Cần chuyển hướng tới một đích đến cao hơn*
Với vinh dự được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ đối với việc nghiên cứu và công bố kết quả khoa học cơ bản ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dù có những bước tiến mang tính cách mạng nói trên, các công bố kết quả nghiên cứu cơ bản có tính đột phá và mang tầm quốc tế, các phát minh và sáng chế mới có tác động đáng kể tới khoa học và kinh tế xã hội ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần chuyển hướng tới một đích đến cao hơn, đó là tạo ra ngày càng nhiều những kết quả khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn và được công bố trong các tạp chí danh tiếng nhất.
Để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, cần một sự kết hợp đồng bộ những ý tưởng khoa học lớn với bản lĩnh và sự phấn đấu không ngừng của các nhà khoa học trong việc khắc phục những khó khăn hiện tại để theo đuổi những mục tiêu nghiên cứu lâu dài. Các đề án nghiên cứu lớn còn phụ thuộc vào các nhóm nghiên cứu mạnh với các thí nghiệm được tiến hành trong các phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu hiện đại nhất. Hơn thế nữa, các chương trình nghiên cứu cơ bản lớn thường kéo dài, đòi hỏi những khoản kinh phí không nhỏ cùng một chiến lược đầu tư phát triển nhất quán và kiên định. Đây chính là thách thức lón không chỉ đối với từng cá nhân tham gia nghiên cứu mà còn đối với các cơ quan quản lý và nhà tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
(Trích phát biểu tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu sáng 16/5)
* Tiêu đề do Tia Sáng đặt
Vài nét về tác giả:
PGS.TS Trần Thanh Hải (Trường ĐH Mỏ Địa chất) được trao giải Tạ Quang Bửu 2015 với công bố “The Tam Ky-Phuoc Son shear zone in Central Vietnam: tectonic and metallogenicimplications” (Bản chất đới trượt Tam Kỳ – Phước Sơn ở miền Trung Việt Nam: Ý nghĩa kiến tạo và sinh khoáng của nó). Công trình đã có phát hiện mới quan trọng về lịch sử tiến hóa kiến tạo của địa khối Đông Dương. Đây là vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Việc xác định được hoạt động magma-kiến tạo và tạo khoáng vàng xảy ra vào khoảng 400 triệu năm trước đã mở ra một cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu tiếp theo về các quá trình kiến tạo và sinh khoáng vàng khu vực Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng.
Công trình đã được đăng trên tạp chí Gondwana Research là tạp chí quốc tế có thứ hạng cao, có uy tín cao trong lĩnh vực địa chất.