Các bộ trưởng nông nghiệp EU kêu gọi nới lỏng quy định chỉnh sửa gene cây trồng
Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng EU, các bộ trưởng nông nghiệp EU đã gia tăng áp lực phải nới lỏng những quy định về sinh vật biến đổi gene (GMO) nhằm cho phép sử dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gene trong cây trồng.
Các bộ trưởng hầu như nhất trí rằng, việc sử dụng các kỹ thuật chính xác mới – giúp cho việc chỉnh sửa DNA của thực vật dễ dàng và nhanh chóng hơn – có thể đem lại nhiều lợi ích cho ngành thực phẩm của EU cũng như tăng khả năng phục hồi của lĩnh vực này trong các cuộc khủng hoảng khí hậu và địa chính trị.
Theo một nguồn tin của EU, có 20 quốc gia thành viên ủng hộ việc nới lỏng quy định, tuy nhiên, sáu quốc gia cho rằng phải tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng. Do đã chứng kiến những lần phản đối kịch liệt trước đây của công chúng với sinh vật biến đổi gene, sáu bộ trưởng này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ thông tin cho công chúng.
Khác với công nghệ GMO thế hệ đầu tiên, việc chỉnh sửa bộ gene hiện nay không yêu cầu phải có bước chuyển gene từ các loài khác. Dù vậy, vào năm 2018, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu đã ra phán quyết rằng các phương pháp chỉnh sửa bộ gene như Crispr-Cas9 (từng đoạt giải Nobel) vẫn sẽ nằm trong phạm vi kiểm soát của luật GMO năm 2001 của EU, dù cho phương pháp này có độ chính xác cao hơn nhiều và không cần phải có gene chỉ thị ngoại lai.
Quyết định này đã dẫn đến việc rất nhiều công ty nghiên cứu ở EU lâm vào tình trạng tê liệt hoặc phải đóng cửa, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như khiến các công ty chuyển địa điểm sang Mỹ hoặc các thị trường khác ngoài châu Âu.
Song hiện nay, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng liên tục nổ ra, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông nghiệp EU và đảm bảo thương mại tự do cho các sản phẩm nông sản trên toàn thế giới đã trở thành một ưu tiên mới. “Có thể đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về một số phương pháp sản xuất lương thực truyền thống, và ủng hộ cho các kỹ thuật hiện đại”, Bộ trưởng Nông nghiệp Séc Zdeněk Nekula phát biểu tại cuộc họp Hội đồng.
Hiện nay, Ủy ban đã thực hiện một cuộc tham vấn cộng đồng để tiếp nhận ý kiến góp ý và đang tiến hành đánh giá tác động. Theo các quan chức EU, dự kiến Ủy ban sẽ công bố một dự thảo luật mới vào quý II năm 2023.
Trước đó, vào tháng 9/2021, Vương quốc Anh đã chính thức tuyên bố sẽ nới lỏng các quy định về nghiên cứu cây trồng biến đổi gene. Tuyên bố này khiến cho các nhà khoa học hy vọng rằng EU cũng có thể làm điều tương tự trong thời gian tới.
Một trong những ưu điểm nổi trội của công nghệ chỉnh sửa gene cây trồng là nó giúp nông dân giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu.
Trong bối cảnh hiện tại, châu Âu đang cần tránh sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón, đồng thời cần đưa các đặc điểm như khả năng chịu mặn, hạn hán vào cây trồng, tăng giá trị dinh dưỡng cho cây và làm cho thực phẩm có giá cả phải chăng và quá trình canh tác bền vững hơn.
Từ một góc độ nào đó, việc chỉnh sửa bộ gene cũng có thể được coi là tương đương với các kỹ thuật lai tạo truyền thống để tạo ra các đặc điểm mong muốn. Tuy nhiên, công nghệ này khác biệt ở chỗ, nó giúp việc lai tạo trở nên nhanh chóng và chính xác hơn, nhờ đó có thể cung cấp cho chúng ta các giống tốt hơn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (ví dụ như chỉ mất vài tuần thay vì mười năm như trước đây).
Mặc dù sáng kiến của Ủy ban đã nhận được sự ủng hộ từ các bên liên quan, nhiều người cho rằng cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này.
“Nếu Ủy ban đưa ra dự thảo vào cuối quý II năm 2023 thì sẽ không kịp. Mọi thứ sẽ lại bị trì hoãn một hoặc hai năm nữa trước khi được đưa ra thảo luận với một Ủy ban và Nghị viện mới”, Jorasch nói.□
Mỹ Hạnh lược dịch
Nguồn: https://sciencebusiness.net/news/eu-agriculture-ministers-move-closer-consensus-gene-editing-crops