Argentina, một đất nước phi khoa học?

Javier Milei, người từng tuyên bố sẽ cắt giảm tài trợ cho khoa học và thậm chí là đóng cửa cơ quan tài trợ quan trọng của khoa học đất nước, đã thắng cử và trở thành Tổng thống Argentina. Theo nhiều nhà khoa học, Argentina có thể trở thành một quốc gia phi khoa học.

Javier Milei. Ảnh: GettyImages

Argentina có thể đang bước vào một kỷ nguyên mới. Sau vòng bỏ phiếu bầu cử lần thứ hai, ứng cử viên Đảng Tự do cánh hữu Javier Milei đã trở thành Tổng thống với 56% phiếu bầu. Kể từ khi trở thành quốc gia dân chủ vào năm 1983, Argentina thường được đặt dưới sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo kiểu Peron – những nhà chính trị chủ yếu dựa vào đường lối do cựu Tổng thống Juan Perón khởi xướng, nhấn mạnh vào công bằng xã hội và quyền cho người lao động. Tuy nhiên ứng cử viên theo phong cách Peron là Bộ trưởng Bộ Kinh tế của chính phủ hiện hành Sergio Massa lại thua cuộc trong vòng bầu cử thứ hai do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đeo bám.

Kết quả bầu cử đem đến nhiều bất định cho cộng đồng khoa học Argentina. Milei và những thành viên khác của Đảng Tự do, La Libertad Avanza, đã cam kết đóng cửa hoặc có thể tư nhân hóa cơ quan khoa học chính của đất nước, Hội đồng nghiên cứu KH&CN quốc gia (CONICET), cũng như loại bỏ các Bộ Sức khỏe, Khoa học, Môi trường. Milei từng đánh giá CONICET “không đem lại lợi ích” và phải “làm sạch những điều ngu ngốc mà các nhà khoa học đã viết ra”. CONICET “sẽ không tồn tại lâu nữa”, ông ta hứa hẹn. Milei coi các nhà khoa học chỉ hưởng lương mà không làm việc và đề xuất là họ phải “tự kiếm lấy miếng ăn bằng mồ hôi của mình”. Trong khi đó, mức lương dành cho các nhà khoa học Argentina thấp nhất trong khu vực, Alejandra Capozzo, nhà miễn dịch học và phụ trách Phòng thí nghiệm Miễn dịch học thú y ứng dụng của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật quốc gia (INTA) nhận xét, và cho biết là việc cắt giảm có thể đẩy nhiều nhà khoa học, bao gồm chính cô, xem xét “theo đuổi một con đường khác” và thậm chí là rời khỏi đất nước. 

CONICET, nơi cung cấp tài trợ cho khoảng 12.000 nhà khoa học tại 300 viện nghiên cứu khắp Argentina với tổng kinh phí hằng năm vào khoảng 80 tỉ peso (tương đương 400 triệu USD), là một trong số các viện nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ Latin. Trước cầu bầu cử, giám đốc 16 trung tâm nghiên cứu của CONICET đã nói trong một thông cáo báo chí là “Javier Milei sẽ đưa chúng ta trở thành một quốc gia phi khoa học”.

Nhiều nhà khoa học trong đất nước ủng hộ Massa hoặc kêu gọi những người khác không bỏ phiếu cho Milei. Họ cũng tổ chức những cuộc biểu tình chống lại Milei.

Bên ngoài Argentina, các nhà nghiên cứu đã biểu lộ sự phản đối của mình trước các ý tưởng của Milei trong cuộc bầu cử. Ví dụ Mạng lưới Khoa học Liên Mỹ, bao gồm các viện hàn lâm ở châu Mỹ, từ Canada, Mỹ đến Argentina và Chile, công bố một tài liệu, trong đó có viết “Khoa học không phải là một khoản chi tiêu mà là một khoản đầu tư”, và cho biết thêm là nghiên cứu của CONICET “đã đem đến những giải pháp trực tiếp cho các vấn đề của đất nước”. 

Chiến thắng của Milei “không phải là tin tốt cho khoa học, giáo dục công, các trường đại học, văn hóa, môi trường và quyền con người ở Argentina”, theo nhận xét của Alberto Kornblihtt, một nhà sinh học phân tử tại Viện Nghiên cứu Vật lý, sinh học phân tử và Khoa học thần kinh, trường Đại học Buenos Aires, từng nhận được tài trợ từ CONICET.

Một tay mơ chính trị

Milei — từng là một cố vấn kinh tế cho HSBC Holdings, một công ty ngân hàng và tài chính có trụ sở tại London – là một tay chơi mới nổi của chính trị Argentine. Ông mới chỉ gia nhập làng chính trị từ năm 2021 khi trở thành thành viên ở Hạ viện của Quốc hội. Milei thường được so sánh với lãnh đạo Đảng Bảo thủ như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, và ông ta từng tuyên bố ngưỡng mộ cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Phản hồi tình trạng lạm phát cao hơn 140% của Argentina và nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF hàng tỉ USD, Milei hứa hẹn cắt giảm chi tiêu của chính phủ lên tới 15% GDP Argentina (Argentina là nền kinh tế lớn thứ ba của châu Mỹ Latin). Milei cũng đã nói cân nhắc về việc liệu có bãi bỏ các hệ thống sức khỏe công và giáo dục công trên toàn đất nước hay không.

Các nhà khoa học biết là đất nước đang trong cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhưng họ cũng biết là việc đầu tư cho khoa học là một trong những giải pháp tốt nhất có thể. “Điều quan trọng là chính quyền do dân bầu cử phải nhận thức được KH&CN phải là một chính sách quốc gia”, Gabriel Rabinovich, một nhà sinh hóa tại Viện Nghiên cứu Y học thực nghiệm và Sinh học ở Buenos Aires từng nhận được tài trợ từ CONICET, nói. Argentina có thể không chỉ nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nhiều quốc gia trên toàn cầu, Rabinovich nói. “Chúng tôi có những tài năng và tiềm năng phát triển khoa học tiên tiến của chúng tôi”.

Các nhà khoa học cho biết họ đang chuẩn bị. “Thời kỳ tới sẽ yêu cầu sự bảo vệ việc đầu tư công cho khoa học”, nhà vi trùng học Humberto Debat của Viện Bệnh học cây trồng tại INTA, nói. “Chúng ta phải bảo vệ những gì chúng ta có bởi vì Milei đã cam kết hành động chống lại nó”, nhà y sinh Nadia Chiaramoni của trường Đại học Quốc gia Quilmes khẳng định. 

Một bước lùi lớn

Quan điểm của Milei coi biến đổi khí hậu là “một cú lừa bịp xã hội” cũng gây lo ngại trong cộng đồng khoa học. “Quan điểm của ông ta là một dạng phủ nhận”, Matilde Rusticucci, một nhà khoa học khí quyển tại ĐH Buenos Aires, người từng tham gia ban soạn thảo đánh giá khí hậu toàn cầu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu kể từ năm 2004. Milei đã từng nói là các công ty phải được phép gây ô nhiễm các dòng sông “bao nhiêu tùy thích”. Milei “đang phủ nhận giá trị của khoa học, giá trị của môi trường, bác bỏ biến đổi khí hậu”, Rusticucci nói. “Chính phủ của ông ta sẽ là một bước lùi lớn cho toàn bộ cộng đồng khoa học, cho mọi thứ tiên tiến vốn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực gây dựng.”

Theo Pilar Bueno, người từng nghiên cứu về quan hệ quốc tế và đàm phán khí hậu tại trường Đại học Rosario Argentina, một ngôi trường nhận được tài trợ của CONICET. “một chính sách khí hậu đem đến một cơ hội kinh doanh vẫn có thể được Milei xem xét. Tuy nhiên nếu chỉ xét đó như một cơ hội kinh doanh mà không có những biện pháp an toàn thích hợp thì có thể sẽ tạo ra rất nhiều hiệu ứng tiêu cực”, bà nói.

Tuy nhiên vẫn cần chờ xem có bao nhiêu ý tưởng của Milei sẽ được đưa vào thực tế. Ông ta sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 10/12 tới.

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn: https://www.nature.com, science.org

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 47)

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)