10 năm Quỹ NAFOSTED: Xây dựng môi trường học thuật theo tiêu chuẩn quốc tế
Tại hội nghị tổng kết báo cáo kết quả 10 năm hoạt động của quỹ Phát triển KH&CN quốc gia ngày 5/11/2018, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định, sau 10 năm xây dựng, mô hình quản lý hoạt động tài trợ và hỗ trợ cho khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế minh bạch, khách quan, bình đẳng của Quỹ Nafosted đã phát huy được hiệu quả và có sức lan tỏa lớn.
Ghi nhận những đóng góp của Quỹ Nafosted đối với chiến lược KH&CN 2011- 2020 và những tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học trong quá trình xây dựng và hình thành mô hình này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá, môi trường học thuật khách quan minh bạch đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích sáng tạo mà Quỹ Nafosted và cộng đồng khoa học đã góp phần xây dựng lên gắn liền với sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức quản lý khoa học, “thực ra từng ấy từ ‘minh bạch đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích sáng tạo’ dài chưa đến hai dòng nhưng chúng tôi đã chứng kiến cả một quá trình nỗ lực của các đồng chí”.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” cho các cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của Quỹ.
Xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng nhà khoa học
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh đến mô hình quản lý và tài trợ của Quỹ Nafosted, “không phải là mô hình mới đối với quốc tế nhưng để mô hình này được chấp nhận và triển khai ở Việt Nam và đem đến những tác động mạnh mẽ với xã hội trong điều kiện của Việt Nam không phải việc đơn giản”.
Việc “không đơn giản” này đã được Quỹ Nafosted và các hội đồng khoa học ngành thuộc các lĩnh vực KHTN và KHXH&NV kiên trì thực hiện từ những ngày đầu. Theo GS. TS Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Toán, thì nhìn từ bên ngoài, những việc “bình chọn, xét duyệt đề tài phụ thuộc vào các nhà khoa học là bình thường, còn ở nước ta thì không hoàn toàn mới”. Hội đồng khoa học các ngành “nhiều khi phải nghĩ sao cho các đánh giá của mình đưa ra nó khách quan và công bằng, dân chủ. Trong quá trình đấy, chúng tôi luôn nghĩ Quỹ như ngôi nhà của mình, luôn đóng góp ý kiến về phương thức hoạt động để thay đổi, để cho nó phù hợp hơn”. Trong quá trình tương tác với cơ quan quản lý Quỹ, ông nhận xét, “chúng tôi có cảm giác là hoàn toàn được tôn trọng, điều này rất khác với nhiều hoạt động của các hội đồng khoa học khác”.
Trải qua nhiều sóng gió để đưa bằng được tiêu chí về công bố quốc tế và danh mục tạp chí quốc tế ISI có uy tín thành tiêu chí cốt lõi để đánh giá khoa học cùng các đồng nghiệp khác, GS. TS Ngô Việt Trung rút ra một điều là dù “việc nộp hồ sơ xin xét duyệt kinh phí nó ảnh hưởng đến ‘miếng cơm manh áo’ của những anh em thực sự sống bằng nghiên cứu nhưng chúng ta có thể thấy rằng, không có bất kỳ ý kiến nào nói các hội đồng khoa học Quỹ hoạt động không khách quan, không có ý kiến nào nói về tiêu cực. Điều này khác xa với nhiều hội đồng khoa học khác. Chúng ta có thể thấy trên mặt báo chí là có thể tràn đầy ý kiến nói về các hội đồng chức danh rất nhiều tiêu cực, nhưng chúng ta không thấy rằng bất kỳ một ý kiến nào ở trên thông tin đại chúng mà nói về sự tiêu cực trong Nafosted. Tôi nghĩ điều đó phản ánh sự đổi mới KH&CN trong cơ chế tài trợ và quản lý”.
Một trong những điểm nhấn trong quá trình xây dựng mô hình tài trợ cho khoa học của Quỹ Nafosted là việc hình thành giải thưởng Tạ Quang Bửu vào năm 2014. GS. TS Ngô Việt Trung – một trong những người ủng hộ ý tưởng này và góp phần đưa nó thành hiện thực, cũng cho rằng, việc tôn trọng nhà khoa học tiếp tục được thể hiện trong quá trình xét duyệt giải thưởng và bản hội đồng xét duyệt giải thưởng Tạ Quang Bửu, “hoàn toàn do hội đồng khoa học quyết định, chỉ có những nhà khoa học trong đó thì mới có thể bình chọn các hồ sơ và không có ý kiến các nhà quản lý trong đó. Tôi thấy đấy là điều rất mới so với các giải thưởng khác”.
Nhìn nhận một cách khách quan những gì Quỹ Nafosted đã làm được, ông cũng thừa nhận: “Chúng ta nói rất nhiều rằng cơ chế đó là cơ chế mới, nhưng thực ra tôi nghĩ cái này không mới so với nước ngoài. Bài học ở đây là chúng ta phải tiến theo chuẩn mực quốc tế, chúng ta không cần thiết phải làm cái gì mới, những chuẩn mực đó nó vốn rất thông dụng, tất cả các nước như nhau cả”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” cho GS. TS. Nguyễn Đức Chiến (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), thành viên Hội đồng khoa học ngành Vật lý Quỹ Nafosted.
Cần đổi mới trong cách thức tài trợ
Những minh chứng về hiệu quả trong tài trợ của Quỹ Nafosted đã được nêu một cách sinh động qua lời phát biểu của PGS. TS Phạm Thành Huy (Viện tiên tiến KH&CN AIST, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) thông qua ví dụ ngay tại Viện AIST. Trong 5 năm qua, AIST đã có 120 công bố ISI và 80% trong số này là các công trình nghiên cứu được Quỹ Nafosted tài trợ, “tương đương với trung bình 1,5 công bố ISI/cán bộ/năm của Đại học công nghệ Nanyang Singapore”. Kết quả này cho thấy hiệu quả của Nafosted trong các kết quả nghiên cứu và trong việc hỗ trợ các nhà khoa học trẻ. “Chính kinh phí từ các đề tài Nafosted là nguồn động lực giúp chúng tôi thu hút được các cán bộ trẻ về công tác, mỗi nghiên cứu sinh của chúng tôi khi tốt nghiệp đã đáp ứng được tiêu chuẩn trong khu vực và tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Trong 10 năm vừa qua, tôi đào tạo được 9 nghiên cứu sinh, trong đó có 8 em là do các chương trình của quỹ tài trợ, 5 trong số 8 em đó hiện nay tiếp tục theo con đường nghiên cứu và trở thành chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu được quỹ tài trợ”, PGS.TS. Phạm Thành Huy nói.
Anh cũng nhắc lại một đề xuất của cộng đồng khoa học với Quỹ năm 2014 là “mong muốn Quỹ mở rộng tài trợ bằng cách đầu tư dài hạn cho các đề tài trọng điểm có thể kéo dài 5, 7 năm thay vì 2, 3 năm như trước đây nhằm tập trung nhân lực giải quyết các bài toán khoa học lớn”. Rút cục, điều đó đã trở thành hiện thực vào năm 2017 khi Quỹ Nafosted đã mở ra chương trình tài trợ phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. PGS.TS. Phạm Thành Huy đánh giá, đây là một trong những biện pháp hứa hẹn thành công, “có nhóm nghiên cứu mạnh đăng ký với Quỹ Nafosted 12 công bố ISI, trong đó có 8 bài thuộc top tạp chí Q1, với đề tài do Quỹ tài trợ. Dù đề tài được thực hiện trong vòng 4 năm nhưng nay sau gần hai năm thực hiện, nhóm này đã gần như đạt được các kết quả đề ra. Các bài nghiên cứu hầu hết là bài trên tạp chí Q1 và có impact factor trên 5”.
Tuy nhiên, anh cho rằng tất cả những đổi mới ấy còn chưa đủ, Quỹ vẫn còn thiếu việc tài trợ vào các đề tài phát triển công nghệ, nghiên cứu ứng dụng để có thể nâng cao hơn tỉ lệ nghiên cứu được đưa vào ứng dụng. Vì thế, anh “hi vọng trong 5 năm tiếp theo bên cạnh tài trợ nghiên cứu cơ bản là các nghiên cứu ứng dụng và trong buổi tổng kết sau sẽ có nhiều hơn các nhà công nghiệp ngồi trong hội trường này. Từ khoa học phát triển thành công nghệ, đưa vào ứng dụng cuộc sống cần có sự sát cánh của các nhà công nghiệp, doanh nghiệp giúp các nhà khoa học bước nhanh hơn trên con đường phát triển công nghệ”.
Quan điểm này của PGS. TS Phạm Thành Huy cũng là quan điểm của GS. TS Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân), thành viên hội đồng khoa học ngành vật lý là có nhiều thành tựu nghiên cứu trong khoa học cơ bản chưa đưa được vào cuộc sống là do Việt Nam chưa chú trọng phát triển công nghệ. Ông rất mong Quỹ Nafosted có chiến lược thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông qua việc đầu tư vào các đề tài khoa học cơ bản có định hướng ứng dụng, quan tâm đầu tư phát triển những lĩnh vực ứng dụng mà Việt Nam hiện rất cần nhân lực, ví dụ như vật lý y sinh – một lĩnh vực gắn liền với công việc điều trị nhiều loại bệnh ung thư ở Việt Nam.
Hoàng Nam