Argentina: Mong chặn đứng khủng hoảng khoa học

Hàng trăm nhà khoa học Argentine đang hi vọng vào khả năng chặn đứng khủng hoảng khoa học của tân tổng thống quốc gia này, đảo ngược tình thế mà chính quyền bảo thủ của tổng thống Mauricio Macri đã đưa tới.

 

Tuy nhiên, ưu tiên đầu tiên của Alberto Fernández sẽ là vực dậy nền kinh tế đang chao đảo của Argentina. Và không rõ là những lo ngại của các nhà khoa học sẽ được giải quyết vào thời điểm nào – hoặc hiệu quả ra sao.

Khoa học Argentina đang đứng trước nhiều khó khăn, dù rằng trong quá khứ đã có những giai đoạn được tập trung đầu tư, ví dụ dưới thời tổng thống Cristina Fernández de Kichner – người nắm quyền từ năm 2007 đến năm 2015 ngay sau nhiệm kỳ của chồng mình Nestor Kirchner (2003-2007), đã thiết lập bộ Khoa học đầu tiên của đất nước này. Bà cũng là người tăng số lượng học bổng cho các sinh viên và cam kết tạo thêm nhiều vị trí công việc của Hội đồng KH&KT quốc gia (CONICET). Năm quyền vào tháng 11/2015, tổng thống Macri đã giải thể Bộ Khoa học và cắt các vị trí việc làm mới ở CONICET xuống còn 1/3 ngay trong năm đó. Một số cắt giảm đáng chú ý khác là kinh phí đầu tư cho khoa học khiến cho các phòng thí nghiệm phải nỗ lực xoay xở để duy trì những dịch vụ cơ bản như bảo trì thiết bị, tiền điện nước, an ninh…

Khoảng 11.000 thành viên của cộng đồng khoa học Argentina đã ký tên vào thư ngỏ ủng hộ Alberto Fernández, bức thư do KH&CN Argentina (CyTA) – một nhóm vận động thành lập năm 2016 để phản đối chính sách cắt giảm đầu tư cho khoa học của ông Macri. “Bốn năm bị cắt giảm kinh phí đầu tư đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc nghiên cứu, nó có thể bị chặn đứng với một chính phủ mới”, Rolando González-José, một nhà sinh học tại Trung tâm vùng Patagonia ở Puerto Madryn và thành viên của CyTA, nói.

Nhưng dẫu cho Fernández và Kirchner đều là những người ủng hộ nhiệt thành cho “sự gia tăng hiểu biết” và gia tăng sự đầu tư cho nghiên cứu, thì mọi việc chưa hẳn đã hoàn hảo. Kirchner đã từng đối mặt với vấn đề tham nhũng, bao gồm cả những cáo buộc bà liên quan đến hối lộ và  thao túng dữ liệu tài chính trong thời gian cầm quyền. Và những người bỏ phiếu cũng bị chia rẽ về những người mình ủng hộ, như Macri hay Kirchner, là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế hiện nay của Argentina, khiến cho đồng peso mất giá và lạm phát gia tăng. Ví dụ, nhà sinh học Argentina Marina Simian đã từng thất vọng vì những cắt giảm đầu tư dưới thời Macri và từng tham gia một phiên bản trò chơi “Ai là triệu phú” để có tiền mua hóa chất vật ưự cho phòng thí nghiệm nghiên cứu về ung thư của cô tại trường đại học quốc gia San Martin, đã quyết định bỏ phiếu cho Macri. Nguyên nhân dẫn đến lựa chọn này vì cô lo ngại chiến thắng của Fernández-Kirchner sẽ dẫn đến một chính phủ độc đoán hơn và thiếu minh bạch hơn. Và dẫu cho Simian từng chỉ trích quan điểm về khoa học của Macri nhưng cô cho rằng từ trước khi Marci nhậm chức thì các nhà khoa học đã phản đối về lương thấp và ít tài trợ cho nghiên cứu. “Chúng tôi không rơi xuống địa ngục trong vòng 4 năm qua mà chúng tôi đã ở đó rồi, do đó chúng tôi cảm thấy tình hình càng tồi tệ hơn”.

Mario Pecheny, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Buenos Aires và phó chủ tịch phụ trách các nhiệm vụ khoa học CONICET, nghĩ chiến thắng của Fernández sẽ đóng vai trò tích cực cho khoa học nước này. “Tôi không hoàn toàn đảm bảo chính phủ mới sẽ làm tất cả những gì chúng ta muốn họ làm nhưng tôi nghĩ sẽ có nhiều điểm chính phủ làm thuận lợi hơn cho khoa học phát triển”.

Tô Vân lược dịch

Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2019/10/argentine-scientists-rally-behind-favorite-sunday-s-presidential-election

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)