Xuyên Mekong
Khởi nguồn từ Tây Tạng của Trung Quốc, sông Mekong đã thầm lặng chảy suốt chiều dài hơn 4.800 km xuyên qua sáu nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông qua chín cửa trên sông Tiền, sông Hậu thuộc vùng châu thổ Cửu Long giàu phù sa nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu dịch cúm gia cầm nổi lên ở một làng quê hay một đô thị nào đó ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar hay Trung Quốc? Trong khi virus của loại dịch bệnh quái ác này đã làm chết hằng trăm người trên thế giới và còn đang muốn hoành hành “xuyên biên giới” thì đại đa số người dân nghèo ở sáu nước sông Mekong vẫn có thói quen thích “sống chung với gia cầm”?
Ông Toshiyuki Doi thuộc tổ chức Mekong Wacth của Nhật Bản nói về chính sách đầu tư của Nhật đối với 6 nước sông Mekong. ảnh: H.KIM |
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ở những đô thị lớn người ta vẫn thích ăn thịt rừng, trị bệnh hoặc uống rượu ngâm các loài dược liệu hay động vật quí hiếm sống trong rừng hoặc xài đồ gỗ quí lấy từ rừng? Trong khi đó hàng triệu người dân nghèo sống quanh những cánh rừng dọc sông Mekong, không có cách nào hơn là phải vào rừng để săn thú, tìm dược liệu và chặt phá rừng để cung cấp cho những đường dây buôn lậu đặng đưa những món hàng xa xỉ ấy về cho người thành thị?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vì đói khổ thất nghiệp mà mỗi ngày phải có thêm hằng nghìn trẻ em và phụ nữ ở những làng quê nghèo phải lội đồng, vượt biên giới để rồi sa vào tay những đường dây buôn người quốc tế? Và số phận của họ trong những nhà thổ của các vùng đô thị ở các nước ven sông Mekong, trước sau gì rồi cũng tối tăm, nghiện ngập và khó thoát khỏi HIV/AIDS?
Và chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây nếu như những con đường xuyên Á, những khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới đang mọc lên giữa các nước trong vùng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”? Và các nhà đầu tư thì chỉ chăm chăm tới mục tiêu phát triển kinh tế mà bỏ qua số phận hàng triệu người dân nghèo đã phải di dời vì giải tỏa hoặc không còn cơ hội mưu sinh quanh các vùng biên giới ấy?
Vâng, nhiều chuyện lắm, nhiều câu hỏi lắm xung quanh chủ đề “xuyên biên giới” của vùng sông Mekong đã được đặt ra tại một hội thảo mang tên “Mekong trong trí tưởng” vừa được tổ chức tại Bangkok Thái Lan hồi đầu tháng 9 này. Những chuyên gia hàng đầu về môi trường, giáo dục, đầu tư, thương mại, du lịch, xã hội, lịch sử… thuộc một số tổ chức và viện nghiên cứu uy tín của ASEAN, Nhật Bản, Ủy hội sông Mekong, Thái Lan, Singapore, Philippines… đã “chạm” vào những câu hỏi ấy.
Và một câu trả lời chung gợi mở con đường lớn cho bao nhiêu lối đi – đó là: Không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết được hết những vấn đề đụng tới cộng đồng cư dân sống ven sông Mekong. Sáu nước này phải biết cách bắt tay nhau và liên kết với cả khối ASEAN cùng nhiều tổ chức quốc tế khác để tìm giải pháp hợp tác phát triển.
Câu chuyện “Xuyên Mekong” kỳ này được đặt vào tay của gần 40 nhà báo thuộc sáu nước vùng hạ lưu sông Mekong. Người khởi xướng và tổ chức là hai cơ quan truyền thông quốc tế: Inter Press Service (IPS) và Probe Media Foundation Inc. (PMFI). Nhà tài trợ, không ai khác là Quĩ Rockefeller Foundation. Cả ba cơ quan này đang bắt tay với các nhà báo sáu nước vùng sông Mekong, làm những chuyến “xuyên Mekong” trong vòng bốn tháng tiếp theo.
Mục tiêu cuối cùng của họ: Tìm ra những câu trả lời sống động từ chính trong đời sống cộng đồng dân cư giữa biên giới các nước khác nhau sống ven dòng sông mẹ Mekong. Những bài báo, những phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình… sẽ ra đời vào cuối năm nay.
Hi vọng, sẽ có những tia sáng ấm áp đến với mọi người.
Chú thích ảnh trên: Các nhà báo Việt Nam và Trung Quốc tại hội thảo. ảnh: H.KIM