Wendy Rogers: Nhà đạo đức cấy ghép tạng
Một nhà nghiên cứu đã khám phá những vi phạm đạo đức trong các nghiên cứu về cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.
Credit: Chris Stacey, Macquarie University
Trong suốt hai thập kỷ, một cuộc tranh cãi đã diễn ra xoay quanh nguồn gốc của một số gan, tim và thận được dùng trong cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Ban đầu, chính phủ Trung Quốc phủ nhận rằng các nội tạng này được lấy từ tù nhân; sau đó họ lại thừa nhận. Hiện giờ chính phủ Trung Quốc lại cho biết đã cấm việc lấy nội tạng của tù nhân từ năm 2015, và các nội tạng này do các tình nguyện viên hiến tặng. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn còn nghi ngờ về điều này.
Wendy Rogers, một nhà đạo đức sinh học ở Đại học Macquarie, Sydney, Úc, đã tìm ra một cách thức mới để giải quyết vấn đề: kiểm tra các công bố nghiên cứu của các bác sĩ cấy ghép Trung Quốc. Kết quả cuộc điều tra do nhóm nghiên cứu của Rogers thưc hiện đã được xuất bản vào tháng 2 năm 2019 (W. Rogers et al. BMJ Open 9, e024473; 2019), đã khiến hơn 20 bài báo về cấy ghép phải rút lại, sau khi các bác sĩ không thể chứng minh rằng những người hiến tặng đã đồng ý hiến tặng các nội tạng sử dụng trong nghiên cứu. “Bạn sẽ không thể chịu đựng nổi nếu biết chuyện gì đã thực sự xảy ra”, Rogers nói.
Việc rút lại của các bài báo này đã mở ra một trong những vụ bê bối lớn về đạo đức sinh học trên thế giới, Yves Monreau, một nhà sinh học tính toán ở Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ nhận xét – cho thấy các nhà khoa học và các nhà xuất bản nên nghiêm túc thực hiện vấn đề đạo đức trong nghiên cứu.
Rogers đã chuyển hướng từ nghiên cứu học thuật sang hoạt động xã hội sau khi xem bộ phim tài liệu “Hard to Believe” trong một hội thảo vào năm 2015, đề cập đến việc cưỡng ép lấy nội tạng của các tù nhân. Năm 2016, cô trở thành chủ tịch (không lương) của Ủy ban cố vấn quốc tế của Liên minh quốc tế nhằm chấm dứt lạm dụng cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), một nhóm vận động phi lợi nhuận ở Sydney. Nhờ một nguồn tin ẩn danh, Rogers đã điều tra một bài báo trên tạp chí Liver International vào năm 2016 và phát hiện thiếu thông tin về người hiến tặng, bài báo đó đã bị rút lại vào năm 2017.
Rogers biết rằng chắc chắn còn nhiều bài báo đang gặp vấn đề tương tự. Cô đã làm việc thâu đêm, trong cả ngày nghỉ cùng một nhóm các nhà nghiên cứu, các tình nguyện viên để chọn lọc hàng ngàn bài báo. Họ đã kết luận rằng có khoảng hơn 400 bài báo đã sử dụng nội tạng từ các tù nhân và không có nguồn rõ ràng. Những bài báo này được xuất bản trong giai đoạn 2001-2017, gồm hơn 85 000 ca cấy ghép. Nhóm của Rogers đã chỉ ra 17 tạp chí đã xuất bản từ 5 bài báo trở nên nhưng chỉ hai tạp chí có phản ứng. Tạp chí PloS ONE đã rút lại 19 trong tổng số 21 bài báo thuộc danh sách của Rogers, hai bài báo còn lại tiếp tục được điều tra. Tạp chí Transplantation đã rút lại 7 bài báo: 5 bài báo nằm trong danh sách của Rogers và 2 bài báo do tạp chí này tự tìm ra. Các tạp chí đã thông báo nguyên nhân rút lại là do các tác giả đã không trả lời hoặc không thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
Joerg Heber, tổng biên tập của tạp chí PLoS ONE, nói rằng ông rất biết ơn đội ngũ của Rogers. Tạp chí này hiện đã tăng cường yêu cầu báo cáo trong các bài báo về cấy ghép. Với những tạp chí không phản hồi, Rogers cho biết: “Tôi rất mong họ thực hiện điều này một cách nghiêm túc”.
Thanh An lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/immersive/d41586-019-03749-0/index.html