Các tổ chức KH&CN công lập: Bước đầu trên con đường tự chủ
Gần 20 năm áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng các tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam dường như vẫn còn lúng túng, chưa thể vượt qua được những rào cản như kỳ vọng của các nhà quản lý. Điều gì khiến chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống? Liệu có phải cơ chế ấy vẫn còn chưa đủ để các tổ chức này vượt qua các rào cản hay còn do nguyên nhân nào khác?
Cách đây đúng 10 năm, vào ngày 23/11/2013, báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Triển khai Luật KH&CN và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN” nhằm đánh giá lại 10 năm triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Theo nhận định của ông Phùng Đức Tiến (khi đó còn là ủy viên thường trực Ủy ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội), tuy Nghị định 115/2005/NĐ-CP được coi là “ngọn đuốc soi đường” dẫn lối cho cả hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ở trung ương đến địa phương, từ các viện nghiên cứu khoa học cơ bản ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hay các trường đại học đến các trung tâm ứng dụng KH&CN cấp tỉnh, nhưng do còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc nên nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính và tài sản, tổ chức và biên chế của các tổ chức KH&CN công lập này vẫn chưa phát huy được ưu điểm của nó. Có một thực tế là “Số lượng các đơn vị KH&CN công lập được phê duyệt phương án chuyển đổi mới chỉ đạt gần 50%, phần lớn [các đơn vị này] vẫn chỉ giữ ở [trạng thái] được phê duyệt đề án còn trên thực chất, đa số chưa thực sự hoạt động theo cơ chế 115”, ông dẫn ra thực trạng.
Tại sao, một văn bản với nhiều quy định tiến bộ được nhiều nhà khoa học, quản lý ví như “khoán 10” trong nông nghiệp lại không thể trở thành cú hích quan trọng đưa các tổ chức KH&CN công lập bước vào một chu kỳ phát triển mới?
Ý tưởng được thiết kế riêng cho khoa học
Thật khó nhìn nhận lại và đánh giá tác động của một cơ chế chính sách mà lại không xem xét bối cảnh ra đời của nó. “Nghị định 115 mà Bộ KH&CN xây dựng được hình thành trước những yêu cầu của đổi mới”, TS. Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết.
Mặc dù đất nước đã bắt đầu đạt được những thành tựu mới về kinh tế xã hội nhưng “sau mấy chục năm bao cấp, các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế rất khó phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Khi nền kinh tế chuyển theo hướng kinh tế thị trường mà chúng ta vẫn quản lý theo cách cũ thì không thể phát triển được”, ông nói. Khi đó, nhìn tổng thể, các tổ chức KH&CN hoạt động ở Việt Nam đều do chính phủ hoặc các bộ, ngành thành lập và hằng năm cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để vận hành bộ máy, hoặc triển khai đề tài nghiên cứu mà chưa có sự xuất hiện của các tổ chức tư nhân như hiện nay. “Nói chung, các viện nghiên cứu đều hoạt động cầm chừng theo cơ chế ‘xin cho’, khiến những gì các nhà khoa học ‘xin’ được chủ yếu để duy trì cái viện, trường của mình thôi. Nếu không có nguồn kinh phí ấy thì gần như người ta không làm nghiên cứu, ‘xin’ được ít nào thì chia nhau để có việc làm chứ không phải để ra được sản phẩm”, một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN kể lại.
Trước những bất cập trong quản lý và hiệu quả hoạt động của các tổ chức này, “sau khi có Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, Chính phủ đã đặt vấn đề là giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là giao cho ba ngành giáo dục, khoa học và y tế xây dựng các nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm”, TS. Nguyễn Quân nhớ lại. Có lẽ, với những người làm khoa học, ai cũng nhận thấy việc áp dụng cơ chế tự chủ là điều đương nhiên của khoa học, bất kể là tổ chức chuyên về nghiên cứu cơ bản hay là nghiên cứu định hướng ứng dụng. Trên thế giới, tất cả các nền khoa học phát triển ở châu Âu, Mỹ hay châu Á đều áp dụng theo cơ chế này, ví dụ hệ thống gồm 17 phòng thí nghiệm quốc gia do Bộ Năng lượng (DOE) quản lý, một sự đầu tư lớn vào nghiên cứu khoa học theo sáng kiến của chính phủ Mỹ từ những năm Thế chiến thứ hai. Trong hơn 70 năm, các phòng thí nghiệm này vẫn là những nơi dẫn đầu về đổi mới sáng tạo khoa học ở Mỹ, bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau như chống biến đổi khí hậu, tìm hiểu về nguồn gốc vũ trụ đến những giải pháp năng lượng quan trọng trên cơ sở hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mà chưa nơi nào trên thế giới có được.
Đó cũng là lý do mà so với ngành y tế và giáo dục thì ngành khoa học được lãnh đạo Bộ KH&CN lúc đó chỉ đạo xây dựng cơ chế sớm hơn cả, khi Nghị định 115/2005/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 9/5/2005, một văn bản thể hiện quan điểm đổi mới trong xác định nhiệm vụ, quản lý tài chính và tài sản, về tổ chức và biên chế… của các tổ chức KH&CN công lập. Ở thời điểm này nhìn lại, chúng ta cũng phải thừa nhận những điểm đổi mới trong văn bản quy phạm pháp luật này hết sức tiến bộ.
“Do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT chậm xây dựng nghị định về tự chủ tự chịu trách nhiệm của ngành mình nên Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP cho cả hai ngành này và các lĩnh vực sự nghiệp khác vào ngày 25/4/2006. Dù cũng là nghị định về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng về mặt thực tiễn thì nghị định này không có những đổi mới như Nghị định 115. Lúc ấy, Bộ KH&CN đã phải ‘đấu tranh’ để bảo vệ cơ chế trong Nghị định 115, vì vậy trong Nghị định 43 tại khoản 3 Điều 1 đã có câu ‘các tổ chức KH&CN thực hiện theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP”, TS. Nguyễn Quân nói.
Những tiến bộ của Nghị định 115
Lịch sử với độ lùi cần thiết luôn mách bảo chúng ta những điều căn bản và những sự thật hiển nhiên nhưng thường bị khuất lấp đâu đó trong những dòng chảy đương thời. Ở điểm giao cắt của thời gian và thực trạng của các tổ chức KH&CN, người ta dễ hình dung được cả một chu trình tồn tại của cơ chế từ điểm khởi đầu đến điểm chót và đánh giá được hệ quả từ những tác động của cơ chế đó.
Trong câu chuyện với báo Khoa học và phát triển về vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm nói chung và riêng với Nghị định 115, TS. Nguyễn Quân luôn nhấn mạnh điểm khác biệt của nghị định này với các văn bản quy phạm pháp luật khác do chính phủ ban hành về tự chủ. “Nghị định 115 giao quyền tự chủ cho các tổ chức KH&CN tức là giao toàn diện, thể hiện qua ba nội hàm quan trọng. Một là tự chủ xác định nhiệm vụ, tức là tổ chức KH&CN được quyền quyết định mình sẽ làm vấn đề gì? quyết định định hướng mục tiêu của đơn vị của mình? Thứ hai, được quyền quyết định tổ chức và nhân sự, nghĩa là có thể tự thành lập các đơn vị trong từng giai đoạn phù hợp với mục tiêu của mình, tự quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy đơn vị của mình, tự quyết định số lượng biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Thứ ba là tự chủ về tài chính”.
Theo quan điểm của ông, trong ba nội hàm này thì tự chủ tài chính mang tính quyết định và then chốt, bởi “Nếu không được tự chủ về tài chính thì mọi quyền tự chủ khác về nhiệm vụ và tổ chức biên chế chỉ là hình thức thôi. Nếu mình không được tự chủ tài chính, ví dụ không được quyền trả lương theo năng lực, công việc, vị trí cán bộ thì tự chủ là vô nghĩa”.
Mặc dù trên bình diện quốc tế, tự chủ là câu chuyện đương nhiên với các tổ chức KH&CN nhưng với một nền khoa học còn đang trên đường hội nhập và hướng tới vận hành theo thông lệ quốc tế thì tất cả các nội hàm này đều là điều mới. Không phải bất cứ ai ở Việt Nam cũng có thể hiểu một cách thấu đáo vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đó là lý do vào ngày 7/4/2010, trên trang web của Bộ KH&CN có phần trả lời một cách ngắn gọn thắc mắc về nguyên tắc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đó là “thực hiện quyền tự chủ phải đi đôi với tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của tổ chức KH&CN; thực hiện công khai và dân chủ trong các hoạt động của tổ chức KH&CN; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được Nhà nước giao và các nguồn lực khác của tổ chức KH&CN; hoàn thành với chất lượng cao các nhiệm vụ được các cơ quan nhà nước giao hoặc đặt hàng, các nhiệm vụ của tổ chức KH&CN, bảo đảm sự phát triển của tổ chức KH&CN”. Tuy ngắn gọn nhưng bốn nguyên tắc này đã có được 6.188 lượt xem bởi nó giúp những người quan tâm hình dung được điều cơ bản nhất về sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một nhà khoa học cũng từng giải thích “nói một cách nôm na, cơ chế này chính là bộ khung điều chỉnh để các tổ chức KH&CN công lập được tự quyết định hoạt động của mình vừa phù hợp với quy định pháp luật, vừa phù hợp với kinh tế thị trường”.
Dĩ nhiên, việc áp dụng một cơ chế tự chủ không chỉ để các tổ chức KH&CN vận hành bộ máy trơn tru hơn, hiệu quả hơn mà quan trọng hơn cả là “trong toàn bộ hoạt động tự chủ, các tổ chức KH&CN công lập được quyền sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp. Họ có thể chuyển đổi một phần thành doanh nghiệp, thậm chí chuyển đổi toàn bộ thành doanh nghiệp, miễn là doanh nghiệp KH&CN chứ không phải doanh nghiệp thương mại thuần túy. Sau này, Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 115 và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN đã quy định rất rõ quy trình thủ tục để có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Quân nói.
Sự đổi mới của Nghị định 115 đã trao quyền rất lớn cho các tổ chức KH&CN. Ở đây, họ được quyền sản xuất như doanh nghiệp mà không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp, có nghĩa là được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp, có thể ký hợp đồng với mọi tổ chức cá nhân cùng làm về một vấn đề hai bên cùng quan tâm, có được lợi nhuận, có thể trích lập quỹ và đóng thuế như một doanh nghiệp, mặc dù không phải là doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức này được quyền chuyển một bộ phận trong tổ chức của mình thành doanh nghiệp hoặc được quyền tự thành lập một doanh nghiệp đa sở hữu trong nội bộ của họ. Đó chính là những doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) mà theo giải thích của giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), là “một khối gắn kết cố định phòng thí nghiệm – nhà nghiên cứu sáng tạo – nhà sản xuất. Nó vừa tạo quyền chủ động cho nhà sáng tạo vừa giúp nhanh chóng đưa sản phẩm công nghệ cao ra thị trường. Trong các doanh nghiệp khoa học, có thể có hàng trăm ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), nhưng chỉ rất ít trong đó là spin-off. Những doanh nghiệp trưởng thành từ Khởi nguồn là những hạt giống của công nghệ nội tại, thường rất bền vững”.
Sự tồn tại của quyền chuyển đổi thành doanh nghiệp, bên cạnh các quyền về tự chủ nhiệm vụ, tự chủ bộ máy, tự chủ về tài chính, vô cùng cần thiết với các tổ chức KH&CN có khả năng nghiên cứu ứng dụng và triển khai khi thực hiện cơ chế tự chủ. “Nếu không có các quyền này, các tổ chức KH&CN khi bị cắt chi thường xuyên, cắt đầu tư rồi thì lấy nguồn lực nào tồn tại? Phải mở cho họ một cánh cửa để họ tồn tại chứ”, TS. Nguyễn Quân giải thích.
***
Vào thời điểm cách đây gần hai thập kỷ, luồng gió mới 115 với những ưu điểm của nó có làm thay đổi bộ mặt KH&CN Việt Nam? Có lẽ, niềm vui của những người dám nghĩ, dám làm ở một số viện nghiên cứu và các tổ chức KH&CN khác hòa trộn, đan xen với những hoài nghi, thậm chí là e ngại, của nhiều nhà khoa học thận trọng và cả những người sợ thay đổi. Những người dám nghĩ dám làm, dù số lượng không nhiều, hy vọng về cơ hội mà những tiến bộ trong nếp quản lý mới sẽ giúp thúc đẩy các viện nghiên cứu có nội lực và tiềm năng bứt lên, đem lại nhiều đóng góp hơn cho xã hội và người làm khoa học có thể đàng hoàng làm việc, đàng hoàng sống được bằng nghề trong sự tôn trọng của cả xã hội.
Ở một số nơi mà tiềm năng được đánh thức đã có được bứt phá thực sự. Điển hình trong số đó là Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nơi tập thể cán bộ đã xây dựng và tối ưu được những quy trình chiếu xạ, diệt khuẩn cho hàng hóa xuất khẩu, từ mặt hàng nông sản, thực phẩm đến hàng hóa y tế… Hiệu quả kinh tế từ các hoạt động này đã giúp VINAGAMMA, với 78 cán bộ, mỗi năm làm ra được 65 tỷ đồng. Khi đó, một bài toán đặt ra cho VINAGAMMA là làm ra tiền cao gấp 10 lần mức chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước hằng năm, nhưng đồng lương trả cho anh em không thể cao gấp 10 lần, “thật không phải với anh em” như lời kể của ThS. Trần Khắc Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm. Cái cảm giác “không phải với anh em” đó của lãnh đạo VINAGAMMA chỉ được cởi bỏ khi Nghị định 115 ra đời. Đề án chuyển đổi của VINAGAMMA được chính thức thông qua vào ngày 1/1/2007, khiến “anh em không ai còn phải làm thêm ở ngoài nữa mà chỉ tận tâm làm việc ở đây”.
Tuy nhiên, VINAGAMMA chỉ là một trong số ít những nơi tận dụng được “mưa lành chính sách” của Nghị định 115. Còn lại, dường như phần lớn các tổ chức KH&CN khác vẫn còn lúng túng và gặp rất nhiều trở ngại. Vì sao vậy?
————————–
KHÔNG “BỎ RƠI” KHOA HỌC CƠ BẢN
Mặc dù tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN công lập, trao cho họ quyền được vận hành như doanh nghiệp, chuyển đổi một phần thành doanh nghiệp hoặc lập mới doanh nghiệp nhưng không vì thế mà Nghị định 115 bỏ rơi khoa học cơ bản. Một quốc gia chỉ có thể có nhiều doanh nghiệp khởi nguồn và khởi nghiệp để tạo ra những công nghệ mới hoặc hấp thụ công nghệ mới để làm ra những sản phẩm mới cho xã hội khi dựa trên những kết quả nghiên cứu cơ bản tốt. Chỉ những cái nhìn hạn hẹp và mong muốn thấy ngay kết quả theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” mới chỉ nghĩ đến ứng dụng, không quan tâm đến nghiên cứu cơ bản.
Vì vậy, Nghị định 115 đã “mở đường” cho các tổ chức KH&CN ở lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách và dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước. “Với các tổ chức này thì nhà nước vẫn phải chăm lo chi thường xuyên, chi đầu tư vì nhiệm vụ của họ là phục vụ cho chính nhà nước”, TS. Nguyễn Quân cho biết và giải thích thêm. “Nhà nước phải trao quyền tự chủ cho các tổ chức này theo phương thức khoán”. Ví dụ, đối với một viện nghiên cứu cơ bản có 100 biên chế, trước đây hằng năm nhà nước cấp cho 10 tỷ để chi thường xuyên (trả lương, vận hành bộ máy, đảm bảo tuân theo quy định của nhà nước về hệ số lương, phụ cấp… của cá nhân và điện nước, cơ sở hạ tầng nghiên cứu…) cho viện. Nếu tổ chức đó được giao cơ chế tự chủ thì nhà nước cũng vẫn cấp hằng năm khoản ngân sách như thế có bổ sung bù trượt giá và lạm phát, nhưng viện được sử dụng theo phương thức khoán, nghĩa là lãnh đạo viện được quyền tăng giảm biên chế theo nhu cầu thực tế, nếu tiết kiệm tiền điện, nước, vật tư… có thể trả lương tăng thêm cho cán bộ miễn là không được vượt quá tổng kinh phí nhà nước cấp. “Đến khi thanh quyết toán được phép thanh quyết toán theo thực chi và định mức của viện theo quy chế chi tiêu nội bộ. Ngoài ra, nhà nước vẫn đảm bảo chi đầu tư, ví dụ cần mua máy tính, thiết bị thí nghiệm, sửa sang trụ sở… thì lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nói chung, nhà nước phải chăm lo để tổ chức KH&CN có thể tự chủ hiệu quả nhất”, TS. Nguyễn Quân phân tích.
(Còn tiếp)
Thanh Nhàn
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)