Biến nghịch cảnh thành lợi thế

Sinh ra trong một hợp tác xã nông nghiệp, Shimon Peres cho rằng “nông nghiệp là ngành có đến 95% khoa học công nghệ trong đó, chỉ 5% là sức lao động con người”, và mấu chốt để phát triển là không ngừng thay đổi.

Cũng với góc nhìn đó, ông nhìn thấy tầm quan trọng của công nghệ trong mọi lĩnh vực. Chính ông đã phát triển thành công ngành hạt nhân cho Israel, và trong năm 2005 Israel lọt vào TOP 10 các quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân trên toàn cầu. Nhưng Peres chưa dừng lại ở đó, ông thúc đẩy công tác Nghiên cứu Phát triển của đất nước một cách quyết liệt, đưa Israel đã dẫn đầu thế giới trong tỷ lệ GDP dành cho R&D.  Bên cạnh đó, ông còn hoạch định ra một con đường để các doanh nhân phát triển.

Một doanh nhân Israel từng nói “có nhiều cách để làm kinh doanh, theo đó bạn có thể phát minh ra một sản phẩm gì mới hoặc làm được gì đó mang tính nhân văn. Bạn sẽ có cảm giác mình là một nông dân đang làm kỹ thuật cao, và giá trị đạt bạn được trong cuộc sống không nhất thiết phải là việc kinh doanh thu lợi bao nhiêu tiền cho bản thân”.

Công thức Israel mạnh mẽ như hiện nay là sự pha trộn của lòng ái quốc, nghị lực, liên tục nhận thức về sự khan hiếm và nghịch cảnh của quốc gia, sự tò mò ham hiểu biết của dân tộc Do Thái. Peres nói “đóng góp lớn nhất của Israel cho lịch sử là sự bất mãn liên tục, dân tộc này chẳng bao giờ hài lòng cả. Trong khoa học, đây là đặc trưng quý giá; nhưng trong chính trị thì chưa chắc. Bạn phải thay đổi và lại thay đổi, không ngừng.”

Có thể nói rằng nguyên nhân của sự sáng tạo và tinh thần doanh nhân trong con người Israel là: sự hòa quyện gắn bó mật thiết của các đại học lớn, các công ty tập đoàn lớn, những doanh nghiệp nhỏ mới ra đời và những hệ thống kết nối, phụ trợ trong môi trường kinh doanh: nhà cung cấp, lực lượng lao động, vốn đầu tư mạo hiểm. Không thể không nhắc đến vai trò của Quân đội Israel trong việc hình thành nên lợi thế R&D trong nền kinh tế dân sự. Bên cạnh đó, lý do thành công cũng  phần nào mang tính văn hóa: con người Israel mang tính cá nhân rất cao độ, không lệ thuộc vào tập thể. Điều này không có nghĩa là họ không có tinh thần đồng đội, mà là khả năng lớn để tự mình giải quyết vấn đề. Đó cũng là lý do tại sao các gia đình cũng tự hào khi con cái trưởng thành, phục vụ quân đội xong và là các bác sĩ, kỹ sư; nhưng họ còn tự hào hơn nhiều khi con cái là “những doanh nhân” độc lập. Trở thành doanh nhân mới là chuẩn mực trong xã hội Israel hiện nay. Thành hay bại trong kinh doanh không phải là vấn đề lớn.

Trong kinh doanh nói riêng và mọi lĩnh vực khác của nền kinh tế nói chung, sự sáng tạo là không giới hạn. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều đã nhận ra rằng: có một cách rất hay để hưởng lợi sự sáng tạo của người Israel, đó là đi mua lại một doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập của đất nước này. Họ cũng có thể xây dựng nên một trung tâm R&D tại Israel. Các lựa chọn đều phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Quả thật, mọi doanh nghiệp đều biết rằng thế giới liên tục thay đổi và nền móng cho lợi thế cạnh tranh dài hạn phát xuất từ sự sáng tạo. Phải dám sáng tạo.

Tổng thống Peres nói “Thế giới có thể học hỏi Israel, và Israel cũng học được nhiều từ thế giới, nhưng cả đôi bên đều đã học được rằng điều cẩn trọng nhất là sự liều lĩnh”.

ISRAEL, QUỐC GIA HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
TRONG CÔNG NGHỆ TƯỚI TIÊU

Sau Chiến tranh giành Độc lập 1948, cộng đồng Israel vẫn loay hoay với vấn đề tưới tiêu cho nông nghiệp trong điều kiện khô hạn của vùng miền Nam sa mạc Negev. Mãi đến năm 1965, kỹ sư Simcha Blass và công ty Netafim (từng được nhắc đến trong các chương đầu của sách này) mới phát minh ra hệ thống tưới nước “kiểu nhỏ giọt” và giải quyết được triệt để vấn đề khô hạn cho đất nông nghiệp.

Quả thật, đất nước nào, vùng miền nào cũng có những khó khăn và hạn chế, nhưng điều đáng quan tâm chú ý của Israel là: dân tộc này ưa thích giải quyết vấn đề khó – và khi đã vượt qua được khó khăn thì phải trở thành người dẫn đầu. Người Israel luôn luôn biến nghịch cảnh trở thành lợi thế. Cho đến tận ngày nay, nhiều du khách còn phải kinh ngạc khi nhận thấy 95% diện tích lãnh thổ Israel là khô cằn, nửa khô cằn hoặc rất khô cằn, thế mà Israel lại là quốc gia hàng đầu thế giới trong công nghệ tưới tiêu, với vô số sáng kiến, giải pháp về nước và tái xử lý nước. 70% lượng nước sử dụng là nước thải đã qua xử lý.

Dân Israel đào giếng để tìm nước tưới, họ đào sâu đến hơn nửa dặm, nghĩa là gấp 10 lần chiều dài sân bóng đá để nhận ra là mạch nước ngầm bên dưới vẫn nóng và nhiễm mặn. Không dùng để tưới được, họ lấy thứ nước này để nuôi các loài cá nước ấm. “Không đơn giản chút nào để thuyết phục mọi người rằng vẫn có thể nuôi cá trong vùng sa mạc”, thế nhưng Israel làm được. Cá được đem xuất khẩu và nước thải sau quá trình nuôi cá được dùng làm phân bón cho các hoạt động trồng trọt khác trên cạn.

Một thế kỷ trước, như nhà văn Mark Twain đã mô tả, Israel chỉ là vùng đất của các loại chất thải, khô héo và vô dụng. Nhưng hiện nay, đất nước này có 240 triệu cây trồng. Rừng xuất hiện khắp nơi trong lãnh thổ quốc gia, trong đó lớn nhất là khu rừng Yatir được hình thành ngay trên nền đất khó trồng cây nhất, từng là khu vực nửa hoang mạc trước kia. Rừng Yatir bắt đầu được trồng từ năm 1932, sau nhiều lần các nhà nghiên cứu cố gắng thuyết phục và chứng minh tính khả thi. Hóa ra, 4 triệu cây trong khu rừng này chỉ sống nhờ lượng mưa khoảng 280 milimet trong một mùa mưa của cả năm, nhưng chúng lớn nhanh hơn bình thường vì hấp thụ được nhiều CO2 trong bầu không khí của khu vực. 

Tổng hợp từ cuốn Quốc gia của các công ty non trẻ của Dan Senor và Saul Singer, do Tập đoàn Trung Nguyên tuyển chọn và biên dịch

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)