Bất hợp lý trong chi NSNN cho KH&CN tại các địa phương
Mặc dù Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác quản lý KH&CN và ý kiến của Bộ KH&CN là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động KH&CN, nhưng trong thực tế chỉ có 30% kinh phí rơi vào những hoạt động do Bộ KH&CN đề xuất.
Như vậy, 70% Ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động KH&CN là do chủ kiến của Bộ Kế hoạch và đầu tư mà hoàn toàn không căn cứ theo đề xuất của Bộ KH&CN, theo lời Bộ trưởng Nguyễn Quân – Bộ KH&CN trong Hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN được Bộ KH&CN tổ chức hôm 09/03 tại Hà Nội. Bất cập lạ lùng này đã và đang gây ra những xu hướng đáng lo ngại trong thực trạng phân bổ kinh phí khoa học của Nhà nước tại các địa phương.
Theo ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng – Trưởng Ban KH&CN Địa phương, những năm gần đây, nguồn kinh phí KH&CN từ NSNN chi cho sự nghiệp khoa học và nghiên cứu phát triển (R&D) đang giảm trong khi chi cho các mục đích dự phòng và quốc phòng an ninh đang ngày càng tăng. Mặc dù xu hướng này không thật sự có lợi cho sự phát triển lâu dài của nền khoa học và công nghệ của nước nhà, nhưng Bộ KH&CN không thể can thiệp hoặc điều chỉnh vì có quá nhiều hạng mục chi NSNN cho KH&CN mà Bộ KH&CN không đề xuất và cũng không được theo dõi quản lý.
Giữa đề xuất của Bộ và các Sở KH&CN về quy mô, nội dung chi NSNN cho KH&CN tại các địa phương và thực tế nguồn kinh phí được phân bổ có sự chênh lệch rất lớn. Đơn cử như ở tỉnh Ninh Thuận, Sở KH&CN đề xuất mức chi cho hoạt động KH&CN năm 2012 là 84 tỷ VND, nhưng thực tế địa phương chỉ được phân bổ 6 tỷ VND, và trong bản thân số tiền được giải ngân này, có tới 4 tỷ VND bị các ban ngành khác ‘mượn tạm’ để chi vào mục đích khác ngoài KH&CN. Như vậy, số tiền NSNN thực chi cho KH&CN ở địa phương chỉ là 2 tỷ VND, và chỉ đủ để trả những khoản nợ từ các dự án KH&CN của năm cũ, ông Lê Kim Hùng, giám đốc Sở KH&CN Ninh Thuận cho biết.
Trái ngược với Ninh Thuận và một số địa phương khác nơi nguồn kinh phí từ NSNN phân bổ cho KH&CN chỉ chiếm vài phần trăm nhu cầu được đề xuất qua Bộ KH&CN, lại có những tỉnh thành nơi nguồn ngân sách cho KH&CN được phân bổ cao gấp vài lần so với nhu cầu đề xuất, trong đó có nhiều nội dung chi nằm ngoài mục đích chi cho KH&CN, ông Hồ Ngọc Luật nhận định.
Trong khi thực trạng chi NSNN cho KH&CN tại các địa phương còn nhiều bất cập, nguồn kinh phí huy động từ các quỹ phát triển KH&CN lại càng hạn chế. Hiện nay, trong số 63 tỉnh thành trên cả nước, mới chỉ có 29 tỉnh thành lập được quỹ này.
Mặt khác, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động KH&CN ở địa phương cũng không cao. Theo ông Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn, bất cập nổi cộm hiện nay tại các địa phương là thiếu cơ sở pháp lý điều chỉnh công tác quản lý KH&CN giữa cấp tỉnh và cấp huyện, trong khi hầu hết mọi hoạt động KH&CN tại các địa phương khi triển khai đòi hỏi sự tham gia của chính quyền cấp huyện. Theo ông Ninh, thực trạng này cùng với yếu kém của các trung tâm ứng dụng công nghệ đã khiến rất nhiều công trình nghiên cứu của các Viện, trường không thể triển khai được ở các địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ThS Bùi Quý Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hội nhập KH&CN Quốc tế, hoạt động tư vấn về đầu tư cho KH&CN tại các địa phương còn chịu khá nhiều rủi ro, trong đó đáng kể là những vấn đề như: chính quyền địa phương tự đặt ra những mục tiêu ảo không phù hợp với thực tế; các đơn vị tại địa phương ít có tinh thần cộng tác; hoạt động sản xuất tại các địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán, khó tập trung nguồn lực; và phí tư vấn khó thu hồi.
Trước những bất cập trong quản lý KH&CN tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã yêu cầu các đơn vị của Bộ KH&CN: (1) Sớm nghiên cứu đề xuất từ các Sở KH&CN và các đơn vị quản lý liên quan để sớm đưa ra câu trả lời thích đáng; (2) Nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn các địa phương tự đánh giá năng lực phát triển KH&CN về tổng thể trên địa bàn cũng như từng doanh nghiệp cụ thể, thẩm định giá trị các công nghệ nhằm từng bước hình thành thị trường công nghệ của từng vùng; (3) Tìm hiểu nhu cầu cụ thể của từng địa phương gắn với thực hiện các chương trình KH&CN của quốc gia.