Xe bus liên tục nạp điện không dây kiểu mới
Mới đây Hàn Quốc vừa đưa vào khai thác tuyến xe bus đầu tiên trên thế giới sử dụng loại ô tô chạy điện ắc-quy kiểu mới, xe vừa chạy vừa liên tục nạp điện cho ắc-quy mà không cần dây dẫn.
Người phụ trách Dự án Online Electric Vehicle (OLEV) – ông Dong-Ho Cho ở Viện Khoa học và Công nghệ cấp cao Hàn Quốc (KAIST) – nói, “Đây là một bước ngoặt của dự án OLEV. Dự án này sẽ được thương mại hóa hơn nữa và sẽ được áp dụng rộng rãi trong ngành vận tải công cộng.”
Ắc-quy nhỏ hơn
Trên tuyến đường đã định, thiết bị thu cảm ứng lắp dưới gầm loại xe bus nói trên khi chạy qua thiết bị có tên Cộng hưởng từ trường hình thành (Shaped Magnetic Field In Resonance) sẽ nhận được điện năng từ dưới đất truyền lên.
Thiết bị đó là một sợi cáp đặt bên dưới mặt đường; nó sinh ra điện-từ trường, làm cho cuộn cảm của thiết bị ở gầm xe cộng hưởng mà sinh ra điện năng. Thiết bị thu đặt cách mặt đường khoảng 17 cm.
Loại xe bus này có thể tiếp nhận điện năng công suất 100 kW, tần số 20 kHz; hiệu suất chuyển điện năng là 85%. Cần phải đào mặt đường ở một số đoạn để đặt cáp. Rãnh chôn cáp chiếm từ 5 đến 15% chiều dài tuyến đường. Do không cần nạp ắc-quy trước khi xe bus xuất phát từ ga-ra nên xe chỉ cần dùng bộ ắc-quy nhỏ bằng 1/3 thể tích lẽ ra phải dùng. Nhờ đó giảm được trọng lượng xe và giảm được lượng khí CO2 thải ra khi ắc-quy nạp điện.
Các nhà nghiên cứu cho biết điện từ trường sinh ra khi nạp ắc-quy không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Tuy nhiên đã có cảnh báo: thiết bị kiểu mới này có giá thành khá cao, xét về tính thực dụng thì không bằng kiểu nạp điện tại địa điểm cố định hoặc nạp điện bằng cáp treo cao. Ông Paul Nieuwenhuis ở Trung tâm nghiên cứu công nghiệp ô tô thuộc Đại học Cardiff nói: “Rõ ràng công nghệ mới này có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong ngành vận tải công cộng, nhưng đối với xe chạy điện loại cá nhân thì việc lắp đặt hệ thống này trên tất cả các đoạn đường sẽ quá tốn kém.”
Công nghệ trưng bày
Trước đây công nghệ nạp điện cảm ứng đã được sử dụng ở một số nơi khác, nhưng chỉ là nạp tại địa điểm cố định. Thí dụ thành phố Turin ở Ý và Utrecht ở Hà Lan đều lắp thiết bị nạp điện cảm ứng tại một số bến đỗ xe bus. Khi xe đỗ, lái xe nghỉ chốc lát, có thể để xe bus được nạp điện.
Hai công ty ARUP và Mitsui đã cộng tác thành lập một công ty liên doanh, dự kiến mùa hè năm nay sẽ thực thi một dự án tương tự tại Milton Keynes (Anh Quốc).
Trường Đại học bang Utah (Mỹ) cũng đang thử khai thác loại xe bus chạy trong khuôn viên nhà trường, có áp dụng công nghệ nạp điện cảm ứng. Nghe nói hiệu suất chuyển hóa năng lượng của loại bus này cao tới 90%.
Một số công ty thì đang thử áp dụng công nghệ nạp điện cảm ứng không dây cho các loại xe hơi khác.
Qualcomm, nhà chế tạo chip máy tính ở London, đang thử nghiệm kỹ thuật nạp điện không dây có tên “Halo” cho hai loại xe Citroen và Rolls Royce.
“Tôi cho rằng cần vài chục năm nữa chúng tôi [Hàn Quốc] mới thực hiện được việc trang bị một hệ thống đường điện khí hóa trên phạm vi cả nước,” ông Ashvin Chotai, Giám đốc điều hành công ty Intelligence Automotive Asia, nói. “Hiện nay công nghệ trên tuyến xe bus này [OLEV] mới chỉ có tính trình diễn chứ chưa có tiềm năng phát triển thương mại hóa,” ông Chotai nhận xét.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp