Xây dựng hồ sơ PSSA – Giải pháp mới bảo vệ chủ quyền lãnh hải
Việt Nam đã ký kết tham gia và thực thi nhiều điều ước, công ước quốc tế về môi trường biển như Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982, Công ước đa dạng sinh học, Các công ước của tổ chức Hàng hải quốc tế - (IMO). Tuy nhiên, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế nhiều từ các công ước trên. Hiện nay, một số quốc gia đang xem các quy định về Vùng biển nhạy cảm đặc biệt (Particularly Sensitive Sea Areas – PSSA) – tổng hợp của nhiều công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển – như giải pháp mới về bảo vệ chủ quyền quốc gia dựa vào khoa học công nghệ về xây dựng khu bảo tồn biển. Đây cũng có thể là một gợi ý cho chúng ta - quốc gia thành viên của IMO.
PSSA do IMO công nhận là vùng biển có giá trị cao về môi trường sinh thái, kinh tế – xã hội, khoa học và giáo dục, chủ yếu là các vùng đã là các khu bảo tồn biển hay khu đa dạng san hô. Hiện tại, đến năm 2011 trên thế giới đã có 13 vùng PSSA tại hầu hết các vùng biển trên thế giới và đã phát huy tác dụng bảo vệ đồng thời tài nguyên và chủ quyền lãnh thổ cho một số vùng đảo, quần đảo như Malpelo (Colombia), Canary (Tây Ban Nha), Galapos (Ecuador), Hawaii (Mỹ).
Khi được ghi danh công nhận là vùng PSSA thì vùng biển đó được Tổ chức thủy đạc quốc tế IHO vẽ ranh giới cụ thể vùng PSSA trên bản đồ Hàng hải thế giới, và IMO công bố cho các quốc gia thành viên về việc hạn chế hay nghiêm cấm hàng hải bắt buộc đối với tầu thuyền qua vùng biển PSSA.
Đảo Malpelo (Colombia) – Một ví dụ của PSSA
Phân tích lợi ích về an ninh biên giới và quản lý tài nguyên-môi trường biển của các vùng PSSA đã được công nhận, các tài nguyên thiên nhiên được phát triển hơn rất nhiều, nhiều vùng đã trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới sau đó.
Một ví dụ cụ thể về lợi ích PSSA là đảo Malpelo của quốc gia Mỹ Latinh Colombia nằm ở vị trí (3°58’00″N, 81°37’00″W), thuộc phía Đông của Thái Bình Dương, cách bờ biển hơn 500 km. Diện tích vùng biển là 857,5 ha, bao gồm diện tích đảo 0,35 ha và biển là 857,15 ha. Địa hình dao động từ độ sâu 1000 m dưới biển đến độ cao của đảo là 376 m. Malpelo là một đảo cô lập với những vách đá bazan, cằn cỗi, gồ ghề, khắc nghiệt không có điều kiện để cho nhân dân sinh sống, thảm thực vật thưa thớt của nó tùy thuộc vào phân chim và xói mòn hạn chế. Loài thực vật rất ít và nhỏ như dương xỉ, cây họ đậu và cỏ, rêu, địa y và tảo mà cũng phổ biến rộng rãi dưới nước, tài nguyên biển của nó là rất phong phú.
Nhiệt độ nước biển thường giữa 26oC và 28oC, với độ mặn 33-34 ppt và thủy triều dao động từ 0,6 m và 5 m. Hệ thống dòng chảy của vùng biển nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương tạo thành một hành lang sinh thái cho cuộc sống cá, hải sản, một môi trường sống quan trọng đối với các hệ động thực vật và quá trình phân tán các ấu trùng sống ở các rạn san hô, cá và động vật thân mềm xung quanh khu vực. Vùng này có 17 loài thú biển, 7 loài bò sát, 61 loài chim, 394 loài cá, 340 loài động vật thân mềm. Hòn đảo này cung cấp thực phẩm cho các loài thú biển và rùa, và nơi tập tụ của con cá lớn và cá mập biển khơi nhất là vào mùa đông.
Ở tại khu vực đảo không có cảng, mưa là nguồn nước duy nhất. Tại đảo Malpelo không có người dân nào sinh sống, mà chỉ có sáu binh sĩ quân đội quốc gia Colombia, luân chuyển định kỳ sáu tháng, cộng thêm vài người từ tàu hải quân thi thoảng tuần tra.
Trước năm 2002, Malpelo là khu bảo vệ thực vật và động vật cấp quốc gia, ngư dân Colombia và các nước kế cận thường xuyên đi vào vùng biển bất hợp pháp để đánh bắt, tận thu hải sản gây ra sự hỗn độn và tranh giành nhau, ảnh hưởng đến sự cạn kiệt nguồn tài nguyên biển và cả an ninh quốc phòng tại đây. Chính vì vậy Colombia đã nộp hồ sơ trình lên IMO với biện pháp vùng cấm tất cả tầu thuyền các nước qua lại (ATBA) và đã được chấp thuận.
Sau năm 2002, khi được IMO công nhận là PSSA thì tất cả các tầu thuyền đều không được ra vào, trừ tầu có cấp phép và tầu du lịch nhỏ. An ninh quốc phòng và tài nguyên biển được đảm bảo tại vùng biển Malpelo. Các hệ sinh thái biển đã được phục hồi nhanh và năm 2006 vùng này đã trở thành di sản thiên nhiên biển thế giới của UNESCO. Tầu thuyền nhỏ du lịch được qua lại đây với du lịch lặn biển và câu cá thể thao, một số tầu đánh bắt cá vào đây đánh bắt cá theo cấp phép vào một số thời gian nhất định trong năm. Các tổ chức bảo tồn thiên thế giới, Mỹ, Colombia có hỗ trợ kinh phí quản lý bảo tồn và di sản. Vùng Malpelo đã trở thành kỳ quan thiên nhiên biển thế giới.
Việc bảo vệ an ninh chủ quyền khu biển đảo Malpelo từ sau khi được công nhận là PSSA, và sau đó là di sản UNESCO đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Gợi ý cho Việt Nam
Vùng biển Malpelo có thể là kinh nghiệm quý để Việt Nam và các nước khác tham khảo trong quá trình làm hồ sơ PSSA cho các vùng biển được bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học cấp quốc gia.
Trường Sa |
Vùng biển Việt Nam là vùng biển có tính đa dạng sinh học đặc biệt của thế giới và tuân thủ Công ước đa dạng sinh học và Hướng dẫn Jakarta về đa dạng vùng ven bờ và biển chúng ta phải xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển và ven biển (CMPA) phục vụ phát triển bền vũng. Tại các vùng biển Việt Nam có 7 khu trong 16 khu bảo tồn biển đã được Chính Phủ ký Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 là các hải đảo tiền tiêu của Tổ Quốc, và cũng là các đảo thuộc đường cơ sở – biên giới tuân thủ Công ước Luật biển 82 như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Yết. Tất cả những vùng này đều đủ tiêu chí của IMO để có thể trở thành PSSA.
Với phương tiện, kỹ thuật quân sự hạn chế, tình hình biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể xem xét trong thời gian sớm nhất xây dựng hồ sơ PSSA Trường Sa trình IMO. Nếu được công nhận chúng ta dễ dàng kiểm soát, bảo vệ tài nguyên biển và đồng thời bảo vệ, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
—
Tài liệu tham khảo:
1. IMO, 2007.
2. PSSA- công cụ quản lý môi trường biển. Tạp chí Hàng hải, 12/2010.
3. Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.
4. Nguyễn Huy Yết, Đặng Ngọc Thanh. Bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam. Nhà XB KHTN và CN, Hà Nội.