Xu hướng Phục hưng điện hạt nhân trên thế giới

Phục hưng hạt nhân (Nuclear renaissance) là xu hướng xuất hiện trên thế giới khi nhiều chính phủ có khuynh hướng xét lại các quyết định từ bỏ hạt nhân và mở cơ hội cho việc xây thêm nhà máy điện hạt nhân. GS Cao Chi đã trao đổi với tạp chí Tia Sáng về vấn đề đang được quan tâm này.

Gần đây, người ta có nhắc đến xu hướng Phục hưng hạt nhân trên thế giới. Theo Giáo sư, chúng ta nên hiểu vấn đề này như thế nào?

Để trả lời câu hỏi này, tôi xin trích dẫn bài viết có đề cập toàn diện đến vấn đề Phục hưng hạt nhân của các tác giả Paul L. Joskow và John E. Parsons (Tương lai của điện hạt nhân sau Fukushima – The Future of Nuclear Power  After Fukushima)1.

Theo các tác giả trên, vấn đề Phục hưng hạt nhân đã xảy ra trước sự cố Fukushima. Có giai đoạn, điện hạt nhân đã gặp khó khăn vì nhiều vấn đề. Số lò phản ứng được xây dựng mới đã giảm xuống. Sau đó trong thập kỷ trước ngay Fukushima, người ta quan sát thấy sự đi lên của điện hạt nhân, nguyên nhân là vấn đề khí thải nhà kính (Green House Gas – GHG) và giá dầu tăng mạnh làm cho điện hạt nhân có giá trở lại. Xem hình 1 ta thấy, sau năm 2003, số các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng mới tăng lên. Đó là giai đoạn mà người ta nói đến xu hướng Phục hưng hạt nhân trước Fukushima.

Hình 1. Số nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng qua các năm thể hiện khuynh hướng Phục hưng hạt nhân sau 2003.

Tại Mỹ, 71 lò phản ứng hạt nhân được cấp chứng chỉ và hơn 14 lò phản ứng đang chờ quyết định của Cơ quan Pháp quy Mỹ (Nuclear Regulatory Commission – NRC). Ở Nhật Bản, Pháp, Canada cũng xảy ra những tình huống tương tự. Tại những nước có truyền thồng chống hạt nhân như Đức, Thụy Điển, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ cũng xuất hiện khuynh hướng xét lại các quyết định từ bỏ hạt nhân và mở cơ hội cho việc xây thêm những nhà máy điện hạt nhân mới như ở Ý và Tây Ban Nha.

Ngoài ra, những thiết kế lò phản ứng mới thuộc thế hệ thứ ba an toàn và rẻ hơn đã được hình thành. Các tổng thống Bush và Obama lên tiếng ủng hộ chính sách phát triển nhất định điện hạt nhân. Trung Quốc dự định gia tăng lượng sản xuất điện năng điện hạt nhân lên 6% đến năm 2020. Ấn Độ cũng có ý đồ tăng cường điện hạt nhân.

Tất cả yếu tố đó dẫn đến hiện tượng Phục hưng hạt nhân sau năm 2003 và trước sự cố Fukushima.

Vậy sau sự cố Fukushima (ngày 11/3/2011), xu hướng Phục hưng hạt nhân trên thế giới có khác trước?

Rõ ràng, sự cố Fukushima đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình Phục hưng hạt nhân của thế giới. Theo ý kiến của các tác giả trên, dù không “giết chết” hiện tượng Phục hưng hạt nhân song sự cố Fukushima cũng đã gây thêm áp lực âm tính lên ngành điện hạt nhân (nguyên văn: the accident at Fukushima will not “kill” the much discussed renaissance of nuclear power, but it adds one more negative pressure on the rate of growth globally). 

Ở Mỹ, không nhà máy điện hạt nhân nào phải đóng cửa chỉ vì lý do an toàn. Cơ quan Pháp quy hạt nhân Mỹ đã thanh sát 104 cơ sở và kết luận rằng các cơ sở đó nằm trong phạm vi an toàn. NRC chỉ đưa ra những khuyến cáo nhằm tăng cường các tiêu chuẩn an toàn.

Đức đã đóng cửa tám nhà máy (trong số 17 nhà máy) và tuyên bố rút khỏi hạt nhân vào năm 2022. Hãng Siemens chấm dứt hợp tác với Rosatom trong việc xây dựng thêm nhà máy mới. Thụy Sĩ có quyết định đóng của nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào năm 2034. Pháp sau Fukushima đã khuyến cáo gia tăng các biện pháp an toàn.

Tại Nhật Bản, khoảng 50 nhà máy ngừng hoạt động và chỉ khoảng dưới hơn 10 nhà máy vẫn đang hoạt động nhưng gặp phải sự phản đối của dân chúng. Hàn Quốc khẳng định sẽ kéo dài hoạt động các nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc tuyên bố tăng cường các biện pháp an toàn và xem xét lại vài dự án.

Kết quả thăm dò ý kiến ở Mỹ (Gallup poll) cho thấy, dư luận công chúng (tháng 5/2011, sau sự cố Fukushima) so với dư luận công chúng (tháng 5/2001) về an toàn và xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới không khác nhau nhiều.

Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Việt Nam và Abu Dhabi có dự án xây các nhà máy điện hạt nhân mới.

Theo giáo sư, sẽ có nhiều hứa hẹn vào tương lai của điện hạt nhân trên thế giới?

Sau sự cố Fukushima, nhiều thiết kế lò phản ứng rất có triển vọng đã được đưa ra. Một ví dụ có thể đưa ra là lò phản ứng muối nấu chảy MSR mới (Molten Salt reactor) của hai kỹ sư Leslie Dewan và Mark Massie đã được công bố. Lò MSR sử dụng một loại dung dịch muối nấu chảy – UF trong muối vừa làm nhiên liệu vừa làm chất làm nguội)2. Những nỗ lực này hứa hẹn vào tương lai của điện hạt nhân và sự Phục hưng hạt nhân trên thế giới.

Hình 2. Biến thiên của điện năng hạt nhân theo các năm, trên tung độ là MToe(Toe=đơn vị năng lượng tương đương của năng lương cung cấp bởi một tấn dầu)

Theo ý kiến của các tác giả Paul L. Joskow and John E. Parsons, có thể kết luận rằng sự cố Fukushima không triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng Phục hưng hạt nhân của thế giới.

Xem hình 2 sau sự cố Fukushima (2011), điện hạt nhân đang trên đường đi xuống. Song phải nói có một điều kỳ lạ là nếu xét toàn cục thế giới thì đây không phải là một sự đi xuống có tính tai biến dẫn đến triệt tiêu mà là một sự đi xuống nhất thời để rồi phục hồi đến một mức nhất định trong tương lai (số liệu được dự đoán mãi đến năm 2095).

Như vậy có thể kết luận rằng, thời Phục hưng hạt nhân là điều có thật tuy với cường độ không cao lắm với những diễn biến dự đoán được trong một tương lai xa. 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Trang Thúy  thực hiện

Chú thích:

1http://dspace.mit.edu/bitstream/handle/1721.1/70857/2012-001.pdf?sequence=1

2http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=9012

* Có thể tham khảo ý kiến trái ngược với quan điểm các tác giả Paul L. Joskow and John E. Parsons qua link: https://en.wikipedia.org/wiki/Nuclear_renaissance


Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)