50 năm điện nguyên tử của Đức
Cách đây 50 năm, bang Bayern của Đức đã nổ phát súng lệnh đầu tiên về năng lượng nguyên tử. Nhưng chỉ mười năm nữa, với chi phí phá dỡ trên 30 tỷ Euro nước Đức sẽ đoạn tuyệt hẳn với điện nguyên tử.  
Loại năng lượng được trợ giá
Hồi đó dự trù kinh phí xây dựng AKW ước khoảng 345 triệu DM. Bản thân công ty điện hạt nhân RWE-Bayernwerk phải chịu 1/3 kinh phí xây dựng. Phần còn lại do chính phủ Liên bang và Cộng đồng nguyên tử châu Âu Euratom chi trả.
Chính phủ khuyến khích giới công nghiệp lao vào sản xuất điện nguyên tử. Không khí lạc quan, vui mừng bao trùm ngành năng lượng điện. Những luận cứ ủng hộ điện nguyên tử được chấp nhận: tạo ra được một lượng điện và nhiệt lượng khổng lồ, không sản sinh khí CO2 trong quá trình sản xuất điện, thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt của những nước không ổn định về chính trị, tạo nhiều việc làm mới. Tuy vậy chi phí sản xuất điện hạt nhân thấp, nhưng các ông lớn ngành năng lượng vẫn bán điện nguyên tử theo giá thị trường, ngoài ra Đức không có uran. Và đấy là một lý do để những người phản đối điện nguyên tử thường đề cập đến.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Greenpeace thì ngành điện hạt nhân đã được trợ cấp tới trên 100 tỷ Euro – trong khi đó Diễn đàn nguyên tử của Đức được sự ủng hộ của ngành kinh tế năng lượng thì cho rằng con số trên là thổi phồng và số tiền trợ cấp thì chỉ trên dưới 20 tỷ Euro. Diễn đàn nêu lý do về lâu dài giá điện hạt nhân sẽ giảm vả lại trong quá trình hoạt động lại không sản sinh khí độc CO2.
Tuy được chính quyền bang Bayern hết sức ưu ái nhưng đã có thời kỳ điện hạt nhân bị phản đối kịch liệt. Điện hạt nhân đã chia rẽ người Đức: một số người kịch liệt phản đối điện hạt nhân vì sợ tai họa, môi trường ô nhiễm. Số người ủng hộ lại cho rằng điện hạt nhân tạo nhiều công ăn việc làm và thu hút các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên lịch sử 50 năm điện hạt nhân ở Bayern cũng đồng thời là lịch sử chết yểu một loạt dự án. Điển hình là dự án xây dựng công trình tái chế (WAA) ở Wackersdorf. Dân chúng phản đối kịch liệt, lúc đầu còn ôn hòa, nhưng sau thảm họa ở Tschernobyl 1986 thì sự phản kháng đã leo thang. Đã có các vụ đụng độ đẫm máu làm bị thương trên 400 người và nhiều người bị chết. Đến năm 1989 thì dự án này bị đình chỉ vì Pháp đồng ý xử lý rác thải nguyên tử của Đức với giá giảm hơn 30%. Phía Đức mất 3,2 tỷ Mark vì vụ đầu tư này (khoảng1,63 tỷ).
Sau thời kỳ bùng nổ điện hạt nhân trong những năm bẩy mươi thì nay là thời kỳ thoái trào. Đến năm 2022 Đức sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Công cuộc phá dỡ các AKW cũng sẽ ngốn nhiều tỷ Euro và đây là nhiệm vụ của cả một thế hệ. Một ví dụ, chi phí xây dựng nhà máy điện nguyên tử Würgassen năm 1971 là trên 400 triệu DM. Chi phí để phá dỡ nhà máy này tốn hơn nhiều, dự tính khoảng 700 triệu Euro.
Những nhà máy điện hạt nhân hiện có ở Đức đều đã hết khấu hao, nhà khai thác chỉ cần tính chi phí sản xuất . Giá thành sản xuất một Megawatts giờ điện hạt nhân là 15 đến 20 Euro, ở nhà máy nhiệt điện chạy than hoặc khí thì từ 30 đến 40 Euro.
Nếu để nhà máy điện nguyên tử cuối cùng tiếp tục hoạt động đến năm 2040 thay vì phải đóng cửa vào năm 2022 thì các tập đoàn điện lực sẽ thu được một khoản lợi nhuận lên đến 57 tỷ Euro, nếu giá điện giữ nguyên là 50 Euro một Megawat giờ. Không chỉ có các nhà khai thác mà cả nhà nước cũng được lợi một khoản tiền là 31 tỷ.
30 tỷ để phá dỡ và xử lý
Thay vào khoản thu to lớn đó nay các doanh nghiệp điện lực phải chi khoản tiền khổng lồ để tháo dỡ các nhà máy điện nguyên tử, chi phí cho việc ngừng hoạt động và tháo dỡ cũng như xử lý mỗi nhà máy điện nguyên tử ước khoảng 1,1 tỷ Euro. Bốn tập đoàn điện nguyên tử sẽ phải chi trên 30 tỷ Euro cho việc tháo dỡ và xử lý các nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay Đức vẫn tiếp tục tìm địa điểm cất giữ lâu dài chất thải hạt nhân. Đây là một vấn đề khó khăn, phức tạp vì sự phản ứng của người dân ở gần các địa điểm này.
Xuân Hoài dịch