Thang điểm đánh giá các hạng mục công bố của khối ngành nhân văn?

Bài viết thảo luận về thang giá trị của ngành Nhân văn để tìm hiểu xem sự đa dạng trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã bị là phẳng như thế nào, từ đó đề xuất những giải pháp để giải quyết những vấn đề trên.

Quỹ Nafosted thành lập được hơn 20 năm1 nhằm để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước thông qua quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế. Năm 2011, Quỹ mới bắt đầu tài trợ cho khối ngành XH và NV. Trong giai đoạn đầu (2012-2017), các đề tài khối ngành Nhân văn thường là phê duyệt các đề tài nghiên cứu tập trung ở các chuyên luận và các  đến nay), Quỹ chủ trương ưu tiên cho các đề tài có công bố quốc tế. Điều kiện đầu vào là Chủ nhiệm đề tài (CNĐT) ít nhất phải có một bài tạp chí quốc tế uy tín (TCQTUT), và một đề cương nghiên cứu tốt, có tính khả thi. Đầu ra để nghiệm thu cũng tối thiểu là một bài TCQTUT, và đôi khi cộng thêm một chuyên luận nghiên cứu. Việc thảo luận trong vòng mười năm giữa các học giả và các nhà quản lý đã đến hồi ngã ngũ, khi Quỹ khẳng định rằng: tôn chỉ cho sự tồn tại của quỹ là công bố quốc tế. Các đề tài của khối ngành Nhân văn hiện nay đang có xu hướng chỉ có bài quốc tế, giảm dần sản phẩm chuyên luận, thậm chí không có chuyên luận (bằng tiếng Việt, lẫn tiếng nước ngoài). 

Biểu đồ số lượng công bố trên các tạp chí thuộc WoS, nguồn: NAFOSTED 2023.

Bảng thống kê cho thấy, Quỹ hiện chỉ đang tính các bài TCQTUT thứ hạng cao trong WoS, mà bỏ qua khái niệm TCQTUT. Cách thống kê này không phản ánh hết những đóng góp ở phía ngành Nhân văn. Bởi TCQTUT còn có các công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus, thuộc 40 nhà xuất bản hạng A và B của SENSE, và thuộc những nhà xuất bản của các trường đại học thuộc top 500 thế giới. Nếu tính mở rộng theo đúng Quyết định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED, thì số lượng TCQTUT sẽ còn cao hơn nữa. Phí đầu tư chỉ chiếm số cực nhỏ (~2%) tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho KH&CN đầu tư, nhưng các công bố (WoS) do NAFOSTED2 tài trợ chiếm khoảng 50% tổng số các công bố quốc tế (CBQT) được đầu tư bởi nhà nước. Đây là một thành tựu quan trọng thể hiện khả năng hoạt động hiệu quả, và chủ trương đúng đắn, cũng như chiến lược của Quỹ. Các nghiên cứu dài hơi (thể hiện qua các đề án, dự án, đề tài cấp bộ, cấp đại học, etc) đã có những khoản đầu tư lớn cho sản phẩm chuyên luận, và công bố trong nước. Vì vậy, việc dùng 2% kinh phí tập trung cho công bố khoa học là vấn đề sống còn đối với sự tồn tại của Quỹ.

Song chính ở đây, ta thấy có hai điểm bị là phẳng: 1/ Quỹ chỉ tính các bài WoS; và gạt bỏ hầu hết những nhóm bài thuộc khối ngành Nhân văn (thường công bố ở nhóm Scopus, nhóm A-B của SENSE, và top 500 thế giới) dù Quỹ đã đầu tư. 2/ Gạt ra bên ngoài những sản phẩm chủ chốt của khối ngành Nhân văn, tiêu biểu như chuyên luận.

Có hai điểm bị là phẳng: 1/ Quỹ chỉ tính các bài WoS; và gạt bỏ hầu hết những nhóm bài thuộc khối ngành Nhân văn (thường công bố ở nhóm Scopus, nhóm A-B của SENSE, và top 500 thế giới) dù Quỹ đã đầu tư. 2/ Gạt ra bên ngoài những sản phẩm chủ chốt của khối ngành Nhân văn, tiêu biểu như chuyên luận.

Một số góp ý cho Quyết định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED

Quyết định 251 được ban hành ngày 11/12/2019 đánh dấu nỗ lực của Quỹ NAFOSTED trong việc điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của hai khối ngành Xã hội và Nhân văn. Song, đọc vào văn bản tôi thấy còn có một số điểm bất cập cần phải chỉnh sửa.

Thứ nhất, Quyết định cho rằng: “Tạp chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là các tạp chí khoa học thuộc 1. Danh mục AHCI (Arts and Humanities Citation Index) hoặc SSCI (Social Science Citation Index) do Clarivate analysis công bố. 2. Cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier”. Có hai vấn đề mâu thuẫn ở đây. Thứ nhất, Danh mục ISI chỉ tính AHCI và SSCI, mà loại bỏ nhóm ESCI (Emerging Sources Citation Index). Trong khi đó, Scopus (vốn được coi là thấp hơn ISI thì lại được tính tất cả hạng mục. Vì vậy tôi  khuyến nghị nên sửa thành “Tạp chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là các tạp chí khoa học thuộc 1. Danh mục ISI của WoSS gồm AHCI, SSCI và ESCI do Clarivate analysis công bố. 2. Cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier”. Tại sao lại công nhận cả ESCI? Lý do đơn giản là ISI phân loại dựa trên chỉ số H-Index hay IF.3 Nhưng H-Index là chỉ số chỉ có ý nghĩa đối với khối Tự nhiên và khối Xã hội, chứ không có tác dụng đối với ngành Nhân văn. Ở một số lĩnh vực, một bài báo có thể có số trích dẫn lên đến vài trăm vài ngàn lượt, do đối tượng nghiên cứu là đồng nhất trên một mặt phẳng. Trong khi đó một bài báo ngành Nhân văn chú trọng đi sâu vào từng đối tượng, từng case, từng khu vực. Và chuyên gia của các lĩnh vực này đôi khi hẻo lánh đến mức không ngờ. Ví dụ phân ngành ngữ âm học lịch sử tiếng Việt chỉ có khoảng dưới 10 chuyên gia trên toàn thế giới, các công bố phân tán ở bốn ngôn ngữ khác nhau (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Việt), vì thế yêu cầu trích chỉ số H-index không thể hiện được điều gì.

Khối ngành Nhân văn chú trọng sản phẩm công bố nào?

Mô hình nghiên cứu ngành Nhân văn là tự lực cánh sinh, tư duy mỗi người là một “lab” chạy tương đối độc lập. Nên chuyên luận cá nhân, bài nghiên cứu cá nhân thường được chú trọng hơn cả, và chiếm tỷ trọng lớn trong các công bố xuất bản. Điều này là hoàn toàn trái ngược so với các ngành khối Tự nhiên và Xã hội. Ngoài ra còn phải kể đến sách (edited volume) và chương sách. Dưới đây xin đưa ra một bảng tổng hợp các Hạng mục sản phẩm của khối ngành Nhân văn.

SttHạng mục công bố quốc tếThang điểmKPIHĐGSNAFOSTEDGiải TQB
 1Chuyên luận cá nhân NXBQT UT1,0-10,08,0-11,0KhôngKhôngKhông
 2Chuyên luận cá nhân NXBQT khác1,0-8,06,7KhôngKhôngKhông
 3Sách chủ biên NXBQT UT1,0-6,0KhôngKhôngKhôngKhông
 4Sách chủ biên NXBQT khác1,0-4,0KhôngKhôngKhôngKhông
 5Sách đồng chủ biên NXBQTUT1,0-3,0KhôngKhôngKhôngKhông
 6Sách đồng chủ biên NXBQT khác1,0-2,0KhôngKhôngKhôngKhông
 7Chương sách NXBQT UT0.5-2,03,1-4,31,0KhôngKhông
 8Chương sách NXBQT khác0.2-1,02,6KhôngKhôngKhông
 9Bài tạp chí QTUT1,0-2,03,0-11,02,0
 10Bài tạp chí QT khác0.5-1,51,0 không
 11Bài kỉ yếu Hội nghị quốc tế NXBQTUT0.5-1,0Không1,0KhôngKhông
 12Bài kỉ yếu Hội nghị NXBQT khác0.2-1,0Không1,0KhôngKhông
 13Giáo trình1-3  KhôngKhông

Bảng thang điểm cho công bố quốc tế.

Chú thích Bảng thang điểm cho công bố quốc tế:

+Thang điểm: đây là thang điểm đề xuất của tôi cho các hạng mục công bố, tham khảo điểm sàn từ Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg. có thể chấm theo thang điểm từ n1 đến n2, tùy theo đóng góp khoa học, do Hội đồng khoa học thẩm định. Thang điểm này dành cho bảng KPI cho các đơn vị nghiên cứu và đào tạo, đồng thời có thể sử dụng để chấm điểm cho các ứng viên GS, PGS.

+ KPI: điểm của bảng tính công trình khoa học quốc tế trong Biểu mẫu chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (giai đoạn 2019-2023). Bảng này bỏ sót các vị trí 3-4-5-6, đồng thời có điểm bất hợp lý là bài TCQTUT (ISI Q1) có số điểm bằng chuyên luận. VASS hiện là đơn vị duy nhất đưa chuyên luận QTUT vào thang điểm, và đặt ở vị trí cao nhất.

+ HĐGS: cách tính điểm của HĐGSNN cho các công bố quốc tế theo Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg. QĐ25 chỉ chấm điểm cho bốn hạng mục. Trong đó chấm chương sách (bookchapter) ngang bằng với một bài kỷ yếu. 

+ NAFOSTED: tiêu chí xét duyệt và nghiệm thu cho các đề tài NCKH cơ bản. Sản phẩm duy nhất được Quỹ công nhận là bài tạp chí.

+ Giải TQB: tiêu chí đánh giá giải thưởng Tạ Quang Bửu. Sản phẩm duy nhất được công nhận xét giải là bài tạp chí ISI lõi (ASCI, HSCI).

Các nhà khảo cổ học khai quật di chỉ Mái đá Ngườm, Thái Nguyên. Nguồn ảnh: Viện Khảo cổ học.

Dưới đây xin thuyết minh thêm và ba nhóm sản phẩm cần đưa vào công nhận, gồm chuyên luận, chương sách, và kỷ yếu. 

Thứ nhất là chuyên luận. Một chuyên luận (monograph) thường được đánh giá ở thang điểm học thuật cao nhất. Một học giả lập được danh vọng và uy tín trong giới thường bằng chuyên luận. Đây là thành quả nghiên cứu có hệ thống, có lý thuyết, thảo luận về một vấn đề chuyên sâu. Một học giả có thể xuất bản được chuyên luận trong thời gian trung bình từ 5-10 năm. Thậm chí, phần đa các học giả cả một đời chỉ có một chuyên luận. Xuất bản được một chuyên luận bằng tiếng Việt đã khó, nhưng xuất bản một chuyên luận bằng ngoại ngữ càng khó hơn, lại còn công bố ở một nhà xuất bản Anh ngữ hàng đầu thế giới (theo quy định hiện nay) là “khó bằng lên giời”. Số lượng các học giả Việt Nam (hiện đang làm việc trong nước) đã xuất bản monograph cá nhân, như tôi biết, chỉ khoảng trên dưới 10 người, ví dụ: Hoàng Anh Tuấn, Phạm Văn Thủy, Phạm Phương Chi, Phan Huyền Trang, Nguyễn Thu Giang, Hoàng Văn Chung, Phạm Kiều Ly,… Lưu ý, cần phân biệt chuyên luận với các tuyển tập bài viết của cá nhân. Hội đồng đánh giá cần chú ý một số sách ngoài bìa dù có ghi là “chuyên khảo” hay “chuyên luận” nhưng thực chất chỉ là tuyển tập những bài viết khoa học đã từng công bố mà thôi. 

Một bài báo ngành Tự nhiên có thể số trích dẫn lên đến vài trăm vài ngàn lượt, do đối tượng nghiên cứu là đồng nhất trên một mặt phẳng. Trong khi đó một bài báo ngành Nhân văn chú trọng đi sâu vào từng đối tượng, từng case, từng khu vực. Và chuyên gia của các lĩnh vực này đôi khi hẻo lánh đến mức không ngờ. 

Thứ hai là sách (edited volume, viết tắt là EV). Đây là một cuốn sách khoa học bao gồm các bài nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều học giả khác nhau liên quan đến một đối tượng cụ thể xoay quanh một vấn đề lý thuyết thống nhất. Những người chủ biên thường là các học giả hàng đầu thế giới của lĩnh vực đó. Họ có đủ uy tín để tập hợp nhiều chuyên gia khác nhau đến từ các trường, các quốc gia khác nhau để cùng thảo luận một vấn đề lý thuyết chung nhìn từ các case khác nhau. EV cần được phân biệt với một tuyển tập (collected author) nhặt nhạnh từ các bài rời rạc lẻ tẻ đã từng công bố về một chủ đề, lại càng khác với một kỷ yếu hội thảo (proceedings, scientific conference). EV là một loại sản phẩm học thuật khá cao cấp, khi editor(s) là người dựng dự án nghiên cứu- xuất bản, dựng khung lý thuyết, xác định mục đích, cấu trúc của cuốn sách, và chọn lựa/ mời các chuyên gia uy tín khác nhau để viết từng chương, lên tiến độ và thẩm định, biên tập (văn phong, cấu trúc và các luận điểm khoa học) của từng chương sách, đồng thời có thể là người viết bài tổng luận, và đóng góp từ một cho đến vài chương trong cuốn sách. Vì thế, thay vì dịch “editor(s)” là người biên tập, tôi muốn dịch thành “chủ biên, hay đồng chủ biên”. 

Một học giả có thể xuất bản được chuyên luận trong thời gian trung bình từ 5-10 năm. Thậm chí, phần đa các học giả cả một đời chỉ có một chuyên luận. 

Tính chất của mỗi một chương sách trong một EV tương đương với một bài nghiên cứu (original article). Những bài này thường là có tính học thuật cao, và người viết thường phải là chuyên gia đầu ngành của một nước nào đó/ lĩnh vực cụ thể nào đó, và họ phải có đủ nền tảng lý thuyết để “duyệt binh” cùng các học giả hàng đầu khác một cách thống nhất trong toàn bộ cuốn sách. Nghĩa là phần chương sách đó (ngoài chuyện phải tương ứng về trường độ, hoặc cấu trúc vi mô), thì còn phải đồng nhất/ hoặc đối thoại/ hoặc hô ứng với tư tưởng hay luận điểm hay lý thuyết của toàn bộ cuốn sách, cũng như các chương khác về phương diện học thuật. Ở khía cạnh này, thì độ khó của một chương sách ngặt nghèo hơn so với viết một số đặc biệt (special issue). Đây chính là lý do khiến ngành Nhân văn đánh giá một chương sách quan trọng ngang với một bài báo khoa học. 

Trên đây là một số ý kiến đóng góp  của tôi đối với hệ thống hạng mục công bố của khối ngành Nhân văn. Bảng thống kê trên có lẽ còn chưa thực sự  đầy đủ khi còn một số các hạng mục khác không có mặt, ví dụ các bài dịch thuật (bài tạp chí, sách, chuyên luận, từ tiếng Việt sang tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, hay dịch thuật tư liệu từ cổ ngữ (Latin cổ, Hán cổ, Champa cổ sang ngôn ngữ hiện đại). Những công việc cần lao (vừa vất vả, vừa mất thời gian, vừa không có tiền, hoặc có tiền thì rất rẻ mạt) này xứng đáng có những  thảo luận thêm để chúng ta khỏa lấp bớt những bất cập hay những điểm vênh giữa các nghị định thông tư với tình hình hoạt động thực tiễn của người làm nghề nghiên cứu.□

——

Một số kiến nghị bổ sung

+ Cần đặt chuyên luận vào vị trí trang trọng nhất của tiêu chí xét chọn giải thưởng giải thưởng Tạ Quang Bửu của ngành Nhân văn. Trong trường hợp một học giả nào đó không có chuyên luận thì lúc ấy mới tính đến việc tuyển chọn tối thiểu 5 bài nghiên cứu công bố trong thời gian từ 5 đến 10 năm về một hệ vấn đề lý thuyết nào đó, để thấy được sự đóng góp của học giả đó đối với học thuật quốc tế và Việt Nam.

+ Chuyên luận được xuất bản ở NXBQTUT, nên được coi là tiêu chí đặc biệt nhằm đặc cách đối với ngạch NCV và giảng viên để thăng hạng lên NCVCC  hoặc GVCC.

+ Chuyên luận đồng thời cũng là tiêu chí cứng để một ứng viên nào đó xét đặc cách lên giáo sư, hay các hệ đề tài thuộc nhóm nghiên cứu mạnh, hay nghiên cứu xuất sắc.

+ Trong mô hình quản lý và cấp kinh phí hiện nay, hầu hết các cơ quan nghiên cứu và quỹ NAFOSTED đều không thể đầu tư cho chuyên luận quốc tế. Nhưng trong tương lai, nếu thiết kế các dạng đề tài cho các “chuyên gia đầu ngành”, thì có thể cân nhắc hạng mục sản phẩm này, với thời gian đầu tư từ 4-7 năm.

+ Trong quá trình xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, hoặc nhóm nghiên cứu xuất sắc, cần có chế tài và kinh phí đặc thù để đầu tư cho các hạng mục xuất bản EV, trong đó chủ biên là các học giả đầu ngành, và có cơ chế giải ngân đối với các học giả quốc tế.

+ Chương sách QTUT nên được HĐGSNN tính bằng một bài TCQTUT để tính điều kiện cứng, và tính điểm cho các ứng viên.

+ Với những bài TCQTUT nhiều tác giả, Quỹ NAFOSTED chỉ nên công nhận tác giả chính (main author) là người mới đủ tư cách để làm CNĐT. Các tác giả phụ không nên được tính là đủ điều kiện để đấu thầu đề tài, hay là một thành viên chính trong một đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh. Cần chi tiết hóa việc chấm điểm mỗi hạng mục công bố cho các sản phẩm có nhiều tác giả (chính, phụ). Vị trí tác giả chính của một bài báo có hơn một tác giả cần có xác nhận của tập thể tác giả bài báo đó và/hoặc của tạp chí/nhà xuất bản (không chỉ căn cứ vào thứ tự ghi tên tác giả). 

————–

1 NAFOSTED, “Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia: 20 năm thành lập- 15 năm hoạt động”, Tài liệu nội bộ, Hà Nội, 2023.

2 Hà Linh, “Hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn mực quốc tế cho Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia”, Báo Nhân dân, 18/5/2024, link: https://nhandan.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-theo-chuan-muc-quoc-te-cho-quy-khoa-hoc-va-cong-nghe-quoc-gia-post786140.html 

3 Xin xem thêm Nguyễn Văn Tuấn, “Đánh giá ảnh hưởng trong nghiên cứu khoa học qua chỉ số H”, Tia sáng, 03/06/2008, link: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/danh-gia-anh-huong-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-qua-chi-so-h-884/ 

Bài đăng Tia Sáng số 10/2024

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)