Xuất bản quốc tế: vì tâm và vì tầm
Mới đây, quỹ Nafosted đã bổ sung quy định ứng viên khi xây dựng dự án xin tài trợ từ quỹ phải có ít nhất một công trình liên quan đã được xuất bản trên các tạp chí có uy tín trên thế giới. Đây là định hướng đúng đắn, phản ánh tầm nhìn chiến lược và nỗ lực phát triển nền khoa học trong nước. Mặc dù vậy, có không ít ý kiến quan ngại với quy định này khi cho rằng khó khả thi đối với lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH). Bài viết này đưa ra một số thảo luận liên quan đến vấn đề này trong phạm vi khoa học xã hội.
Một cuốn sách có sự tham gia của các nhà KHXH Việt Nam được NXB Spinger xuất bản
Thông điệp từ việc “xuất khẩu” chất xám
Sự phát triển của một quốc gia tuyệt nhiên không chỉ căn cứ vào việc họ xuất khẩu được bao nhiêu nông khoáng sản. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, xuất khẩu chất xám mới là mục tiêu hàng đầu. Số lượng các công trình khoa học của một quốc gia được công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới vì thế phải được coi là thước đo quan trọng đối với sự phát triển của chính quốc gia đó. Khó có thể bao biện cho một nền khoa học khi sự hội nhập của nó vào dòng chảy quốc tế hết sức yếu ớt, nhất là khi nơi ấy sở hữu một đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu bởi khoa học không bao giờ có biên giới.
Việc công bố quốc tế góp phần tạo dựng mối liên kết, hội nhập của KHXH nước nhà với thế giới trong bối cảnh hội nhập toàn diện đang được thúc đẩy ở các quốc gia. Kết quả nghiên cứu giúp công luận quốc tế hiểu biết chính xác, đầy đủ về các đặc điểm lịch sử, văn hoá xã hội của Việt Nam. Đó là cơ sở quan trọng cho việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác ở bình diện rộng lớn hơn. Các nhà KHXH vì thế chính là những sứ giả tiên phong tạo dựng cầu nối giữa Việt Nam và thế giới.
Sự góp mặt trên diễn đàn học thuật quốc tế của các nhà KHXH Việt Nam cũng tạo ra cơ chế trao đổi, phản biện thông tin đa chiều, dân chủ, minh bạch xuyên quốc gia trong lĩnh vực KHXH. Điều đó cũng phản ánh tâm thế hội nhập của đất nước, trách nhiệm công dân toàn cầu của nhà khoa học. Sẽ là không công bằng khi chúng ta cứ “điềm nhiên” thừa hưởng thành quả khoa học của nhân loại mà “bàng quan” đứng ngoài sân chơi ấy. Các nhà khoa học sẽ không bao giờ lớn nổi nếu cứ tự viết luật chơi cho riêng mình.
Việc chia sẻ kết quả nghiên cứu với cộng đồng học thuật quốc tế cũng đem lại lợi ích không nhỏ cho chính bản thân các nhà khoa học. Kết quả nghiên cứu của họ sẽ được đánh giá khách quan, độc lập hơn. Họ sẽ có cơ hội tiếp cận, xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế cho những nghiên cứu tiếp theo của mình. Chẳng có nhà khoa học nào lại không hạnh phúc khi chia sẻ nghiên cứu của mình, để chúng được biết đến nhiều hơn, trừ phi người ta cảm thấy xấu hổ về chúng.
Những “rào cản thuế quan” cần phải dỡ bỏ
Xu thế “chính trị hoá” khoa học dường như được không ít nhà khoa học lợi dụng đưa ra như biện giải cho việc cả đời mình không có công trình xuất bản quốc tế. Không ít “học giả” giấu kỹ kết quả nghiên cứu của mình dưới chiêu bài “nhạy cảm”. Người ta nhân danh “lợi ích dân tộc” hay “an ninh quốc phòng” để biện hộ cho sự kém cỏi của mình, dẫu họ thừa biết rằng bản thân đang đi ngược lại kỳ vọng của nhà nước, của nhân dân. Trừ một vài trường hợp đặc biệt, hầu hết các nghiên cứu được chính phủ khuyến khích, thậm chí trả thêm tiền cho việc xuất bản quốc tế. Đã đến lúc những vị hay “nhân danh” đó cần phải thay đổi cách nhìn, hoặc tránh sang một bên để người sau tiến bước.
Nuôi dưỡng cho những cách nhìn lệch lạc ấy là việc chúng ta chưa có những chế tài mang tính bắt buộc đối với việc công bố quốc tế ở hầu hết các cơ sở nghiên cứu khoa học. Sẽ là vô cùng phi lí nếu nhà khoa học cứ hết đề tài này lại đến đề tài khác, tiêu tốn ngân sách hàng tỉ đồng mà không thể công bố nổi vài bài trên tạp chí có uy tín. Gốc rễ của vấn đề này phải chăng là tâm lý cả nể, cục bộ, thượng tôn lợi ích nhóm thay vì thượng tôn khoa học trong việc lựa chọn, đánh giá đề tài? Phải chăng vì thế mà chất lượng nghiên cứu vẫn mải nằm trong đám mây mờ mà chỉ một số ít những người cùng lợi ích “múa hát” trong đó?
Sự dễ dãi trong việc biên tập, xuất bản của không ít tạp chí, nhà xuất bản trong nước cũng gián tiếp “góp sức” cho sự thưa vắng của các ấn phẩm quốc tế xuất xứ từ Việt Nam. Đã có không ít lùm xùm liên quan đến đạo văn, sự tẻ nhạt, vụt vặt, vô bổ của nhiều bài nghiên cứu. Hơn thế nữa, hiếm có quốc gia nào mà ở đó chính phủ trả tiền cho các bài viết công bố trên những tạp chí khoa học. Trong nước dễ được in, có nhuận bút, vẫn đủ điều kiện để làm tiếp đề tài, phong hàm, phong chức, người ta dại gì lao tâm khổ tứ cả năm trời cho một ấn phẩm quốc tế?
Công bằng mà nói, ngoại ngữ cũng là một rào cản khiến nhiều nhà khoa học ngại ngần đưa công trình của mình ra quốc tế. Dẫu rằng việc thuê dịch đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhưng đạt được trình độ ngoại ngữ căn bản để có thể chủ động trao đổi qua lại với phía xuất bản nước ngoài dường như vẫn còn là giấc mơ chia ở thì tương lai…xa. Sự non kém về ngoại ngữ không chỉ khiến người ta e ngại mà còn mơ hồ về những gì đang diễn ra bên ngoài; khiến người ta bị gạt ra một bên hoặc cứ lầm lũi lê bước sau những bước nước rút thần tốc của đồng nghiệp đâu đó.
Vén mây vì một ngày mai
Đã đến lúc cần phải có những hành động cụ thể mang tính pháp chế đối với xuất bản quốc tế từ những nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định của quỹ Nafosted đề cập ở trên rất đáng hoan nghênh và nhân rộng ra.
Xuất bản quốc tế cần phải coi là tiêu chí bắt buộc để được xét bổ nhiệm học hàm giáo sư, phó giáo sư hay nâng ngạch nghiên cứu, giảng dạy. Các học hàm này không phải là chức danh trọn đời, sau một thời gian nhất định, nếu không có công bố quốc tế, các chức danh này sẽ bị thu hồi. Đây là quy định khá phổ biến trên thế giới, kể cả ở những nước tiếng Anh, Pháp…chỉ là ngoại ngữ.
Đối với các đề tài KHXH cấp Nhà nước (trừ một số đề tài liên quan tới an ninh quốc phòng), cần yêu cầu bắt buộc ứng viên nộp hồ sơ phải có công trình liên quan đến đề tài đã được xuất bản bởi các tạp chí, nhà xuất bản có uy tín trên thế giới. Ngoài báo cáo tổng hợp, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng phải được công bố quốc tế ít nhất một bài.
Các thành viên chủ chốt tham gia đề tài cấp Bộ, cấp nhà nước phải có đủ năng lực ngoại ngữ. Cần nhấn mạnh năng lực ngoại ngữ ở đây tuyệt nhiên không phải chỉ là những tấm bằng mà không ở đâu dễ kiếm như ở ta. Để được nghiệm thu, mỗi đề tài cũng phải trình bày kết quả nghiên cứu của mình ở ít nhất 1 diễn đàn khoa học quốc tế có uy tín liên quan đến đề tài và được ít nhất 3 đánh giá độc lập đến từ các học giả nước ngoài.
Trước mắt, trong điều kiện đa phần các nhà KHXH ở Việt Nam cần hỗ trợ về ngoại ngữ và kết nối với các tạp chí quốc tế, cần có một tổ chức (ví dụ Quỹ Nafosted) có thể thực hiện thí điểm hỗ trợ bằng cách lập ra các nhóm dịch thuật theo từng chuyên ngành. Có thể sử dụng các nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài hiện đang công tác trong các viện, trường đại học. Đối với các kết quả nghiên cứu được Quỹ Nafosted đánh giá xuất sắc, Quỹ có thể mời các nhà khoa học có chuyên môn trong và ngoài nước thẩm định và hỗ trợ chuyển ngữ trong thời gian đầu, biên tập và gửi bài viết đi các tạp chí quốc tế. Chúng ta bỏ hàng tỉ đồng cho nghiên cứu thì không nên vì một vài chục triệu găm nghiên cứu ấy trong nước. Chi phí dịch có thể tính vào ngân sách dành cho đề tài.
Quỹ Nafosted cũng có thể làm cầu nối giữa các nhà khoa học và các đơn vị xuất bản quốc tế; cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các nhà KHXH về mạng lưới các nhà xuất bản, tạp chí, các chuyên gia quốc tế ngay từ khi họ làm đề cương. Với lộ trình này, hy vọng chúng ta sẽ từng bước vén tan đám mây bấy lâu che phủ những kết quả nghiên cứu chỉ người làm mới biết…