Yersin ở Việt Nam (Kỳ cuối): Chuyến đi cuối cùng của một đời phi thường
Nếu nói như văn hào Bernard Shaw “Cuộc sống không phải là để tìm kiếm bản thân mình, mà là để tạo ra chính mình” thì Alexandre Yersin đã vượt khỏi lằn ranh này. Dẫu sự lao động miệt mài đủ đem lại cho mình một vị trí vững chắc trong lịch sử khoa học thế giới và Việt Nam, điều ông hướng đến chính là sự nhân văn, bởi “ý nghĩa duy nhất của cuộc đời là phụng sự con người” (Lev Tolstoy).
Ở bảo tàng nhỏ mang tên Yersin đặt trên lầu ngôi nhà sơn màu vàng nhạt nằm trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang, thời gian như ngưng đọng hàng thập kỷ. Chúng tôi và cả hướng dẫn viên Cao Hoàng Đoan Thục lặng lẽ đi thêm một vòng nữa quanh bảo tàng… Không gian vỏn vẹn 100m2 tĩnh lặng, ánh nắng chói chang giữa hè được lọc qua tán cây và rèm cửa chợt trở nên nhẹ nhõm, hắt những dải sáng dịu dàng lên các bức ảnh, tủ sách, kính hiển vi và những hiện vật được trưng bày khác trong bảo tàng. “Nước sơn son thếp vàng phai đi, chỉ có da còn mãi”, người kể chuyện thần tiên Hans Christian Andersen từng nghe thấy tiếng thì thầm như lời nhắc nhở về sự trường tồn của những giá trị đích thực, khi đi qua hàng lang ngôi nhà cổ một thời hội hè phù hoa. Tinh thần ấy cũng toát lên ở đây, một hiển thị đời người quá đỗi giản dị và khiêm cung, khiến mọi tụng ca cũng tự thấy e dè bởi nỗi sợ mạo phạm đến chính sự giản dị ấy.
Yersin có đọc chuyện thần tiên của Andersen không nhỉ? Khi Yersin ra đời vào năm 1863 thì Andersen đã là một tên tuổi lớn trên văn đàn châu Âu, tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng… Một tâm hồn trong trẻo như Yersin chắc hẳn không bỏ lỡ. Đến tận cuối đời, ông vẫn giữ được sự trong trẻo, tươi mới và óc tò mò như trẻ thơ. Tủ sách hơn 2.200 cuốn của Yersin không thiếu những cuốn sách đẹp đẽ dành cho nhi đồng, và một điều lạ là ở những năm trước khi qua đời, “ông bắt đầu học trở lại tiếng Hy Lạp và Latin một lần nữa”, dòng cuối về người ngự lâm quân ưu tú này trên trang web Viện mẹ Pasteur ẩn giấu một sự kinh ngạc trìu mến và cả niềm ngưỡng mộ khôn nguôi.
“Cuộc đời tự nó đã là một câu chuyện thần tiên kỳ diệu nhất”, Andersen từng nói vậy, bất chấp bầu không khí kỳ ảo ông vẽ lên từ những trang sách. Khi soi chiếu ánh sáng này vào Yersin, người ta thấy tỏa rạng sự thuần khiết, vô vụ lợi, những thứ không phải cứ cố là có được.
Theo thời gian, nếu Đông Dương chỉ là một dấu chấm trên hành trình của những người Pháp xuất sắc như Albert Calmette, Noël Bernard, Paul Simond, Henri Jacotot… thì ngược lại, Yersin vĩnh viễn khắc vào tim mình địa danh này, hay ở độ phân giải chi tiết hơn là Nha Trang, để rồi không bao giờ lìa xa nó.
Phải chăng Yersin được sinh ra là cho Việt Nam?
***
Khi đến xứ An Nam, một Yersin ở độ tuổi “tam thập nhi lập” háo hức với những miền đất mới. Thật khó diễn tả thành lời cảm xúc nảy nở từng ngày trong ông, một phần ngay từ khi ở Viện Pasteur, ông cũng không ưa bộc lộ ý nghĩ sâu kín của mình. Trong cuốn Alexandre Yersin, le vainqueur de la peste (Alexandre Yersin, người chiến thắng bệnh dịch hạch), xuất bản năm 1985, Henri H. Mollaret và Jacqueline Brossollet đã nhấn mạnh đến sự thật là ông “chỉ cảm thấy thoải mái ở giữa bọn trẻ và những người yếm thế trong xã hội”. Có thể lý giải thêm theo cái nhìn của Hubert Marneffe, người kế vị chức Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn và Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương, “ông đã hào phóng trao toàn bộ trái tim và lòng tốt cực độ của mình cho họ”.
Thật khó hình dung ra một Yersin nào khác. Cũng không khó để cắt nghĩa vì sao con người rụt rè ấy lại có thể thu phục được nhân tâm người Tây Nguyên. Có điều gì đó toát ra ở con người này khiến người bản địa cảm thấy dễ chịu, tin tưởng ngay từ lần gặp đầu. Những thước phim ông chụp trong chuyến thám hiểm năm 1892-1894, trước thời điểm ông nhận lệnh lên đường sang HongKong, giờ được lưu trữ ở bảo tàng Pasteur Paris. Một số rất ít ỏi trong đó được in thành các bưu ảnh xinh xắn, bày bán ở rìa phòng trưng bày của bảo tàng Yersin. Trong các bức ảnh ông chụp, những khuôn mặt đẹp đẽ, ánh nhìn tin cậy, vẻ thoải mái, tự do pha chút tò mò, những con lợn, con voi cũng bình thản… – tất cả cho thấy người cầm thiết bị quang học ghi lại những khoảnh khắc ấy không phải một quan Tây hiếu kỳ trước những biểu hiện của văn hóa ngoại lai mà là người bình đẳng với họ. “Đó là những con người có vóc dáng cao lớn, thân chỉ quấn khố. Khuôn mặt họ khác rất nhiều so với người An Nam, dáng vẻ cũng kiêu hãnh hơn và man dã hơn… Các làng chỉ gồm duy nhất một ngôi nhà nhưng rất lớn, được dựng trên các cây cột. Đây thực sự là một cuộc sống cộng đồng. Ở chỗ người Mọi, tiền không có giá trị gì”, các dòng miêu tả ngắn gọn của ông về người Tây Nguyên trong bức thư gửi mẹ rất gần với những ghi chép dân tộc học. Bản thân từ “Mọi” mà ông dùng, thuở ấy cũng không mang nghĩa hạ thấp như cách hiểu sau này; nguyên thủy của từ này là “tơ moi” (khách) của người Ba Na.
Trong ba chuyến đi khám phá các vùng đất chưa có trên bản đồ, Yersin thường được đón tiếp theo tục lệ địa phương – “ở làng của B Doï, anh ta trải chiếu xuống trước mắt các vị khách rồi đặt nước và mấy bình rượu gạo xuống” – thậm chí khi đến làng của tù trưởng Kheung, ông được Kheung mời làm trung gian hòa giải với làng bên cạnh khỏi một mối bất hòa tồn tại đã lâu. Ông thường chất đầy những vải vóc, đồ dùng thiết yếu và cả thuốc men, vaccine… trong chiếc rương nổi tiếng – giờ được phủ tấm vải đỏ và đặt trong bảo tàng – để tặng, tiêm phòng hoặc trao đổi với người Mọi…
Nếu chiếu theo phương pháp tiếp cận dân tộc học là hòa nhập vào đời sống của cộng đồng dân cư địa phương, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt hằng ngày với họ, phỏng vấn và ghi chép lại tỉ mỉ những gì quan sát được, những tương tác qua lại với người bản địa thì có lẽ, Yersin đã có những quan sát dân tộc học theo đúng nghĩa của nó. “Những người Pháp ở Phnom Penh không thể tin được là con không ăn gì ngoài gạo trong vòng hai tháng. Người bản xứ hài lòng với điều đó và khi không có gì khác để ăn thì con cũng phải làm như họ thôi”, Yersin viết trong thư gửi mẹ từ Phnom Penh ngày 16/6/1892. “De Nha Trang à Tourane par les pays moïs” (Từ Nha Trang đến Tourane qua vùng đất người Mọi), tập ghi chép dày 35 trang được ông xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1894. Sau đó, Yersin được Bộ môn Nhân học, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Pháp mời nói chuyện về những phát hiện mới này. Năm 2016, NXB độc lập Editions Olizane Thụy Sĩ đã tập hợp các bài viết của Yersin trên nhiều tạp chí và ấn phẩm khác nhau từ năm 1893 đến năm 1943 để in thành cuốn sách dày 218 trang “Voyages chez les Moïs d´Indochine” (Những chuyến đi đến vùng đất người Mọi ở Đông Dương).
Những cuộc tiếp xúc với người bản địa có tác động nhiều đến Yersin không? Ngoài những dữ liệu về nhân khẩu xã hội học và môi trường, ắt hẳn Yersin cũng thấm thía hơn rằng trên trái đất này, không có nền văn hóa nào cao hơn hay thấp hơn, tốt hơn hay đúng hơn, bởi tất cả mọi người đều nhìn thế giới qua lăng kính văn hóa của chính họ và đánh giá nó theo quan điểm của riêng họ.
Đó là lý do khiến Yersin đồng cảm với người dân địa phương. Ngay trong bức thư gửi mẹ từ Sài Gòn, đề ngày 8/2/1891, chúng ta có thể lờ mờ nhận ra điều đó: “Một trong số những bệnh nhân của con có ngón tay sưng tấy, đau nhức khủng khiếp nhưng sau điều trị đã trở nên tốt hơn nhiều. Ông ấy trao cho con hai con vật nhỏ, một con chim và một con tôm mà giờ đang được treo ở cửa sổ phòng con. Khi đến túp lều của ông ấy để khám bệnh, con đã nhìn thấy chúng và nói với ông ấy là chúng thật thú vị… Con dần hiểu tại sao sẽ không dễ dàng gì, sau khi sống một thời gian nhất định ở đất nước này, ai rồi cũng khó điều chỉnh lại nhịp sống của mình để phù hợp trở lại với lề thói châu Âu”.
***
Ở Xóm Cồn, Yersin xây một ngôi nhà vuông một trệt, hai lầu có hành lang chạy dọc xung quanh trên nền một lô cốt cũ sát mép nước, nơi một nhánh của con sông Cái đổ ra biển. Người Xóm Cồn gọi đó là lầu ông Tư, chốn thân thuộc họ thường ghé chơi, thậm chí trú ngụ khi có bão lớn về. Không chỉ cởi mở với người ở đây, Yersin thường mở cửa cho người chốn khác tới tham quan. Trong số ra ngày 17/6/1943 của Nam Kỳ tuần báo – tờ báo Quốc ngữ xuất bản số đầu tiên vào tháng 10/1897 – có bài viết đề cập đến ngôi nhà của Yersin “Một người khách đàn bà coi đã thạo Nha Trang xen vào ‘Nó không phải ngôi nhà đồ sộ đâu. Ông sống giản dị, nhà cửa đơn sơ. Nhưng sách thì nhiều lắm. Lại đó mà coi sách của ông. Ông rất dễ. Ai muốn đi coi cũng được. Nhiều khi sợ khách ngại, ông lánh mặt để khách được tự do xem xét’”.
Ở ngôi nhà mà giờ chỉ còn hiển thị trên những bức ảnh do chính tay Yersin chụp, Yersin đã có một cuộc sống bình dị, đầm ấm giữa những người ông cảm mến, gắn bó. Sau cái chết của thầy Pasteur, mẹ và chị gái, Yersin đã coi dân Xóm Cồn là người trong nhà. Nhà văn Cung Giũ Nguyên, một trong những người trẻ tuổi may mắn được tiếp xúc với Yersin khi ấy, đã ghi lại “Yersin yêu mến đám dân hèn mọn mà ông biết ngôn ngữ, ông ưa thích dân tộc tầm thường ấy vì nhận ra được sự tế nhị, lễ phép, hiền hậu, tính tình bỉnh thản, cũng như sự khéo tay, tài quan sát, lanh lẹ, những đức tính ăn khớp với tính ông. Và những người Việt Nam cũng yêu đức tính Yersin vì nhận ra nơi ông sự giản dị, kín đáo, nhút nhát được xem như là một dạng của lễ phép, sự dịu hiền, lòng khoan dung vô hạn, sự khinh miệt hào nhoáng giả dối và những bề ngoài vô bổ, bao nhiêu điều phù hợp với truyền thống nhân bản của họ, phù hợp với những quan niệm lâu đời của họ về cái tâm”. Nam Kỳ tuần báo nhận xét về tính nhân hậu của ông mà người đời ngưỡng mộ “Có tích mới dịch ra tuồng. Người ta không bỗng dưng bịa đặt ra sự nhơn đức của một kẻ bạc ác để mà tán tụng”.
Trong thế giới quan của Yersin, mọi người, mọi vật đều bình đẳng một cách lạ lùng. Vào những năm 1990, ông Phạm Văn Phê, điều chế viên làm việc tại Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1927, kể Yersin có thói quen dùng đại từ nhân xưng “người ta” cho tất thảy người, vật, dù ở số ít hay số nhiều. “Tôi thả người ta ra hết rồi. Tôi nhốt người ta lâu quá, người ta buồn. Người ta muốn ở với tôi thì ở, người ta không muốn ở thì người ta cứ đi…”, Yersin từng nói như vậy khi ông Phê hỏi vì sao lại thả đám chim mình vẫn chăm chút. Kỳ lạ là “người ta” cứ quyến luyến, không chịu bay đi, dù đã được thả.
Những tháng ngày đẹp đẽ của Yersin trôi đi như vậy ở Nha Trang. Những thập kỷ sau, đôi khi, người ta vẫn tự hỏi vì sao một người xuất sắc, một ngự lâm quân mà tương lai ở Viện mẹ Pasteur hứa hẹn rực rỡ, có thể kế thừa vị trí của Pasteur hay Roux, lại chọn chốn này? Ông nghĩ rằng mình sẽ làm được nhiều thứ ở đây ư? Trong những thước phim tài liệu A. Yersin – Vainqueur de la paste” (A. Yersin – người chiến thắng bệnh dịch hạch) của đạo diễn Stefan Kleeb năm 2016, đứa trẻ con một điều chế viên Viện Pasteur Nha Trang mà khi phỏng vấn đã ngoài 70, nghẹn ngào kể rằng “ông thường hay lái ô tô đi làm nhưng kể từ khi có một đứa trẻ nhìn thấy ô tô, sợ quá ngã lăn ra, ông không đi ô tô nữa mà đi xe đạp… Khi chúng tôi hỏi ông về chiến tích ở HongKong, ông không nói gì mà chỉ làm động tác vất vật gì đó qua vai”.
Một Yersin coi việc phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch chỉ là một trong những việc đáng làm và cần làm chứ không phải để lưu danh tên tuổi. Năm thập niên sau, Peter Friederich, đại sứ Thụy Sĩ, cho rằng “Yersin là nhà tiên tri theo nghĩa ngay từ đầu ông đã hiểu rõ được những thành tựu của khoa học đạt được ở châu Âu sẽ được áp dụng để phục vụ cho những vùng luôn bị dịch bệnh đe dọa. Yersin thực sự đã làm điều mà ngày nay chúng ta mới có từ để chỉ, đó là giúp đỡ cho sự phát triển”.
***
Ở Nha Trang, Yersin có ba ngôi nhà, một là lầu ông Tư giữa Xóm Cồn, hai là mái nhà nhỏ ven sườn núi nhìn xuống trang trại Suối Giao/Suối Dầu và ba là căn nhà gỗ hai tầng ở đỉnh Hòn Bà, nơi ông chăm chút ương trồng cây cối. Đó cũng là toàn bộ chốn địa đàng Utopia mà ông dựng lên, một nơi đẹp đẽ như thiên tiên, nơi mang lại những liều vaccine hay huyết thanh kháng bệnh cho người và trâu bò.
Ông có tự cô lập mình khỏi thế giới ông từng sống? Không, trong suốt cuộc đời mình, ông viết cả ngàn bức thư gửi mẹ Fanny Moschell (từ năm 1884 đến năm 1905), trong đó nhiều bức dài tới hơn 10 trang, và cho chị Emilie (từ năm 1906 đến năm 1936) cũng như hàng trăm bức khác cho Roux, Calmette… Đó là một di sản vô giá mở cánh cửa đưa hậu thế bước vào thế giới tâm hồn của ông, đồng thời có thể giúp hiểu được những quan sát, suy nghĩ, hành động của một người Pháp ở Đông Dương.
Việc định cư và lập nghiệp ở Nha Trang và tạo dựng chốn Utopia của mình, Yersin đã trốn thoát khỏi chiến tranh, những âm mưu chính trị đầy rẫy ở châu Âu thời kỳ đó, một chốn phản địa đàng Dystopia, theo cách nhìn của ông. Đó là hai cuộc chiến tranh thế giới khiến cả Roux, Calmette và những người ở Viện Pasteur đều phải dự phần, đó cũng là nơi ông mất đi những người bạn như Paul Doumer… Có lẽ, ở góc độ nào đó thì cả chiến tranh cũng bắt kịp ông…
Và cả thời gian. Cuộc đời con người, dài ngắn vô chừng, Yersin còn chứng kiến những chia cắt vĩnh viễn mà ông không thể thản nhiên nghĩ rằng “từ cát bụi lại trở về cát bụi”. Đó là một phần của cuộc đời ông, một phần của thế giới ông sống. Calmette nồng hậu và tràn đầy tình nhân ái qua đời vào tháng 10/1933 ở tuổi 70, vị thánh khổ hạnh Roux, người từng khiến Yersin chia sẻ với mẹ “điều khiến con hạnh phúc hơn là từ rất lâu rồi, con đã mong ước có được sự thấu hiểu của một người ngay thẳng và đáng kính như vậy”, cũng ra đi một tháng sau ở tuổi 80. Có lẽ, cảm giác của Yersin cũng như cảm giác của Pierre Darriulat, nhà vật lý Pháp chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai, khi phải lìa xa những người bạn “Khi chúng ta ngày một già hơn thì những người bạn của chúng ta ngày một mất dần. Thế giới mà chúng ta sống đang mờ dần đi trong sương mù, cái thế giới ấy dường như không thuộc về chúng ta nữa”…
Yersin hiểu rằng phải tự chuẩn bị một cuộc từ giã cho chính mình, điều ông không thể lần lữa. Vào ngày 9/9/1938, ông lặng lẽ lập di chúc, để lại tài sản trong ngân hàng Thụy Sĩ cho các cháu ở Thụy Sĩ, để lại nhà cửa, thiết bị cho Viện Pasteur Nha Trang, và “tôi mong muốn những người An Nam đã phục vụ tôi, đã già và trung thành, hưởng những món tiền trợ cấp trọn đời từ tiền lãi một trái phiếu mà tôi đã mua cho mục đích này tại ngân hàng HongKong Shanghai ở Sài Gòn và do ông M.A Galois ở Suối Dầu đứng tên. Ông Jacotot sẽ phụ trách việc phân chia những món tiền này cho họ…”.
Rút cục, chuyến đi cuối cùng của Yersin không phải là chuyến đi dối già về Paris vào tháng 5/1940 để điều phối một cuộc họp ở Viện mẹ Pasteur, nơi ông nói lời vĩnh biệt với cả thầy Pasteur lẫn Roux, những người nằm lại ngôi đền thiêng được xây dựng từ tiền quyên góp của toàn thế giới, mà chính là chuyến về với đất mẹ vào rạng sáng ngày 1/3/1943. Người ta kể lại, buổi chiều hôm trước, ông vẫn ngồi trên chiếc ghế mây bập bênh, ngắm ráng chiều lộng lẫy trên biển, và giữ thói quen “quan sát mực nước thủy triều một ngày bốn lần, vào 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều, 12 giờ đêm. Ông ghi chép rất nhiều tư liệu về hải dương học, ghi lại những cơn bão ở Nha Trang rất chi tiết trong vòng bốn thập niên. Có hơn 20 quyển như vậy…”, hướng dẫn viên Đoan Thục nói.
Ông không lập thêm quyển nào nữa, con chữ đã vĩnh viễn dừng lại ở sáu giờ chiều ngày 28/2/1943… Không thời gian được xóa nhòa, giờ thì Thụy Sĩ, Pháp, hay Việt cũng là một. Chốn đặt chân cuối cùng của ông là ngọn đồi nhỏ ở Suối Dầu, giữa những tán lá xanh bốn mùa và dòng Suối Dầu nhỏ bé lượn quanh. Đất mẹ Gaia ôm trọn vào lòng hình hài đứa con kỳ lạ mà phi thường, một bậc thánh nhân không đòi hỏi được tôn vinh, một thiên thần cho đi mà không cần nhận lại.
… Bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, dòng người tiễn đưa ông trong cái ngày đau buồn sâu sắc của cuộc đời họ, ngày 3/3/1943, không chỉ có các quan chức Pháp và Nam triều, mà cả dằng dặc những mái đầu bản xứ chít tang trắng mà người ta có thể nhận ra dân Xóm Cồn, người làm ở Suối Dầu, người từ Tây Nguyên xuống… Xóm chài bàng hoàng lập bàn thờ ông, thắp hương, đặt lên đó bát cơm quả trứng, con gà, nải chuối và tấm tình nguyên sơ của họ.
***
Những gì Yersin để lại, theo dòng thời gian, đều nhuốm màu huyền thoại. “Người ở đây thường hay đến mộ ông thắp hương cầu khấn, có người hiếm muộn, có người mong con đỗ đạt thi cử”, anh Nguyễn Trường Vũ, nhân viên của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Ytế (IVAC), cho biết khi đưa chúng tôi đến khu mộ Yersin. Không có chỉ dấu nào về nơi an nghỉ của một bậc vĩ nhân. Tất cả quá đỗi giản dị và khiêm nhường, như di chúc của ông “tôi mong muốn được chôn cất đơn giản, không cầu kỳ, không điếu văn”. Xung quanh chỉ có tiếng chim hót lảnh lót và làn gió thổi rì rào qua vòm lá biếc.
Lẽ thường, lịch sử chỉ có một nhưng huyền thoại thì vô số và đẹp hơn lịch sử. Người Nha Trang truyền tai nhau “ông thiêng lắm, chuyện tâm linh không đùa được đâu”. Có người còn nói rằng “ông đã cứu Suối Dầu khỏi bị cắt đất”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi này, cả Viện trưởng IVAC Dương Hữu Thái và ThS Nguyễn Văn Minh, trại trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu (IVAC) đều trầm ngâm. “Năm 2018, trong dự án làm đường cao tốc Hồ Chí Minh, phần đi qua Nha Trang – Cam Lâm, có thiết kế đường nối cao tốc Nha Trang – Cam Lâm với quốc lộ 1, tỉnh lộ 3 qua Suối Dầu. Đường nối cao tốc sẽ chạy qua dãy nhà nuôi chuột, gà, thỏ, nghĩa là ảnh hưởng đến sản xuất vaccine và cung cấp động vật thí nghiệm… Chúng tôi đã nêu chức năng, đề đạt nguyện vọng của mình và được UBND tỉnh ủng hộ. Rất may là Bộ Giao thông Vận tải cũng chuyển đổi thiết kế, nắn lại con đường. Dù mất đi 2.230 m2 nhưng đổi lại, trại Suối Dầu và khu mộ Yersin vẫn yên bình”, TS. Dương Hữu Thái nói.
Hằng năm, IVAC vẫn cung cấp cho toàn quốc những liều vaccine chống cúm, lao, uốn ván, bạch hầu… cũng như các liều huyết thanh kháng nọc rắn, kháng dại, từ di sản của Yersin.
Nhưng di sản của Yersin đâu chỉ gói gọn trong những sản phẩm hữu hình. Có nhiều điều còn lớn hơn thế từng ngày, từng ngày được lưu truyền ở mảnh đất này. 30 năm qua, Hội Ái mộ Yersin Nha Trang mở phòng khám thiện nguyện ở số 11 đường Sinh Trung, hỗ trợ người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo, dạy trẻ em khuyết tật cách pha chế, phục vụ trong các cơ sở du lịch “để các em có thể phần nào tự tin bước vào đời”, theo lời chia sẻ của ông Đống Lương Sơn, chủ tịch Hội.
Dường như tinh thần nhân ái của Yersin có ở khắp nơi nơi, từ bếp cơm thiện nguyện 20 năm tuổi của bệnh viện đa khoa Khánh Hòa ở số 19 đường Yersin đến các bếp “dân sinh”, “tự phát”… Điều đó thật quý giá ở Nha Trang, thành phố biển hiền hòa, khi đằng sau những khách sạn, nhà hàng sang chảnh ven đường Trần Phú, bên lề những resort cao cấp tấp nập hoặc bỏ hoang, thậm chí có cả nhà hát trên đường ra sân bay Cam Ranh chỉ-sử-dụng-một-lần, vẫn tồn tại những nghèo khó. Theo báo Nha Trang, đến cuối năm 2022, toàn thành phố có 2.565 hộ cận nghèo (chiếm 2,31% tổng số hộ), 546 hộ nghèo (chiếm 0,49%), trong đó có 203 hộ không đủ khả năng thoát nghèo.
Tròn tám thập kỷ sau khi Yersin qua đời, Nha Trang vẫn khôn nguôi tự hào về người công dân đặc biệt của mình. Từ đây, bệnh viện, trường học, con đường mang tên Yersin tỏa đi mọi ngả. Ngôi nhà trên đỉnh Hòn Bà mới được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Mái nhà nhỏ ven sườn núi ở Suối Dầu thành một phần của chùa Linh Sơn Pháp Ấn. Yersin được thờ phụng như vị Bồ tát lưu lại trần gian cứu nhân độ thế, cả đời phát tâm vô lượng vì lợi ích chúng sinh.
Và Xóm Cồn không thể quên ông, dù quy hoạch mới đã đưa họ xa khỏi chốn cũ. “Hằng năm, vào ngày giỗ của ông, con cháu Xóm Cồn vẫn thành kính làm giỗ như với bậc cha ông”, hướng dẫn viên Đoan Thục nói. Lòng thương yêu, đức vị tha và sức lao động phi thường của ông, sau cả thế kỷ, vẫn làm rung động mọi người. Có phải vì thế mà chị chấp nhận làm việc ở một nơi không hấp dẫn về lương bổng? Đoan Thục mỉm cười “Lúc mới về bảo tàng, mình từng nản vì môi trường quá khác biệt so với công việc trước đây. Nhưng càng làm, có điều gì đó từ cuộc đời Yersin khiến mình càng hiểu ra và thấy phải làm tốt hơn…”. Chị lặng lẽ dịch một cuốn sách của Yersin, không chắc có xuất bản hay không nhưng đủ mang đến hơi thở mới cho bài trình bày ở bảo tàng. “Việc trưng bày hiện vật và nội dung giới thiệu do Bảo tàng Pasteur Paris thiết kế nhưng nhờ tìm tòi, bổ sung thông tin mà nay bài giới thiệu cũng có nhiều điểm khác ban đầu”.
Lúc sinh thời, chắc hẳn Yersin không bao giờ nghĩ rằng mình lại được ngưỡng mộ, yêu thương đến thế. Dù ở cái góc thiên đường bé tí này nhưng không ai quên ông. Ở Paris, Viện mẹ Pasteur kể từ năm 2020 lập một học bổng mang tên Calmette – Yersin để trao hằng năm cho các kỹ thuật viên, nghiên cứu sinh, postdoc trong mạng lưới Viện Pasteur toàn cầu. Trên các tạp chí chuyên ngành, cộng đồng khoa học quốc tế vẫn lật lại các bài học, các vấn đề quanh cuộc đời ông. Còn ở mảnh đất này, di sản đồ sộ ức vạn cành nhánh của ông ngày một vươn cành đơm trái, lan tỏa đến các thế hệ sau. (Hết) □
* Cám ơn Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), TS. Nguyễn Anh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Cao su), Hội Ái mộ Yersin Nha Trang đã hỗ trợ Tia Sáng nguồn tư liệu quý để hoàn thành chuỗi bài viết “Yersin ở Việt Nam”.
——————————
Tài liệu tham khảo
“Alexandre Yersin’ explorations (1892-1894) in French Indochina before the discovery of the plague bacilius”. AA Kousoulis. Acta Med Hist Adriat. 2012.
“Dân học học tự sự”. Nguyễn Văn Chính. Tạp chí Dân tộc học, số 3/2023.
Kỷ yếu hội thảo “Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng.