An toàn của hệ thống điện hạt nhân tại Pháp cần được cải thiện, thông cáo của ASN
PARIS (Reuters) 03/01/2012 – Độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) của Pháp là ổn thỏa, và không cái nào trong số đó bị yêu cầu dừng chạy ngay lập tức, nhưng cần có những đầu tư để phòng ngừa các tình trạng "cực hiểm", theo công bố hôm thứ ba của Cơ quan An toàn hạt nhân (ASN) .
ASN chịu trách nhiệm từ tháng ba năm ngoái, sau thảm họa của trung tâm Fukushima, Nhật Bản, việc kiểm định về độ an toàn trước hết cho 79 cơ sở hạt nhân của Pháp, trong đó có 58 lò phản ứng đang hoạt động, lò phản ứng EPR Flamanville đang được xây dựng, và các cơ sở quản lý nguồn nhiên liệu.
“Sau khi đánh giá thêm về an toàn của các trung tâm hạt nhân đáng lưu ý, ASN cho rằng các cơ sở đã được thanh tra thỏa mãn mức độ đầy đủ về an toàn, không cơ sở nào ở trong tình trạng phải bị dừng hoạt động ngay lập tức “, cơ quan này cho biết trong một thông báo được xuất bản trước khi trình bày các kết quả kiểm định.
“Đồng thời, ASN cho rằng việc tiếp tục hoạt động của các trung tâm này đòi hỏi nâng cao sớm nhất có thể, ngoài biên độ an toàn hiện có, năng lực của các trung tâm này để đối phó được các tình huống cực hiểm.”
Thủ tướng Francois Fillon, trong một tuyên bố, đã yêu cầu các bộ trưởng liên quan “theo dõi sít sao để đảm bảo rằng các trung tâm hạt nhân này thực hiện được đầy đủ toàn bộ các yêu cầu của ASN trong thời gian biểu đã được quyết định.”
Đối với chủ tịch của ASN, André-Claude Lacoste, các biện pháp bắt buộc cho việc vận hành các trung tâm này sẽ là “to lớn”.
“Chỉ cần một ví dụ: một tổ máy phát diesel phụ đề phòng có giá từ 30 triệu đến 50 triệu euros. Mỗi lò phản ứng phải được cung cấp một tổ máy này, và như thế tổng chi phí sẽ vào khoảng hai tỷ euro,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Monde.
NHIỀU TỶ EUROS CHO ĐẦU TƯ
Báo cáo của ASN chi tiết hóa, rằng EDF (hãng điện lực Pháp), nhà điều hành của 58 lò phản ứng, phải trình bày trước ngày 30 tháng 6 tới các năng lực cho phép để thiết lập được một “lõi cứng” trong mỗi trung tâm hạt nhân để “làm chủ được các chức năng an toàn cơ bản trong những tình huống cực hiểm. “
ASN nói thêm trong báo cáo của mình, rằng EDF phải thiết lập dần được từ nay đến cuối năm 2014 “lực lượng phản ứng nguy cấp về hạt nhân”, thiết chế này phải thỏa mãn việc đảm bảo sơ tán các nhóm làm việc khỏi một cơ sở gặp sự cố và cung ứng các nguồn lực ứng phó khẩn cấp trong vòng 24 giờ.
Việc kiểm định trong những tháng gần đây đã tạo nên một cuộc tranh luận về việc có nên đóng cửa nhà máy Fessenheim (Haut-Rhin), trung tâm hạt nhân lâu đời nhất của Pháp, hoạt động từ năm 1978.
Trước khi đưa ra báo cáo này của ASN, bộ trưởng bộ sinh thái, Nathalie Kosciusko-Morizet, đã không loại trừ một quyết định đóng cửa nhà máy này nếu chi phí của việc bảo dưỡng nâng cao an toàn cho nó tỏ ra quá đắt.
“Chỉ có hai giải pháp: hoặc ASN khuyến cáo đóng cửa, và sau đó sẽ đóng cửa, hoặc ASN khuyến cáo các công việc quan trọng phải thực hiện và sau đó sẽ có một sự lựa chọn giữa thi hành công việc đầy đủ, hoặc đóng cửa nếu công việc đó tỏ ra quá đắt “, bà nói trên kênh RMC BFM-TV.
Chỉ còn bốn tháng rưỡi nữa là đến vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống, các kết quả kiểm định của ASN sẽ châm ngòi cho các cuộc tranh luận về tương lai của điện hạt nhân ở Pháp, trong khi một số nước, trong đó có Đức, đã công bố quyết tâm đóng cửa các lò phản ứng của họ sau thảm họa của Fukushima.
Ở Pháp, điện hạt nhân cung cấp gần ba phần tư của sản lượng điện, và khoảng 18% tổng thể năng lượng được tiêu thụ../.
HOÀNG Hồng-Minh chuyển ngữ
Benjamin Mallet và Marc Angrand (http://fr.news.yahoo.com)