Ba nét nổi bật về Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016
Trong khuôn khổ các sự kiện nhân Ngày KH&CN Việt Nam, lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 đã được tổ chức vào ngày 18/5 với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và nhiều nhà quản lý, nhà khoa học. Năm nay, giải chính giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao cho GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (ĐH Bách khoa Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), giải trẻ thuộc về TS. Phùng Văn Đồng (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
Tia Sáng trích đăng bài phát biểu của GS.TS Đinh Dũng (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN), Phó chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu và diễn từ của GS. TS Nguyễn Văn Hiếu tại lễ trao giải thưởng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho hai nhà khoa học đoạt giải chính GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (phải) và PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (trái).
Nét nổi bật đầu tiên của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 là khác với các năm trước đây cả hai giải thưởng chính đều thuộc các nhà khoa học có tuổi đời còn trẻ. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, cơ hội được nhận giải thưởng chính là như nhau đối với các nhà khoa học “lão làng” đã có bề dày trong nghiên cứu khoa học cũng như các nhà khoa học trẻ.
Điểm nổi bật thứ hai là các công trình khoa học mà tác giả chính của chúng được trao giải thưởng được tài trợ và thực hiện trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu cơ bản thực hiện trong nước. Đặc biệt các công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu và TS Phùng Văn Đồng có các đồng tác giả hoàn toàn là các đồng nghiệp Việt Nam và hoàn toàn được thực hiện ở Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, hai công trình này được trích dẫn nhiều lần kể từ khi xuất bản: công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (2012) được trích dẫn 69 lần và của TS Phùng Văn Đồng (2013) được trích dẫn 19 lần (không tính tự trích dẫn). Điều này chứng tỏ các công trình khoa học này được các đồng nghiệp quốc tế rất quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến các công trình cùng lĩnh vực nghiên cứu.
Điểm nổi bật thứ ba là các công trình khoa học của hai giải thưởng chính đều thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất lớn. Công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu thuộc lĩnh vực Khoa học Vật liệu (Vật lý) đưa ra phương pháp mới chế tạo nano thứ cấp có khả năng mở rộng được ứng dụng không những trong nano cảm biến nhạy khí mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như linh kiện điện tử nano, pin năng lượng. Công trình khoa học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh thuộc lĩnh vực Khoa học Thổ nhưỡng và Đất, nghiên cứu được cấu trúc phytolith được hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây lúa, từ đó đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt có thể áp dụng được trên quy mô đại trà các vùng đồng bằng trồng lúa.
Ngoài ra, công trình khoa học của nhà khoa học trẻ TS Phùng Văn Đồng thuộc lĩnh vực thiên văn học và vật lý năng lượng cao có ý nghĩa lý thuyết rất cao, góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ, đã phát triển và hiệu chỉnh mô hình chuẩn đã có 3-3-1 của vật chất tối trong vũ trụ thành mô hình 3-3-1-1 thông qua sử dụng các tính chất đối xứng.
Quy trình xét chọn công trình đề tặng giải thưởng diễn ra một cách chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Với một Hội đồng giải thưởng chủ yếu gồm các nhà khoa học tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực khoa học liên quan đến giải thưởng và một số nhà khoa học quốc tế có uy tín, các công trình được đánh giá qua uy tín của tạp chí chuyên ngành mà công trình đã được đăng và nội dung khoa học nổi trội của công trình dựa trên ý kiến của các phản biện và được các hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia sơ tuyển. Mỗi công trình đều được gửi xin đánh giá của hai nhà khoa học uy tín trong nước và hai nhà khoa học quốc tế uy tín. Và cuối cùng, các công trình được tặng giải thưởng đều nằm trong top đầu của hàng trăm các tạp chí ISI có uy tín trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả ở tầm cỡ quốc tế.
Giải thưởng danh giá này không những là niềm vinh dự mà còn là động lực mới đối với bản thân cũng như cho các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam. Đặc biệt, nó là nguồn cảm hứng và động lực mới cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ ĐH Bách khoa HN nói riêng và ở các Viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam nói chung, tiếp tục đẩy mạnh việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế ISI, đưa hệ thống Viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam tiến kịp các trường đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của tôi khi tham gia giải thưởng này.
Để có được niềm vinh dự trong ngày hôm nay, tôi thấu hiểu rất rõ rằng: ngoài sự kiên trì bền bỉ, đam mê nghề nghiệp và những nỗ lực hết mình của bản thân cũng như các thành viên trong nhóm nghiên cứu của tôi, những nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên đã và đang tham gia nghiên cứu và học tập tại nhóm nghiên cứu. Nếu không có họ, một mình tôi không thể làm nên thành công này.
Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED (Bộ KH&CN), nơi đã tài trợ hầu hết cho các công bố quốc tế của tôi và nhóm nghiên cứu từ năm 2010 đến nay, để tôi có được công trình xuất sắc tham gia giải thưởng danh giá này.
Nguyễn Văn Hiếu