 ở Việt Nam được đánh dấu bởi những biến động lớn về mặt chính trị-xã hội, với các cuộc tấn công liên miên của thực dân Pháp, các tư tưởng trái chiều gây chia rẽ nội bộ triều đình Huế, cũng như các kế hoạch lật đổ và đưa lên ngôi những hoàng thân khác nhau. Ngay trong đoạn văn miêu tả sắc xanh của Mặt trời, chúng ta cũng thấy rõ vai trò của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, hay cụ thể hơn là việc họ lấy ngay hiện tượng thiên văn này làm cớ để thuyết phục vua Hiệp Hòa tự trách mình và sửa chính sự. Có thể cho rằng trong một bối cảnh đầy rẫy những cuộc chính biến như thế, những nhà viết sử buộc phải ghi chép tỉ mỉ hơn về các biến động chính trị-xã hội và ít chú ý đến những hiện tượng xảy ra trên bầu trời, trừ khi các hiện tượng này có một mối liên hệ nhất định với việc triều chính, chẳng hạn như là được các quan đại thần đem ra để nhắc nhở vua tự chỉnh đốn bản thân mình. Ngoài ra, cũng nên chú ý rằng trong khoảng thời gian giữa vụ nổ của Krakatau và lúc Quốc sử quán dưới thời Thành Thái hoàn tất Đệ tứ kỷ, một trận đánh khốc liệt đã xảy ra tại kinh thành Huế vào năm 1885 giữa quân Pháp và quân triều đình nhà Nguyễn do Tôn Thất Thuyết chỉ huy. Nhiều tài sản trong cung đã bị cướp bóc và nhiều tài liệu cũng đã bị thất lạc, bao gồm cả một bộ lịch mà sau này Khâm thiên giám phải làm lại (Hội điển tục biên, X, tr. 121-122). Khi nhiều biến cố lịch sử xảy ra trong một thời gian ngắn như vậy, việc các nhà viết sử sau này chép sai ngày giờ xảy ra của một tiếng nổ không liên quan ở ngoài biển là một chuyện không thể tránh khỏi.
Nói tóm lại, khi xem xét sử liệu của nhà Nguyễn và đối chiếu với các ghi chép của người nước ngoài, chúng ta nhận thấy rằng vụ nổ của Krakatau đã gây ra một số ảnh hưởng tức thì được những người có mặt ở Việt Nam ghi nhận. Đối với ghi chép về sắc xanh của Mặt trời, chúng ta có đủ độ chính xác, cũng như là nền tảng kiến thức để quy cho đám mây tro bụi mà vụ nổ núi lửa sản sinh ra, song đối với ghi chép về âm thanh vang từ Bình Thuận đến Bắc Kỳ, rắc rối về mốc thời gian – mà có lẽ là do bối cảnh chính trị-xã hội – cản trở một kết luận xác đáng. Để hiểu được một cách bao quát và rõ ràng tất cả các ảnh hưởng của Krakatau tại Việt Nam vào thời điểm đó, nhà nghiên cứu cần phải điều tra cặn kẽ hơn về khí hậu và các điều kiện tự nhiên trong khoảng thời gian sau vụ phun trào. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát quy mô nhỏ dựa trên Đại Nam thực lục dường như cũng có lợi ích riêng, vì nó giúp liên hệ lịch sử Việt Nam với lịch sử thế giới cận đại, cũng như thúc đẩy một hướng nghiên cứu mới về các hiện tượng thời tiết và thiên văn trong sử liệu Việt Nam mà đến nay vẫn ít được bàn luận đến.□
—
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007. Đại Nam thực lục. Hà Nội, NXB Giáo Dục.
Quốc sử quán triều Nguyễn, 2012. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên. Huế, NXB Thuận Hóa.
Stephenson, F.R. & Green, D.A., 2002. Historical Supernovae and Their Remnants. Oxford, Oxford University Press.
Symons, G.J., ed., 1888. The Eruption of Krakatoa and Subsequent Phenomena: Report of the Krakatoa Committee of the Royal Society. London, Trübner & Company.