Y học thưởng thức

Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ với vi tính, với kỹ thuật số … thì ngành cận lâm sàng càng chiếm ưu thế. Nếu thầy thuốc ngày xưa hầu như chỉ trông mong vào kinh nghiệm lâm sàng thì nhà điều trị thời nay dường như bó tay trong chẩn đoán nếu thiếu phòng xét nghiệm! Ở nhiều quốc gia đang được tiếng đi trước về y học một bệnh án hoàn toàn không có ý nghĩa nếu không đi kèm kết quả xét nghiệm.

Với người bệnh thì vấn đề lại không dừng lại ở phòng xét nghiệm. Nổi khổ của người bệnh không chỉ bắt đầu ngay từ trong phòng đợi mà bộc phát từ lúc nhận kết quả xét nghiệm, khi nỗi khổ tâm của người bệnh gắn liền với vài con số hay chữ viết tắt nào đó bị đánh dấu xanh đỏ, gạch dưới, hay in đậm nét, qua đó người bệnh không thể phân biệt xấu tốt vì thiếu lời giải thích.

Trong nhận thức đó Tia Sáng Y Học sẽ dành nhiều kỳ cho mục Y Học Thường Thức để lần lượt giải thích ý nghĩa sinh và bệnh lý của một số xét nghiệm sinh hóa thường gặp
Xét nghiệm sinh hóa về chất mỡ trong máu.

Xét nghiệm sinh hóa về chất mỡ trong máu

Trong thời gian gần đây do thông tin phần không chính xác, phần nhiều khi mang tính chất cường điệu nên chất mỡ trong máu, điển hình là cholesterol, thường bị đồng hóa với hình ảnh bệnh lý trên tim mạch. Trên thực tế, không thể chỉ căn cứ đơn phương vào hàm lượng cholesterol trong máu nếu muốn đánh giá chính xác diển biến của quy trình biến dưỡng chất béo trong cơ thể. Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, từ Âu sang Á, đã chứng minh cholesterol không là nguyên nhân mang tính chất quyết định của tình trạng xơ vữa động mạch, mà chỉ là yếu tố đi kèm trong nhiều trường hợp bệnh lý. Rất nhiều nạn nhân của chứng nhồi máu cơ tim hay cao huyết áp không hề bị tăng cholesterol trong máu! Ngược lại, không ít đối tượng có lượng cholesterol trong máu vượt quá trị số bình thường nhưng hoàn toàn không có vấn đề với bệnh tim mạch! Chỉ nói riêng về khía cạnh sinh hóa, nếu muốn có cái nhìn chính xác và khách quan về chất mỡ trong máu người bệnh, thầy thuốc tối thiểu phải căn cứ vào các xét nghiệm dưới đây:

1.  LDL-Cholesterin: là loại chất béo có công năng vận tải hỗn hợp đạm-béo đến tế bào ngoại biên. Nếu vì lý do nào đó mà hàm lượng LDL-Cholesterin tăng quá cao thì chất này có khuynh hướng bám chặt vào mặt trong mạch máu và tạo thành mảng xơ vữa trên thành mạch. Do đó cần theo dõi LDL trên người bệnh tim mạch để so sánh kết quả trước sau.
Trị số bình thường: (thay đổi tùy theo điều kiện cơ tạng cá biệt của mỗi đối tượng)
– dưới 160mg/dl trên người hoàn toàn khỏe mạnh
– dưới 130mg/dl trên đối tượng của tình trạng xơ vữa động mạch
– dưới 100mg/dl trên nạn nhân của bệnh lý động mạch vành tim
Giá trị bệnh lý của LDL-Cholesterin:
– nếu tăng cao hơn bình thường: tăng xác suất ngạnh tắt cơ tim, thận nhiễm mỡ, thiểu năng tuyến giáp.
– nếu giảm thấp hơn bình thường: do bệnh bẩm sinh, bệnh gan, sau thời kỳ suy dinh dưỡng, bệnh ác tính, bệnh do suy thoái hệ miễn nhiễm …
Yếu tố ảnh hưởng trên trị số xét nghiệm của LDL-Cholesterin:
– chế độ dinh dưỡng thiếu chất béo
– lạm dụng thuốc hạ chất mỡ
– hút thuốc lá
– tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu

2. Cholesterol làtổng lượng chất béo có cấu trúc cholesterin được hấp thu một phần trực tiếp từ thực phẩm và phần lớn từ quy trình tổng hợp của lá gan. Cholesterol về bản chất là thành phần cần thiết cho cấu trúc của màng tế bào, mật, sinh tố D và nhiều loại nội tiết tố. Tùy theo phản ứng kết hợp với chất đạm mà cholesterol sẽ hiện diện trong cơ thể dưới hai dạng đối kháng: LDL-Cholesterin và HDL-Cholesterin. Tình trạng gia tăng cholesterol là dấu hiệu cho thấy có rối loạn nào đó trong khâu biến dưỡng chất béo và là yếu tố bất lợi cho tim mạch. Cholesterol dù vậy, ngay cả trong trường hợp bội tăng, không có ý nghĩa bệnh lý quyết định trong bệnh tim mạch như cao huyết áp, thuyên tắt mạch vành …
Không thể chỉ căn cứ vào l lần xét nghiệm để kết luận về tình trạng tăng chất mỡ trong máu. Cần kiểm soát xét nghiệm vài lần trước khi quyết định liệu pháp
Cholesterol nên được theo dõi định kỳ để:
 phát hiện sớm tình trạng xơ vữa và bệnh lý mạch máu vành tim.
– Kiểm soát hiệu năng của chế độ dinh dưỡng và liệu pháp hạ chất mỡ trong máu
– Theo dõi chức năng gan trên người viêm gan, nghiện rượu …
Trị số bình thường: thay đổi khá nhiều tùy theo chủng tộc
– Thông thường dưới 200mg/dl
Giá trị bệnh lý của Cholesterol:
– nếu tăng cao hơn bình thường: thường là dấu hiệu đi kèm của bệnh tim mạch, bệnh gan mật, thận nhiễm mỡ, thiểu năng tuyến giáp, lạm dụng chất béo gốc động vật hay bệnh lý di truyền
– nếu giảm thấp hơn bình thường: thường do hậu quả của rối loạn biến dưỡng như cường năng tuyến giáp, sau khi giải phẩu, chấn thương, hay do một số bệnh ác tính.
Yếu tố ảnh hưởng trên trị số xét nghiệm của Cholesterol:
– Chế độ dinh dưỡng quá nhiều chất béo động vật
– Hình thức ăn uống kiêng khem thái quá
– Nghiện rượu
– Rối loạn nội tiết tố: bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp trạng …
– Thai kỳ
– Do lỗi kỹ thuật của phòng xét nghiệm như cột tĩnh mạch quá lâu khi lấy máu.

3. HDL-Cholesterin: là loại chất béo giữ nhiệm vụ vận chuyển chất đạm và chất béo tích lũy trong mô hay trên thành mạch máu trở về gan để tái tổng hợp. HDL-Cholesterol do đó tuy cũng có cấu trúc của chất béo nhưng lại là yếu tố chủ động bảo vệ tim mạch.
HDL cũng nên được theo dõi định kỳ để:
– đánh giá tiến độ xơ vữa mạch máu
– theo dõi kết quả điều trị rối loạn biến dưỡng chất béo
Trị số bình thường:
– dưới 35mg/dl ở phụ nữ
– dưới 40mg/dl ở nam giới
Giá trị bệnh lý của HDL-Cholesterin:
– nếu tăng cao hơn bình thường: tốt cho hệ tuần hoàn và đặc biệt là mạch máu vành tim.
– nếu giảm thấp hơn bình thường: tăng xác suất của bệnh lý mạch vành.
Yếu tố ảnh hưởng trên trị số xét nghiệm của HDL-Cholesterin: có thể tăng ở người vận động thường xuyên.

4. Triglyceride: là loại chất béo có hại cho cơ thể nhiều hơn có lợi vì khuynh hướng bám vào nơi nào có điểm thương tổn ở mặt trong mạch máu và dẩn đến hiện tượng xơ vữa. Hàm lượng Triglyceride trong máu tùy thuộc vào hai yếu tố:
– mức độ hấp thu từ thức ăn
– tiến độ tổng hợp chất béo của lá gan
Triglyceride có tính chất bệnh lý khi tăng cao hơn định mức bình thường cùng lúc với tình trạng gia tăng chất béo LDL-Cholesterin và giảm thiểu HDL-Cholesterin.
Trị số bình thường:
– dưới 200mg/dl
Triglyceride cần được kiểm soát để:
– Chẩn đoán sớm hiện tượng xơ vữa mạch máu và nhồi máu cơ tim
– Xác định tình trạng rối loạn biến dưỡng chất béo
– Theo dõi hiệu năng của liệu pháp hạ chất mỡ trong máu
Giá trị bệnh lý của Triglyceride:
– nếu tăng cao hơn bình thường: do sai lầm trong dinh dưỡng, nghiện rượu, béo phì, bệnh tiểu đường, suy thận, thiểu năng tuyến giáp, viêm tụy mãn tính, bệnh di truyền.
– nếu giảm thấp hơn bình thường: bệnh di truyền, hậu quả của suy dinh dưỡng, cường năng tuyến giáp, viêm gan mãn.
Yếu tố ảnh hưởng trên trị số xét nghiệm của Triglyceride:
– chế độ dinh dưỡng quá nhiều chất béo
– thai kỳ
– người dùng thuốc ngừa thai, thuốc corticoid, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ áp thuộc nhóm ức chế beta
– rút máu quá lâu khi làm xét nghiệm

Vịnh Nghi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)