Y học hiện đại có nguồn gốc khoa học từ thời Trung cổ
Trái ngược với những gì mọi người thường nghĩ, các bác sĩ thời Trung cổ dựa vào suy luận hợp lý để tìm hiểu và điều trị bệnh tật.
Không có gì gợi nhớ đến những phương pháp điều trị ngớ ngẩn và những nghi lễ chữa bệnh tôn giáo kỳ quái dễ dàng như khái niệm y học Thời kỳ Tăm tối (thời Trung cổ). Vở hài kịch “Thợ cắt tóc thời Trung cổ Theodoric xứ York” trên chương trình truyền hình Mỹ “Saturday Night Live” đã tái hiện điều này qua hình tượng nhân vật lang băm đòi rút hàng lít máu của bệnh nhân trong một cửa hàng nhỏ bẩn thỉu.
Dù vở kịch dựa trên những khuôn mẫu không hoàn toàn đúng, song thực sự nhiều phương pháp chữa bệnh từ thời Trung cổ có vẻ hết sức lố bịch. Chẳng hạn như một danh sách các phương thuốc từ một con kền kền bị chặt đầu, được ghi lại vào khoảng năm 800: trộn não của nó với dầu và nhét vào mũi để chữa đau đầu, bọc quả tim bằng da sói để làm bùa trừ tà.
“Y học Thời kỳ Tăm tối” là một câu chuyện tiêu biểu cho thấy những niềm tin đã ăn sâu vào tiến bộ y tế. Thời kỳ này được coi là vực thẳm nơi những nhà tư tưởng sáng suốt hơn đã tự giải thoát bản thân. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây phản đối việc miêu tả giai đoạn đầu thời kỳ Trung cổ là dốt nát và mê tín, cho rằng vẫn có sự nhất quán và hợp lý trong các phương pháp chữa bệnh vào thời điểm đó.
Lý trí và tôn giáo
Tên tuổi của các nhà cải cách y học cổ điển như Hippocrates và Galen đã nổi tiếng vào giai đoạn đầu thời kỳ Trung cổ, song rất ít tác phẩm của họ được lưu hành trước thế kỷ 13. Hầu hết các hoạt động trí tuệ ở Bắc Âu đều diễn ra trong các tu viện, nơi phần lớn các tác phẩm y học còn sót lại từ thời đó đều được viết, đọc, thảo luận và có thể được áp dụng vào thực tế. Các học giả cho rằng sự mê tín tôn giáo đã lấn át động lực khoa học và nhà thờ đã quy định những cách chữa bệnh hợp pháp – cầu nguyện, xức dầu thánh, phép lạ của các vị thánh và sám hối tội lỗi.
Tuy nhiên, “y học con người” – một thuật ngữ khẳng định quyền lực của con người trong việc tìm ra các phương thuốc từ thiên nhiên – đã xuất hiện trong Thời kỳ Tăm tối. Thuật ngữ này đã xuất hiện nhiều lần trong một văn bản của các tu sĩ tại Tu viện Lorsch (Đức) viết vào khoảng năm 800 để bảo vệ việc nghiên cứu y học của người Hy Lạp cổ đại. Nó khẳng định y học Hippocrates là do Chúa ủy thác và các bác sĩ đóng vai trò như những đại diện thần thánh trong việc bảo vệ sức khỏe.
Việc thiết lập một khuôn khổ trí tuệ cho nghiên cứu y học là một thành tựu của các học giả thời Trung cổ. Các bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ bị đánh đồng với những người liên quan đến ma thuật và ngoại giáo. Trong các cuốn sách y học do những người ghi chép ở giai đoạn đầu thời kỳ Trung cổ biên soạn, họ đã đưa ra những lập luận mạnh mẽ về sự đáng kính và ngoan đạo của bác sĩ, thể hiện qua những minh họa thần thánh hóa bác sĩ, thậm chí đặt ngang hàng với Chúa.
Sự thánh hóa này là một bước quan trọng trong việc đưa y học vào chương trình bằng cấp cao tại các trường đại học đầu tiên được thành lập vào những năm 1200 ở châu Âu. Những người chữa bệnh bắt đầu được cấp bằng: những “phisici” ưu tú – gốc của từ tiếng Anh “bác sĩ” (physician) – được đào tạo tại trường đại học, cùng với những người hành nghề theo kinh nghiệm như bác sĩ phẫu thuật, nhà thảo dược và những người phụ nữ hành nghề chữa bệnh.
Ngày nay, chủ nghĩa giáo điều tôn giáo thường đồng nghĩa với việc nghi ngờ vaccine và chống lại những chân lý khoa học cơ bản như thuyết tiến hóa. Tuy nhiên, các nhà tư tưởng tôn giáo sâu sắc trong quá khứ thường coi y học hợp lý là một biểu hiện của đức tin chứ không phải là thứ gây nguy hiểm cho đức tin. Các phương pháp điều trị bằng thảo dược đã được viết bên lề các tác phẩm về thần học, lịch sử, bí tích nhà thờ… trong giai đoạn đầu thời Trung cổ. Điều này cho thấy chủ nhân các cuốn sách đánh giá cao những kiến thức đó, và mọi người thuộc mọi tầng lớp đã tích cực trò chuyện trao đổi các công thức và cách chữa trị trước khi viết ra những điều hữu ích nhất.
Cơ thể trong tự nhiên
Dù hồ sơ sức khỏe chưa xuất hiện trong Thời kỳ Tăm tối, chúng ta vẫn có thể hình dung ra bức tranh về một cuộc gặp gỡ chữa bệnh thông thường ở thời kỳ này. Các bản ghi chép nhấn mạnh bác sĩ phải có trình độ học vấn cao, am hiểu triết học, logic, số học và thiên văn học. Nhờ đó, họ có thể xem xét cơ thể người ốm trong khuôn khổ các quy luật chi phối sự biến đổi liên tục của tự nhiên.
Do không có biện pháp công nghệ để tìm hiểu tình trạng bên trong cơ thể, các bác sĩ phải là những người lắng nghe và quan sát xuất sắc. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và tiên lượng dựa vào việc đọc những “chất bài tiết” của cơ thể – mồ hôi, nước tiểu, máu kinh, dịch nhầy, chất nôn và phân, bên cạnh việc cảm nhận những thay đổi tinh tế trong mạch đập.
Người thời Trung cổ là những nhà nghiên cứu chi tiết về thế giới tự nhiên và tin rằng các lực đã định hình cảnh quan và các ngôi sao hoạt động bên trong các vật thể đều được hình thành từ bốn nguyên tố: đất, nước, không khí và lửa. Do đó, khi trăng tròn và khuyết dẫn đến sự thay đổi thủy triều, nó cũng khiến các chất dịch bên trong cơ thể tăng lên và giảm đi.
Sự khô héo của mùa màng hay nhựa cây chảy ra có thể biểu hiện trong cơ thể như mật vàng dâng lên vào mùa hè và đờm ướt lạnh chảy ra vào mùa đông. Tương tự trái cây và thịt không được xử lý sẽ bị hư hỏng, cặn bã và những thứ chưa tiêu hóa bên trong cơ thể cũng sẽ trở thành chất độc nếu không được thải ra ngoài.
Theo logic này, sức khỏe con người phụ thuộc vào việc duy trì mối quan hệ của cơ thể với môi trường vật chất, đồng thời đảm bảo các chất trải qua quá trình biến đổi thích hợp, bao gồm biến đổi thức ăn thành dịch thể, lưu thông máu, loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể. Trích máu là một liệu pháp hợp lý vì nó giúp cân bằng chất lỏng và loại bỏ độc tố.
Nhịn ăn, thanh lọc, thuốc bổ và chế độ ăn kiêng hàng tháng cũng là những phương pháp giúp phòng tránh và giảm bớt bệnh tật. Một số sách y học đã chỉ ra rằng sử dụng đồ uống có quế vào tháng 11 và bạc hà vào tháng 8 có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể vào mùa đông và mùa hè vì chúng có tác dụng làm ấm và làm mát.
Một số phương thuốc thời Trung cổ – chẳng hạn như dùng rượu vang, mật bò, tỏi và hành để chữa nhiễm trùng mắt – sau đó đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị bệnh. Nhưng hiệu quả của các biện pháp này không phải là vấn đề trọng tâm. Với các bác sĩ thời Trung cổ, việc sử dụng não kền kền và mật bò cũng tương tự với logic nghiên cứu ngày nay: Tự nhiên vận hành theo những cách bí ẩn, nhưng suy luận hợp lý có thể mở khóa các cơ chế tiềm ẩn của bệnh tật. Có thể nói, các bác sĩ hiện đại bắt nguồn từ sự phát triển của “y học con người” từ Thời kỳ Tăm tối.
Trước khi chế nhạo các bác sĩ thời Trung cổ, hãy xem xét sự phổ biến của chế độ thanh lọc và giải độc bằng nước trái cây trong thế kỷ 21. Có phải ngày nay chúng ta thực sự đã quá xa vời với y học dịch thể?
Thanh An lược dịch
Nguồn: theconversation
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 47)