Bốn vướng mắc cần tháo gỡ

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1558 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, bước đầu tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại năm trường đại học, như trường KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TPHCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực. Tuy nhiên vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn còn gặp bốn vướng mắc cơ bản.

Trước hết, đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân phải có một nhạc trưởng đủ năng lực, tâm huyết được Nhà nước tin giao chuyên biệt với trọng trách quản lý, điều hành chương trình đề án nhằm thu thập, tổng hợp các ý kiến, quan điểm từ các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam,… qua đó đề xuất được ý kiến thỏa đáng, thích hợp để cùng giải quyết rốt ráo, triệt để các vấn đề phát sinh.

Thứ hai, chúng ta cần xác định rõ công việc đào tạo nguồn nhân lực ở trong nước và ngoài nước – xác định những vấn đề gì đào tạo ở trong nước và những vấn đề gì cần được đào tạo ở nước ngoài.

Thứ ba, cần có sự đồng bộ giữa hoạt động đào tạo và đầu tư trang thiết bị thí nghiệm. Các trường đại học tham gia đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân hiện nay chưa được đầu tư đầu đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, hoặc phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử, mà vẫn sử dụng những thiết bị được trang bị cũ kỹ, lỗi thời, dẫn tới phải đào tạo “chay”, theo đó chất lượng đào tạo và nghiên cứu tất yếu bị ảnh hưởng.

Thứ tư, cần có chính sách ưu đãi đặc thù thỏa đáng trong vấn đề phát trỉển nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân nhằm tránh tình trạng chảy máu chất xám trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, gây lãng phí nguồn lực, bao gồm cả ưu đãi cho người học và người dạy. Hiện nay chúng ta đã có Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 208/2014/TTLT-BTC-BGDĐT quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, song chính sách cho đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử còn chưa được đề cập.

Khóa bồi dưỡng về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được tổ chức tại Đà Lạt vào ngày 10/8. Nguồn: Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt

Bốn vấn đề trên cần được giải quyết sớm bởi lẽ nếu còn tồn đọng thì có nghĩa là chúng ta vẫn chưa tôn trọng đúng tinh thần của đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, và vấn đề đào tạo nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân sẽ tiếp tục còn gặp trở ngại.

Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”  có tổng kinh phí thực hiện 3.000 tỷ đồng (trong đó sử dụng từ ngân sách nhà nước là 2.000 tỷ đồng). Giai đoạn từ 2010 đến 2015: kinh phí thực hiện Đề án là 2.000 tỷ đồng cho các hoạt động, như:

– Xây dựng văn bản về cơ chế, chính sách ưu tiên đối với giảng viên, sinh viên, những người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

– Tham quan, khảo sát kinh nghiệm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở nước ngoài;

– Đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các thiết bị đo đạc hạt nhân, vật tư thiết bị phục vụ chế tạo mẫu, hệ thống mạng phục vụ nghiên cứu và đào tạo, xây dựng mới và nâng cấp phòng thí nghiệm, hệ thống che chắn an toàn phóng xạ, hệ mô phỏng lò phản ứng.

* PGS. TS, Nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật hạt nhân, Trường ĐH Đà Lạt.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)