Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Những vấn đề lớn cần giải quyết

Biến đổi khí hậu dường như không còn xa lại đối với mọi người dân Việt Nam, và trong nhiều trường hợp nó được vận dụng hoặc vô thức hoặc có chủ ý vào việc giải thích những gì đã, đang và sẽ xảy ra đối với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường. Nhưng trên thực tế, biến đổi khí hậu diễn ra ở Việt Nam như thế nào và chúng ta có thể ứng phó gì trước những hệ lụy mà nó gây ra?

Trước hết, chúng ta thấy rằng ở qui mô khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ, cốt lõi của bài toán nghiên cứu biến đổi khí hậu là xây dựng được chiến lược các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hợp lý, đặc biệt ở những nơi được cho là có mức độ tổn thương cao. Muốn vậy cần có các kịch bản biến đổi khí hậu với đầy đủ thông tin cần thiết, cả về độ phân giải không gian cũng như độ tin cậy và tính bất định của các kịch bản.

Việt Nam với hơn 3000 km bờ biển, nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hằng năm phải đối mặt với sự hoạt động của bão, xoáy thuận nhiệt đới, chịu tác động của nhiều loại hình thời tiết phức tạp. Các hiện tượng thiên tai khí tượng xảy ra hầu như quanh năm và trên khắp mọi miền lãnh thổ. biến đổi khí hậu và nước biển dâng dường như đã có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường. Làm rõ được khí hậu Việt Nam đã, đang và sẽ biến đổi như thế nào, từ đó đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp, chiến lược và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ góp phần phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Biểu hiện trong quá khứ và dự tính cho tương lai

Dù được tiến hành từ những thập niên 1990 của thế kỷ trước, nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ thực sự được quan tâm từ sau năm 2000. Các công trình nghiên cứu cũng đã dần dần đi vào chiều sâu về bản chất vật lý và những bằng chứng của sự biến đổi khí hậu. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy khí hậu Việt Nam đã có những dấu hiệu biến đổi rõ rệt. Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0.5ºC trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam lãnh thổ. Bộ số liệu quan trắc hằng ngày từ mạng lưới các trạm khí tượng trên 7 vùng khí hậu Việt Nam giai đoạn 1961-2007 cho thấy, xu thế tăng của nhiệt độ tại các trạm quan trắc trên lãnh thổ Việt Nam phổ biến vào khoảng 0.15-0.25ºC/thập kỷ và có sự khác nhau giữa các trạm. Khác với nhiệt độ, lượng mưa năm có xu thế giảm ở khu vực phía Bắc và tăng ở phía Nam, nhất là Nam Trung Bộ. Nam Bộ mặc dù có xu thế mưa tăng nhưng hầu như rất nhỏ và không thỏa mãn mức ý nghĩa 10%. Cùng với xu thế tăng của nhiệt độ và sự biến đổi của lượng mưa, các hiện tượng cực đoan liên quan đến chúng cũng đã có những dấu hiệu biến đổi khá rõ: số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên và số ngày rét đậm có xu thế giảm đi; lượng mưa ngày cực đại và tương ứng là số ngày mưa lớn tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu; tần suất bão hoạt động có biểu hiện tăng lên ở các vùng biển phía Nam. 


Phân bố không gian của biến đổi lượng mưa trung bình tháng trên toàn lãnh thổ Việt Nam dự tính theo tổ hợp các mô hình cho thời kỳ 2046-2065 (MF) và theo các kịch bản phát thải RCP4.5 và RCP8.5.


Phân bố không gian của biến đổi lượng mưa trung bình tháng trên toàn lãnh thổ Việt Nam dự tính theo tổ hợp các mô hình cho thời kỳ 2080-2099 (FF) và theo các kịch bản phát thải RCP4.5 và RCP8.5.

Thông thường, dự tính khí hậu tương lai cho một khu vực cụ thể thường được thực hiện bằng cách hạ qui mô động lực (dynamical downscaling) sử dụng các mô hình khí hậu khu vực (RCM) với số liệu điều kiện biên là sản phẩm dự tính của các mô hình khí hậu toàn cầu, hoặc hạ qui mô thống kê (statistical downscaling). Mỗi phương pháp hạ qui mô đều có những ưu, nhược điểm riêng. Với sự phát triển vượt bậc về năng lực tính toán và lưu trữ của các hệ thống máy tính, việc sử dụng các RCMs để hạ qui mô ngày càng được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu biến đổi khí hậu. Trong mỗi mô hình đơn lẻ luôn tồn tại những điểm mạnh và những điểm yếu khiến cho “không một mô hình nào được xem là tốt nhất và việc sử dụng kết quả từ nhiều mô hình là quan trọng”. Nếu sai số của các mô hình khác nhau là độc lập, thì trung bình tổ hợp của các mô hình có thể được kỳ vọng sẽ tốt hơn mỗi thành phần riêng lẻ, do vậy sẽ cung cấp một dự tính “tốt nhất”. Bởi vậy, để giảm bớt tính bất định, với cùng một kịch bản phát thải, sản phẩm dự tính của nhiều mô hình khác nhau thường được sử dụng để xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận tổ hợp có nhiều ưu điểm nhưng lại rất phụ thuộc vào năng lực tính toán của hệ thống máy tính cũng như đòi hỏi sự đầu tư theo chiều sâu về nhân lực và thiết bị. Ở Việt Nam, việc sử dụng phương pháp tổ hợp để xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đã bắt đầu được áp dụng cho phiên bản mới nhất.

Tính bất định trong kết quả dự tính khí hậu từ các mô hình khu vực thể hiện không những trong từng trường hợp cụ thể mà còn phụ thuộc cả vào bản thân động lực học và các tham số hoá vật lý của mô hình; phụ thuộc vào khu vực, thời điểm, kích thước miền tính, độ phân giải; phụ thuộc vào các kịch bản phát thải; và phụ thuộc vào điều kiện ban đầu và điều kiện biên từ các mô hình toàn cầu.

Do đó, việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu nếu chỉ dựa trên kết quả dự tính của một số ít mô hình có thể sẽ dẫn đến những kết luận không đầy đủ do tính bất định cao của sản phẩm dự tính. Tính bất định không chỉ tiềm ẩn trong sai số của mô hình mà còn chứa đựng trong các kịch bản phát thải. Vì vậy, để có các kịch bản biến đổi khí hậu đủ độ tin cậy cần phải sử dụng sản phẩm dự tính từ nhiều mô hình khác nhau, kể cả mô hình khu vực và mô hình toàn cầu. Trong trường hợp ở đây, do chỉ mới sử dụng sản phẩm của mô hình RegCM với các đầu vào từ 6 mô hình toàn cầu nên chưa đưa ra được độ tin cậy. Tuy nhiên nếu lấy sản phẩm tổ hợp của các mô hình làm căn cứ để xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu thì độ tin cậy của kịch bản nhận được vào khoảng 50%.

Thông thường, các kịch bản biến đổi khí hậu có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhưng chung quy lại là để xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu. Bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc giảm thiểu biến đổi khí hậu nói chung mang tính toàn cầu và đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả cộng đồng quốc tế về vấn đề cắt giảm phát thải khí nhà kính. Thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính địa phương mà thông tin từ các kịch bản biến đổi khí hậu là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược. Bởi vậy, để có được kế hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hợp lý cần phải có những kịch bản đầy đủ thông tin về độ tin cậy của từng kịch bản. Những kịch bản có độ tin cậy cao thường được sử dụng để xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hạn, tuy vậy không vì thế mà bỏ qua những kịch bản có độ tin cậy thấp. Do tính bất định trong kết quả dự tính của các mô hình nên không thể nói số ít mô hình không đồng thuận với đa số mô hình còn lại là sai. Ngược lại, kết quả của số ít mô hình đó vẫn có thể xảy ra. Việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu có tính đến những kịch bản có độ tin cậy thấp chính là nội dung của bài toán quản lý rủi ro.

Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến nhiều tình huống khó lường. Các kết quả dự tính biến đổi khí hậu chính là các khả năng có thể xảy ra. Việc sử dụng kết quả từ nhiều mô hình khi xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu sẽ cho phép nhận diện được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Các kế hoạch, chiến lược hành động thích ứng với biến đổi khí hậu có tính đến các tình huống xấu nhất đó sẽ giúp cho các nhà quản lý và cộng đồng có thể chủ động ứng phó. Và như vậy, kịch bản biến đổi khí hậu được xây dựng từ kết quả dự tính của càng nhiều mô hình càng đảm bảo độ độ tin cậy, giảm tính bất định và có đầy đủ thông tin cho bài toán quản lý rủi ro khí hậu.

Chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu

Ở Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu cũng đã được nhận thấy qua nhiều dấu hiệu, bằng chứng. Trước hết, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu trong nhiều năm gần đây có thể được cho là có liên quan đến sự biến đổi của các hệ thống hoàn lưu khí quyển, đại dương qui mô lớn cũng như sự biến đổi trong hoạt động của gió mùa châu Á. Bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam và có quĩ đạo phức tạp, khó dự báo hơn. Hạn hán, lũ lụt dường như xảy ra bất thường hơn. Hiện tượng nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài các đợt. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ kéo dài các đợt có dấu hiệu gia tăng. Nhìn chung, biến đổi khí hậu dường như đã làm gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội và môi trường. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện, định lượng hóa những tác động đó vẫn đang còn là vấn đề thách thức.

Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu có lẽ cũng cần phải nhìn nhận ở hai góc độ: 1) Tác động của khí hậu biến đổi từ từ (hay biến đổi chậm), chẳng hạn sự tăng lên dần của nhiệt độ, sự giảm đi dần của tổng lượng mưa năm, sự dịch chuyển dần của mùa mưa, mùa nóng, mùa lạnh, hoặc sự dâng lên dần của mực nước biển,…; 2) Tác động của sự biến đổi về mức độ dao động của khí hậu, hay sự biến đổi của biên độ và tần số dao động nhiều năm của các yếu tố và hiện tượng khí hậu. Sự biến đổi này liên quan chặt chẽ với sự biến đổi của các hiện tượng khí hậu cực đoan. Chẳng hạn, do biên độ dao động của nhiệt độ tăng lên nên số ngày nắng nóng cũng như cường độ của các đợt nắng nóng sẽ tăng lên, kéo dài hơn, số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng các đợt rét đậm, rét hại với cường độ mạnh hơn (hay rét sâu hơn) cũng có thể tăng lên,… Sự biến đổi trong dao động mực nước biển cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm.&n

Trong trường hợp thứ nhất (biến đổi chậm), con người và các hệ sinh thái nói chung có thể tự thích nghi dần, nhưng một số loài nếu không có khả năng hoặc không có điều kiện thích nghi sẽ dần biến mất dẫn đến bị diệt vong. Sự nguy hiểm do tác động tiêu cực gây nên bởi sự biến đổi chậm này là chỉ có thể nhận thấy chúng sau một khoảng thời gian đủ dài. Nếu không dự tính được thì hệ quả mang lại sẽ rất nặng nề và khó có thể phục hồi. Chẳng hạn, do nhiệt độ tăng lên, khả năng chứa nước của khí quyển cũng tăng theo; hàm lượng hơi nước trong khí quyển lớn cộng với nền nhiệt cao có thể là môi trường thuận lợi cho việc phát sinh và phát triển các chủng loại virus mới gây bệnh, đối với cả con người và các hệ động thực vật. Chiến lược thích ứng với sự biến đổi này là cần phải xây dựng được các kế hoạch, chiến lược dài hạn mà thông thường được lồng ghép vào các phương án qui hoạch phát triển.

Trong trường hợp thứ hai, sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan là nguyên nhân làm gia tăng các hiện tượng thiên tai, cả về tần suất và cường độ, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Thiên tai không những làm thiệt hại về người và của mà còn có thể nhanh chóng hủy hoại cả một vùng, một hệ sinh thái nào đó. Tính chất nguy hiểm của những tác động này là thiên tai xảy ra có thể làm bần cùng hóa hoặc tái bần cùng một bộ phận cộng đồng trong vùng chịu ảnh hưởng, thậm chí trong khoảnh khắc có thể làm sụp đổ mọi nỗ lực của chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước. Thích ứng với biến đổi khí hậu trong trường hợp này là xây dựng các chiến lược, kế hoạch phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường sức chống chịu của cộng đồng, nâng cao chất lượng, độ chính xác của các thông tin dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn,…, xây dựng và bảo đảm độ chính xác, độ ổn định của các hệ thống cảnh báo thiên tai,… là những vấn đề mấu chốt của chiến lược thích ứng với sự biến đổi này.

Thách thức và cơ hội

Có thể nói hiện nay việc nghiên cứu, đánh giá biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu cũng như đề xuất các giải pháp, chiến lược và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Là một nước thuộc khu vực châu Á gió mùa, nằm kề Biển Đông, một bộ phận của ổ bão Tây Thái Bình dương, hằng năm Việt Nam phải chịu ảnh hưởng của nhiều hiện tượng thiên tai có nguồn gốc khí tượng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những tác động xấu và đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (2008-2013), nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đã được triển khai. Một số cơ quan, ban, ngành chuyên phụ trách về vấn đề biến đổi khí hậu cũng đã được thành lập nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về biến đổi khí hậu và tác động của nó. Nhiều dự án do nước ngoài tài trợ được thực hiện nhằm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước những tác động của biến đổi khí hậu. Một số đề tài, dự án nghiên cứu đánh giá biến đổi khí hậu và tác động của nó cũng đã được thực hiện dựa trên các nguồn kinh phí của nhà nước và địa phương, trong đó đáng chú ý là nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và hai Chương trình KH&CN về biến đổi khí hậu (2011-2015 và 2016-2020), nhiều đề tài, dự án đã và đang được triển khai. Khách quan mà nói, các chương trình này đã đem lại những hiệu quả nhất định trong vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. 

Trồng rừng ngập mặn ở Quảng Trị. Nguồn: Báo Đấu thầu.

Về lý thuyết, vấn đề nghiên cứu đánh giá biến đổi khí hậu, tác động của nó và ứng phó với biến đổi khí hậu cần được tiến hành theo một trình tự nhất định. Song những gì đã xảy ra trên thực tế còn tồn tại khá nhiều bất cập. Trước hết, việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cần phải dựa trên thông tin đánh giá biến đổi khí hậu, tức phải biết khí hậu đã và sẽ biến đổi như thế nào. Cho đến nay đã có một số kết quả đánh giá biến đổi khí hậu trong quá khứ và hiện tại, nhưng vẫn chưa đầy đủ, toàn diện so với nhu cầu thực tế, còn việc đánh giá biến đổi khí hậu cho tương lai vẫn đang là một khoảng trống khá lớn. Những gì diễn ra cho thấy điều đó, trước hết nếu không tính đến một số thông báo quốc gia trước năm 2009 thì cho đến nay đã có ba phiên bản về kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đã được công bố: Phiên bản thứ nhất vào năm 2009, phiên bản thứ hai (cập nhật) vào năm 2012, và phiên bản thứ ba công bố vào năm 2016. Có được các phiên bản này là một nỗ lực lớn của Bộ TN&MT nhưng các kịch bản này đều chưa đề cập (phiên bản thứ nhất và thứ hai) hoặc đề cập nhưng chưa đầy đủ (phiên bản thứ ba) đến độ tin cậy hay tính bất định của chúng. Và do đó cơ sở khoa học để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai khi dựa vào các kịch bản này chưa thực sự thuyết phục. Lý do nằm ở chỗ vì chưa biết được mức độ tin cậy của các kịch bản biến đổi khí hậu nên những thông tin trong các kịch bản còn tiềm ẩn tính bất định lớn và chưa đủ cơ sở vững chắc cho bài toán đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Do đó, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng được các kịch bản biến đổi khí hậu có đầy đủ thông tin về độ tin cậy. Độ tin cậy của các kịch bản biến đổi khí hậu chỉ có thể được xác định dựa trên một tập hợp các sản phẩm dự tính khí hậu tương lai.

Nhìn vào các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được công bố. Phiên bản thứ ba công bố năm 2016 đã đánh dấu một bước tiến bộ lớn trong cách tiếp cận xây dựng kịch bản, trong đó sản phẩm của nhiều mô hình đã được sử dụng. Tuy vậy, với số lượng mô hình còn hạn chế nên chưa có được thông tin về độ tin cậy. Hơn nữa, các kịch bản nói chung vẫn chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho bài toán quản lý rủi ro. Có thể xem đó là một thách thức lớn mà chúng ta cần phải vượt qua.
 

Về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, cho đến nay đã có rất nhiều tài liệu, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế, và cả những báo cáo tổng kết các đề tài, dự án nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Các tài liệu này cũng rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ về hình thức, cấp độ và lĩnh vực nghiên cứu. Trong số đó có khá nhiều công trình, tài liệu đưa ra được những bằng chứng cụ thể, rất có sức thuyết phục. Tuy vậy vẫn còn không ít công trình công bố hoặc đánh giá, nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan, định tính, hoặc minh chứng chưa rõ ràng, thậm chí hơi khiên cưỡng, gán ép, “qui kết” cho biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên rất khó để “bóc tách”, định lượng một cách rạch ròi biến đổi khí hậu đóng góp bao nhiêu phần vào sự biến đổi của một thực thể nào đó, nhưng không phải tất cả các đối tượng nghiên cứu bị biến đổi đều có sự đóng góp của biến đổi khí hậu. Đó cũng là một thách thức lớn, song chúng ta có thể vượt qua nếu biết vận dụng kiến thức một cách đầy đủ, chính xác và khách quan.

Trên phương diện khoa học, nguyên nhân, cơ chế tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam thiết nghĩ cũng là lớp bài toán cần phải được làm sáng tỏ. Chẳng hạn, sự dâng cao đột biến của mực nước biển vào các kỳ triều cường phải chăng là do sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân như biến đổi trong chế độ hoàn lưu khí quyển, sự hoạt động của gió mùa hay các quá trình khác trong đại dương, các quá trình địa chất?

Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Với quan điểm nhìn nhận tác động của biến đổi khí hậu ở hai khía cạnh là tác động của sự biến đổi chậm và tác động của các hiện tượng cực đoan, việc thích ứng cũng cần phải có chiến lược, lộ trình và giải pháp phù hợp. Đối với những biến đổi chậm, chiến lược và giải pháp thích ứng phải nhắm tới các mốc thời gian trong tương lai xa hơn được lồng ghép vào trong các dự án qui hoạch, xây dựng và phát triển. Hiển nhiên, trong các dự án qui hoạch phát triển cũng cần xem xét đến tác động của các hiện tượng cực đoan. Thích ứng với các hiện tượng cực đoan gắn liền với bài toán phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trong đó lớp bài toán dự báo khí tượng thủy văn đóng vai trò quyết định, cả dự báo hạn ngắn và hạn dài. Dĩ nhiên rằng bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ có thể được thực hiện sau khi đã có những thông tin đầy đủ về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Bài toán đánh giá biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu không thể thiếu vai trò hợp tác quốc tế. Bên cạnh những nỗ lực của các nhà khoa học cũng như các cơ quan trong nước, cộng đồng quốc tế đã ra sức hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong nghiên cứu và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua khá nhiều dự án quốc tế nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực, tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu. Các đề tài, dự án này nói chung đều có sự tham gia hợp tác của các nhà khoa học từ các nước phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.


Tình trạng ngập lụt bất thường ở Bảo Lộc, Lâm Đồng năm 2019. Nguồn: Thanhnien.

Nói riêng trong nghiên cứu đánh giá biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học của nhiều nước, trong đó có thể kể đến Anh, Na Uy, Đan Mạch, Australia, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức,… Thông qua những hợp tác đó, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, được cung cấp mô hình, và số liệu toàn cầu phục vụ nghiên cứu mô phỏng khí hậu khu vực và xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Một trong những dự án mà sản phẩm được sử dụng để xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2016 là “Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu phân giải cao cho Việt Nam” (2012-2013) do AusAID tài trợ với sự hợp tác giữa CSIRO, trường Đại học KHTN, ĐHQGHN và Viện KH Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. 

Quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế ngày càng nhiều, sự “ngang bằng”, “bình đẳng” cũng dần dần được thể hiện thông qua các công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế, tuy số lượng công trình công bố trên các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu từ các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và từ khu vực Đông Nam Á nói chung còn khá khiêm tốn. 

Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, dân ta có câu “cái khó ló cái khôn”, đứng trước những khó khăn thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, con người Việt Nam đủ thông minh để biến cái bất lợi thành cái lợi, biến thách thức thành cơ hội trong quá trình phát triển. Có khá nhiều minh chứng có thể nêu ra, như thay cho việc không thể trồng lúa trên đất nhiễm mặn, người dân đã biến các cánh đồng “nước lợ” thành nơi nuôi trồng thủy sản mà thu nhập có thể còn cao hơn nhiều.

Những bài toán lớn

Biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp diễn trên toàn cầu mà Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Việt Nam được xếp vào nhóm những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, nghiên cứu biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.

Trong quá khứ, mà ít nhất là trong những thập kỷ gần đây khí hậu Việt Nam đã có những biến đổi rõ rệt, phù hợp với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu. Các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp và đã có tác động xấu đến nhiều vùng miền, lĩnh vực. Kết quả dự tính khí hậu trong tương lai cũng cho thấy nhiệt độ sẽ gia tăng và lượng mưa có xu hướng giảm theo chiều hướng tác động xấu. Bởi vậy, đánh giá biến đổi khí hậu, và xây dựng các kế hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng thời của tất cả các cấp, các ngành, từ cấp quốc gia đến các thôn bản. □
——-
*GS. TS Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, trường đại học KHTN, ĐHQGHN

Tác giả

(Visited 95 times, 1 visits today)