Yersin ở Việt Nam (Kỳ 5): Sự thăng trầm của cây canh-ki-na

Không thiếu những huyền thoại và bài học lịch sử, nếu nhìn vào di sản đồ sộ của Yersin. Ngay câu chuyện về cây canh-ki-na, loài cây ông di thực thành công ở Việt Nam nhưng ngày nay gần như vắng bóng trong các vườn dược liệu, cũng chứa đựng những điều mà người ta không thể lãng quên.

Tượng bán thân Alexandre Yersin đặt tại Viện Pasteur Nha Trang. Ảnh: Thanh Nhàn.

Thế giới của thực vật ẩn chứa những điều lạ lùng bậc nhất mà chúng ta thường dễ bỏ qua, hoặc cho nó quá đỗi bình thường. Đôi khi, chúng ta chấp nhận sự tồn tại của cỏ cây quanh mình như một lẽ đương nhiên mà không hề mảy may nghĩ đến gốc tích của chúng. Có phải chúng đều là loài thực vật bản địa? nếu không thì chúng từ đâu đến? tại sao chúng lại có mặt ở đây?… Vì thế, có thể đi dưới tán lá xà cừ, phượng vĩ, me tây…, ngắm những cánh hoa lay ơn, mõm sói, cẩm chướng, mi mô za, păng xê…, uống các tách cà phê, cacao…, mua nhiều loại rau củ như su hào, cà rốt, bắp cải, cà chua, khoai tây, cải soong, ngô, rau mùi, cần tây…, chọn những quả thanh long, hồng xiêm, chanh leo/chanh dây, lê ki ma/trứng gà, dưa hấu, dứa/thơm… song chúng ta lại không nhớ ra: chúng đều là loài thực vật ngoại lai. Được di thực vào Việt Nam từ lâu, theo thời gian, chúng đâm rễ, nảy chồi trong điều kiện nhiệt đới và sinh sống một cách thanh bình cạnh các loài thực vật bản địa. Không chỉ trở thành thứ rau xanh trong bữa cơm thường nhật, nhiều loài trong số chúng nằm trong danh sách hơn chục loài hoa trái xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thậm chí được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Nhưng những loài thực vật ngoại lai thì liên quan gì đến Alexandre Yersin? Có thể, chúng ta sẽ đặt câu hỏi này cho đến khi chợt nhận ra sinh giới mà nhà vi khuẩn học này say mê, không chỉ bao hàm các loài vi khuẩn mà còn có cả những loài thực vật. Những sinh vật rất giỏi tận dụng các nguyên liệu cơ bản của tự nhiên như nước, ánh sáng và không khí này không chỉ góp thêm vào sự đa dạng sinh học của thế giới chúng tồn tại mà còn đem lại rất nhiều lợi ích cho những sinh vật khác, trong đó có con người. Dĩ nhiên, với một người như Yersin, có muôn vàn khía cạnh khiến các loài thực vật trở nên đặc biệt thu hút: cỏ, mía cho trâu bò; sắn/khoai mì, lúa để tạo nguồn cung lương thực; hồ tiêu, vanilla, thuốc lá, cao su, cọ dầu, cà phê, coca… có tiềm năng tạo nguồn thu nhập ổn định…, và không thiếu những cẩm chướng, lan… cho các khu vườn của ông. Thậm chí ở khu thí nghiệm trên Hòn Bà – ngọn núi cao nhất Nha Trang mà Yersin và Armand Krempf, nhà sinh học biển Pháp và là giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học Nha Trang, cùng khám phá sau hai ngày đi thuyền và leo núi – cũng dành cho lan và các loài hoa ôn đới một nơi ương giống, trồng trọt. 

Ở khía cạnh này, Yersin không đi tiên phong. Ông chỉ là một trong số rất nhiều người châu Âu, trong quá trình “khai hóa văn minh” như cách nói của người Pháp, đã tham gia vào quá trình di thực nhiều loại rau quả, hoa, cây lấy gỗ, cây công nghiệp… từ nhiều nơi trên thế giới vào xứ xở này. Việc bứng các cây trồng từ những vùng đất xa lạ đến đây, dĩ nhiên, không chỉ để tô điểm cho cảnh sắc nơi chốn mà quan trọng hơn là để bắt đầu cho một quá trình khai thác thuộc địa trên quy mô lớn mà thành công nhất là cây cao su, cà phê và các đồn điền bạt ngàn ở Đông Nam Bộ, Tây nguyên, tương tự như những đồn điền cọ dầu, cao su mà người Hà Lan tạo dựng ở Indonesia và người Anh ở Malaysia. Nhân vật chính của quá trình di thực thời kỳ thuộc địa là hệ thống các vườn thực vật được đặt tại chính quốc và thuộc địa. Tại Việt Nam thời kỳ đó chính là Thảo Cầm viên Sài Gòn (khánh thành năm 1865) và Vườn Bách thảo Hà Nội (thành lập vào năm 1890), hai nơi được coi là những phòng thí nghiệm thực vật lớn nhất Đông Dương và thực nghiệm thành công nhiều loại cây mà ngày nay được trồng khắp Việt Nam, ví dụ cây cao su từ Brazil, chuối rẻ quạt, phượng vĩ từ Madagascar, xà cừ/sọ khỉ từ châu Phi, lê-ki-ma, hồng xiêm từ Nam Mỹ, dứa từ Paraguay và miền Nam Brasil… 

Quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông dương không chỉ dẫn đến những biến chuyển về xã hội, đất đai, môi trường, con người… mà còn tái định hình mối quan hệ giữa cây cối, con người và nơi chốn của bán đảo này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương không chỉ dẫn đến những biến chuyển về xã hội, đất đai, môi trường, con người… mà còn tái định hình mối quan hệ giữa cây cối, con người và nơi chốn của bán đảo này. Cũng như người Anh, Hà Lan trên các vùng đất mình xâm chiếm, họ đã nhào nặn và tạo ra một cảnh sắc, một thế giới để phục vụ nhu cầu của chính mình, rồi nuôi sống thế giới ấy bằng những dòng chảy di cư bất tận của con người, thực vật, động vật và mầm bệnh. Những dòng chảy vật chất đặc biệt này di chuyển giữa các trung tâm đô thị, nơi đặt bộ máy chính quyền thuộc địa, và các đồn điền, những cỗ máy sinh lời không ngơi nghỉ, và giữa các thuộc địa với nhau. 

Rất nhiều nảy sinh từ quá trình dịch chuyển ấy đã tác động trực tiếp đến chính quyền thuộc địa. Do đó, nếu bỏ qua các vườn thực vật và mối quan hệ của chúng với bối cảnh khai thác thuộc địa, có thể chúng ta sẽ không hiểu được vì sao các đội quân thực dân lại chăm chút cho nghiên cứu thực vật nhiều đến thế và vì sao các khu vườn này có thể được coi là giữ vai trò trung tâm trong quá trình thực dân hóa. 

Tất cả đã hòa quyện trong một loài cây có gốc tích Nam Mỹ mà rút cục được Yersin di thực thành công vào Việt Nam: cinchona/canh-ki-na/quinine/ký ninh.

Phương thuốc thần kỳ chống sốt rét 

Không phải đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thế giới mới biết đến tính năng thần kỳ của cinchona. Câu chuyện lưu truyền về loài cây Nam Mỹ bản địa họ Thiến thảo/Cà phê (Rubiaceae) cứu mạng nữ bá tước Chinchon, vợ của Phó vương Peru, khi bị sốt ngã nước. “Người bản địa nói rằng cứ lấy vỏ cây ấy sắc lấy nước, uống thì khỏi”, PGS. TS Trần Văn Ơn (Bộ môn Thực vật, ĐH Dược khoa Hà Nội) cho biết tình huống khiến người châu Âu biết đến “cây chữa sốt”. “Đến thế kỷ 18, nhà thực vật học Thụy Điển Carl Linnaeus đã đặt tên chi và loài cho cây thuốc. Khi đặt tên, ông nhớ đến tích này và lấy tên Cinchona để ghi nhớ một trong những người châu Âu đầu tiên được chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm vùng nhiệt đới”, anh nói.

Tuy được biết đến rộng rãi vào thế kỷ 18 nhưng cây canh-ki-na đã có lịch sử tồn tại lâu dài. PGS. TS Trần Văn Ơn nhận xét “Lịch sử sử dụng cây này vào khoảng 400 năm nhưng người thổ dân châu Mỹ người ta đã dùng từ rất lâu rồi”. Một đồng nghiệp của anh, Nataly Canales, nhà sinh học ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Đan Mạch đang truy dấu lịch sử di truyền của cinchona, năm 2021 trả lời trên BBC “Quinine đã được người bản địa Quechua, Cañari và Chimú mà ngày nay là Peru, Bolivia và Ecuador biết đến công dụng chữa sốt từ rất lâu trước khi người Tây Ban Nha đến”.

Cây cinchona/canh-ki-na/quinine/ký ninh. Nguồn: Wikipedia

Thật đáng ngạc nhiên, loài cây này cũng góp phần đặt một lằn ranh phân định giữa hiểu biết và mông muội của người châu Âu trong kháng cự lại bệnh sốt rét cũng như bệnh tật nói chung. “Trước thời kỳ thực dân, khi người châu Âu bị sốt rét, người ta thường đổ cho khí độc nên chữa trị bằng việc chích máu, uống thuốc xổ, thậm chí cắt chân, cắt tay…”, anh nói. “Trong quá trình xâm chiếm thuộc địa ở châu Á, Nam Mỹ, châu Phi, họ mới dần khám phá các loài cây cỏ có dược tính như cinchona”.

Phép màu của cinchona nằm trong đặc tính khác biệt của nó. Trong chi Cinchona có vài ba chục loài thì chỉ “vài loài chứa hàm lượng alkaloid rất cao trong vỏ và trong chất alkaloid này, thành phần chính là quinine”, PGS. TS Trần Văn Ơn nói. Giữa các nhóm chức thường xuất hiện trong các loài cây có dược tính, nhóm những hợp chất hữu cơ có chứa nhân dị vòng mang nitrogen này được nhiều nhà dược học và hóa học chú ý bởi tính hai mặt của nó: vừa gây kích thích hệ thần kinh trung ương, có thể đem lại sự hưng phấn, giảm đau, vừa có thể tác động nhiều chiều lên hệ thống trao đổi chất ở người và động vật… Tính hai mặt của alkaloid khiến người ta nhớ đến biểu tượng ngành dược: một con rắn quấn vào một cái bát có chân, tượng trưng cho sự khôn ngoan và cẩn trọng cần phải có trước tác dụng nhiều mặt của các dược chất. 

Quinine là một đại diện tiêu tiểu cho cả hai mặt tốt và xấu đó của alkaloid. “Quinine tuy có tác dụng kháng vi trùng sốt rét rất mạnh nhưng lại có điểm đáng chú ý là cực kỳ độc và tác dụng phụ của nó rất nhiều. Uống quinine vào có thể trị được sốt rét nhưng rất có nguy cơ làm mắt mờ, tai ù, uống nhiều thì có thể dẫn đến suy giảm thính giác trầm trọng, tim loạn, người bồn chồn”, PGS. TS Trần Văn Ơn nói. 

Tuy nhiên vào thời điểm cách đây hàng trăm năm thì quinine là ứng cử viên số một chữa sốt rét. Trong vòng 200 năm, người ta khai thác vỏ cinchona, xay và giã thành bột rồi mang về chính quốc sắc lấy nước rồi ngâm với rượu. Cho đến năm 1820, hai nhà hóa học và dược học Pháp Pierre Pelletier và Joseph Caventou lần đầu tiên phân lập được quinine và hoàn thiện quy trình tách chiết từ vỏ cinchona, qua đó tạo ra một phiên bản quinine tốt hơn, sử dụng thuận tiện hơn và dễ vận chuyển hơn. 

Tình trạng khai thác thuộc địa đi kèm với sự gia tăng số lượng đồn điền trồng các cây công nghiệp đã làm bệnh sốt rét lan tràn, không chỉ tác động đến người dân bản địa mà cả đội quân thực dân. Bộ phận quân y của Anh bắt đầu sử dụng quinine từ năm 1848 để chữa trị cho binh lính. “Người ta chặt gần hết các cây ở vùng bản địa đi, bóc vỏ nó cho nhanh. Và cinchona bắt đầu hiếm. Đó là lý do người ta nghĩ đến chuyện di thực nó sang những vùng đất khác”, PGS. TS Trần Văn Ơn nói.

Cinchona đã trở thành công cụ quyền lực của các đế chế, giúp họ thêm an toàn ở các vùng thuộc địa nhiệt đới. Nhưng trong cuộc cạnh tranh này, người Pháp lại chậm chân hơn đối thủ gần cả trăm năm.

Nhu cầu cinchona tăng đột biến khi các đế chế châu Âu mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Phi và châu Á, ví dụ vào những năm 1930, riêng vùng Vân Nam, Trung Quốc cần đến 16 tấn cinchona để điều trị sốt rét. Điều này dẫn đến sự hình thành mạng lưới trồng trọt cinchona toàn cầu, với sáng kiến của Anh và Hà Lan vào giữa thế kỷ 19. Các nhà thực vật học và địa lý học như Clements R. Markham, Richard Spruce, đã lén mang các hạt cây cinchona ra khỏi Nam Mỹ và trồng ở Vườn thực vật Calcutta, Ấn Độ và Vườn thực vật hoàng gia Kew, Anh vào những năm 1850 để thuần hóa. Đây là một cách làm khôn ngoan bởi trong thời gian từ năm 1848 đến 1861, Chính phủ Anh đã phải dành mỗi năm một khoản tương đương 6,4 triệu bảng ngày nay để nhập khẩu vỏ cinchona cho đội quân thực dân của mình. Người Hà Lan cũng bắt đầu tự trồng “cây sốt” vào những năm 1860, lập đồn điền trồng loài cây này ở đảo Java. Với sự hỗ trợ của các vườn thực vật, một mạng lưới trồng trọt toàn cầu và hiểu biết có hệ thống về thực vật đã được mở rộng khắp các thuộc địa Ấn Độ, Nam Phi, Caribe, Ceylon (Sri Lanka), Indonesia… 

Cinchona đã trở thành công cụ quyền lực của các đế chế, giúp họ thêm an toàn ở các vùng thuộc địa nhiệt đới. Nhưng trong cuộc cạnh tranh này, người Pháp lại chậm chân hơn đối thủ gần cả trăm năm.

Chờ người mát tay

Ở Đông Dương, sự xáo trộn về con người và môi trường đã làm bệnh sốt rét từ vùng núi lan xuống đồng bằng. Phu ở các đồn điền nhiễm sốt rét không chỉ làm thiệt hại về kinh tế cho các đồn điền mà còn khiến bùng lên nguy cơ người da trắng ở thuộc địa cũng bị mắc bệnh.  

Người Pháp đứng ngồi không yên. Nhu cầu điều trị sốt rét toàn cầu khiến Cinchona cũng trở thành một món hàng béo bở bậc nhất toàn cầu. Người Hà Lan đã bắt đầu hưởng thụ lợi nhuận kinh tế từ cây này: từ năm 1890 đến tận năm 1940, công ty Đông Ấn Hà Lan đã vượt qua công ty Đông Ấn Anh để chiếm ưu thế trên thị trường cinchona khi chiếm 90% chuỗi cung cấp toàn cầu.

Bồn đá trong khu vườn thí nghiệm của Yersin trên đỉnh Hòn Bà. Nguồn: Hội Ái mộ Yersin Nha Trang.

Người Pháp từng bắt đầu thử nghiệm trồng cây cinchona vào năm 1848 nhưng đều thất bại. Vào năm 1869, những hạt giống cinchona được chuyển từ Vườn thực vật Buitenzorg, Java đến Thảo Cầm viên Sài Gòn giao cho nhà thực vật học Jean Baptiste Pierre, giám đốc đầu tiên của nơi này (từ năm 1865 đến năm 1877). Cũng không ăn thua. Đơn giản là cinchona, với những đòi hỏi về môi trường sinh trưởng nghiêm ngặt, thuộc nhóm thực vật khó trồng bậc nhất sinh giới. Cinchona chứa hàm lượng quinine cao cần được trồng ở 10° vĩ độ Bắc đến 20° vĩ độ Nam, tại cao độ từ 1.200 đến 2.000m so với mực nước biển, trong dải nhiệt độ từ 18°C đến 22°C, lượng mưa trung bình hằng năm từ 2,5 đến 3,5 mét và mức độ dao động về độ ẩm đất hàng tháng thấp.

Nỗ lực của Toàn quyền Đông dương Paul Bert vào năm 1886 khi thí điểm trồng cinchona ở Ba Vì, Hà Nội, cũng thất bại. Một trong những nguyên nhân là vào thời điểm này, ‘known-how’ về kỹ thuật trồng cinchona được người Anh, Hà Lan coi như bí mật quốc gia. 

Tuy nhiên, người Pháp còn có một con át chủ bài khác, Yersin, người có bàn tay vàng khi thành công với cây cao su. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Yersin bắt đầu khảo sát các địa điểm phù hợp để chọn lấy một nơi tối ưu. Việc khám phá Hòn Bà cùng Armand Krempf cũng là một phần của việc di thực cây cinchona. Trong bài báo “Le Hon Ba” xuất bản năm 1944, ông đã kể lại phần việc mình đã thực hiện vào năm 1914: “Núi Suối Giao đặc biệt hấp dẫn tôi, vì lúc đó tôi đang tìm kiếm đất ở độ cao, cạnh đồn điền, để thử nghiệm trồng nhiều loại cây. Đặc biệt hơn, tôi đã du nhập và thuần hóa cây canh-ki-na tại Việt Nam. Các thử nghiệm đầu tiên ở đồng bằng tại Suối Giao đã thất bại, điều đó không có gì ngạc nhiên, bởi vì theo các nhà thực vật học, cây canh-ki-na là loại cây chỉ sống trên núi, ở cao độ khoảng 1.500m và chỉ ở vùng xích đạo”. Mục tiêu của ông lúc này là “thăm dò Suối Giao, lập bản đồ, tìm kiếm một vị trí thích hợp để thiết lập một trạm thử nghiệm”.

Dẫu được coi là mát tay thì Yersin không tránh khỏi thất bại ở chính Hòn Bà, trên cả cây ươm từ hạt và ghép. Những gì còn sót lại ở đây, trên đỉnh Hòn Bà, một khoảng vườn cây mọc lô xô, một vài bồn ươm cây giống bên cạnh nếp nhà gỗ hai tầng phần nào giúp chúng ta mường tượng về những ngày ông ở lì ở đây vì canh-ki-na. “Việc di thực rất khó, một là cây chết, hai là sống nhưng phẩm chất của nó đã kém đi, và thậm chí là thoái hóa theo thời gian. Thoái hóa ở đây có thể là giảm đi các hoạt chất”, PGS. TS Trần Văn Ơn phân tích. “Việt Nam mình du nhập nhiều giống cây dược liệu lắm, cả trăm cây nhưng thất bại cũng nhiều. Phải mất rất nhiều thời gian mày mò, thất bại rồi thì mới có cây sống được”. 

Nhận xét đó phản ánh đúng nỗ lực suốt hai thập kỷ của Yersin. Canh-ki-na trên Hòn Bà phát triển chậm, đã thế còn dễ bị đốm lá rỉ sắt, một căn bệnh khủng khiếp của thực vật vì làm lá vàng và rụng sớm, cành cây bị teo tóp, chồi phát triển kém và có thể héo khô. Yersin cho rằng cây Canh-ki-na không phát triển được trên Hòn Bà vì đất có tỷ lệ đạm thấp và nghèo mùn nên cần một nơi mới. 

Năm 1923, ông đưa 300 cây lên trồng ở Dran, trên cao nguyên đất đỏ Đồng Nai Thượng. Hai năm sau, tất cả các cây bắt đầu ra hoa. Cây phát triển nhanh khiến mọi người cũng cảm thấy lo lắng bởi liệu điều này có ảnh hưởng đến hàm lượng quinine trong vỏ cây không? Kết quả phân tích ở phòng thí nghiệm sinh hóa ở Paris vào năm 1926 khiến ai nấy thở phào: hàm lượng tương đương với cây ở Java (8 đến 10%). Không có nỗ lực nào bỏ ra lại không được đền đáp, nhất là khi nỗ lực ấy được khoa học dẫn đường. 

Đó là lý do vào năm 1933, ông mua thêm mua 180 ha đất ở vùng Di Linh, năm 1933, mua thêm 460 ha đất đỏ và cuối cùng là 686 ha để thử nghiệm sản xuất quinine ở qui mô bán công nghiệp. Năm 1936, Yersin bắt đầu khai thác phần lớn cây canh-ki-na, thu về 29.600 kg vỏ, sản xuất được 2.045 kg quinine tinh chế. 

Vào năm 1923, khi Yersin còn đang chật vật thì Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Đông Dương (ERAFI)  đã nhập nội giống canh-ki-na từ Java và thử nghiệm trồng ở ba nơi là Lang Hành (độ cao 500 mét), Mang Yang (độ cao 800 mét), Thủ Pháp (Sơn Tây cũ dưới 400 mét), mỗi nơi khoảng 10 ha. Nhưng kết quả là giống của IRAFI kém hơn của Viện Pasteur Nha Trang, và kết quả khiêm tốn hơn nhiều.

Với suy nghĩ của một nhà khoa học muốn thử nghiệm khai thác ở nhiều góc độ khác nhau để tìm ra phương án tốt nhất, Yersin còn kết hợp với nhà nghiên cứu ở ĐH Dược Paris và công ty chế biến Quinquina ở Pháp để cùng nghiên cứu phẩm chất quinine trên nhiều giống canh-ki-na khác nhau, được khai thác ở nhiều vụ khác nhau, trồng trên các loại đất khác nhau và trên những bộ phận khác nhau của cây. “Giai đoạn thử nghiệm thích nghi cây Quinquina trên đất Đông Dương của chúng tôi còn lâu mới kết thúc. Mỗi ngày xuất hiện những việc mới và những khó khăn không lường trước được. Nhưng chúng tôi hy vọng giải quyết những bất cập luôn luôn nảy sinh bằng những biện pháp thích hợp mà kinh nghiệm sẽ gợi ý cho chúng tôi”, ông viết trong bài báo cuối cùng về di thực cây canh-ki-na, xuất bản năm 1939 trên tạp chí Revue de Botanique appliquée (chuỗi bài này của ông gồm 6 bài, xuất bản từ năm 1927 đến năm 1939). 

Một công bố của A. Yersin và A. Lambert về canh-ki-na, “Essais d’Acclimatation de L’arbre a quinquina en Indochine”.

*****

Lịch sử luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà đôi khi người ta không tưởng tượng nổi. Từ một loài cây được săn đuổi bậc nhất thế giới, cứu hàng triệu triệu người khỏi sốt rét, và hơn nữa trở thành công cụ quyền lực của các đế chế, canh-ki-na vụt trở thành một loài cây bị lãng quên. Sự thăng giáng của canh-ki-na theo dòng thời cuộc gắn liền với việc Hans Andersag và cộng sự tại phòng thí nghiệm công ty dược phẩm Bayer AG tổng hợp được chloroquine kháng vi trùng sốt rét vào năm 1934. “Lập tức người ta chuyển sang dùng thuốc này và bỏ quinine đi. Sau một thời gian, vi trùng sốt rét lại kháng được chloroquine và người ta lại quay trở lại quinine. Người ta vẫn túc tắc dùng chứ không bỏ, cho đến khi cách đây khoảng 40 năm, trong một dự án của Trung Quốc mà Việt Nam có tham gia, chứng minh được cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua) có khả năng chống sốt rét và lại không bị kháng. Thế là người ta lại ùn ùn chuyển sang trồng trọt và khai thác cây thanh hao hoa vàng”, PGS. TS Trần Văn Ơn kể.

Chuyện kể về cây canh-ki-na diễn ra trong không khí trầm mặc ở Bộ môn Thực vật, ĐH Dược Hà Nội, ở căn phòng mà cách đây cả trăm năm thuộc về trường Y khoa Đông Dương, một hệ thống cơ sở vật chất được Yersin ấp ủ lên kế hoạch từ khi trường Y còn đặt ở Thái Hà. Bàn làm việc, tủ sách gỗ lim lên nước đen bóng, những cuốn sách dược liệu cũ, mới như những chứng nhân về một khởi điểm của nền dược học Việt Nam hiện đại và cả những thăng trầm của nó. PGS. TS Trần Văn Ơn nói “Cây canh-ki-na nay đã trở thành cây lịch sử. Khu trồng canh-ki-na của ông Yersin ở Lâm Đồng đã không còn, sau này có đi tìm thì chẳng thấy cây nào…” (theo Hội Ái mộ Yersin, vào tháng 8/2020 mới tìm được dấu vết canh-ki-na tại Xuân Thọ, Lâm Đồng). 

Yersin cũng là một người di cư và một cái cây ngoại lai tự bứng mình khỏi gốc rễ châu Âu để rồi chọn lấy cho mình một nơi mới, Việt Nam và xây dựng một chốn Utopia ở Nha Trang. Ông đã dành cả cuộc đời của mình ở nơi này, bằng cả khối óc và đôi tay đem điều kỳ diệu đến cho mọi người một cách vô vụ lợi.

Không giống như cây cao su hay những loài cây được di thực khác, số phận của canh-ki-na khiến lòng người bùi ngùi. Nhưng những gì mà canh-ki-na nói riêng và những cây di thực khác của đế chế đã dự phần ở Việt Nam cho thấy một điều: chúng đem lại lợi ích cho nơi chốn mới, bất kể chúng bắt nguồn từ đâu. Những cuộc tranh cãi về thực vật bản địa và phi bản địa vẫn đang liên tục diễn ra quanh các câu hỏi: loài nào có ích, loài nào có hại? chúng ta có nên chỉ khuyến khích việc trồng các cây bản địa và cấm, hoặc ít nhất giới hạn, các loài ngoại lai? phải ứng xử như thế nào với cây ngoại lai?… Trong một nghiên cứu của ĐH Geneva và Vườn thực vật Geneva, các nhà khoa học đã chứng minh 95% loài cây ở thành phố này là thực vật phi bản địa. Không chỉ góp phần vào đa dạng sinh thái, chúng còn giúp nâng cao chất lượng môi trường và cuộc sống của con người, nếu xét từ cách tiếp cận dịch vụ sinh thái. Đáng chú ý, chỉ có 5% trong số cây phi bản địa có tiềm năng dẫn đến vấn đề khó xử cho môi trường sinh thái. 

Đóng góp của cây cối cho không gian sinh tồn mới khiến người ta không khỏi nghĩ đến sự đóng góp của những dòng người di cư trong lịch sử và hiện tại ở nơi đến nhưng ít khi được đánh giá đúng mức. Có lẽ, khi nghĩ đến điều này, người ta rồi cũng nhớ ra: Yersin cũng là một người di cư và một cái cây ngoại lai tự bứng mình khỏi gốc rễ châu Âu để rồi chọn lấy cho mình một nơi mới, Việt Nam và xây dựng một chốn Utopia ở Nha Trang. Ông đã dành cả cuộc đời của mình ở nơi này, bằng cả khối óc và đôi tay đem đến những điều kỳ diệu cho mọi người một cách vô vụ lợi.

Khởi thủy là hành động. Tình yêu Yersin dành cho con người và mảnh đất này gắn liền với việc bắt tay vào giải quyết những vấn đề của người bản xứ, trong phạm vi có thể của mình, điều mà mục sư Martin Luther sau này diễn tả thành lời “Câu hỏi dai dẳng và thôi thúc nhất cuộc đời là ‘anh đang làm điều gì cho những người khác’?”.

Tinh thần nhân văn trong những nỗ lực phi thường đó khiến người ta luôn trân trọng di sản của Yersin, bất chấp “vật đổi, sao dời”.□ (Còn tiếp)

———————————

Tài liệu tham khảo:

“Botanical decolonization: rethinking native plants”. Tomaz Mastnak, Julia Elyachar, Tom Boellstorff. Environment and Planning D: Society and Space. 2014

“Products of the Empire: Cinchona: a short history”. Cambridge University Library. 

Kỷ yếu hội thảo “Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng

“Cultivating China’s Cinchona: The Local Developmental State, Global Botanic Networks and Cinchona Cultivation in Yunnan, 1930s–1940s”. Yubin Shen. Soc Hist Med. 2021

Tập chuyên san kỷ niệm 159 ngày sinh của bác sĩ A. Yersin. Hội Ái mộ Yersin Nha Trang

“Cây cối mang lợi ích đến cho xã hội, bất kể nguồn gốc”. Nguồn: tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/cay-coi-mang-loi-ich-den-cho-xa-hoi-bat-ke-nguon-goc-26640/

Tác giả

(Visited 83 times, 1 visits today)