Cải thiện hiệu quả và chất lượng nghiên cứu: Vai trò của các hội đồng ngành

PGS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), thành viên của Hội đồng khoa học ngành cơ học và kỹ thuật bình luận về vai trò hội đồng ngành Nafosted trong việc cải thiện chất lượng nghiên cứu và hỗ trợ sự phát triển các lĩnh vực khoa học.

Vào những năm đầu tiên Quỹ Nafosted tài trợ cho các đề tài nghiên cứu, ngành Cơ học được biểu dương là ngành có tỉ lệ bài quốc tế cao nhất trong các ngành khoa học tự nhiên nhưng đến đợt thứ hai thì tỉ lệ này không còn nguyên ý nghĩa, bởi vì nhiều người đã bắt đầu tìm đến những tạp chí quốc tế chất lượng thấp dễ đăng hơn. Sau đó, tiêu cực này được hạn chế bởi việc Quỹ Nafosted yêu cầu mỗi đề tài do Quỹ tài trợ phải có hai công bố ISI. Nhưng lại tiếp tục nảy sinh vấn đề: nhiều chủ nhiệm đề tài đã tìm cách “lách” để bằng mọi cách có công bố trên tạp chí ISI dễ đăng nhất. Dĩ nhiên, khi phát hiện ra, các thành viên hội đồng khoa học đã loại bỏ các công trình đó, không cho nghiệm thu, và rút cuộc họ đã buộc phải ngừng công bố trên những tạp chí như vậy.

Trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn về sản phẩm nghiệm thu, Quỹ Nafosted đã hình thành danh sách các tạp chí ISI uy tín, loại bỏ các tạp chí chất lượng thấp, chỉ lấy các tạp chí từ Q3 trở lên và khuyến khích xuất bản công bố trên các tạp chí Q1. Đây là lưới lọc rất tốt. Tuy nhiên, điều đó cũng vẫn chưa thực sự đảm bảo được chất lượng bởi theo thời gian, trong nhóm các tạp chí Q1 thì vẫn xuất hiện một số tạp chí chất lượng không cao và dễ đăng.

Ở ngành cơ học còn có một hiện tượng là có nhà nghiên cứu công bố tới 20 bài một năm, nghĩa là có tốc độ nửa tháng một bài. Nhìn vào đây, chúng ta đều hiểu ngay là “có vấn đề”. Chúng tôi đã từng phân tích 20 bài đó thì phát hiện ra rằng mỗi bài sửa đi một chút kết quả so với bài cũ, ví dụ thay đổi điều kiện biên, phương trình nó hơi khác đi một chút… Trong làng cơ học, vẫn tồn tại những tạp chí chấp nhận đăng những bài na ná giống nhau kiểu như thế. Những trường hợp như thế không nhiều, nhưng vẫn tồn tại và hội đồng khoa học ngành chỉ còn cách tỉnh táo nắm được tình hình mới của các tạp chí ngành mình để không cho “lọt lưới” những công trình kém chất lượng. Tôi thấy may mắn là các hội đồng ngành đã được Quỹ trao cho tối đa quyền để lựa chọn và quyết định điều đó.

Bên cạnh vấn đề về chất lượng công bố, còn một vấn đề đáng nói khác: Trong khi ở nước ngoài, những ngành liên quan đến thực nghiệm có công bố rất nhiều, sau đó mới đến những lĩnh vực thiên về tính toán lý thuyết, thì ở Việt Nam lại ít có công bố quốc tế trong các lĩnh vực thực nghiệm bởi chúng thường bị hạn chế phát triển do cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Dĩ nhiên việc thay đổi thực trạng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhưng cũng có cách giải quyết trong tầm tay của Quỹ Nafosted. Ví dụ nếu có đề tài thực nghiệm, chỉ có 1, 2 công bố, không phải trên tạp chí thuộc top Q1 mà là SCIE thì vẫn có thể chấp nhận nghiệm thu.

Do đó, trong quá trình tài trợ, chúng ta nên quan tâm đến giải pháp để ưu tiên phát triển những lĩnh vực còn yếu trong mỗi ngành. Tôi biết hội đồng khoa học ngành Vật lý cũng bắt đầu có quy chế, tách phần tính toán lý thuyết khỏi phần thực nghiệm để xếp hạng xét tài trợ. ¨

Sau 10 năm, hàng trăm nhà nghiên cứu trong ngành cơ học đạt tiêu chuẩn về công bố trên tạp chí ISI 5 năm gần nhất – rất nhiều người là tác giả độc lập hoặc tác giả chính, trong khi trước đây chỉ có 21 người đạt tiêu chuẩn này. Từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi, hội đồng khoa học ngành bây giờ cũng có chất lượng khác hẳn với nhiều người là giáo sư, phó giáo sư chứ không còn gọi là “tiến sĩ trơn” nữa. Hầu hết những người nhận được tài trợ của Quỹ đều hoàn thành các đề tài, dù có người phải xin gia hạn thêm khoảng 1 năm. Đó là bước tiến rất lớn của ngành Cơ học.

Hoàng Nam ghi

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)